Di sản văn hóa các DTTS với ngành công nghiệp không khói

07/11/2021

Với kho báu văn hóa truyền thống đặc sắc, quý giá của 54 dân tộc anh em, nước ta đang sở hữu một nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa chính là bảo tồn, phát huy sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Chợ tình Khâu Vai được xem là một trong những lễ hội độc đáo, thu hút lượng lớn khách du lịch đến Hà Giang. (Ảnh: vietnamtourism)

Chợ tình Khâu Vai được xem là một trong những lễ hội độc đáo, thu hút lượng lớn khách du lịch đến Hà Giang. (Ảnh: vietnamtourism)

Sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hoá vùng miền

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL về việc đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

 Với lịch sử hơn 100 năm hình thành, chợ tình Khâu Vai hàng năm là phiên chợ nổi tiếng ở Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27/3 âm lịch tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.

Những năm gần đây, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày.

Trong khuôn khổ lễ hội, Hà Giang đã xây dựng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm bản văn sắc dân tộc như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu duyên; Lễ cầu an; các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai, như: Thi leo cột chinh phục tình yêu; thi đánh yến; thi ném pao; tung còn giao duyên; thi bắn nỏ… 

Anh Lê Quang Khải, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Trước giờ tôi chỉ được nghe, được đọc về truyền thuyết Chợ tình. Nhưng lần đầu đến Hà Giang tham gia, tôi thật sự bất ngờ, bởi không khí lễ hội và các hoạt động mang đậm bản sắc người dân tộc Giáy, Tày, Nùng nơi đây. Chắc chắn tôi sẽ quay lại cùng gia đình, trải nghiệm văn hoá đặc sắc, cũng như tham quan, ngắm cảnh tại vùng cao nguyên đá Hà Giang này”.

Từ một lễ hội của vùng với ý nghĩa nhân văn dành cho những cặp đôi nam nữ đến ôn lại chuyện nghĩa cũ tình xưa, Chợ tình Khâu Vai nay đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang, tạo nên điểm nhấn của mình trên bản đồ du lịch. 

Tương tự, ở vùng Tây Nam bộ, từ một ngày Tết truyền thống của đồng bào Khmer, Chôl Chnăm Thmây, được xem là một trong những sự kiện du lịch nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi dịp Tết, khách du lịch từ khắp các vùng miền đổ về đây hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp và ghi lại cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.

Tết Chôl Chnăm Thmây càng trở nên náo nhiệt hơn, khi du khách cùng nam nữ thanh niên Khmer thỏa thích vui chơi ca hát các điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn... trải nghiệm ẩm thực, tham quan du lịch và thưởng thức các đặc sản của địa phương…

 Đây chính là cơ hội lan tỏa hình thức du lịch cộng đồng, bảo tồn và giới thiệu văn hóa Khmer đến với đông đảo du khách. Các lễ hội của người Khmer đang từng bước trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

Những ví dụ trên, là một chỉ dấu tích cực cho việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

 

Một hoạt động mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tại một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh trong năm 2019. Ảnh: Duy Quang

Hoạt động mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tại một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh trong năm 2019. Ảnh: Duy Quang

Biến di sản thành tài sản

Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.

Dự báo này chứng minh một thực tế rằng, du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới, được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo).

PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, du lịch lấy văn hóa làm nền tảng, còn văn hóa lấy du lịch làm động lực. Trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một loại “nguyên liệu” để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

Hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ tạo nên sự đa dạng về loại hình du lịch tại địa phương mà còn là cơ sở để bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đa dạng hóa bức tranh văn hóa 54 dân tộc mà còn là điều kiện, cơ hội tốt để kết hợp phát triển du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên thực tế, các hình thức du lịch tại vùng đồng bào DTTS, sẽ phải cạnh tranh mạnh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển. Tuy nhiên, chính những di sản văn hóa phi vật thể này có thể tạo ra dấu ấn, sự khác biệt, độc đáo. Đó cũng là nét thu hút đặc biệt, phân biệt vùng này với vùng miền kia.

Khi kết hợp với du lịch, di sản văn hóa thực sự trở thành tài sản đúng nghĩa. Những lợi ích thu được từ các hoạt động du lịch đó, sẽ chi phối trở lại các hoạt động của di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững; mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng cư dân - chủ nhân của các di sản văn hóa.

Trên thực tế, đã có những vùng đất như Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Mai Châu (Hòa Bình)... đã thay da đổi thịt nhờ vào phát triển du lịch gắn với việc khai thác, phát huy các di sản văn hóa. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay, du lịch gắn với di sản văn hóa của đồng bào các DTTS đang chiếm một phần quan trọng trong ngành Du lịch. 

Trong các di sản văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) cũng là một sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Những năm gần đây, nhiều hộ dân, thôn, bản đã tích cực gìn giữ, bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống để gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, tạo thêm nguồn thu nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch.

Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) luôn hấp dẫn khách du lịch khám phá, trải nghiệm. (Ảnh tư liệu)

Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) luôn hấp dẫn khách du lịch khám phá, trải nghiệm. (Ảnh tư liệu)

Kiến trúc nhà ở - Bản sắc riêng của từng dân tộc

Nằm sát Cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là nơi sinh sống của 140 hộ dân tộc Lô Lô. Với bản sắc văn hóa đặc trưng từ kiến trúc nhà trình tường, với mái ngói âm dương độc đáo, trang phục đẹp mắt và nghệ thuật ẩm thực đặc sắc; kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ… tất cả khiến Lô Lô Chải trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trưởng thôn Lô Lô Chải, anh Sình Dỉ Gai cho biết, Lô Lô Chải có 22 hộ mạnh dạn dùng căn nhà của gia đình cải tạo, nâng cấp để kinh doanh dịch vụ Homestay. Mỗi căn nhà Homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà.

“Người dân trong thôn luôn có ý thức gìn giữ nếp nhà truyền thống của dân tộc. Đặc biệt từ khi phát triển du lịch, nhiều hộ đã làm giàu từ kinh doanh dịch vụ Homestay. Ở trong thôn, có những ngôi nhà truyền thống đã hàng trăm năm tuổi, ngôi nhà cổ nhất thôn đã hơn 200 năm tuổi, chính là quán Café Cực Bắc và cũng là địa điểm ấn tượng đối với mỗi du khách khi đến Lô Lô Chải”, anh Gai nhấn mạnh.

Giao lưu văn nghệ với khách du lịch tại nếp nhà sàn truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Các buổi giao lưu văn nghệ với khách du lịch được tổ chức ngay tại nếp nhà sàn truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có 99% là người dân tộc Tày với 446 hộ. Hiện nay, toàn bộ người dân vẫn sinh sống trong nhà sàn truyền thống.

Ông Dương Công Chài, 1 trong 10 hộ dân kinh doanh dịch vụ Homestay cho biết, gia đình ông bắt đầu đón khách từ năm 2010 (thời điểm đó cả làng chỉ có 5 hộ làm Homestay). Theo ông Chài, vào những năm 2017, 2018 và 2019, gia đình ông đón trên 1.000 lượt khách, cho thu nhập từ dịch vụ nghỉ khoảng 80 - 90 triệu đồng, nếu tính cả dịch vụ ăn uống thì cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Khách du lịch yêu thích Quỳnh Sơn bởi ngoài khung cảnh thiên nhiên đẹp, còn bởi nơi đây giữ được những nếp nhà sàn truyền thống. Trong làng, ai cũng ý thức bảo tồn nhà sàn, riêng ngôi nhà sàn gia đình ông, đã có gần 100 năm tuổi, từ những năm 1939. Nhà sàn có nhiều đặc tính ưu điểm, mùa Hè cứ hết nắng thì mát và mùa Đông khi đóng cửa kín vào thì ấm. Và đặc biệt, chỉ cần cải tạo nhà sàn một chút, là có thể đón được khách du lịch, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Chài nhấn mạnh.

Anh Lê Quang Quyền, hướng dẫn viên du lịch chuyên tuyến Đông - Tây Bắc cho biết, những năm gần đây, khách du lịch có xu hướng tìm về các thôn, bản có sự độc đáo về bản sắc văn hóa, đặc biệt là các địa điểm giữ được kiến trúc nhà truyền thống khách sẵn sàng lưu lại.

"Khi có khách du lịch, đồng nghĩa với việc người dân có thêm nguồn thu từ chính ngôi nhà mà gia đình hằng ngày vẫn sử dụng; ngoài ra, khách du lịch còn có nhu cầu ăn uống, thưởng thức những tiết mục văn nghệ truyền thống, mua quà lưu niệm và các sản vật địa phương…", anh Quyền chia sẻ.

Bảo tồn và phát triển

Có thể dễ dàng nhận thấy, ở các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng thu hút được khách du lịch, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt. Những nơi này có một điểm chung là bảo tồn rất tốt kiến trúc nhà truyền thống. Điển hình như: Nghĩa Lộ (Yên Bái), bản Lác (Mai Châu), bản Mển (Điện Biên)… gắn liền với những nhà sàn người Thái; Bắc Sơn (Lạng Sơn), Ba Bể (Bắc Kạn)… gắn liền với nhà sàn người Tày; Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông tại xã Pả Vi, gắn liền với nhà trình tường của người Mông (Mèo Vạc, Hà Giang)

Nhiều trải nghiệm thú vị dưới nếp nhà truyền thống người Mông ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc (Hà Giang)

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc (Hà Giang), là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, nhờ những nếp nhà truyền thống và tổ chức được những trải nghiệm cho khách tham gia

Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều lợi ích kinh tế thu về từ những địa phương có nhiều sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, nhất là bảo tồn được kiến trúc nhà truyền thống. Minh chứng như ở Mai Châu (Hòa Bình).

Là một huyện vùng cao, hàng chục năm nay Mai Châu nổi tiếng với khung cảnh núi rừng thơ mộng và những nếp nhà sàn truyền thống độc đáo. Ngoài một số khách sạn, nhà nghỉ hiện đại, thì 103 nhà nghỉ cộng đồng tại các bản làng gắn với kiến trúc nhà sàn người Thái đang là điểm nhấn quan trọng về du lịch, giúp cho Mai Châu đón được lượng khách du lịch lớn hằng năm đến và lưu trú lại địa phương.

Năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), huyện đón 379.500 lượt, trong đó khách quốc tế là 166.500 lượt, khách nội địa là 213.000 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 263 tỷ đồng. Năm 2020, huyện đón 145.200 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 12.396 lượt, khách nội địa là 132.804 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 105,9 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng khách đến huyện Mai Châu ước tính đạt 267.301 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 623 lượt, khách nội địa là 266.678 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đến nay đạt 222 tỷ đồng.

Các nguyên liệu làm nhà sàn bằng gỗ ngày càng khan hiếm, nhiều hộ dân đã sử dụng các vật liệu như bê tông, cốt thép, mái tôn… để thay thế, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc của nhà truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Du khách bên một ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống bằng vật liệu mới

Mặc dù qua thời gian, nhiều ngôi nhà truyền thống dần bị xuống cấp do nắng, mưa, mối mọt… các nguyên liệu làm nhà bằng gỗ lại càng khan hiếm, nhiều hộ đã sử dụng các vật liệu như bê tông, cốt thép, mái tôn… để thay thế. Song, không vì thế mà cấu trúc những ngôi nhà truyền thống bị mất đi, mà nó thể hiện sự sáng tạo của đồng bào các DTTS để bắt nhịp với điều kiện cuộc sống mới.

Để nâng cao hiệu quả của việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển kinh tế từ du lịch,  Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư,  trong đó có bảo tồn nhà truyền thống. Theo đó, các địa phương, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ bằng tiền cho các hộ gia đình sửa chữa nhà truyền thống để kinh doanh điểm lưu trú cho khách du lịch, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho các hộ, làng bản…

Như, ở tỉnh Yên Bái, mỗi hộ đăng ký kinh doanh điểm lưu trú cho khách du lịch được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà sàn truyền thống. Tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn  (Lạng Sơn), những hộ gia đình kinh doanh điểm lưu trú được hỗ trợ 9 triệu đồng.

Có thể nói rằng, kiến trúc nhà truyền thống chính là biểu tượng văn hóa của mỗi dân tộc. Để nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, thích ứng với xu thế phát triển của xã hội, đồng bào đã  biến những ngôi nhà truyền thống, trở thành một thế mạnh để phát triển kinh tế là hướng đi đầy triển vọng .

Theo baodantoc.vn

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068