23/10/2024
Thi công cầu - một hạng mục trên tuyến đường vào 3 xã vùng lòng hồ bản Vẽ huyện Tương Dương
Những con đường mơ ước
Chuyến công tác mới đây từ trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông) vào các bản làng người Đan Lai ở khe Búng, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, chúng tôi đã đi qua quãng đường đất non 20km. Con đường nhỏ hẹp, như vệt mòn chạy giữa những cánh rừng già, lúc trồi lên, khi hụp xuống vì đất đá bị xói lở, trơn trượt. Có đoạn, lòng đường đã hình thành hai rãnh bùn chạy song song như hai đường ray bất tận.
Ấy là dấu vết của những chuyến xe tải hạng nặng chở nguyên vật liệu vào phục vụ thi công các tuyến đường nội bản ở hai bản khe Búng và Co Phạt, từ nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).
Vượt quãng đường khổ ải, bản làng người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát hiện ra như một đại công trường ngổn ngang. Tiếng máy múc rì rì bạt núi, tiếng xe tải chạy ầm ầm cuốn bụi mù mịt cả một khoảnh rừng. Bí thư Chi bộ bản Co Phạt La Văn Linh cười nói với chúng tôi, mà ngỡ như là lời gói ghém của cả cộng đồng: Đúng là mơ ước bao đời của bà con, đường nội bản, đường từ bản ra trung tâm xã đang được xây dựng. Bà con vui cái bụng lắm, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm rất nhiều.
Mang niềm vui phơi phới ấy, chúng tôi đã về xã Nghĩa Yên, Nghĩa Minh (Nghĩa Đàn) và đi trên con đường mới được dựng xây nối liền 2 xã này. Trước đây, đường liên xã này là đường đất, gồ ghề và nhớp nháp khi mưa xuống. Còn bà con sinh sống dọc hai bên tuyến đường thì khổ sở không nói đủ bằng lời.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 bố trí 12 tỷ đồng, con đường đã được khởi công từ đầu năm 2023, khiến người dân vùng miền núi Nghĩa Đàn hồ hởi. Ông Trương Văn Nam-một người đi đường dừng lại bảo: Trước đây, tôi thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, vất vả lắm. Nay Nhà nước đầu tư xây dựng đường mới, rải nhựa phẳng lỳ, xe chạy cứ êm ru. Bao năm mơ ước có đường, nay sướng cái bụng lắm.
Bạt núi thi công đường vào 3 xã vùng lòng hồ huyện Tương Dương
Trong rất nhiều những tuyến đường được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, thì niềm vui của bà con người Mông, Khơ Mú, Thái thuộc các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn trong vùng lòng hồ huyện Tương Dương không biết lớn đến nhường nào. Lâu nay, bà con các xã này muốn thông thương với bên ngoài đều nhờ vào những con thuyền chạy trên lòng hồ đầy vất vả, nguy hiểm. Còn nếu đi bộ, thì cứ ngược lên huyện Kỳ Sơn rồi xuôi xuống trung tâm huyện Tương Dương, chừng 180km.
Tuyến đường này có tổng mức đầu tư 428,8 tỷ đồng chiều dài tuyến 12,52km dự kiến hoàn thành vào năm 2025, theo đó sẽ đạt mục tiêu 100% các xã trên toàn tỉnh có đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm xã. Hôm chúng tôi ghé thăm xã Hữu Khuông vào cuối tháng 8 mới đây, nhiều đoạn của tuyến đường đang được đơn vị thi công bạt núi để lấy mặt bằng. Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông Lô Văn Giáp hồ hởi: Vậy là cái thế bế tắc của vùng đất sắp chấm dứt rồi. Mấy xã vùng lòng hồ chúng tôi vui lắm. Ai cũng trông đường thi công nhanh hơn để kịp đưa vào sử dụng.
Cơ hội phát triển kinh tế, xã hội
Triển khai Chương trình MTQG 1719, Nghệ An tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn, trọng điểm, kết nối đến các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Có nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp lồng ghép thêm nhiều nguồn vốn khác; nhiều công trình giao thông đã được đầu tư, xây dựng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 171 công trình giao thông nông thôn đã và đang thi công tại 11 huyện, thị xã có đồng bào DTTS sinh sống. 171 công trình ấy là chừng đó những niềm vui cho bà con miền núi xứ Nghệ về một cơ hội kết nối để phát triển kinh tế, xã hội.
Cứ nhìn vào công trình thi công đường giao thông kết nối 3 xã vùng lòng hồ Tương Dương, gồm Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn thì quá rõ. Lâu nay, kinh tế vùng này gần như tự cung tự cấp vì sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, nếu tiêu thụ được thì giá rất thấp vì chi phí vận chuyển cao. Thành ra, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, những 76%.
Ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông kể: Thu nhập chủ yếu của người dân là 240ha sắn nhưng làm ra rất khó bán, và bán cũng giá rất thấp vì chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường thủy đều rất vất vả, tốn kém. Chúng tôi hi vọng con đường vào 3 xã lòng hồ sớm hoàn thiện để có thêm điều kiện kết nối với vùng ngoài trong phát triển kinh tế, xã hội.
Thi công đường vào bản Co Phạt và Khe Búng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát
Ở vùng Na Loi, Keng Đu, Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), mang tiếng là “có đường mà cũng như không”. Cũng bởi tuyến đường từ ngã 3 Huồi Tụ đi qua Na Loi, đến Đoọc Mạy vào Keng Đu đầy khổ ải. Mùa mưa, việc di chuyển trên cung đường hàng chục km này gần như là một cực hình vì nền đường lởm chởm đất đá, cùng hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm.
Trước thực tế cấp bách cần có đường để phát triển kinh tế- xã hội, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, UBND huyện Kỳ Sơn đã lập dự án thi công đường, với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Hòa, Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn nói: Tuyến đường sau khi hoàn thành, sẽ giúp kết nối các xã vùng sâu, vùng xa với trung tâm huyện; đồng thời tạo thêm điều kiện để bà con người Mông, Khơ mú, Thái phát triển kinh tế, xã hội. Khi ấy, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất như chè shan tuyết, du lịch trải nghiệm, chăn nuôi gia súc, gừng, lúa chất lượng cao… sẽ có cơ hội nhiều hơn để đến với người tiêu dùng, mang lại nguồn thu nhập cho bà con biên viễn.
Các bản làng xa xôi của xứ Nghệ rồi sẽ khác, nhờ được kết nối tốt hơn thông qua những cung đường được dựng xây từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Đó không chỉ là niềm mong ngóng của những cư dân miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; đó còn là một chủ trương, một quyết tâm lớn của các cấp ngành tỉnh Nghệ An trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tiêu chí giao thông, làm “bàn đạp” cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
Theo ubdt.gov.vn