Xây dựng, hoàn thiện quan điểm, chính sách phát triển Văn hóa trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

06/07/2023

ThS. Nguyễn Thị Hảo

ThS. Ngô Thị Trinh

Học viện dân tộc

 

Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi cơ bản về chất, có tính đột biến, sâu sắc và triệt để, theo hướng tiến bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong cuộc Cách mạng này, tri thức được vốn hóa, thâm nhập sâu vào nền sản xuất vật chất, vào mọi “ngõ ngách” của đời sống con người, làm thay đổi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, và làm biến đổi nhiều văn hóa, lối sống của con người ở nhiều quốc gia - dân tộc. Với 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại mang những nét văn hóa đặc sắc riêng, do đó, Đảng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm ban hành và thực thi có hiệu quả chính sách văn hóa. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, nền văn hóa Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều chính sách văn hóa đã được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm bảo tồn và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện chính sách văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam hiện nay.

1. Quan điểm, chính sách phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay

 Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện quan điểm phát triển văn hóa. Đặc biệt, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị khóa VI, Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Đảng ta đã khẳng định rõ vai trò của văn hóa đối với phát triển của đất nước, đặc biệt trong những năm Đổi mới, nhận thức của Đảng về vấn đề này ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Văn kiện Hội nghị Trương 5 khóa VIII xác định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế: “Hai vấn đề về văn hóa và kinh tế xã hội gắn chặt nhau, vừa là những vấn đề cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trước mắt. Nếu nhận thức đúng và giải quyết tốt sẽ thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ, bền vững; nhưng nếu nhận thức không đúng, giải quyết không tốt thì tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều”[1]. Nghị quyết cũng xác định rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, và nhấn mạnh: “Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế - xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”[2]. Từ đó Nghị quyết xác định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vai trò của văn hóa được đúc kết sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển[3].  

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2011) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nhấn mạnh: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã bổ sung các nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Những nhiệm vụ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát huy nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định và đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, coi đây là vấn đề cơ bản, trọng tâm, cốt lõi nhằm phát huy nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Văn hóa có sứ mệnh làm nền tảng, làm mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực đặc biệt, khơi dậy, thúc đẩy các nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển bền vững đất nước. Trong Kết luận số 76/KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4].

Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Trên cơ sở khái quát quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã chỉ rõ mục tiêu phát triển văn hóa của Đảng ta là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”[5].  

Từ đó, bài phát biểu đã chỉ ra nhiệm vụ cần thực hiện có hiệu quả để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, trong đó đã xác định: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”[6].  

   Đồng thời, Tổng Bí thư cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong phát triển văn hóa: “Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”. Đây cũng chính là những định hướng để phát triển văn hóa ở nước ta và là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các địa phương trên cả nước xác định mục tiêu, nội dung, chủ thể, phương thức phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách chủ yếu sau:

Chính sách đối với di sản văn hóa

Di sản văn hóa là tài sản vô giá do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước; là sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; là nền tảng để hun đúc nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc, là một nguồn lực cho phát triển. Năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản văn hóa và đến năm 2009, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, trong đó, sửa đổi 20 điều (bổ sung mới 05 khoản trong Điều 4, Điều 33 và Điều 36). Cùng với hệ thống luật còn có các văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành như Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08/7/2005 về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam... Bên cạnh đó là hệ thống các chính sách về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và trùng tu hệ thống di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã được Chính phủ ban hành, thể hiện qua các chương trình, đề án, chiến lược, cụ thể như: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020... Như vậy, với hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nhận diện, lan tỏa giá trị vô giá của di sản.

Theo thống kê của ngành văn hóa, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 180 bảo tàng (04 bảo tàng quốc gia, 07 bảo tàng chuyên ngành thuộc các bộ ngành, 36 bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị của bộ ngành và tương đương, 81 bảo tàng cấp tỉnh và 52 bảo tàng ngoài công lập); gần 4.000.0000 hiện vật có trong các bảo tàng; 3.560 di tích quốc gia (trong đó có 1.758 di tích lịch sử; 1.530 di tích kiến trúc nghệ thuật, 99 di tích khảo cổ, 73 di tích danh lam thắng cảnh); 119 di tích quốc gia đặc biệt; 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh (trong đó có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 07 di sản tư liệu thế giới và Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Nguồn trữ lượng di sản văn hóa phong phú nói lên truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời và sức sáng tạo bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nguồn tài nguyên vô giá góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

Chính sách đối với nghệ thuật

 Việt Nam sớm tham gia các công ước quốc tế liên quan đến sáng tạo nghệ thuật như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; đồng thời, ban hành những đạo luật về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến tác giả như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh. Như vậy, trong số các loại hình nghệ thuật thì điện ảnh có luật riêng bởi đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, có khả năng tương tác lớn không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn ở phạm vi khu vực và quốc tế.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều thông tư, nghị định, quy định có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật như: Nghị định số 251-CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước; Pháp lệnh số 16/LCT/HĐNN ngày 04/6/1985 của Hội đồng Nhà nước quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước; Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật (sửa đổi, bổ sung năm 2018 theo Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ); Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn...

Chính sách, pháp luật về du lịch và văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo

 Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch phát triển, Luật Du lịch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua gồm 09 chương, 78 điều quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII), Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, như: Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch...

Cùng với hoạt động du lịch, các hoạt động liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với việc ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm đảm bảo cho các hoạt động diễn ra an toàn, thuận lợi, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. Thời gian qua, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động trên đã được ban hành và có tác động lớn đến nhận thức, hành động của nhân dân như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... Sự ra đời kịp thời của những chính sách trên đã góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân thêm lành mạnh, phong phú.

Chính sách, pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo, thư viện, thể dục thể thao

 Thời gian qua nhiều đạo luật, chính sách về báo chí, xuất bản, quảng cáo, thư viện, thể dục thể thao đã được ban hành, tiêu biểu như: Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật Thể dục, thể thao; Luật Quảng cáo; Luật Thư viện. Bên cạnh đó là các chính sách, chiến lược của Chính phủ như: Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020, Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030; Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo…

Có thể nói, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra, góp phần duy trì trật tự, ổn định xã hội và sự phát triển, hoàn thiện nhân cách con người. “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, thiết thực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng”[7]. Qua tiếp xúc, giao lưu tạo điều kiện thuận lợi cho nền văn hóa nước ta từng bước tiếp cận nền văn minh thế giới với trình độ và công nghệ hiện đại, tạo cơ sở tiền đề cho sáng tạo những giá trị mới, tự khẳng định mình trên trường quốc tế; từ đó, làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát triển đất nước, nâng vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công tác xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ: “Việc xây dựng thể chế văn hóa còn chậm và nhiều thiếu sót. Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa chậm được ban hành. Bộ máy tổ chức ngành văn hóa chưa được sắp xếp hợp lý để phát huy cao hơn hiệu lực lãnh đạo và quản lý”, “các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ; việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi”.

Chính điều đó đã làm cho lĩnh vực văn hóa còn tồn tại những biểu hiện của sự trì trệ, thụ động, chưa bứt phá, đổi mới; tác phong thiếu kỷ luật; lối suy nghĩ và hành động nặng về  “tình” mà ít về “lý”, “dĩ hòa vi quý”… không phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quay lưng lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, của cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng của một bộ phận cư dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần... Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa ”[8].

2. Một số giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm, chính sách phát triển văn hóa trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối một cách thông minh. Cuộc cách mạng này sẽ làm biến đổi nền công nghiệp ở mọi quốc gia, tạo nên sự biến đổi trong toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Với Việt Nam, cách mạng 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức lớn phải giải quyết. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu là cần phải nhanh chóng tập trung trí lực, tài lực và vật lực sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[9]. Để góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật văn hóa. Cơ chế, chính sách pháp luật không chỉ đảm bảo trật tự, an toàn, phát triển lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần hình thành tư tưởng, phẩm chất, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi người, giúp mỗi cá nhân có điều kiện phát triển một cách toàn diện. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của chính sách pháp luật sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ứng xử và thực hành văn hóa theo những chuẩn mực, quy tắc, điều lệ nhất định, tạo nếp sống văn minh, khoa học, tiến bộ.

Hai là, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị văn hóa trong việc dự báo tình hình, xu hướng phát triển của văn hóa trong tương lai. Đồng thời đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thâm nhập vào đời sống văn hóa, nhất là văn hóa vùng miền, tộc người để tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách phát triển văn hóa một cách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và xu thế phát triển văn hóa của các nước trên thế giới. Cần có chính sách ưu tiên, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa với đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Mỗi cán bộ văn hóa cần không ngừng trau dồi kiến thức cơ bản về văn hóa, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ra sức học tập, tiếp thu kinh nghiệm quản lý, điều hành và ban hành chính sách quản lý văn hóa của các nước tiên tiến. Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của nhân dân cùng với chính quyền tham gia quản lý văn hóa. Phát huy tốt tinh thần nêu gương, tiên phong, gương mẫu của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức đời sống văn hóa.

Ba là, việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về văn hóa phải bảo đảm khách quan, công bằng, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách để phục vụ lợi ích của một nhóm người, một tổ chức nhất định. Các điều khoản của chính sách pháp luật phải ngắn gọn, câu chữ tường minh, giản dị, dễ hiểu, dễ vận dụng và dễ triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các văn bản về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa cần theo hướng tăng nặng khung hình phạt về hành chính, tài chính, hình sự, để giáo dục, răn đe, tránh sự nể nang, né tránh, ngại va chạm trong xử lý các tình huống, vấn đề văn hóa phức tạp.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ trong quản lý, thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và chính quyền địa phương các cấp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về văn hóa cho người dân. Đồng thời phối hợp tốt trong xử lý, giải quyết các vấn đề nhạy cảm về văn hóa, tôn giáo, tộc người mang tính khu vực và quốc tế nhằm duy trì trật tự, ổn định và phát triển của đời sống văn hóa, đảm bảo tốt nhất quyền văn hóa của công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa. Khơi dậy tinh thần cộng đồng, ý thức tự quản của các làng bản, thôn xóm; kết hợp chặt chẽ giữa “quyền lực, sức mạnh mềm” từ những chuẩn mực đạo đức văn hóa truyền thống với hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật hiện đại, giữa “lý và tình”, tạo sức mạnh tổng hợp để khơi thông những mạch nguồn văn hóa, đưa đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh.

Năm là, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa. Quần chúng nhân dân là chủ thể văn hóa của mình, là người sáng tạo ra văn hóa và hưởng thụ chính những nét văn hóa do mình sáng tạo nên. Mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc sẽ có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa do họ sáng tạo nên, làm cho các giá trị văn hóa luôn có tính bền vững tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc. Vì vậy, mỗi thành viên, mỗi cộng đồng luôn có ý thức trân trọng văn hóa của mình, luôn có ý thức gìn giữ và muốn truyền lại cho muôn đời con cháu của họ. Mỗi địa phương (tỉnh, huyện, xã) nơi có đồng bào dân tộc sinh sống phải phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đây là lực lượng quan trọng để tuyên truyền, vận động, giáo dục các thế hệ người DTTS trong vùng nhận thức được nét đẹp của các giá trị văn hóa cũng như những tác động tích cực đối với đời sống người dân như thế nào, sao cho toàn thể cộng đồng người dân tộc trong làng, bản sẽ có ý thức trách nhiệm cùng chung tay giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống nơi họ sinh ra và lớn lên.

Kết luận

Trong quá trình phát triển, văn hóa không chỉ đồng hành cùng dân tộc, hòa nhịp với sự phát triển chung của dân tộc mà trên nhiều phương diện còn giữ vai trò tiên phong, thúc đẩy phát triển đất nước. Vì vậy, cần coi việc bảo vệ lợi ích dân tộc về văn hoá là một bộ phận hợp thành của lợi ích quốc gia; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vị thế văn hoá dân tộc trong cộng đồng văn hóa thế giới phải được coi là một nhiệm vụ có ý nghĩa trọng yếu. Đồng thời, nếu không hướng đến những mục tiêu phát triển rộng lớn, không đạt được nhịp độ và hòa nhập với sự phát triển chung như nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam, văn hóa Việt Nam sẽ bị chậm bước thậm chí sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trước những chuyển biến ngày càng mau chóng của văn minh nhân loại dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 76-KL/TW, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 04/6/2020.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Phú Trọng (2021), Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, ngày 24 tháng 11 năm 2021.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 55

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 75 - 76

[4] Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 76-KL/TW, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 04/6/2020.

[5] Nguyễn Phú Trọng (2021), Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, ngày 24 tháng 11 năm 2021.

[6] Nguyễn Phú Trọng (2021), Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, ngày 24 tháng 11 năm 2021.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 64-65.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 84.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 115-116.

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068