20/06/2022
Lê Thanh Bình
Học viện Dân tộc
1. Đặt vấn đề
Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), ngày 05-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được coi là một cuộc vận động cách mạng to lớn, quan trọng, làm biến đổi sâu sắc, toàn diện nông thôn nước ta, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực của đồng bào, chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những thay đổi rõ rệt. Thực tiễn quá trình này luôn chịu tác động đan xen của nhiều yếu tố, trong đó bản sắc văn hóa và con người nơi đây có giá trị to lớn, đã tác động toàn diện đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số nét khái quát về bản sắc văn hóa và con người vùng DTTS và miền núi
Khi nói đến bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam tức là nói đến những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc Việt Nam được biểu hiện qua đời sống hiện tại của con người Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực (văn học nghệ thuật, sân khấu, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, giáo dục, quân sự, ngoại giao, kinh tế, sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hàng ngày của con người Việt Nam…). Bản sắc văn hoá các DTTS là hệ thống các giá trị văn hoá đặc trưng tiêu biểu phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh riêng của mỗi dân tộc thiểu số, được hun đúc, bổ sung và toả sáng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc tạo sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác. Đó là tài sản vô giá của đồng bào, góp phần làm giàu nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Suốt quá trình sinh tồn, các dân tộc thiểu số đã hình thành, phát triển nên những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, phản ảnh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng DTTS trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển. Những con người sống hài hòa với tự nhiên, giàu lòng yêu nước, luôn kiên cường bất khuất, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, yêu thương, thật thà, chất phát với một tâm hồn phong phú đã sáng tạo và phát triển nên những nét văn hóa độc đáo, riêng có. Văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng một mặt là sản phẩm của con người trong suốt quá trình tồn tại và phát triển; mặt khác, luôn tác động toàn diện, sâu sắc đến mọi hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng của con người. Văn hóa và con người luôn hòa quyện vào nhau tạo nên sắc thái riêng của một vùng đất. Đồng thời, cũng chính những con người đó đã và đang khẳng định vai trò chủ thể quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn dân tộc và miền núi.
2.2. Phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tiếp đó, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), bao gồm 19 tiêu chí thuộc 5 nhóm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch, nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm văn hóa - xã hội và môi trường, nhóm hệ thống chính trị. Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là: "Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Chương trình xây dựng NTM đã nhanh chóng trở thành một cuộc vận động cách mạng to lớn, được nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân nông thôn tích cực đón nhận và tin tưởng.
Thực tế sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mô hình NTM dần dần được hình thành, sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư; tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, trình độ dân trí được nâng lên, một số hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm đúng mức…Diện mạo nông thôn ở các vùng đặc biệt khó khăn đang dần dần được thay đổi.
Tính đến tháng 8/2018, trong tổng số 4.719 xã thuộc vùng DTTS&MN (quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg) có 1.052 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%; Bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã, tăng 0.08 tiêu chí so với cuối năm 2017, bình quân 51 tỉnh vùng DTTS&MN đạt 13,66 tiêu chí/xã, tuy nhiên còn nhiều tỉnh bình quân chỉ đạt dưới 10 tiêu chí/xã như Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn; còn 103 xã dưới 5 tiêu chí (trong đó có 97 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135), giảm 10 xã so với cuối năm 2017. Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (trong đó có 27 đơn vị cấp huyện thuộc vùng dân tộc thiếu số và miền núi), tăng 10 huyện so với cuối năm 2017. Trong tổng số 2.139 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 mới có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mói. Đối với các tỉnh có dân số DTTS lớn hơn 30% (gồm 16 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kan, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Hoà Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Trăng, Đăk Lăk, Trà Vinh), tổng số xã vùng DTTS&MN của 16 tỉnh là 2.236 xã, tỷ lệ xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới của 16 tỉnh rất thấp, chỉ đạt 14,62% với 327 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cá biệt một số tỉnh có tỷ lệ xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới dưới 10% như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Đắc Nông, Tây Ninh, Bạc Liêu.[1]
2.3. Những giá trị của bản sắc văn hóa, con người vùng DTTS&MN tác động tới định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới hiện nay
Bản sắc văn hóa và con người vùng DTTS&MN mang nhiều giá trị to lớn, tác động toàn diện, sâu sắc đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó được biểu hiện trên một số giá trị chủ yếu là:
Một là, giá trị của bản sắc văn hóa và con người là điểm xuất phát, là nền tảng cơ sở để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM.
Những giá trị bền vững của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần tạo cơ sở nền tảng cho việc xây dựng các chủ trương chính, sách phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Bất kể một chủ trương, giải pháp ngắn hạn hay dài hạn nhằm phát triển kinh tế - xã hội cũng phải dựa trên cơ sở hiện thực của nó, mà trực tiếp nhất là phải xuất phát từ phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, các chuẩn mực giá trị văn hóa cộng đồng... Trên cơ sở điều kiện cụ thể ở vùng DTTS&MN nhất là giá trị văn hóa tộc người và nhân tố con người để xây dựng đường lối chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đặc biệt, ở các địa phương DTTS&MN đã căn cứ vào đặc điểm tộc người, chủ yếu là bản sắc văn hóa và phẩm chất, năng lực của nhân lực dân tộc thiểu số để đưa ra các quyết sách xây dựng NTM, cũng như xác định các tiêu chí, giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ ở chỗ các địa phương vùng DTTS luôn xác định các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”. Nhiều địa phương đã hình thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các chủ trương xây dựng NTM gắn với bảo tồn văn hóa các DTTS và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình phát triển du lịch cộng đồng được chuyển đổi từ giá trị văn hóa cộng đồng. Các địa phương đã lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các DTTS để thu hút khách du lịch, bảo tồn văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, những giá trị của bản sắc văn hóa và con người là nguồn lực nội sinh để Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM.
Giá trị của bản sắc văn hóa và con người chính là nội sinh to lớn để Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương định hướng phát triển kinh tế xã hội trong xây dựng NTM. Văn hóa, con người là nguồn lực quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng NTM nói riêng. Nguồn lực này trước hết được biểu hiện ở nguồn lực con người (nguồn lực nội thể hóa) là năng lực tinh thần của chủ thể bao gồm: Tri thức, trí tuệ, năng lực, kỹ năng, đạo đức, ý chí... kết tinh trong mỗi con người và chất lượng sống, sự hài lòng, hạnh phúc làm nên động lực tinh thần của con người trong hoạt động kinh tế và đời sống của họ. Đó cũng là nguồn lực quan hệ xã hội - văn hóa được thể chế hóa thành những quy tắc, luật lệ, nguyên tắc ứng xử tạo thành môi trường văn hóa của hoạt động kinh tế, bao gồm: Quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, cá nhân với cá nhân, con người với môi trường tự nhiên được văn hóa hóa, thẩm mỹ hóa. Đặc biệt, nguồn lực này được kết tinh ở sản phẩm văn hóa, được vật thể hóa thành các sản phẩm vật chất chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm: Di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chứa đựng các truyền thống, thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật, uy tín, thương hiệu... Trên cơ sở đó, các địa phương đã đề ra chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm phát huy mọi nguồn lực của địa phương, trong đó tập trung khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa và các nguồn lực vốn có của con người để xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều địa phương đã xác định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm lực sẵn có, như mô hình phát triển du lịch cộng đồng được chuyển đổi từ giá trị văn hóa cộng đồng. Các địa phương đã lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các DTTS để thu hút khách du lịch, bảo tồn văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay đã hình thành và phát triển ở nhiều nơi. Tại Sapa thông qua việc tăng cường năng lực đón tiếp khách cho các hộ homestay, kết hợp với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống. Mô hình bảo tồn làng văn hóa bản Quyên của người Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên) gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa của người Tày trong khu sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) là một thí dụ hết sức điển hình cho sự gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế xã hội. Trong 30 ngôi nhà sàn cổ, hơn 100 người là vợ chồng, con cái bà con dân tộc được mời hoặc tự nguyện về làng vừa cấy cày, trồng rau, nuôi cá vừa làm du lịch, đã thu hút du khách bởi chính nếp sinh hoạt truyền thống họ đang gìn giữ[3].
Cùng với đó, mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch đã giúp đồng bào nâng cao thu nhập. Hiện nay, nước ta có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhiều nơi đã bảo tồn, phát triển một số nghề truyền thống của dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch như: Nghề làm giấy dó, nấu rượu đao của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Mường, thu hút khách đến các làng bản DTTS để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống. Các vùng miền trong cả nước đã tổ chức ngày Hội văn hoá các dân tộc, trưng bày triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tổ chức liên hoan trình diễn trang phục, một số nơi tổ chức thi dệt thổ cẩm, xuất bản một số ấn phẩm giới thiệu về nghề và sản phẩm truyền thống của các dân tộc... nhiều hàng thủ công đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước và được nhiều người ưa chuộng.
Đặc biệt, nhiều tri thức bản địa của đồng bào đã và đang phát huy giá trị trong sản xuất và đời sống. Một số kinh nghiệm của đồng bào đang được sử dụng trong hoạt động sinh kế như: Tri thức trong nghề thủ công (lựa chọn nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến bảo quản sản phẩm...); tri thức trong trồng trọt (hệ thống nông lịch, ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, kỹ thuật đa canh, xen canh…); kinh nghiệm phòng chống thiên tai... đã mang lại hiệu quả trong cuộc sống hiện đại. Những năm gần đây, tri thức địa phương đối với canh tác nông nghiệp đất dốc ở vùng cao, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên; khai thác quản lý đất, rừng, nước và kinh nghiệm thích ứng của cư dân trước những biến đổi khí hậu được sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Nhất là tri thức y học dân gian vốn khá phong phú và đa dạng đang được khai thác, sử dụng trong đời sống các dân tộc. Có thể thấy rõ điều đó thông qua kinh nghiệm chữa bệnh của các dân tộc Dao, Thái, Mường, Hmông, Ê đê, Gia rai và nhiều dân tộc khác, trực tiếp góp phần khai thác phong tục tập quán trong bảo vệ môi trường, quản lý làng bản, xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS.
Ba là, giá trị của bản sắc văn hóa và con người là hệ điều tiết đối với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM.
Khi bản sắc văn hóa và sức mạnh của con người được thẩm thấu, thâm nhập và phát huy trong đời sống hiện thực, thật sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, thì chính những giá trị tốt đẹp ấy lại trở thành hệ quy chiếu để điều chỉnh quá trình xây dựng NTM nói chung, định hướng phát triển kinh tế xã hội nói riêng. Trên thực tế, giá trị văn hóa và sức mạnh con người vùng DTTS và miền núi đã trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, việc gắn kết các mô hình phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn văn hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống; thu nhập cho cộng đồng và thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ khác ở địa phương phát triển. Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào trên địa bàn và các địa phương vùng lân cận. Các ngành nghề trở nên đa dạng, sử dụng lao động địa phương và lao động chuyên môn, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động dư thừa. Từ việc giải quyết nguồn lao động dư thừa các mô hình nghề góp phần làm thay đổi cơ cấu, nâng cao trình độ lao động. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế được dòng di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị, ổn định xã hội đảm bảo cho phát triển bền vững. Với nhiều mô hình phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại đã vừa bảo tồn văn hóa tộc người, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở vùng DTTS đã có sự chuyển biến tích cực trong những năm qua.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ nhiều khó khăn hạn chế, nhất là về công tác quy hoạch. Quy hoạch nông thôn mới là một vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và phải mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu chí của chương trình nông thôn mới ở vùng DTTS đã không thực hiện được do chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc biệt là bản sắc văn hóa của từng địa phương khác nhau. Do đó, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ta đã bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia theo hướng mở: Trung ương xây dựng khung tiêu chí, địa phương xác định nội hàm tiêu chí, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa giữa các vùng miền. Đặc biệt là phù hợp với bản sắc văn hóa các tộc người.
3. Đề xuất một số giải pháp phát huy giá trị của bản sắc văn hóa và con người vùng đồng bào DTTS&MN tới định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới
Một là, đầu tư nghiên cứu hệ thống, toàn diện, sâu sắc về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học cho việc xây dựng chủ trương phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM ở vùng DTTS&MN. Xây dựng NTM, trước hết người thực hiện chủ lực phải là nông dân, đối tượng thực hiện cũng phải do người nông dân chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai trên thực tế. Do vậy, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS&MN, rất cần thiết phải nghiên cứu đến đặc điểm tâm lý, nhận thức của đồng bào trong xây dựng NTM và những trở ngại của nó trong quá trình triển khai, thực hiện các tiêu chí của NTM.
Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm văn hóa vùng DTTS là đa dạng, nên cần nghiên cứu một cách có hệ thống hóa về văn hóa của mỗi dân tộc, làm rõ từng giá trị văn hóa của từng tộc người, trên cơ sở đó lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng bản sắc văn hóa. Đồng thời lựa chọn những tiêu chí phù hợp về phát triển kinh tế - xã hội với từng tộc người. Chẳng hạn như: Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, thu nhập của người dân nông thôn giai đoạn 2013-2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, nên năng suất thấp. Đặc điểm rõ nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các DTTS là cuộc sống tự cung tự cấp. Gắn bó với môi trường thiên nhiên, con người chấp nhận những gì điều kiện tự nhiên “ban cho” và cố gắng thích nghi với những gì trong khả năng cho phép. Do vậy, tâm lý sản xuất “nhờ trời” khá phổ biến ở nhiều đồng bào. Điển hình như, tại Cao Bằng hiện toàn tỉnh Cao Bằng đạt trung bình 11,5 triệu đồng/người/năm. Trong 177 xã của tỉnh, chỉ có 16 xã đạt yêu cầu về tiêu chí thu nhập. Trong khi Bộ tiêu chí về phát triển kinh tế trong xây dựng NTM lại cao hơn so với thực tế đạt được ở các địa phương. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cụ thể để có cơ sở phục vụ công tác xây dựng NTM ở các vùng DTTS&MN nước ta.
Hai là, chú trọng phát huy nội lực của vùng DTTS&MN trong xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, chủ thể văn hóa, gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Đăng Nhật: “Toàn bộ kho tàng khổng lồ văn hóa các DTTS vốn sống trong môi trường cộng đồng; được sinh thành, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường này, phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Phải trả nó về cộng đồng, công chúng để họ giữ gìn và phát triển trong môi trường gốc”[4]. Khi chủ thể văn hóa được phát huy thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động văn hóa tộc người có sức sống mãnh liệt. Vì vậy, các hoạt động văn hóa cần đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào. Đồng thời với bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào, cần khuyến khích và phát huy vai trò của đồng bào trong bảo vệ không gian văn hóa nhất là bảo vệ các vùng chè, danh lam, thắng cảnh có liên quan, các làng nghề, khu du lịch sinh thái... bảo đảm sự phát triển bền vững, tránh làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM phù hợp với điều kiện cụ thể vùng DTTS.
Cần tiếp tục đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới. Chủ động rà soát, xây dựng khung kế hoạch và lộ trình thực hiện theo từng tiêu chí, phù hợp với thực tiễn của từng xã, thôn; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức phụ trách đã tạo nên sự thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả cao trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chương trình NTM trên địa bàn. Tâp trung đẩy mạnh xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn. Chú trọng phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực nhất là nội lực, kết hợp giữ “xây” và “chống” trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Trên cơ sở gạn đục, khơi trong, cần tổ chức thực hiện chặt chẽ chương trình, dự án bảo tổn văn hóa, tránh những sai phạm trong trùng tu, phục hồi các di sản văn hóa. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa bài bản, chuyên nghiệp, tạo sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, tận dụng và lợi dụng thế mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại để chuyển tải các giá trị văn hóa DTTS có sức hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố cấu thành văn hóa biến đổi theo chiều hướng tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
4. Kết luận
Phát huy bản sắc văn hóa và con người sữ tạo nên sức mạnh nội lực to lớn trong xây dựng NTM ở vùng DTTS&MN. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp đó được phát huy đến đâu, phát huy như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều tổ chức. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, giải pháp để phát huy giá trị của văn hóa và con người với tư cách là cơ sở nền tảng, nguồn lực quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS, góp phần làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng; H; tr:126.
2. Chính phủ (2018), Báo cáo số 462/BC-CP về Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 4 tháng 10 năm 2018.
[1] Chính phủ (2018), Báo cáo số 462/BC-CP về Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 4 tháng 10 năm 2018
[2] Chính phủ (2018), Báo cáo số 462/BC-CP về Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 4 tháng 10 năm 2018
[3] https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-vanhoavannghe/item/40685202-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng; H; tr:126