Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa tại một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

29/07/2020

     Nhằm phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giao cho Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số của một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc”. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra, góp phần phát triển nghề chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

     Mở đầu

     Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò nói riêng, trong những năm qua ngành chăn nuôi đã đạt được những thành tựu đáng kể về cơ cấu vật nuôi hợp lý, năng suất và chất lượng đàn bò thịt được nâng lên. Song kết quả đạt được của Chiến lược phát triển chăn nuôi bò thịt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tối thiểu trong nước về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt bò nuôi trong nước hàng năm mới đáp ứng được 5-6% tổng nhu cầu tiêu dùng về thịt các loại. Sản lượng thịt bò trong nước mới đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu về thịt của người tiêu dùng, lý do bởi đàn bò trong nước tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, năng suất thấp. Mặc dù chương trình Sind hóa đàn bò từ những năm 90 của thế kỷ trước đã được triển khai, song chủ yếu thực hiện ở những vùng có điều kiện thuận lợi như đồng bằng, các vùng ven đô. Việc áp dụng và triển khai ở vùng dân tộc và miền núi còn ít và do nhận thức của người dân địa phương còn hạn chế.

Khu vực trung du, miền núi phía Bắc với lợi thế đất đai rộng lớn, có nhiều đồng cỏ tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc nói chung, bò nói riêng. Mặc dù được đánh giá là ngành hàng có lợi thế, nhưng hiện nay chăn nuôi đại gia súc ở đây phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, giá trị gia tăng còn thấp, chưa có đầu tư vào sản xuất, chưa liên kết được với doanh nghiệp...

     Trong cơ cấu giống bò hiện nay của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang có khoảng 80% tổng đàn bò là bò vàng địa phư¬ơng, sinh trưởng chậm, khối lượng trư¬ởng thành thấp (trung bình bò đực là 220-250 kg và bò cái là 160-180 kg), tỷ lệ thịt xẻ thấp (đạt 40-42%). Chăn nuôi bò nơi đây vẫn theo tập quán chăn thả tự do kết hợp cho ăn thêm rơm rạ, cỏ cắt, một ít bột ngô, cám gạo vào cuối ngày; quy mô đàn nhỏ lẻ (mỗi hộ thường nuôi 1-2 con, một số ít có điều kiện nuôi 5-10 con); việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cải tạo giống bò, vỗ béo nhằm nâng cao năng suất, chất l¬ượng chưa được quan tâm, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, việc dự trữ thức ăn xanh, khô, thô làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò còn hạn chế, vì vậy hàng năm cứ đến mùa đông là có hàng trăm con trâu, bò bị chết đói. Đây là một thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, vì vậy cần đầu tư giống cỏ có năng suất, chất lượng cao cũng như các kỹ thuật cho người chăn nuôi; mặt khác việc áp dụng công nghệ chế biến phế, phụ phẩm sẵn có của địa phương làm nguồn thức ăn cho gia súc cũng hết sức cần thiết...

     Để giải quyết những hạn chế nêu trên và góp phần phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ KH&CN đã giao cho Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc) thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số của một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”. Mục tiêu chính của dự án là ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

     Những kết quả đạt được

     Sau 3 năm thực hiện (2017-2020), với sự nỗ lực của cơ quan chủ trì và sự phối hợp của các đơn vị thực hiện, dự án đã hoàn thành đầy đủ các mục tiêu, nội dung đề ra. Cụ thể, dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên làm chủ được các công nghệ chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, thú y, trồng cỏ và chế biến thức ăn thô cho bò, vệ sinh chuồng trại; xử lý chất thải trong chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; tập huấn cho 300 lượt người dân tiếp thu và làm chủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa; xây dựng thành công mô hình nuôi bò sinh sản (tổng số bê được sinh ra trong quá trình thực hiện dự án là 216 con, khối lượng bê sơ sinh ≥22 kg, tăng 10-12% so với bê thường; sau khi nuôi 3 tháng, bê đạt 90-100 kg/con và đạt 290-330 kg/con lúc 24 tháng tuổi); mô hình nuôi bò thịt thâm canh (nhờ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KH&CN nên chỉ tiêu tăng khối lượng đạt ≥1 kg/con/ngày); mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn (dự án đã trồng được 6 ha cỏ voi lai VA 06 phân tán với năng suất đạt 350 tấn/ha/năm, góp phần tạo ra hơn 6.000 tấn thức ăn thô xanh). Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng thành công mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ tham gia dự án và thu được 160 tấn phân hữu cơ, góp phần cung cấp phân bón cho sản xuất nông nghiệp của người dân nói chung, trồng cỏ thâm canh nói riêng.

     Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thiết thực cho địa phương và người dân tham gia thực hiện. Cụ thể:

     Hiệu quả kinh tế: trước khi thực hiện dự án thu nhập về chăn nuôi của người dân địa phương hầu như không có. Sau khi tham gia dự án, thu nhập bình quân của một hộ dân là 2,83 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, đã góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo cho các hộ dân tham gia (có 26 hộ nghèo sau khi tham gia dự án được đánh giá thoát nghèo lên cận nghèo và 20 hộ cận nghèo sau khi tham gia dự án có 16 hộ thoát cận nghèo thành hộ khá), nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, mô hình nuôi bò sinh sản đã góp phần tạo ra những bê con, bò thịt có khối lượng trung bình tăng 20-30% so với trước khi thực hiện dự án, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

     Hiệu quả xã hội: dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức của đơn vị chủ trì về công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ chuyển giao KH&CN tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của đơn vị chủ trì về công nghệ chăn nuôi bò thịt cũng như nhận thức của cán bộ địa phương, người dân vùng dự án và các vùng lân cận về ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh, đảm bảo vệ sinh môi trường... Sau khi kết thúc dự án, các cán bộ kỹ thuật cơ sở và hộ dân cơ bản đã nắm bắt và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò như: thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo, nâng cao năng suất đàn bò địa phương, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho bò sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ năng suất cao, ủ và chế biến thức ăn thô xanh cho bò về mùa khô, vỗ béo chăn nuôi bò đực trước khi giết thịt, kết nối tiêu thụ sản phẩm (dự án đã đào tạo 11 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở của 3 huyện, tập huấn nâng cao nhận thức cho 300 hộ dân, trong đó có trên 80 người dân tộc thiểu số về các kỹ thuật nêu trên). Ngoài ra, dự án được thực hiện đã góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; thúc đẩy chăn nuôi bò hướng thịt quy mô hộ gia đình, giúp chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo định hướng của địa phương...

     Hiệu quả môi trường: hiệu quả này được minh chứng thông qua mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ chăn nuôi. Trước khi triển khai dự án, trên 90% số hộ chăn nuôi chưa có hố gom và ủ phân, hầu như các hộ dân chưa xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ theo công nghệ ủ phân Compost. Sau khi dự án kết thúc, các hộ dân đã thực hiện xây dựng 122 hố ủ phân 2 ngăn (tăng 52,5% so với mục tiêu đề ra của dự án) để ủ phân hữu cơ theo công nghệ Compost. Sản phẩm phân hữu cơ sau ủ có màu đen, tơi xốp, có thể sử dụng ngay cho cây trồng, không chỉ góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm kinh phí mua phân bón cho người dân địa phương. Từ kết quả của dự án về triển khai mô hình hố ủ phân và tính lan tỏa của dự án đã khẳng định dự án có hiệu quả rõ rệt về góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong cộng đồng.

TS. Nguyễn Hồng Vĩ

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068