Bồi dưỡng kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị của Việt Nam giai đoạn 2018 -2025

02/11/2018

TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng

Tóm tắt:

Đưa phần kiến thức thực tiễn về dân tộc và công tác dân tộc vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ công tác tại địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện

Từ khóa:

Dân tộc, công tác dân tộc, chương trình, bồi dưỡng, lực lượng vũ trang, cán bộ, chiến sĩ, dân tộc thiểu số.

Summary:

To bring practical knowledge about ethnic groups and ethnic affairs into improvement program that is knowledge of the national defense and security, focusing on knowledge about ethnic minority language for public employees and soldiers that is the important mission in this period. This mision give a big part into the mission of the party committee.

Key word:

Ethnicity, ethnic work, programs, armed forces, officers, soldiers, ethnic minoritiy languages .

 

Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói riêng nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực và đặc biệt là lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đối với vùng có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mặt bằng dân trí còn thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển; cơ sở hạ tầng còn kém, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhiều tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, tình trạng di cư, di cư tự do vẫn còn phổ biến. Từ đặc điểm này, các phần tử xấu đã triệt để lợi dụng, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo để dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, việc quán triệt, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng là yêu cầu trực tiếp, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng vũ trang. Ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc (Nghị quyết 24) được ban hành, nhận thức rõ quan điểm, đường lối và sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với vấn đề dân tộc và công tác dân tộc Đảng ủy quân sự Trung ương đã ban hành Chỉ thị 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”; Hướng dẫn 1617/HD-CT của Tổng cục Chính trị về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy quân sự Trung ương, quân đội ta đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các Khu kinh tế - quốc phòng ở những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới, đất liền, ven biển, coi đó vừa là tình cảm sâu nặng, vừa là chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thể hiện bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đến nay, đang triển khai 23 Khu kinh tế - quốc phòng, 3 dự án lấn biển và 2 điểm dân cư mới đã được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Các Khu kinh tế - quốc phòng từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc, đồng thời đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình nhiệm vụ mới, với những bài học rút ra từ thực tiễn về các vấn đề an ninh, trật tự xã hội, nguy cơ “bạo loạn lật đổ” “diễn biến hòa bình”, “ly khai dân tộc”, lợi dụng tôn giáo vẫn nảy sinh ở vùng dân tộc thiểu số, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc được đặt lên hàng đầu và được coi là nguồn lực mạnh mẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Trong bối cảnh đó việc nâng cao kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang cần phải được quan tâm. Xác định rõ nhiệm vụ đó, ngày 26 tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 771/QĐ – TTg về phê duyệt Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025. Trong đó, giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc đưa phần kiến thức thực tiễn về công tác dân tộc vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ công tác tại địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiệm vụ nêu trên, việc nghiên cứu đánh giá mức độ, phạm vi kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc đã thực hiện trong các chương trình bồi dưỡng hiện hành để đề xuất nội dung phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng kiến thức đối với cán bộ, chiến sĩ trong giai đoạn 2018 – 2025 là một việc làm cần thiết đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

Học viện Quốc phòng và Học viện chính trị bộ Quốc phòng, Học viện chính trị Bộ Công an có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn về quốc phòng, an ninh đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; bên cạnh đó còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc 2 nhóm đối tượng: Đối tượng 1 (lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương); đối tượng 2 (lãnh đạo cấp sở và tương đương). Các trung tâm huấn luyện của Bộ chỉ huy quân sự trực thuộc tỉnh, thành phố bồi dưỡng cho đối tượng 3 (lãnh đạo cấp phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý). Thực hiện nhiệm vụ được giao các cơ sở bồi dưỡng các cấp đã xây dựng và thực hiện các chương trình bồi dưỡng có nội dung phù hợp với đối tượng, chức danh theo vị trí công tác. Qua nghiên cứu nội dung bồi dưỡng kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc trong  các chương trình bồi dưỡng của các cơ sở bồi dưỡng nêu trên có một số nhận định như sau:

          Trong chương trình bồi dưỡng đang thực hiện đã đề cập  kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc ở mức độ khái quát. Các nội dung kiến thức dân tộc thiểu số đã giúp cho học viên nhận thức khái quát một số vấn đề cơ bản về kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc như: về đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước về chính sách dân tộc và một số nội dung cơ bản về quản lý nhà nước về công tác dân tộc như: các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số; quản lý nguồn lực cho phát triển bền vững về kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số; chính sách xóa đói giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số… Những kiến thức nêu trên góp phần nâng cao hiểu biết về chính sách dân tộc và bổ sung kiến thức, năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

Việc đưa kiến thức dân tộc thiểu số vào trong các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ sở bồi dưỡng của lực lượng vũ trang  giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ có một số kiến thức cơ bản  để phục vụ cho công tác tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nói riêng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Mặc dù vậy các chương trình bồi dưỡng vẫn bộc lộ một số hạn chế:

Các chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số hiện nay mới thực hiện chung cho tất cả các đối tượng, không có nội dung riêng theo vùng miền (ví dụ: vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc sẽ khác với vùng đồng bào dân tộc Tây Nam bộ, Tây Nguyên về các vấn đề dân tộc, tôn giáo…)

Nội dung kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc đã có nhưng mới chỉ ở phạm vi khái quát chung, chưa đề cập đến những kiến thức về văn hóa tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng tộc người theo vùng miền, kiến thức về tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ giúp nắm bắt tình hình của đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu và vận động tuyên truyền sát thực tế nguyên vọng của người dân.

Kiến thức về công tác dân tộc như kiến thức về các chính sách dân tộc, kiến thức pháp luật, kỹ năng vận động tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức về Chính sách phát triển kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng chưa được đề cập thành nội dung chuyên đề bồi dưỡng cụ thể và dành thời lượng xứng đáng.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân: Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng liên quan đến nội dung kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc, và coi rằng đây không phải là nội dung bồi dưỡng chính. Chưa nắm bắt được nhu cầu, đối tượng, mục đích, phạm vi, nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang. Mà đây lại là đối tượng có nhu cầu lớn về bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, còn bỏ sót đối tượng này trong quá trình xây dựng chương trình có nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc.

Tất cả các chương trình bồi dưỡng về kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc hoặc chương trình bồi dưỡng có một phần nội dung của công tác dân tộc của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện tại đều không đáp ứng đủ yêu cầu về trang bị kiến thức thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở vùng dân tộc thiểu số. Trong khi đây lại là nội dung kiến thức có nhu cầu lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện các hoạt động liên quan đến hệ thống chính sách dân tộc (kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường…), đó là những “khoảng trống” trong hệ thống chương trình bồi dưỡng hiện hành. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới, cần phải xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong các chương trình bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng cho các đối tượng để tạo sự đột phá trong bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số, kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Để có cơ sở bổ sung nội dung bồi dưỡng kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc trong các chương trình bồi dưỡng cần thiết phải xác định kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc phục vụ cho công tác lãnh đạo quản lý, thực thi nhiệm vụ, công vụ bao gồm những nội dung gì? Đối với mỗi đối tượng bồi dưỡng thì trang bị đến mức độ nào? Để trả lời các câu hỏi trên cần căn cứ vào kiến thức dân tộc học đại cương và kiến thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc; nhu cầu công tác của từng đối tượng bồi dưỡng đề đề xuất khung kiến thức về dân tộc và công tác dân tộc trong nội dung bồi dưỡng.

 Đối với kiến thức về dân tộc: Dân tộc học nghiên cứu toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội các tộc người, nhưng tập trung nghiên cứu văn hóa tộc người. Bởi vì, văn hóa tộc người được coi là đặc trưng tộc người quan trọng nhất thông qua các đặc trưng sinh hoạt xã hội trong toàn bộ tiến trình lịch sử. Dân tộc học nhằm làm rõ cốt cách, đặc trưng và bản sắc của các tộc người, dân tộc; những đặc trưng riêng và các giá trị chung phân biệt các tộc người, mối quan hệ, sự giống và khác nhau giữa các tộc người trên thế giới. Dưới góc độ dân tộc học, văn hóa tộc người được hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do tộc người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, được kế thừa và phát triển phản ánh điều kiện tự nhiên, xã hội mà tộc người đó sinh sống. Bất cứ tộc người nào cũng có nền văn hóa riêng của họ, tạo thành truyền thống và bản sắc tộc người. Đây vừa là đặc trưng tộc người vừa là tiêu chí quan trọng nhất để phân định tộc người. Mất bản sắc văn hóa, tộc người sẽ không còn tồn tại mà bị hòa tan vào các tộc người khác.       

Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng được quy định với thời lượng hạn chế. Việc chọn lựa nội dung kiến thức dân tộc học để đưa vào chương trình bồi dưỡng quốc phòng an ninh đối với 4 nhóm đối tượng cần hết sức cô đọng tập trung vào những vấn đề liên quan đến nguyên nhân gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đó là: Kiến thức về đặc trưng văn hóa tộc người đề cập đến diện mạo văn hóa các tộc người (đặc trưng riêng và chung); các yếu tố truyền thống, phong tục tập quán, những yếu tố mới nảy sinh; Kiến thức về môi trường sinh thái và địa lý tộc người - môi trường tự nhiên nơi cư trú (địa hình, sông ngòi, đất đai, khí hậu, tài nguyên...) đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực thế nào đến mọi mặt đời sống cư dân của tộc người. Kiến thức lịch sử vùng lãnh thổ cư trú, điều kiện tự nhiên, các ảnh hưởng đến đời sống cư dân, quan niệm và ý thức của cộng đồng về lãnh thổ và địa lý tộc người. Kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng của các tộc người. kiến thức về đời sống tâm linh, các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của từng tộc người, những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống tín ngưỡng tộc người.

Đối với kiến thức về công tác dân tộc:  “Công tác dân tộc” là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”[1]. Để trang bị kiến thức về công tác dân tộc liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng an ninh, lồng ghép trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 4 nhóm đối tượng, đó là những vấn đề về công tác dân tộc trong phạm vi nhiệm vụ của các vị trí công tác trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang từ cấp trung ương đến cơ sở, từ vị trí cấp lãnh đạo chỉ huy cấp Bộ đến cấp tiểu đội và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang bao gồm: Kiến thức về pháp luật; cập nhật về chủ trương, đường lối, văn bản luật, dưới luật về công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước ban hành trong từng thời kỳ; kỹ năng quản lý nhà nước bao gồm kỹ năng tham mưu, ra quyết định, xây dựng đề án, chính sách dân tộc, kỹ năng tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu lý luận và tổng kết tình hình thực tiễn, kỹ năng quản lý các chương trình, dự án. Đặc biệt đối với lực lượng vũ trang đang công tác trong vùng dân tộc thiểu số, cần trang bị kiến thức công tác dân tộc về thực hiện các chính sách dân tộc hiện hành, kiến thức tuyên truyền vận động, dân vận, các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện ở khu vực miền núi, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số đó là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung như  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

          Trong khuôn khổ bài viết nghiên cứu trao đổi, tác giả mới đề xuất khái quát những nội dung bồi dưỡng về dân tộc và công tác dân tộc, là một trong những cơ sở để xây dựng, điều chỉnh kết cấu, nội dung chương trình bồi dưỡng an ninh quốc phòng cho 4 nhóm đối tượng theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, chi tiết các nội dung bồi dưỡng sẽ còn phải nghiên cứu và biên soạn cụ thể để phù hợp với tình hình thực hiện của các cơ sở bồi dưỡng, song việc thực hiện điều chỉnh chương trình đưa kiến thức dân tộc và công tác dân tộc đúng, đủ về phạm vi, mức độ, thời lượng  đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là một nhiệm vụ cấp thiết góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay./.

    [1]  Khoản 1 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068