19/12/2024
ThS. Trần Ngọc Ngân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
1. Đặt vấn đề
Tỉnh Hà Giang có vị trí địa - chính trị quan trọng ở biên giới địa đầu Tổ quốc. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây đã và đang bảo lưu được những nét văn hóa tộc người đa dạng, phong phú, mang sắc thái riêng có, tạo nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc. Thực hiện chủ trương “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”[1], tỉnh đã chú trọng khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung, văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn nói riêng để phát triển du lịch, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào.
2. Kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong phát triển du lịch
Tỉnh Hà Giang là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là nơi quần tụ và sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Sự hòa quyện giữa con người, bản làng với một quần thể thiên nhiên hùng vĩ, đan xen những ngọn núi cao, vách núi đá hiểm trở dựng đứng, những cánh rừng nguyên sinh đan xen với thung lũng thơ mộng, tạo nên chất men say, sức hấp dẫn của mảnh đất và con người nơi đây, thu hút sự tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách. Đến với Hà Giang, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cây hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các tộc người nơi đây.
Cũng như các dân tộc trên địa bàn tỉnh, người Pà Thẻn còn lưu giữ và bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa có giá trị trong phát triển du lịch. Với sự kết hợp của màu sắc và những nét hoa văn độc đáo được sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau, trang phục truyền thống là một nét đẹp tiêu biểu của người Pà Thẻn. Mỗi bộ trang phục có sự phân biệt theo lứa tuổi, trong đó trang phục của phụ nữ Pà Thẻn có sắc thái riêng. Người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng làm màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên các bộ trang phục hài hòa tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những trang phục rực rỡ kết hợp với vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu đã làm cho người phụ nữ Pà Thẻn trở nên xinh đẹp và rạng rỡ hơn. Đến các làng du lịch cộng đồng của người Pà Thẻn, du khách không chỉ được ngắm nhìn các thiếu nữ xinh đẹp với trang phục truyền thống rực rỡ mà còn được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền từ lâu đời, được lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề và những điều mơ ước được các truyền nhân gửi gắm trong từng màu sắc, hoa văn trên các tấm thổ cẩm.
Đặc biệt, người Pà Thẻn có một kho tàng văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng thể hiện qua các làn điệu giao duyên, những điệu múa bát, múa mừng, những bản tình ca đôi lứa... Có nhiều lễ hội truyền thống vẫn được lưu truyền như: lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh, lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày, trong đó tiêu biểu nhất là lễ nhảy lửa hết sức độc đáo, thiêng liêng, huyền bí. Lễ hội nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu vào ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau. Trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại, mưu sinh. Việc nhảy lửa là để xua đi nỗi sợ hãi mà chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng, cho đến giờ đây đó vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút sự tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu nhưng câu trả lời vẫn còn là một ẩn số.
Việc cưới xin, tang ma, tín ngưỡng của người Pà Thẻn có nhiều nét riêng, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và tâm hồn phong phú của đồng bào. Trong cưới hỏi, người Phà Thẻn còn gìn giữ những phong tục rất chặt chẽ. Khi trai gái tìm hiểu nhau, hai bên gia đình phải có nhiều lần gặp mặt, sau một thời gian tìm hiểu nếu hợp nhau mới thông báo cho gia đình tổ chức kết hôn. Trước khi nhà trai tới rước dâu đêm hôm trước nhà gái cúng một đêm để cắt họ, hôm sau khi nhà trai rước dâu thì nhà trai cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ, cô dâu phải dùng khăn che mặt ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ ra. Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng từ xa xưa họ đã có một lời nguyện thề nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi, chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn, kể cả khi lấy vợ sinh con mà không có người nối dõi (con trai) vẫn không được phép đi lấy vợ khác.
Kiến trúc nhà của người Pà Thẻn xưa kia là kiểu nhà nửa sàn nửa đất cổ, nay còn lưu giữ lại nhà đất cổ, trong nhà họ chỉ thờ duy nhất một bát hương gia phả, nếu trong nhà có người làm nghề thầy mo thì có thêm một bát hương nữa gọi là bát hương tổ tiên, bát hương này chỉ khi đi cúng về mới được thắp hương kèm theo lễ vật nhà chủ biếu thầy mang về báo cáo thành tích với tổ tiên, cạnh bát hương có một bát đựng nước và một bát khác úp bát nước đó lại.
Ẩm thực của người Pà Thẻn cũng khá phong phú, các món đặc biệt là thịt trâu muối treo khô, thịt lợn muối treo khô, bánh sừng trâu, cơm ngũ sắc, noãn cọ, noãn mây, cá sông nướng... những món ăn được chế biến hết sức đơn sơ cùng với sự nhiệt tình cởi mở chắc chắn sẽ mang lại sự ngon miệng cho người thưởng thức.
3. Một số giải pháp gắn kết bảo vệ, phát huy kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang với phát triển du lịch
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của dân tộc Pà Thẻn nói riêng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, ngành du lịch nói chung, các hoạt động du lịch văn hóa đã có bước phát triển. Các sản phẩm du lịch phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch ngày càng đáp ứng được yêu cầu phát triển, đi vào thực chất; công tác thông tin, quảng bá du lịch được đổi mới, mở rộng phạm vi và quy mô, nâng cao về chất lượng; tích cực trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư trong phát triển du lịch; hợp tác liên kết vùng du lịch và xã hội hóa để phát triển du lịch được chú trọng. Các ngành phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo, định hướng cho người dân làm du lịch cộng đồng; hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng thông qua các hình thức ưu đãi vay vốn ngân hàng; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng. Tỉnh đã có nhiều hoạt động để bảo tồn, xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Pà Thẻn thôn Minh Thượng gắn với phát triển Quần thể du lịch Tân Lập Xanh, xã Tân Lập, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình… Thông qua các hình thức du lịch đa dạng, phong phú không chỉ khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn trong phát triển du lịch cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy phát triển du lịch, chú trọng khai thác kho tàng văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn trong phát triển du lịch. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các lực lượng, các tổ chức có liên quan và đồng bào về tầm quan trọng của văn hóa, khai thác nguồn lực, tiềm năng văn hóa cho phát triển du lịch, tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành vi bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong tiến hành các hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, chú trọng đổi mới tư duy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa bản địa. Đặc biệt, cần coi tiềm năng, nguồn lực văn hóa là chìa khóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng để phát triển xanh và bền vững.
Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa gìn giữ, phát huy kho tàng văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn với bảo tồn thiên nhiên để phát triển du lịch. Thường xuyên gắn kết giữa khai thác với bảo tồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên tự nhiên; dựa vào tiềm năng, lợi thế về văn hóa và thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chủ đạo. Tận dụng những tiềm năng để khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa,… gắn với khai thác cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, đầu tư khôi phục, tái hiện những lễ hội truyền thống, những giá trị văn hóa riêng có của người Pà Thẻn, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết giữa các địa phương, các điểm du lịch, bảo đảm khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch của từng địa phương với hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, phát triển “chuỗi liên kết phát triển du lịch”.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn vào phát triển du lịch. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển theo hướng bền vững, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch văn hóa phù hợp với điều kiện và văn hóa tộc người. Tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác di sản văn hóa vào phát triển du lịch; xây dựng quy chế phối hợp quản lý du lịch giữa ngành du lịch, chính quyền địa phương và các ngành, lĩnh vực liên quan. Tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động có hiệu quả Đề án phát triển du lịch thông minh; xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống quầy hàng trưng bày và bán sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch của địa phương; thiết kế bộ sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng có liên quan đến mỗi điểm du lịch, văn hóa tộc người. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở nước ngoài bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận đầu tư du lịch, các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch cũng như xúc tiến, quảng bá các di sản văn hóa cho du lịch nói riêng và du lịch nói chung.
Bốn là, huy động vốn đầu tư, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào khai thác kho tàng văn hóa của người Pà Thẻn trong phát triển du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực, trong đó ưu tiên ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch. Huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, chú trọng đầu tư hình thành nên điểm du lịch thu hút du khách. Phối hợp, liên kết với các chương trình, đề án, dự án đang triển khai của các ngành, lĩnh vực khác để cùng phát triển như: chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức kinh tế cho công tác đào tạo, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, quảng bá du lịch, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian của người Pà Thẻn phục vụ du lịch, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Phát triển công nghiệp văn hóa, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng và quảng bá các sản phẩm văn hóa. Chú trọng việc quảng bá các di sản văn hóa, sản phẩm du lịch thông qua các kênh review du lịch trên mạng xã hội, cổng thông tin du lịch thông minh. Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; áp dụng mô hình “3R”[2] trong các cơ sở dịch vụ du lịch; hỗ trợ người dân tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tổ chức trải nghiệm du lịch cho du khách.
Năm là, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo vệ, phát huy kho tàng văn hóa của người Pà Thẻn vào phát triển du lịch. Toàn bộ di sản văn hóa được sinh thành, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường cộng đồng, phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Do đó, các hoạt động du lịch văn hóa cần huy động sự tham gia chủ động, tích cực của người Pà Thẻn và đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào. Đồng thời, khuyến khích và phát huy vai trò của đồng bào trong bảo vệ không gian văn hóa, nhất là danh lam, thắng cảnh có liên quan, các làng nghề, khu du lịch sinh thái... bảo đảm phát triển bền vững, tránh làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, môi trường sống. Thường xuyên chú trọng đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, có chính sách khuyến khích đối với các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa; phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch và cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch. Kết hợp giữ “xây” và “chống” trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn văn hóa ngoại lai hoặc phục hồi văn hóa truyền thống một các máy móc, góp phần khơi dậy và phát huy có hiệu quả nguồn lực văn hóa trong phát triển du lịch./.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tr. 4-5, 7.
2. Nguyễn Thị Thu Phương (2020), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Đề tài Khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Cơ quan chủ trì Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Mã số KX.01/16-20, Hà Nội.
3. Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
4. Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030
5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I .