Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế bền vũng

04/08/2022

Trịnh Thị Sợi

                       Học viện Dân tộc

        1. Đặt vấn đề

Suốt quá trình sinh tồn, các dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm giàu nền văn hoá Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sự phản ảnh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, bao gồm cả tự nhiên và lịch sử. Trong một không gian sinh tồn, các cộng đồng phải vượt qua sự cản trở của tự nhiên và cả xã hội để tồn tại, phát triển. Chính quá trình thích nghi này trở thành những nét đặc thù, điểm khác biệt tạo nên một bản sắc văn hoá. Vì vậy, việc phát triển kinh tế nói chung, phát triển sinh kế nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số không thể không chú trọng tới sự phát triển bền vững về văn hóa. Biết loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp, thừa hưởng, chọn lọc những giá trị văn hóa tích cực để áp dụng trong sinh kế sẽ không chỉ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế mà còn làm tăng tính bền vững về văn hóa.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển sinh kế

Bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế là hai khái niệm tương đối độc lập. Tuy nhiên hai nội dung này lại có mối quan hệ khá khăng khít, luôn tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển. Bảo tồn văn hóa đóng vai trò rất to lớn, thậm chí trong những điều kiện nhất định còn đóng vai trò quyết định sự phát triển nói chung, phát triển bền vững nói riêng. Văn hóa có thể là động lực nhưng cũng có thể là rào cản trên con đường phát triển. Sinh kế của mỗi dân tộc có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa nếu nó phát triển bền vững. Ngược lại, với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, không có tính bền vững thì nền văn hóa sẽ bị đồng hóa, mai một, luôn là nguy cơ tiềm ẩn.

Thông qua việc phát triển sinh kế các giá trị văn hóa của dân tộc được duy trì và phát huy trong điều kiện mới, qua đó sự cố kết cộng đồng, cũng biến đổi để phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Chính vì văn hóa có quá trình biến đổi không ngừng nên việc bảo tồn văn hóa cũng đòi hỏi phải luôn luôn vận động và phát triển để phù hợp với quá trình biến đổi của văn hóa. Chính nhờ sự phát triển sinh kế làm cho nhiều giá trị bản sắc dân tộc ta được phát huy, khẳng định, đồng thời qua đó nhiều giá trị mới làm cho bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng hơn.

Vì vậy, xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế phải kết hợp đồng thời, nếu chỉ chú trọng một trong hai mặt đó thì đều không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong mối quan hệ này thì bảo tồn hệ giá trị văn hóa dân tộc là cái quyết định, là cơ sở vững chắc để phát triển sinh kế có hiệu quả và ngược lại chính việc chủ động, tích cực phát triển sinh kế sẽ phát huy được tiềm năng lợi thế của các dân tộc thiểu số, vừa tranh thủ được các điều kiện mới để phát triển.

Như vậy, có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát triển sinh kế. Đây là những mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng các chính sách phù hợp để các mô hình nghề mới có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

2.2. Thực trạng bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế bền vững ở nước ta hiện nay

Những kết quả đã đạt được:

Trong thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Các dân tộc thiểu số trong phạm vi cả nước đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hoá, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Các thiết chế văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được trùng tu, tôn tạo cho phù hợp, tổ chức các hoạt động văn hóa như lễ hội, thể thao, vui chơi... bước đầu đã có sự đổi mới, phát huy được hiệu quả. Một số di sản văn hoá của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh, đặc biệt Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại; hàng năm đều tổ chức các ngày hội văn hóa của các dân tộc, nhằm tăng cường giao lưu văn hoá giữa các dân tộc thuộc các vùng, miền trong cả nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, nhiều tri thức bản địa của đồng bào đã và đang phát huy giá trị trên thực tế. Trải qua quá trình sinh tồn, người dân tộc thiểu số đã tích lũy, học hỏi được những tri thức, kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động mưu sinh, làm phong phú vốn văn hóa tộc người. Rất nhiều tri thức địa phương có ảnh hưởng tích cực  và đang được sử dụng trong hoạt động sinh kế của đồng bào như: Tri thức trong nghề thủ công (lựa chọn nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến bảo quản sản phẩm...); tri thức trong trồng trọt (hệ thống nông lịch, ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, kỹ thuật đa canh, xen canh…).

Nhiều địa phương đã hình thành mô hình phát triển sinh kế gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình phát triển du lịch cộng đồng được chuyển đổi từ giá trị văn hóa cộng đồng. Các địa phương vùng dân tộc thiểu số đã lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay đã hình thành và phát triển ở nhiều nơi. Điển hình như mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giúp người dân nâng cao thu nhập. Hiện nay, nước ta có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Mô hình du lịch cộng đồng tại Sapa thông qua việc tăng cường năng lực đón tiếp khách cho các hộ homestay, kết hợp với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.

Nhiều nơi đã bảo tồn một số nghề truyền thống của dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch như: Nghề làm giấy dó, nấu rượu đao của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, dân tộc Thái, dân tộc Mường, nhằm thu hút khách đến các làng bản dân tộc thiểu số để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống. Khắp các vùng miền trong cả nước đã tổ chức thường xuyên những ngày Hội văn hoá các dân tộc, trưng bày triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các dân tộc, tổ chức liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc, một số nơi tổ chức thi dệt thổ cẩm, xuất bản một số ấn phẩm giới thiệu về nghề và sản phẩm truyền thống của các dân tộc... Nhờ đó, nhiều hàng thủ công đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước và được mọi người ưa chuộng.

Nhiều mô hình nghề mới đã nâng cao đời sống cho đng bào, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Việc phát triển sinh kế góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong thời gian qua, nhiều mô hình phát triển sinh kế ở vùng dân tộc thiểu số đã góp phần giải quyết việc làm cho đội ngũ lao động, nhất là lao động phổ thông đang bị dư thừa. Điển hình như mô hình du lịch ở Sa Pa, Lào Cai đã giải quyết được lực lượng lao động dư thừa tại thị trấn Sa Pa và các địa phương vùng lân cận. Các nghề mới sẽ sử dụng lao động địa phương và lao động chuyên môn, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động dư thừa. Từ việc giải quyết nguồn lao động dư thừa các mô hình nghề góp phần làm thay đổi cơ cấu, nâng cao trình độ lao động khu vực này. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế được dòng di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị, ổn định xã hội đảm bảo cho phát triển bền vững chung. Các mô hình nghề mới đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghề truyền thống, vì vậy có đóng góp cho phát triển du lịch bền vững từ góc độ tài nguyên, môi trường du lịch; tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và kế đến là giao lưu kinh tế giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam đồng thời tạo cơ hội để phát triển kinh tế ở những vùng còn khó khăn, đảm bảo sự phát triển bền vững vùng DTTS.

Như vậy, trong quá trình đổi mới và hội nhập, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số đã trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, việc gắn kết các mô hình phát triển sinh kế với bảo tồn văn hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống; thu nhập cho cộng đồng và thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ khác ở địa phương phát triển.

Những tồn tại và hạn chế:

Tuy nhiên, quá trình phát triển sinh kế đang làm nảy sinh những tác động tiêu cực đối với phát triển bền vững về văn hóa. Một số mô hình phát triển sinh kế đã làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Khi nền kinh tế chủ yếu tập trung vào quá trình buôn bán, phục vụ du lịch thì các lễ thức trong canh tác nông nghiệp cũng bị mai một theo. Một số nghi lễ vẫn được tiến hành, nhưng nó đã khá xa so với nguyên bản. Những sinh hoạt văn hóa vốn là cơ sở gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng nay đã mất dần, không gian xã hội để tiếp tục tồn tại. Sự mai một các yếu tố văn hóa trong khi những yếu tố văn hóa hiện đại chưa kịp ăn sâu, bám rễ đang làm cho đời sống tinh thần của đồng bào không tránh khỏi đơn điệu, hụt hẫng.

Nền kinh tế thị trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mai một các nghề thủ công truyền thống. Các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy công việc trồng bông, dệt vải vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức không còn giữ vai trò quan trọng đối với người phụ nữ như trước đây, nhất là đối với lớp trẻ. Hầu như các loại trang phục hiện nay của họ được mua sẵn ngoài chợ với mẫu mã đa dạng, hiện đại, đẹp mắt. Các sản phẩm dệt bây giờ chỉ còn được sử dụng bởi một số ít người cao tuổi trong một số gia đình. Nghề đan lát vẫn được duy trì, tuy nhiên do nguồn nguyên liệu từ rừng ngày một khan hiếm nên một số sản phẩm cầu kỳ, tốn nhiều nguyên liệu đang dần vắng bóng.

Cũng vì cuộc sống mưu sinh, sau một thời gian dài khai thác triệt để các nguồn lợi về rừng, đồng bào đang mất dần những tri thức, hiểu biết về hệ sinh thái rừng đã được tích lũy qua bao thế hệ. Những loại thuốc quý từ các loại cây rừng dùng để chữa bệnh không còn được lưu truyền, dần dần bị quên lãng trong đời sống tộc người.

Việc khai thác những yếu tố văn hóa, tri thức bản địa cho phát triển kinh tế chưa được chú trọng nhiều, chưa tìm ra được những giải pháp nhằm ứng dụng những tri thức địa phương có giá trị tích cực trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế. Thời gian qua, việc lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình, kiến thức khoa học, cũng như phương pháp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật... trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai một cách thiếu cẩn trọng, không phù hợp với trình độ nhận thức cũng như điều kiện tự nhiên xã hội của người dân nơi đây. Sự thiếu quan tâm trong kế thừa những tri thức địa phương cũng là một trong những lý do dẫn đến hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu cây trồng, vật nuôi không được như mong đợi.

Cũng chính nền kinh tế hàng hóa, thị trường là nguyên nhân quan trọng làm mất đi những tri thức địa phương trong canh tác nông nghiệp. Khi hiện nay, hầu hết người nông dân đã áp dụng các loại giống lúa, ngô mới trong canh tác để đem lại những sản phẩm hàng hóa, mang lại lợi nhuận cao thì cũng là lúc các tri thức liên quan đến các loại cây trồng bản địa đang dần bị lãng quên. Các loại giống mới hiện nay mặc dù cho năng suất cao vượt trội nhưng cũng bộc lộ những hạn chế so với giống địa phương như chất lượng, khả năng thích nghi kém hơn, chi phí đầu tư lớn hơn, dễ thoái hóa sau vài vụ canh tác. Tình trạng này có thể dẫn đến sự mất mát to lớn về nguồn gen mà người dân đã mất hàng trăm năm để tạo ra nó. Như vậy, những năm vừa qua, sự tác động của những nhân tố mới trong kinh tế đang làm cho những yếu tố văn hóa của người dân tộc thiểu số không còn giữ nguyên giá trị.

Những tồn tại trên xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

Trước hết, do sự quan tâm của các ngành, các cấp về bảo tồn và phát triển văn hóa chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng thiết chế văn hóa còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý và phát huy giá trị văn hoá truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ hoạt động văn hoá cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thiếu thốn; việc thể chế hoá các văn bản quản lý, một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hoá còn nhiều bất cập; lực lượng cán bộ làm công tác sáng tác, nghiên cứu khoa học còn thiếu; mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp.

Bên cạnh đó, việc giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh. Cùng với sự bùng nổ thông tin nhờ công nghệ hiện đại, sản phẩm văn hóa từ khắp nơi đã tác động vào. Trong lúc việc bảo tồn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu thì việc tiếp thu văn hóa mới lại thiếu chọn lọc, chính vì vậy đã gây ảnh hưởng xấu tới văn hóa các DTTS.

Trong những năm gần đây, khi chuyển sang cơ chế của nền kinh tế thị trường, thông tin và các phương tiện chuyển tải văn hóa nghệ thuật ngày càng phát triển và hiện đại, bên cạnh những ưu điểm thì những mặt tiêu cực trong sự vận động của xã hội đã làm cho nền văn hóa bị suy giảm, các hoạt động văn hoá trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số dần bị mai một, lãng quên; sự thay đổi cơ chế kinh tế - xã hội ở các thôn làng đã có nhiều biến động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa dân tộc

2.3. Định hướng chính sách và giải pháp bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế bền vững, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030

Về quan điểm:

  - Cần nhận thức và quán triệt văn hóa Việt Nam là văn hóa của quốc gia đa tộc người trong đó văn hóa các DTTS là một bộ phận có tính đặc thù trong chính sách bảo tồn, phát triển.

  - Xác định rõ vị trí, vai trò và có tác động pháp lý cụ thể đối với văn hóa DTTS trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc dân trong nền kinh tế thị trường, hội nhập…

  - Nhận thức rõ mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển để có định hướng toàn diện trong các văn bản pháp quy đối các vấn đề bảo tồn, phát triển VHTTDL vùng DTTS và miền núi trong sự đồng hành cùng đất nước.

  Về chính sách:

  - Cần có CTMTQG về văn hóa các DTTS trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với những định hướng, nội dung, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xu hướng thời đại công nghệ 4.0, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cấp độ ngày càng cao; mối quan hệ giữa văn hóa tộc người và quốc gia, quốc tế diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp; trong bối cảnh cải cách hành chính Nhà nước.  

  - Cần có chính sách đổi mới nội dung, cơ chế, đầu tư phát huy vai trò nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển VHTTDL vùng DTTS trong phát triển.

  - Cần có chính sách và đầu tư đúng tầm tạo điều kiện phát huy vai trò của chủ thể văn hóa – đồng  bào các dân tộc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng và phát huy vai trò xây dựng con người vùng đồng bào DTTS trong phát triển trên tinh thần Nghị quyết BCHTW lần thứ 9, khóa XI (2014) đã đề ra.

  - Cần có chính sách, cơ chế phù hợp để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc vào sự nghiệp phát triển kinh tế Du lịch, vùng miền hiện nay.

3. Kết luận

Trước hết, cần phát huy vai trò chủ thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trong gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển sinh kế bền vững. Bảo tồn văn hóa song song với phát triển sinh kế cần đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Di sản văn hóa phải sống đúng nghĩa trong cộng đồng dân cư tại chỗ. Đây là yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để phát triển bền vững. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, một số loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là lễ hội ở các di tích, khi người dân là chủ thể văn hóa thực sự thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động liên quan có sức sống mãnh liệt. Người dân đã sống, hòa mình, làm nên một tinh thần đúng nghĩa trong giá trị văn hóa.

Trên mọi bình diện, bất kỳ loại hình văn hóa nào khi được khai thác để phát triển hay giáo dục đều phải chú tâm đến hiệu quả, đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân tại chỗ. Nếu người dân tại địa phương không tôn trọng, không thấy được trách nhiệm của mình đối với các giá trị văn hóa thì công tác bảo tồn khó có hiệu quả, công tác giáo dục cũng chỉ là hình thức. Nguồn lợi khai thác từ giá trị văn hóa nếu không đem lại lợi ích thiết thực cho người dân tại chỗ, như tạo được thuận lợi trong sinh kế chính đáng thì giá trị văn hóa đó cũng không thể phát triển bền vững. Sinh kế chính đáng là từ các hoạt động bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa, tạo thuận lợi để người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia như: Chế tác, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ, sản phẩm của làng nghề…

Vì vậy, cần có chính sách, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thật bài bản, chuyên nghiệp, có chiến lược, lộ trình để tạo nên hiệu quả to lớn, lâu dài cho sự phát triển; cần tăng tính chuyên nghiệp đối với việc truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa ở trong nước và quốc tế. Tập trung đầu tư khôi phục, tái hiện những lễ hội truyền thống vừa bảo đảm sắc thái dân gian, cốt cách dân tộc, vừa chứa đựng những yếu tố hiện đại. Chú trọng lồng ghép, cải biến những giá trị văn hóa truyền thống trong các sinh hoạt cộng đồng; phát huy vai trò của những hạt nhân văn hóa, văn nghệ trong giữ gìn, phổ biến, nhân rộng các giá trị văn hóa tốt đẹp. Kết hợp giữ “xây” và “chống” trong quá trình đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện văn hóa ngoại lai hoặc phục hồi một các máy móc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những bất cập trong quản lý, khai thác, bảo tồn, trùng tu, phân phối lợi ích từ khai thác di tích giữa nhà quản lý, cộng đồng là những vấn đề đang được đặt ra cấp bách, đòi hỏi các cấp quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, sát hợp với thực tế.

Quá trình phát triển sinh kế của người dân tộc thiểu số đã, đang dẫn đến hàng loạt những thay đổi về mặt văn hóa. Trước đây, tính cộng đồng, chia sẻ luôn được xem như một nét văn hóa ứng xử đáng được trân trọng, nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, tinh thần ấy đã có sự biến đổi, ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn lực xã hội trong hỗ trợ sinh kế. Mọi sinh hoạt văn hóa của người dân tộc thiểu số đều được gắn chặt với những nghi thức chặt chẽ trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội nhưng giờ đây những lễ thức nông nghiệp truyền thống đang mờ nhạt dần, không còn giữ được nguyên bản của nó. Tương tự trong văn hóa vật chất, khi phương thức mưu sinh thay đổi, ứng xử với môi trường cũng thay đổi theo, dẫn đến hàng loạt những thay đổi về ẩm thực, trang phục, nhà cửa... Đây là một trong số rất nhiều vấn đề cần đặt ra khi xem xét sự biến đổi văn hóa từ sự biến đổi sinh kế. Thực tế đã chứng minh, kinh tế phải được phát triển trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, bởi văn hóa nếu được phát huy sẽ là nguồn lực trong phát triển sinh kế. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường gắn kết giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068