Biến đổi văn hóa truyền thống tộc người vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta trong bối cảnh hội nhập

10/04/2022

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

                Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng, Học viện Dân tộc

 1. Đặt vấn đề

Văn hóa luôn có tính bản sắc nên khó thay đổi, bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị tiêu biểu, bền vững, phản ánh sức sống của từng dân tộc, thể hiện tập trung ở truyền thống văn hóa. Theo GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: “Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và được cố định hóa dưới dạng những phong tục tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…”, nhưng biến đổi xã hội luôn gắn liền với quá trình biến đổi văn hóa. Biến đổi văn hóa tộc người là sự thay đổi trong những giá trị vật chất và tinh thần, những quan hệ xã hội của một tộc người, phản ánh những thay đổi về nhận thức, tâm lý, tình cảm, tập quán riêng biệt của tộc người đó. Trong dòng chảy tự nhiên của đời sống, các đặc trưng văn hóa luôn biến đổi vì văn hóa không phải là phạm trù đứng im mà nó luôn vận động. Những hằng số văn hóa là những đại lượng không đổi, nhưng các thành tố văn hóa thì luôn biến đổi. Hội nhập quốc tế là xu thế khách quan của thời đại, là kết quả tất yếu của quá trình vận động phát triển của lịch sử - xã hội. Những năm gần đây, hội nhập quốc tế đang diễn ra như một cơn lốc cuốn hút tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác không thể đứng ngoài dòng chảy này. Hội nhập quốc tế có tác động rất lớn đến quá trình phát triển mọi mặt của đất nước nói chung, đến bản sắc văn hoá dân tộc nói riêng. Sự biến đổi văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng quyết liệt và nó phù hợp với quy luật của cuộc sống, của sự giao thoa văn hóa tồn tại phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong đó, những yếu tố đặc trưng cốt lõi của mỗi dân tộc vẫn được giữ lại, duy trì và phát huy, làm nên những sắc thái văn hóa độc đáo không trộn lẫn với dân tộc khác. Trong thực tiễn, nếu bản sắc văn hóa tộc người bị mai một, ý thức tộc người mất dần, thì bản thân tộc người cũng sẽ tàn lụi và thậm chí không còn tên gọi; nói cách khác, nếu dân tộc nào tự đánh mất những sắc thái văn hóa mang tính bản sắc thì cũng chính là đánh mất mình. Vì vậy, nghiên cứu những yếu tố tác động đến biến đổi văn hóa truyền thống tộc người vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Cũng như các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới, ở nước ta, các dân tộc thiểu số đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Với một nền văn hóa hết sức đặc sắc, trong quá trình hội nhập, văn hóa dân tộc thiểu số không chỉ thu nhận mà còn phát huy và biến đổi. Đó chính là xu thế, đồng thời là môi trường, điều kiện để văn hóa tộc người phát huy; cũng là tác nhân gây ra những biến đổi đối với các giá trị văn hóa tộc người khi tiếp cận, giao thoa, tiếp biến với văn hóa quốc gia và quốc tế. Cùng với việc tiếp biến những giá trị tốt đẹp, các dân tộc thiểu số cũng đang tiếp nhận những nhân tố mới làm cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, pha trộn, lai căng, không còn giữ được bản sắc. Vậy những yếu tố nào đã tác động đến sự biến đổi văn hóa truyền thống tộc người hiện nay?

2. Nội dung nghiên cứu

Thứ nhất, thể chế quản lý Nhà nước, chính sách, dự án, chương trình

Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát triển miền núi, thực hiện chính sách bình đẳng về mọi mặt kể cả về kinh tế, chính trị, đảm bảo công bằng trong thu nhập của người dân, từng bước rút ngắn sự chênh lệch khoảng cách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các địa phương quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa, từ Trung tâm văn hóa cấp tỉnh quy mô lớn, nhà văn hóa cấp huyện, xã, phường, thôn, bản đến nhà sinh hoạt cộng đồng (buôn, bon, ấp, làng)… đã tạo môi trường thuận lợi cho văn hóa dân tộc phát triển, góp phần nâng cao một bước đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS. Hơn nữa, trình độ dân trí được nâng cao; nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ được hình thành và phát triển; tạo điều kiện cho người dân, với tư cách là chủ thể văn hóa, tiếp nhận, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Mặt khác, nhu cầu hưởng thụ các giá trị, thành quả văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên đáng kể. Các tỉnh quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua phong trào xây dựng bản (buôn, ấp, làng) văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, kế thừa có chọn lọc những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, hình thành nếp sống văn minh.

Tuy nhiên, do nhận thức không đầy đủ về tính hai mặt của truyền thống, không phân tách được đâu là mặt tích cực, đâu là mặt tiêu cực nên đã khôi phục một cách tràn lan thiếu kiểm soát. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ chuyên môn ở cơ sở, trong nhận thức và giải quyết công việc còn lúng túng, do không được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành về văn hóa dân tộc nên còn hạn chế trong kiến thức về mảng này. Do đó, chưa có những cách làm hiệu quả, còn thụ động trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Vì thế, những hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa bên cạnh sự mai một, mất mát nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp ở vùng thành phố, thị trấn và các vùng giáp ranh hay một số giá trị văn hóa truyền thống bị biến dạng, lai tạp mà chưa có sự định hướng đúng đắn của các cơ quan chuyên môn tại cơ sở.

Thứ hai, đặc điểm cư trú, di cư, chuyển cư của cộng đồng

Trong thời gian qua, không gian sinh tồn của các tộc người DTTS ngày càng bị thu hẹp, môi trường văn hóa suy giảm với tốc độ nhanh. Rừng ngày càng giảm là do tăng dân số, do di dân, yêu cầu phát triển kinh tế. Rừng bị mất, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, mà còn phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống, làm đứt gãy truyền thống văn hóa các DTTS. Đồng thời, quá trình chuyển dịch dân cư, cư trú đan xen ngày càng trở nên phổ biến làm hình thành các cộng đồng dân cư hỗn hợp nhiều dân tộc. Những biến đổi về môi trường và dịch bệnh cũng dẫn đến những phương thức sống và quan hệ xã hội mới. Thực tế này dẫn đến quá trình hòa trộn, đan xen giữa các xu hướng trong giao thoa văn hóa, tiếp biến văn hóa, điều chỉnh và bảo lưu văn hóa giữa các tộc người. Bởi vì, một cộng đồng có số dân đông hơn và kinh tế phát triển hơn sẽ chiếm ưu thế trội, ảnh hưởng đến văn hóa các cộng đồng còn lại. Sự hòa trộn đó tạo nên một bức tranh đa sắc màu. Một bộ phận trẻ thoát ly ra khỏi cộng đồng dân tộc do đi làm ăn hoặc học tập thì có tâm lí tự ti về văn hóa của dân tộc mình trước dân tộc Kinh vì họ cho rằng văn hóa của DTTS là lạc hậu, cổ hủ. Vì vậy, họ thường che dấu, không dám thể hiện ra, dần dần lãng quên và học tập theo văn hóa của người Kinh một cách hoàn toàn. Chính sự nhận thức chưa đầy đủ đó, cũng như chưa thực sự nhận thức hết được cái hay, cái đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên một bộ phận đồng bào có thái độ “cổ súy” cho cái mới mà thờ ơ, quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thứ ba, chuyển đổi tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những nhân tố tác động đến biến đổi văn hóa tộc người.

Một bộ phận rất lớn đồng bào DTTS nơi đây đã chuyển đổi tôn giáo, tín ngưỡng, từ bỏ tín ngưỡng truyền thống đã làm thay đổi đời sống văn hóa của họ. Nhất là từ khi Tin lành xâm nhập cũng giảm thiểu yếu tố truyền thống lạc hậu, bước đầu hình thành cộng đồng theo lối sống mới. Do tác động của niềm tin tôn giáo, tín đồ Tin lành từ bỏ một số tệ nạn xã hội, những hủ tục. Cùng với đó,  đồng bào thay đổi cách thức tổ chức cuộc sống, làm ăn, thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, đạo Tin lành đã đem tới cho cộng đồng này một lối sống khác biệt với truyền thống và bước đầu phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống, tạo sự xung đột văn hóa giữa bộ phận người theo và không theo Tin lành. Người theo đạo Tin Lành từ bỏ việc thờ cúng tổ tiên cùng các thần ma; đi liền là các nghi thức văn hóa tín ngưỡng, tập tục có liên quan.

Thứ tư, hội nhập kinh tế, văn hóa và toàn cầu hóa là nhân tố tác động đến văn hóa tộc người

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đem đến nhiều giá trị mới nhưng cũng kéo theo những hiện tượng phản văn hóa, phản tiến bộ khiến cho đồng bào các DTTS vốn trình độ dân trí không cao, đã tiếp thu một cách thiếu chọn lọc, kể cả những yếu tố trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc mình nên đã tạo ra sự lai căng, mất gốc. Giới trẻ người DTTS đã có sự thay đổi lớn từ bên trong (nhận thức, tư duy, lối sống, cách ứng xử) cho đến những biểu hiện bên ngoài (trang phục, ngoại hình). Trai gái mặc váy ngắn, quần soóc, nhuộm tóc, xăm mình, ăn mặc lố lăng, cung cách giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa đã xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ người DTTS. Những biểu hiện của sự lệch lạc trong tư duy, trong lối sống của một bộ phận giới trẻ người DTTS miền núi phía Bắc là do họ tiếp nhận một cách ồ ạt thiếu chọn lọc những luồng văn hóa ngoại lai, phản tiến bộ, du nhập trong quá trình hội nhập.

Thứ năm, sự phát triển kinh tế thị trường đã tác động đến sự biến đổi của văn hóa tộc người.

Sự phát triển kinh tế và giao lưu kinh tế, thương mại là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các yếu tố văn hóa cổ truyền chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Thông qua cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã nâng cao ý thức, nếp sống văn hóa. Sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường như bàn tay vô hình làm đảo lộn nhiều giá trị, chuẩn mực truyền thống, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang tính bản sắc của đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc bị biến dạng, mai một. Để có tiền, có lợi nhuận cao, họ chấp nhận mọi cách làm ăn phi pháp: buôn lậu, buôn thuốc phiện, làm hàng chất lượng kém...

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đang tạo ra những sản phẩm mới hiện đại, làm cho đồng bào choáng ngợp trước tính hữu dụng cao của những sản phẩm mới, từ đó họ cho rằng những cái thuộc về truyền thống là lạc hậu nên cần bỏ qua. Hoặc do tư tưởng cho rằng hiện đại hóa là làm cho cái truyền thống được hiện đại nên các sản phẩm văn hóa như vải thổ cẩm, trang phục dân tộc đã bị hiện đại hóa, cách tân… làm mất đi sự đa dạng, phong phú mang đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc. Ngoài ra, những ngành nghề thủ công đang có xu hướng bị thu hẹp lại, thậm chí mất chỗ đứng do những sản phẩm công nghiệp đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá rẻ hơn xuất hiện tràn lan trên thị trường. 

Thứ sáu, sự phát triển công nghệ, giao lưu, hợp tác...

Hiện nay, yếu tố kỹ thuật mới - kỹ thuật công nghiệp hiện đại được ứng dụng vào sản xuất để tìm ra lương thực, thực phẩm và các thứ hàng tiêu dùng khác. Đây là sự lựa chọn, tiếp nhận nhân tố văn hóa mới của đồng bào các dân tộc theo tập quán cùng khiếu thẩm mỹ của họ. Kỹ thuật làm ra các sản phẩm cho tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với mọi thời đại, là một bộ phận của lực lượng sản xuất thời hiện đại, đó cũng là yếu tố năng động nhất trong quy trình sản xuất. Chính vì vậy, kỹ thuật sản xuất luôn in đậm dấu ấn vào thời đại. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được phát triển trên cơ sở của kỹ thuật sản xuất thủ công nghiệp. Những công cụ sản xuất cơ bản như chiếc cày, bừa, cuốc, thuổng, hay con dao, cái rìu, búa, bào, đục và cưa… là các công cụ sản xuất quan trọng của đồng bào đều được làm ra từ phương pháp thủ công. Đồng bào lại dùng các công cụ lao động đó để sản xuất ra của cải vật chất như làm ra lúa, ngô, khoai sắn… làm ra các loại bầu bí, đậu đỗ, thịt cá, làm ra nhà ở, quần áo mặc… Việc sản xuất này hoàn toàn dựa trên cơ sở bàn tay khéo léo và sức cơ bắp của chính con người. Ngày nay trước sức ép của sự phát triển kinh tế, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc đã có tác động mạnh mẽ tới văn hóa tộc người. Tình trạng dân di cư từ các vùng khác đến đem theo những phong tục, tập quán khác cũng đã tạo nên sự xáo trộn, sự hòa nhập về văn hóa - xã hội. Trong điều kiện thông tin cập nhật nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng đa dạng như hiện nay, họ bị ảnh hưởng bởi xu thế thẩm mỹ thời đại là lẽ đương nhiên. Trước xu thế giao lưu và hội nhập, một bộ phận giới trẻ thiếu tự tin, thiếu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Các phương tiện truyền thông xã hội, mạng viễn thông, internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thể chế chính trị, an ninh quốc gia, an ninh văn hóa, an ninh con người ... 

Xu hướng giao lưu, làm ăn, sinh sống ngày càng đông của các dân tộc, mức độ cư trú xen kẽ vốn có từ xưa nay càng thể hiện rõ nét hơn ở vùng dân tộc thiểu số, việc phân bố này, làm cho các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, văn hóa của một bộ phận người Kinh ngày càng tác động mạnh mẽ vào sự đổi thay trong các hoạt động đời sống của các dân tộc anh em. Quá trình này đã tạo ra sự chia sẻ không gian sinh tồn, làm cho không gian văn hóa có nguy cơ bị tàn phá. Chính điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới nguy cơ bị phá vỡ của văn hóa thung lũng, mô hình văn hóa là xuất phát điểm cho sự hình thành các giá trị văn hóa khác của tộc người này. Một số yếu tố văn hoá của người Việt và các dân tộc anh em khác phù hợp với nhu cầu văn hoá của người của các DTTS nên được họ dễ tiếp thu nhất là văn hóa sản xuất, văn hóa ẩm thực… Bên cạnh những nét văn hóa, giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của các tộc người tiếp thu cả những nét văn hóa không tiến bộ, nhất là ở lĩnh vực văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại...). Trong giao lưu văn hoá, người Kinh, văn hoá Kinh thực sự là cầu nối văn hoá các tộc người thiểu số tiếp xúc với các giá trị văn hoá hiện đại của nhân loại. Đặc biệt, hiện nay, khi mà không gian văn hóa của các dân tộc ngày càng được mở rộng, thì sự giao lưu, hội nhập giữa các quốc gia, các dân tộc cũng không ngừng được mở rộng và tăng cường. Các giá trị văn hóa của nhân loại được truyền tải qua các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin đã phần nào đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nhưng cũng gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Kết luận

Sự biến đổi văn hóa, lối sống diễn ra do nhiều tác động khác nhau trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Các cộng đồng, dân tộc, nền văn hóa xích lại gần nhau hơn. Trong mỗi cộng đồng, văn hóa, lối sống của cá nhân chịu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự đan xen này trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở thành nhiệm vụ không dễ dàng của mọi quốc gia, dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại mang những nét văn hóa đặc sắc riêng. Do vị trí địa lý đặc biệt, sự giao lưu văn hóa của Việt Nam diễn ra phong phú, mạnh mẽ từ hàng nghìn năm trước. Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn hóa, lối sống con người Việt Nam tiếp tục có những biến đổi. Tuy nhiênđó không chỉ là sự biến đổi do tiếp biến từ các nền văn hóa khác, mà phức tạp hơn là sự tự biến đổi ngay từ bên trong nội tại nền văn hóa theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực khi nó đi lệch các giá trị văn hóa chuẩn mực. Vì vậy, trong thời gian tới để hạn chế những giá trị văn hóa bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta cần có những chủ trương, chính sách phù hợp với từng tộc người, từng địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các tộc người ở nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ban Chỉ đạo Tây Bắc (2017), Báo cáo về quan hệ dân tộc, xu hướng biến đổi và tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở vùng Tây Bắc.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5, khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Bùi Thị Ngọc Lan, Nghiêm Sỹ Liêm (2020), Quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Tạp chí Chính trị và truyền thông, số 8/2020.

4. Lê Văn Lợi (2017), Báo cáo tổng quan Dự án điều tra cơ bản năm 2016-2017: Điều tra, khảo sát sự biến đổi về văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi gia nhập đạo Tin lành ở Tây Bắc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

5. Viện dân tộc học (2017), Những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc, tộc người ở nước ta hiện nay: Lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia năm 2016, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội.

 

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068