Quản lý văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía bắc nước ta

20/09/2022

ThS. Nguyễn Thị Mai Anh(*)

TS. Giang Khắc Bình(**)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu thế khách quan, chủ trương chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng ta là hết sức đúng đắn nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, đồng thời phát huy những lợi thế mà ta đang có, trên cơ sở “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030). Có thể thấy với quan điểm trên, Đảng ta một lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Văn hóa không chỉ là “mục tiêu” mà còn thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phía Bắc nước ta với những đặc trưng riêng về địa chất, khí hậu, lịch sử, văn hóa… là nơi tụ cư lâu đời của các dân tộc Dao, Thái, Mông, Tày, Nùng… không chỉ có những cảnh quan tuyệt tác mà còn lưu giữ những trầm tích văn hóa lâu đời, hội tụ linh khí của cỏ cây, trời đất, là “mỏ vàng” để phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, vùng đất này cần có những định hướng và chính sách phù hợp để biến tiềm năng đó thành lợi thế hữu hình, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

1. Một số khái niệm cơ bản

- Văn hóa: Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Các định nghĩa về văn hóa rất phong phú, nội hàm của từ văn hoá càng được mở rộng theo trình độ phát triển của tư duy trong thời đại văn minh. Tuy nhiên, định nghĩa của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO F.Moyor trong “Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa” năm 2005 có thể cho ta một cái nhìn tổng quát: "Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động đó hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu, những yếu tố các định đặc tính riêng của dân tộc". Như vậy, văn hóa được hiểu là tất cả những gì con người có và con người sáng tạo ra (trong đó bao gồm cả cách thức con người nhận thức, cảm nhận về thế giới) nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần và vật chất của mình, đồng thời, thích ứng với thiên nhiên và xã hội. Nói cách khác, hạt nhân của văn hóa là con người, không thể tách các thành tố văn hóa ra khỏi nhân tố con người – chủ thể sáng tạo. Việc tách rời các thành tố văn hóa ra khỏi chủ thể sáng tạo là nhận thức lệch lạc và có thể dẫn đến những quyết định sai lầm trong công tác quản lý văn hóa.

- Quản lý văn hóa: Quản lý nhà nước về văn hóa là một bộ phận trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống, xã hội. Nó là sự định hướng, tạo điều kiện và tổ chức điều hành của nhà nước để làm cho văn hóa phát triển theo hướng bền vững. Hay nói cách khác, quản lý nhà nước về văn hóa là sự quản lý của nhà nước với toàn bộ hoạt động văn hóa của một quốc gia bằng quyền lực nhà nước thông qua hiến pháp, pháp luật về thể chế chính sách để đảm bảo sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Khác với quản lý văn hóa thời thực dân, phong kiến với mục đích chủ yếu là phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, quản lý văn hóa trong chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, quản lý văn hóa trong chế độ xã hội chủ nghĩa còn có nhiệm vụ gắn kết văn hóa với quá trình phát triển, biến văn hóa thành “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước” theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII, “Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết TƯ 9 khóa XIV và “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

- Du lịch văn hóa: Luật Du lịch chỉ rõ “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Trong khái niệm trên, có 2 nội dung cần chú ý: Một là, du lịch văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là quan điểm đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về bảo tồn và phát huy sức mạnh của văn hóa, gắn văn hóa với quá trình phát triển đất nước. Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được xem là có những hỗ trợ trực tiếp và tích cực nhất đối với việc phát triển kinh tế du lịch vùng DTTS.

Hai là, du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng. Tại Hội thảo “Chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng” được Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hà Nội năm 2003 đã xác định: “Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng nhằm đảm bảo văn hoá, thiên nhiên bền vững, nâng cao nhận thức và tăng quyền lực cho cộng đồng. Cộng đồng được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch, nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế”. Du lịch văn hóa là một ngành kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên là bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong việc tổ chức các hoạt động kinh tế này tại các vùng miền, địa phương, không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng. Trong vai trò là chủ thể văn hóa, các cộng đồng dân tộc là những người hiểu hơn ai hết đặc điểm, giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời cũng là người hiểu rõ cách khai thác sao cho hiệu quả nhất mà không làm mai một, biến dạng các giá trị văn hóa. Mặt khác, trên quan điểm mục đích “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, với tư cách là chủ thể văn hóa, đồng bào DTTS nói riêng và các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung là những người xứng đáng được hưởng những thành quả mà du lịch văn hóa mang lại.

2. Lợi thế và tiềm năng du lịch văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc

2.1. Lợi thế và tiềm năng du lịch văn hóa

Có thể khẳng định, xét trên phương diện tài nguyên, vùng DTTS và miền núi phía Bắc nước ta có tiềm năng vô cùng to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa. Sự kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa – nhân văn mang đến cho vùng đất này những nét riêng biệt mà các vùng lãnh thổ khác trên đất nước không có.

Về địa chất, vùng núi phía Bắc (bao gồm cả Tây Bắc và Đông Bắc) gồm chủ yếu là núi trung bình và núi cao. Tây Bắc là nơi có địa hình cao nhất, bị chia cắt nhất và hiểm trở nhất Việt Nam. Các dạng địa hình phổ biến ở đây là các dãy núi cao, thung lũng sâu hay hẻm vực, các cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình. Dãy núi cao và đồ sộ nhất là Hoàng Liên Sơn với nhiều đỉnh cao trên 2.500m, đỉnh núi cao nhất là Fansipan (3.143m). Vùng đồi núi Đông Bắc gồm chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Khối núi thượng nguồn sông Chảy có nhiều đỉnh cao trên dưới 2.000m là khu vực cao nhất của vùng. Từ khối núi này ra tới biển là các dãy núi hình cánh cung thấp dần về phía biển. Có bốn cánh cung lớn là cánh cung sông Gâm, cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Bắc Sơn và cánh cung Đông Triều. Cấu trúc địa chất đó góp phần tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và di tích tự nhiên bao gồm các thác nước, các thung lũng mở rộng và vực thẳm. Ngoài Sa Pa là thị trấn du lịch nổi tiếng nằm ở độ cao 1.500m thuộc tỉnh Lào Cai, các địa danh khác như cao nguyên Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)... được ví như bức tranh tuyệt tác vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi rừng, có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các khu du lịch miền núi.

Về khí hậu, vùng núi phía Bắc có khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, có sự tương phản rõ rệt: mùa hè gió mùa Tây Nam nóng khô, mưa nhiều, mùa đông gió mùa Đông Bắc lạnh, khô, ít mưa. Chế độ gió tạo ra thời tiết có phần khắc nghiệt, gây nên khô nóng, hạn hán, sương muối gây trở ngại cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng đồng thời cũng góp phần tạo nên những nét đặc sắc, khác biệt của văn hóa các dân tộc vùng miền núi phía Bắc.

Nhưng đặc sắc và hấp dẫn nhất đối với du khách là tính đa dạng, độc đáo của văn hóa các dân tộc vùng núi phía Bắc. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, vừa thích ứng với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt vừa liên tục đấu tranh với các thế lực ngoại xâm để tổn tại và phát triển, đồng bào các DTTS nơi đây đã tạo nên những giá trị văn hóa – nhân văn huyền bí và vô cùng độc đáo. Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ ở Mù Căng Chải trong mùa lúa chín có thể coi là hình ảnh biểu tượng cho sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Chiếc khăn Piêu tha thướt cùng điệu múa xòe say đắm lòng người của các cô gái Thái, điệu Then nồng ấm, ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc Tày, Nùng là cầu nối giữa con người ới thế giới thần linh, lễ hội nhảy lửa gửi gắm mong ước về một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của các chàng trai người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì... Đó là những không gian văn hóa đặc sắc, đậm chất tâm linh, tạo nên sức hút khó cưỡng đối với du khách phương Tây vốn quen thuộc với những không gian văn hóa công nghiệp. Phải khẳng định, đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng núi phía Bắc. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch văn hóa ở vùng DTTS vùng núi phía Bắc nước ta còn có thể kể đến nhiều giá trị văn hóa gắn với từng dân tộc như ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà ở, tập quán sản xuất, cấu trúc xã hội, thiết chế văn hóa truyền thống… cùng hàng loạt di sản văn hóa thiên nhiên, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

2.2. Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển ngành du lịch văn hóa ở Việt Nam

Mặc dù có lợi thế và tiềm năng lớn, song có thể khẳng định, hiệu quả kinh tế từ du lịch vùng núi phía Bắc còn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có. Có thể chỉ ra những vấn đề tồn tại chủ yếu của du lịch ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc nước ta như sau:

- Số lượng khách quốc tế và nội địa thời gian qua có tăng nhưng không tạo được đột phá, hiệu quả, thu nhập du lịch còn khiêm tốn. Chi tiêu du lịch còn thấp do sản phẩm du lịch đơn điệu, dịch vụ nghèo nàn và trùng lặp.

- Hạ tầng du lịch chưa được quy hoạch một cách bài bản nên thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chưa thu hút du khách với khả năng chi tiêu cao và lưu trú lâu dài.

- Hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí, hệ thống quà lưu niệm du lịch đặc trưng các vùng miền trên phạm vi cả nước còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ.

- Tại các điểm du lịch văn hóa (di sản, làng nghề…), các nhà đầu tư chỉ quan tâm khai thác mà không chú ý đúng mức đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và tái đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Việc tổ chức các loại hình trình diễn nghệ thuật để phục vụ du khách, từ truyền thống đến đương đại, trình diễn các nghề truyền thống… còn nhiều hạn chế.

- Các làng nghề truyền thống với cuộc sống, phương thức sinh hoạt, làm nghề và truyền nghề cùng các sản phẩm thủ công truyền thống là những tiềm năng lớn chưa được khai thác hết phục vụ phát triển du lịch.

- Việc cung cấp các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của các dân tộc còn hạn chế bởi các sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu, không gian trưng bày thiếu đầu tư nên không hấp dẫn du khách. Hệ quả là các chủ thể văn hóa (cộng đồng) không thu được nguồn lợi để bù đắp chi phí, tái sản xuất, buộc phải chuyển nghề khác để kiếm sống.

- Môi trường văn hóa du lịch chưa được đảm bảo, gây nhiều phiền nhiễu cho du khách.

- Yếu tố môi trường chưa được coi trọng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song cốt lõi là do Việt Nam chưa xây dựng được một ngành công nghiệp văn hóa – công nghiệp du lịch đúng nghĩa. Các hoạt động du lịch tổ chức manh mún, nhỏ lẻ, vụn vặt, thiếu sự quản lý thống nhất ở tầm vĩ mô, thiếu tính đồng bộ, tính kết nối và chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Với quan điểm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, trên nền tảng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược du lịch quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch tương đương 130-150 tỷ USD; đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Đó là những mục tiêu lớn cần đạt được trong khoảng thời gian khá hạn hẹp. Thế nên, cần có những giải pháp đột phá về tư duy, cách thức tổ chức, vận hành cả một ngành kinh tế còn đang mới mẻ ở nước ta: Kinh tế du lịch. Trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã có một hệ thống giải pháp đầy đủ và toàn diện, bài viết này chỉ xin đưa ra một góc nhìn riêngvề những giải pháp mang tính cốt lõi, vừa hướng đến mục tiêu của Chiến lược, vừa đảm bảo phát triển du lịch bền vững trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII như sau:

Trước hết, cần phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

Xét về các điều kiện tự nhiên và xã hội, có thể chia nước ta thành nhiều vùng văn hóa như vùng văn hóa miền núi phía Bắc, vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Tây Nam Bộ… Mỗi vùng văn hóa có những đặc điểm riêng, tạo sức hút, sức hấp dẫn riêng. Cần tô điểm, làm nổi bật những giá trị đặc sắc của từng vùng văn hóa, trong đó, cùng với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, thì yếu tố cần đặc biệt chú trọng là bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS.

Vùng văn hóa miền núi phía Bắc đậm chất tâm linh, huyền bí, gắn với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những tác động của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa đang khiến những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS mai một nhanh chóng, tính đa dạng và độc đáo của văn hóa vùng miền ngày càng mờ nhạt. Trong điều kiện đó, việc đẩy mạnh công nghiệp văn hóa có thể trở thành một động lực để đồng bào các dân tộc nói chung và các dân tộc vùng miền núi phía Bắc nói riêng, chủ động, tích cực hơn trong bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của văn hóa dân tộc, đồng thời giúp cải thiện và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.

Thứ hai, khi phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương, đặc biệt là vùng DTTS, cần chú trọng vai trò của các chủ thể văn hóa.

Vùng DTTS và miền núi nước ta là nơi định cư chủ yếu của đồng bào các DTTS. Với hơn 75% diện tích cả nước, vùng DTTS và miền núi không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng – yếu tố thiết yếu của công nghiệp du lịch. Chủ thể của nguồn tài nguyên văn hóa đó là đồng bào các DTTS, những tộc người đã trường tồn trong môi trường tự nhiên qua hàng bao thế kỷ, tạo nên những trầm tích văn hóa đặc sắc, góp phần tạo dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chỉ có đồng bào DTTS mới có thể thấu hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và cũng chỉ có họ mới biết cách phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại, mai một những giá trị đó.

Xây dựng một nền công nghiệp như công nghiệp du lịch cần rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn… nhưng không thể bỏ qua nguồn lực văn hóa của các chủ thể văn hóa. Văn hóa các dân tộc là chất liệu, là “nguyên liệu đầu vào” không thể thiếu của công nghiệp du lịch, nhưng các cộng đồng dân tộc mới là những người sáng tạo, bảo vệ, lưu truyền và không ngừng bổ sung, làm giàu thêm những giá trị của văn hóa dân tộc mình. Nếu không coi trọng vai trò chủ thể văn hóa, sẽ rất khó để có thể khai thác hết những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, thậm chí có thể làm biến dạng, gây những tác động tiêu cực làm mai một văn hóa dân tộc.

Trong cơ cấu ngành công nghiệp du lịch, nếu như Nhà nước đóng vai trò chủ thể thì phải coi các cộng đồng dân tộc là đối tác phát triển. Các cộng đồng có thể tham gia vào các công đoạn của quy trình công nghệ như như sáng tạo, khai thác sản phẩm, quản lý, giám sát, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường… Họ phải được hưởng lợi, được chia sẻ lợi ích thỏa đáng từ các hoạt động du lịch, có thể sử dụng nguồn lợi đó để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tái sản xuất các sản phẩm du lịch…

Trong cơ cấu quản lý ở Việt Nam, quản lý văn hóa không phải là một lĩnh vực biệt lập mà có sự gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường. Quản lý văn hóa chỉ thực sự hiệu quả khi gắn kết văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “mục tiêu, động lực” và “nguồn lực nội sinh quan trọng” để phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, việc định hướng và đầu tư phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng (cả về tự nhiên, xã hội, đặc biệt là tiềm năng văn hóa) của từng vùng miền, từng dân tộc, trong đó có các DTTS vùng miền núi phía Bắc nước ta, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong các hoạt động du lịch còn có ý nghĩa phát triển các cộng đồng (đặc biệt là các cộng đồng DTTS), cả về tâm lực, trí lực, tài lực, để các cộng đồng đó thực sự lớn mạnh, trên cơ sở đó mới có thể phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”,
  3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2014),Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
  5. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Đỗ Thị Thanh Thủy (2020), Cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Tạp chí Cộng sản, 29/3/2020.
  6. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2017), Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  7. Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group (2022), Đột phá tư duy đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch, Tạp chí TheLeader, ngày 21/7/2022.
  8. Nguyễn Phạm Hùng (2022), Văn hóa du lịch, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  9. Võ Văn Quang (2020), Tiềm năng du lịch Việt Nam so sánh với Thái Lan, Tạp chí TheLeader, ngày 4/2/2020.

(*)Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

(**)Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc.

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068