Phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số  ở Việt nam hiện nay.

30/09/2020

Suốt quá trình tồn tại và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, với nhiều loại hình, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều sắc màu. Đó là tài sản vô giá của đồng bào, phản ảnh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển. Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã và đang có những biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần có hệ thống giải pháp, chính sách để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, trong đó phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa là một trong những cách tiếp cận cần được chú trọng.

 Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình chính là nơi lưu giữ và trao truyền giá trị văn hóa tộc người. Với cái nôi gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền, thẩm thấu một cách tự nhiên. Hiện nay, phần lớn các dân tộc thiểu số ở nước ta đã phát huy được vai trò của thiết chế gia đình trong việc lưu truyền những nét văn hóa tốt đẹp của tộc người và trao truyền cho các thế hệ con cháu. Hiện nay, trong gia đình các dân tộc thiểu số đều diễn ra các hoạt động gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ; trang phục, ẩm thực truyền thống; phong tục tập quán hôn nhân, cưới xin,  ma chay, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng... Chính việc thực hành những nét văn hóa đó trong gia đình đã trao truyền văn hóa tộc người từ đời này qua đời khác. Chẳng hạn, đồng bào Thái gìn giữ nền nếp gia phong cơ bản là bằng cách thế hệ trước giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ con cháu đời sau. Khi ở nhà thì nói tiếng Thái, còn đi làm ra ngoài giao tiếp, gặp người không biết nói tiếng Thái thì mình mới nói tiếng phổ thông. Các gia đình dân tộc Thái còn truyền cho thế hệ trẻ những món ẩm thực truyền thống của người Thái như: Rêu đá, cá bống vùi tro, xôi màu, hay những bài hát, điệu múa cổ của người Thái từ thời xưa truyền lại. Và chính bản sắc văn hóa ấy đã trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến khám phá những nếp nhà sàn truyền thống, những bộ áo cóm ôm sát vòng eo đẹp đến mê hồn của các cô gái Thái và đặc biệt là những món ẩm thực, những bài hát, điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển bên ánh lửa của vòng xòe truyền thống.

 Không chỉ có dân tộc Thái, mà hầu hết các gia đình dân tộc thiểu số đều có xu hướng gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Gia đình Dao đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xa xưa để lại như: truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, sống có đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, vâng lời bố mẹ, ông bà; giữ gìn và phát triển nghề dệt may trang phục cho các thành viên trong gia đình của người phụ nữ... Trong gia đình người Mông, người già truyền lại cho con cháu cách chế tác các nhạc cụ của người Mông như kèn lá, khèn, đàn môi; những bài cúng trong lễ hội Gầu tào, Tạ ơn; những bài hát dân ca, hát dao duyên tỏ tình.... Trong mỗi mái nhà, các thế hệ thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau; nhất là về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, các nghề truyền thống... Nhiều gia đình dân tộc thiểu số vẫn bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ của tộc người, quan tâm thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách và gìn giữ, phát huy cốt cách của tộc người, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Chính việc lưu giữ, trao truyền văn hóa trong gia đình mà dù xã hội hiện đại có nhiều biến đổi nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người vẫn bền vững qua thời gian.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số tộc người chưa quan tâm đúng mức đến việc gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Một số gia đình không chú trọng đến việc giáo dục văn hóa mà quá coi trọng chức năng kinh tế của gia đình. Một số gia đình quan tâm đến giáo dục văn hóa truyền thống thì tỏ ra lúng túng cả về nội dung và phương pháp. Đặc biệt, khi mà lớp người cao tuổi am hiểu sâu về bản sắc văn hóa của dân tộc còn rất ít thì việc trao truyền giá trị văn hóa trong chính mỗi gia đình lại càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, trong gia đình của một số dân tộc lại bảo lưu những phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình và cộng đồng. Vì vậy, để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ngay trong mỗi gia đình các dân tộc thiểu số cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của gia đình trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hình thức như: Tuyên truyền miệng, tiểu phẩm, câu chuyện thông tin, biểu diễn văn nghệ... Đồng thời, các đội chiếu bóng vùng cao, thông tin lưu động, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thường xuyên đưa những nét đẹp văn hóa đến với từng bản làng, từng gia đình thông qua các tiết mục ca, múa, nhạc, các bộ phim tư liệu, tài liệu khoa học, các phim phóng sự phản ánh về những cách làm hay, gương người tốt việc tốt trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa... Thông qua sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các phương tiện thông tin đị chúng cần tuyên truyền rộng rãi những nét văn hóa độc đáo của các tộc người, làm cho đồng bào và mỗi gia đình nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao lòng tự tôn, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, từ đó có những làm cụ thể để gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình.

Đặc biệt, bằng những công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, những bậc ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cái những nét sinh hoạt văn hóa của gia đình, truyền dạy những phong tục, tập quán của tộc người, cách sắp xếp tổ chức công việc, đời sống, tổ chức trong gia đình. Từ những phép tắc, văn hóa ẩm thực, tổ chức đời sống, ứng xử văn hóa trong gia đình đến những ứng xử văn hóa cộng đồng cần được trao truyền một cách thường xuyên ngay trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, bữa cơm gia đình được coi như một diễn đàn hay một lớp học nhỏ để cha mẹ, ông bà có dịp dạy dỗ con từ chuyện nhà đến chuyện xã hội. Quanh bữa cơm, thế hệ đi trước chia sẻ những kinh nghiệm cho con cái, an ủi, khuyên bảo những điều hay lẽ phải cho con cái, vừa tạo nên sự gần gũi vừa như những bài học kinh nghiệm được truyền dạy một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào con cái. Với từng công việc diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình, cha mẹ, ông bà có dịp hướng dẫn một cách cụ thể, trực tiếp mỗi công việc, mỗi cách ứng xử cần phải làm, phải xử lý các tình huống diễn ra sao để con trẻ có thể học hỏi và ứng tác theo những chuẩn mực văn hóa.  Sự nhường nhịn đối với anh chị em trong nhà nếu được nuôi dạy từ lúc trẻ sẽ tạo nên lòng bao dung, lòng vị tha, thương người cho mỗi đứa trẻ khi lớn lên và bước vào cuộc đời. Thái độ đối với con cái trong những công việc gia đình, sự phân công hợp lý công việc, thái độ đối với lỗi của con cái, sự công bằng trong việc giải quyết những việc nhỏ nhặt hàng ngày sẽ là những tác động đến hình thành tính cách của con cái cũng như cách xử lý của chúng trong tương lai. Với những phương pháp giáo dục vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, chủ yếu là thuyết phục, hướng dẫn, chỉ bảo và bằng những việc làm, hành động cụ thể  trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, những nét đẹp văn hóa gia đình sẽ được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự giác. Chính thông qua việc tổ chức cuộc sống có nền nếp theo gia phong, gia đạo; dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình, các thế hệ đi trước truyền thụ, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tộc người, góp phần tạo nên nhân cách văn hóa mang dấu ấn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn của mỗi tộc người trong thế hệ trẻ. Do vậy, mỗi gia đình cần tạo ra không gian sống mang những nét đẹp truyền thống nhưng không bảo thủ, lạc hậu, từ đó chuyển tải các thông điệp văn hoá tốt đẹp, không chỉ từ quá khứ mà cả hiện tại đến con cháu, rèn luyện thế hệ trẻ theo các chuẩn mực văn hoá đó. Tuy nhiên, việc duy trì nền nếp sinh hoạt gia đình theo thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng cũng phải có tính khoa học, văn minh. Các hoạt động học tập, lao động, hay giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình cần theo đúng chuẩn mực văn hoá, đạo đức của xã hội và quy định của pháp luật.

Mỗi gia đình cần chú trọng thực hiện những nghi lễ truyền thống của tộc người trên tinh thần “gạn đục, khơi trong”, gìn giữ những giá trị tích cực và loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Cần quan tâm thực hiện các nghi lễ trong các sự kiện quan trọng như ngày giỗ, tết và cưới xin, ma chay... Đây cũng chính là dịp để mỗi gia đình lưu giữ và trao truyền những nét văn hóa riêng của tộc người cho thế hệ trẻ. Bằng vào việc tham gia cùng nhau vào những nghi lễ này, thông qua các công việc như nấu nướng, bày biện, sắp đặt, trang trí hay chuẩn bị các công việc liên quan khác, các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng có dịp trò chuyện, tâm sự, giãi bày, trao đổi những phong tục, tập quan, những sinh hoạt văn hóa, đồng thời đồng cảm, cảm thông với nhau, tạo nên sự gắn kết bền chặt hơn. Như người ta nói, đám giỗ, đám ma không chỉ vì người chết, mà chủ yếu là vì người sống, những đau buồn được an ủi, sẻ chia, những bất hòa được giải tỏa, người chết là cái cớ để gắn kết những người sống, tạo cho người sống hiểu được giá trị của gia đình, ruột thịt… Chính khi thực hành văn hóa trong những sự kiện giỗ, tết, cưới xin, ma chay cũng chính là dịp để dạy dỗ các thế hệ con cái trong gia đình bằng những việc làm cụ thể, trực tiếp mà không phải bằng những lời giáo giáo huấn suông. Việc thực hành các sinh hoạt văn hóa gia đình một có chọn lọc sẽ trực tiếp giáo dục, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Thường xuyên đề cao tấm gương cha mẹ, ông bà trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của cha mẹ, ông bà sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên vào mỗi con trẻ. Do đó, để con trẻ được giáo dục những nét đẹp văn hóa thì chính những người thân yêu nhất, gần gũi nhất, những bậc ông bà, cha mẹ phải là người thực hiện những chuẩn mực, giá trị đó. Tất cả những việc làm, cách ứng xử, lối sống, việc đối nhân xử thế của ông bà, cha mẹ đều là những hình ảnh trực quan sinh động tác động đến nhận thức, hành động, lối sống của con cái. Theo đó, giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm và hành động cụ thể. Đặc biệt, khi tuổi trẻ còn non nớt thì những hình ảnh đó luôn luôn khắc sâu vào tâm trí và được lưu giữ rất lâu, thậm chí ám ảnh cả cuộc đời. Những thái độ, cách thức ứng xử hằng ngày của cha mẹ đối với ông bà, họ hàng, hàng xóm láng giềng và xã hội có tác động mạnh mẽ vào con cái và sẽ là nguồn nuôi dưỡng và hình thành tính cách. Lối sống hàng ngày của cha mẹ, ông bà cũng sẽ là tấm gương đạo đức cho con cái noi theo như một hệ quả của sự thực hành giáo dục cho thế hệ trẻ. Sự tôn trọng ông bà, sự kính trên nhường dưới, sự yêu quý anh chị em ruột trong gia đình của người cha, người mẹ luôn là một tấm gương tốt cho con cái học tập và làm theo. Mỗi gia đình nhất là cha mẹ, ông bà phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái, có trách nhiệm thực hành các giá trị văn hoá, trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Các thành viên gia đình phải khắc phục tâm lý phó mặc sự giáo dục thế hệ trẻ cho nhà trường, cho xã hội, biết cân bằng giữa nhu cầu mưu sinh với việc quan tâm dạy dỗ, giáo dục con em, giải quyết hài hoà giữa việc đảm bảo nhu cầu vật chất với đáp ứng nhu cầu tinh thần, nhu cầu được lắng nghe và được chia sẻ của các em, biết cân bằng giữa ước vọng chung của cha mẹ và “cái tôi” của lớp trẻ. Khắc phục sự xung đột thế hệ, xung đột giá trị trong gia đình phải bằng sự thấu hiểu, thấu cảm đối với thế hệ trẻ. Phải làm cho gia đình trở thành nơi lưu giữ và lan toả các giá trị văn hoá truyền thống cũng như suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ trẻ - yếu tố cơ bản để có một lối sống đẹp, có văn hoá. Có như vậy, các giá trị văn hóa truyền thống tộc người mới thông qua giáo dục gia đình mà được chuyển hoá thành nếp sống văn hóa của thế hệ kế tiếp. 

Trước những biến đổi của xã hội hiện đại, công tác bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của các tộc người thiểu số đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn những nét đẹp văn hóa của mỗi tộc người, góp phần trao truyền, thẩm thấu và lan tỏa những giá trị truyền thống một cách tự nhiên  trong mỗi gia đình. Đây cũng chính là hướng gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số một cách bền vững, góp phần làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1]./.

TS. Nguyễn Hồng Hải

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam(2016),  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.128.
  2. Trần Đình Hượu (1996), Gia đình và giáo dục gia đình, Những nghiên cứu xã hội học về gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Phương Thủy (2014), Gia đình và giáo dục gia đình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. http://baolamdong.vn/vhnt/202006/ton-trong-va-binh-dang-voi-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-bai-2-3007647/
  5. http://kinhtedothi.vn/de-ban-sac-khong-bi-nhat-phai-bai-4-gan-di-san-voi-doi-song-cong-dong-392730.html
  6. https://nhandan.com.vn/vanhoa/item/31757402-chung-tay-giu-gin-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so.html

 

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng;  H; tr:126

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068