26/12/2023
Ngày 26/12/2023 tại Trung tâm tổ chức Hội nghị và sự kiện Sen Vàng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo "Lao động người dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai - Thực trạng và giải pháp".
Chủ trì hội thảo Ông Nguyễn Sơn Hùng – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chủ trì có GS.TS Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc, Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Chủ trì điều hành Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ông Nguyễn Sơn Hùng – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 35 khu công nghiệp trong đó có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh có trên 41.200 tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đang hoạt động thu hút khoảng 945.423 lao động, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, phía Bắc. Với số lượng doanh nghiệp nhiều và cơ cấu ngành nghề đa dạng, phong phú, nhiều chính sách ưu đãi hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn cho người lao động tạo điều kiện thu hút dòng lao động di cư từ các tỉnh khác đến địa bàn tỉnh Đồng Nai làm việc và sinh sống. Lao động người dân tộc thiểu số tạm trú ở trọ tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp như: thành phố Biên Hòa (khu công nghiệp Biên Hòa, Tam Phước, Long Bình); huyện Vĩnh Cửu (cụm công nghiệp Vĩnh Cửu), Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch …
Với mục đích và ý nghĩa của Hội thảo “Lao động người dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai – Thực trạng và giải pháp" là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta trên cơ sở thực hiện nguyên tắc: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển để hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng – Phát biểu đề dẫn Hội thảo
Sau phần phát biểu đề dẫn của đồng chí Phó Chủ tịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và địa phương đã trình bày 19 tham luận và ý kiến của các chuyên gia dự Hội thảo. Qua đó đã đánh giá thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự đốivới vấn đề lao động người dân tộc thiểu số di cư đến tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, chỉ ra những thách thức và thời cơ dưới góc nhìn khoa học để đưa ra các khuyến nghị nhằm nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với lao động người dân tộc thiểu số di cư đến tỉnh Đồng Nai.
Giám đốc Học viện Dân tộc GS.TS Trần Trung phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo GS. TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc, đánh giá cao việc tỉnh Đồng Nai đã sớm nhận diện vấn đề di cư của lực lượng lao động dân tộc thiểu số và tổ chức thành hội thảo để tham vấn các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhằm đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những thách thức để tìm ra những giải pháp phù hợp, nghiên cứu thành cơ chế chính sách thu hút lực lượng lao động di cư người dân tộc số có chất lượng cao về Đồng Nai sinh sống và lập nghiệp. Từ Hội thảo của tỉnh Đồng Nai có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước để đánh giá thực trạng, rà soát cơ chế chính sách tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm tạo sinh kế cho đồng bào, phát huy nguồn nhân lực, ổn định đời sống, an ninh trật tự ở các địa phương.
Chủ trì Hội thảo chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại Hội thảo
Bế mạc Hội thảo Ông Nguyễn Sơn Hùng –TUV – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, tập hợp, đoàn kết đồng bào, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đối với lao động di cư là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giao nhiệm vụ cho Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định nội dung cần nghiên cứu, tham mưu chính sách cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phù hợp với đặc điểm các dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai, trong đó chú trọng đảm bảo các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội..; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện/thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các cấp, ngành giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương./.
Theo https://baodongnai.com.vn/