Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế ở tỉnh Yên Bái

06/04/2021

1. Đặt vấn đề

Khu vực Tây Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của quốc gia, đồng thời có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc bộ. Bên cạnh đó, Tây Bắc được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn về thủy điện, nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp… thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của cả nước. Tây Bắc là khu vực sinh sống của hơn 20 dân tộc khác nhau như: Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Cống, La Ha, La Hủ, Lào, Hoa, Mảng… Theo số liệu điều tra về dân số và nhà ở năm 2019, toàn khu vực có diện tích tự nhiên trên 5,6 triệu ha và trên 4.690.600 người.

Với nhiều dân tộc cùng sinh sống nên Tây Bắc được xem là khu vực có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng nhất trong toàn quốc. Dù đã trải qua hàng ngàn năm xây dựng và phát triển, nhưng văn hóa các dân tộc Tây Bắc luôn giữ cho mình bản sắc riêng biệt, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng. Ở vùng thấp, thung lũng là văn hoá Thái, Mường, Tày, Nùng với nét văn hoá của người trồng lúa nước: Thờ cúng vía lúa, ngày hội Lồng Tồng (xuống đồng), văn hoá nhà sàn. Ở vùng cao trên 800m so với mực nước biển là nét văn hoá độc đáo của người Mông, người Dao, người Giáy, người Lô Lô… Đặc điểm chung của văn hóa Tây Bắc là sự tổng hợp hài hòa với thiên nhiên; mang tính cộng đồng cao; phụ thuộc vào thần linh và có giá trị nhân văn sâu sắc, từ cách ăn, mặc, ở, đi lại đến đời sống tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc… tạo nên một Tây Bắc rất riêng với múa xòe của người Thái, múa khèn của người Mông, hát Then, Si, Lượn của người Tày, Nùng…

Nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc… làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh của sự phát triển nhằm bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”[1]. Vì vậy, trong những năm qua các địa phương của khu vực Tây Bắc đã triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nhằm gắn với phát triển kinh tế, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên là 6.899,49 km2. Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố và 180 xã, phường, thị trấn, với dân số khoảng gần 800.000 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019), mật độ dân số trung bình là 107 người/km2. Có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người, 2 dân tộc có từ 2.000 đến 5.000 người, 03 dân tộc có từ 500 đến 2.000 người, còn lại các dân tộc khác có số dân dưới 500 người. Cơ cấu dân tộc Kinh 49,6%; Tày 15,58%; Dao 10,3%; Mông 8,9%; Thái 6,7%... Do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nên Yên Bái được xem là tỉnh có nhiều di sản văn hóa và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc.

2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Yên Bái và thực trạng công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chủ trương “Phát triển sự nghiệp văn hoá, du lịch phải gắn liền với phát triển kinh tế ở địa phương, có chọn lọc, phù hợp phong tục tập quán sinh hoạt của các dân tộc với việc hoà nhập cộng đồng quốc tế. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, có hiệu quả theo định hướng của Nhà nướcNâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân[2].

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, ngành văn hóa đã tham mưu cho chính quyền xây dựng và thông qua nhiều đề án như: Đề án “Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc 4 huyện phía tây tỉnh Yên Bái”; Chiến lược “Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đến năm 2020”; Đề án “Tổng điều tra và kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái”… Bên cạnh xây dựng các đề án, ngành văn hóa còn phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát các lễ hội, làn diệu dân ca và dân vũ của các dân tộc để có phương án khôi phục, bảo tồn.

Theo số liệu tổng kiểm kê di sản của ngành văn hóa, “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 1.200 di sản văn hóa, trong đó hơn 700 di sản văn hóa vật thể và trên 400 di sản văn hoá phi vật thể”[3]. Các di sản và lễ hội nổi tiếng của tỉnh Yên Bái được biết đến như: Nhà truyền thống và Làng cổ Pang Cáng của người Mông ở Suối Giàng; Làng cổ Viềng Công của dân tộc Thái ở Hạnh Sơn (Văn Chấn); Làng cổ Ngòi Tu của dân tộc Cao Lan, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình)... cùng các lễ hội như: Lễ Tăm khẩu mẩu của người Tày (Văn Chấn); Lễ cưới của người Dao (Yên Bình); Lễ Đón hồn mẹ lúa của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn)... Bên cạnh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia như Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đèo Lũng Lô, khu di tích Khu ủy Tây Bắc ở huyện Văn Chấn, Di tích đội du kích Cao Phạ ở huyện Mù Cang Chải; Di tích bến Âu Lâu ở thành phố Yên Bái, Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học; Di tích Chiến khu Vần - Dọc huyện Trấn Yên… cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: hồ Thác Bà, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…

Do có chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp cùng với việc thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về ‘Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” nên đến nay, trên toàn tỉnh đã khôi phục được một số các làn điệu dân ca, dân vũ cùng các làng nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như: Hát Sình ca dân tộc Cao Lan (xã Tân Hương, huyện Yên Bình); diễn xướng Khảm hải, dân tộc Tày (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình)…; phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục tập quán như: đám cưới người Dao quần trắng (xã Yên Thành, huyện Yên Bình); lễ cưới truyền thống dân tộc Mông (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn); lễ Mừng cơm mới dân tộc Xa phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên); lễ Đám chay dân tộc Cao Lan (huyện Yên Bình); Tết nhảy dân tộc Dao đỏ (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên); lễ hội Xé then dân tộc Thái (thị xã Nghĩa Lộ), tết Xíp xí dân tộc Thái đen (huyện Văn Chấn); Múa Mỡi dân tộc Mường (xã Sơn A, huyện Văn Chấn); lễ Cầu mưa dân tộc Dao (xã Đông An); lễ hội đền Đông Cuông, dân tộc Tày, xã Đông Cuông; lễ Cấp sắc dân tộc Dao (xã Đại Sơn của huyện Văn Yên); lễ hội Hạn khuống, dân tộc Thái (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ)… Đồng thời tiến hành khôi phục lại các làng nghề truyền thống như: Nghề làm giấy dó của dân tộc Dao; nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải của người Mông; đan lát, dệt thổ cẩm của người Thái... Vì vậy, “Bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Việc cưới, việc tang và lễ hội có sự chuyển biến tích cực. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được quan tâm, đã công nhận trên 66 di tích cấp tỉnh và 13 di tích cấp Quốc gia”[4].   

Bên cạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Yên Bái đã mở các tuyến du lịch văn hóa “về cội nguồn” nhằm khai thác lợi thế du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế địa phương và tổ chức tốt lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc. Theo số liệu của ngành văn hóa tỉnh Yên Bái “Hiện nay, trung bình mỗi năm trong tỉnh diễn ra trên 40 lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2 lễ hội có quy mô lớn ở khu di tích cấp quốc gia là: lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên và lễ hội đền Đại Cại, huyện Lục Yên. Nhiều lễ hội truyền thống thường niên diễn ra tại các huyện, thị, thành phố với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân, tiêu biểu như: lễ hội Lồng Tồng, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; lễ hội đền Mẫu Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; lễ hội đình, đền, chùa Nam Cường, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái...”[5].  Đặc biệt, trong các năm vừa qua tỉnh đã tổ chức thành công “Lễ hội sông Hồng” gắn với lễ hội đền Mẫu Đông Cuông; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Đặc biệt, năm 2019 tỉnh đã tổ chức màn đại xòe xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ, với sự tham gia biểu diễn của hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân… góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái vùng Mường Lò, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham dự.

Với những cách làm trên, không chỉ giúp cho việc khôi phục bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt hiệu quả cao, mà thông qua công tác này tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch dịch vụ cũng được tăng lên. Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, “Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đón 3.054.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 227.158 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách hàng năm đạt 10,3% (vượt 1,8% so với mục tiêu Nghị quyết số 35). Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân hàng năm 19,6%, tạo việc làm cho 7.500 lao động”[6] (vượt 8,2% mục tiêu Nghị quyết 35, ngày 18/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 35 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Nghị quyết số 35). Cũng theo Báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, “Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách. Trong đó khách có lưu trú gần 10.000 lượt (giảm 60% so với cùng kỳ); doanh thu ước đạt gần 20.000 tỷ đồng”[7].

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đạt được thì công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của tỉnh Yên Bái vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch chưa đứng mức. Công tác chỉ đạo ở cơ sở còn kém hiệu quả, còn nhiều mặt bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; công tác xã hội hoá về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống còn chậm, chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ chế chính sách thu hút lực lượng trẻ tham gia vào hoạt động các lĩnh vực của ngành còn chậm đổi mới; sự phối hợp giữa các ngành chưa tích cực và đồng bộ; cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn còn nhiều yếu kém, lạc hậu; kinh phí hoạt động còn thấp so với nhu cầu, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã.

3. Một số giải pháp thực hiện  

Để công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở tỉnh Yên Bái gắn với phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các Nghị quyết, Quyết định của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, trong đó có: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 14/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030… Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường công tác quản lý của ngành văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển văn hóa theo quy định của pháp luật. Có chính sách thu hút các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn tỉnh về việc bảo tồn từ đó thúc đẩy phát triển du lịch khu vực toàn tỉnh nói chung góp phần phát triển kinh tế - xã hội[8]. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tạo cơ chế, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ ba, tăng cường quảng bá, giới thiệu rộng rãi quy hoạch chi tiết các công trình văn hoá, các khu du lịch trọng điểm của tỉnh để kêu gọi đầu tư. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm tạo ra nét đặc sắc riêng của tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng các ấn phẩm giới thiệu về văn hoá, du lịch Yên Bái, xây dựng các biển quảng cáo tấm lớn, các biển chỉ dẫn quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân địa phương cũng như ra toàn quốc và bạn bè quốc tế.

Thứ tư, tiến hành tổ chức mở các khoá đào tạo về nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ làm công tác văn hóa dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như phối hợp với các trường đào tạo các nghiệp vụ phục vụ phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường đầu tư đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ văn hoá cấp xã, phường, đặc biệt chú trọng đến cán bộ văn hoá các xã vùng sâu, vùng  xa, vùng dân tộc thiểu số và cán bộ văn hoá thôn bản. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ làm văn hóa.

Thứ năm, tăng cường hợp tác phát triển văn hoá với các tỉnh trong khu vực cũng như các tỉnh trên phạm vi toàn quốc; tham gia đầy đủ các sự kiện văn hoá của khu vực, quốc gia, cũng như tổ chức tốt các lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc. Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, tạo điều kiện phối hợp trao đổi thông tin, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Yên Bái đến với mọi người và các tổ chức trong và ngoài nước.

Có thể thấy, với chủ trương bảo tồn và phát triển văn hóa truyển thống của các dân tộc gắn với tăng trưởng kinh tế không chỉ giúp thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn giúp cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái được bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới ngành văn hóa các cấp của tỉnh Yên Bái cần thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp trên./.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh Yên Bái tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Yên Bái, 2015.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, https://thuvienphapluat.vn.

4. Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Yên Bái, 2016.

5. Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể dục thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ban hành theo Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 16/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Yên Bái, 2011.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 14/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030. Yên Bái, 2020.

 

[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 75 - 76.

[2] . Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh Yên Bái tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Yên Bái, 2015.

[3] . Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể dục thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ban hành theo Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 16/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Yên Bái, 2011.

[4] . Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể dục thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ban hành theo Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 16/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Yên Bái, 2011.     

[5] . Hồng Oanh: Yên Bái bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, http://baoyenbai.com.vn. Cập nhật: ngày 11/11/2019.

[6] . Đình Tứ: Du lịch Yên Bái và “quả ngọt” nhờ Nghị quyết, http://www.baoyenbai.com.vn/

[7] . Theo Báo Yên Bái: Yên Bái thu hút 50 nghìn lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, bvhttdl.gov.vn.

[8] . Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 14/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030. Yên Bái, 2020.

  ThS. Lê Thanh Bình

Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068