Chuyển đổi sinh kế của người Khmer ở Tây Nam Bộ trước tác động của biến đổi khí hậu hiện nay

30/08/2020

Đồng bào dân tộc Khmer cư trú, sinh sống tập trung ở vùng Tây Nam bộ. Với đức tình hiền lành, thật thà, chịu khó, cần cù, sáng tạo, đồng bào đã hình thành nên một nền văn hóa độc đáo, phong phú và đa dạng. Những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer. Nhiều chính sách đã được ban hành và tổ chức thực hiện, trong đó, các chính sách phát triển và chuyển đổi sinh kế đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào.

Đến nay, sản xuất nông lâm thủy sản đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, hiện nay người Khmer đang lao động trong ngành nông lâm thủy sản là 58,0%, trong ngành công nghiệp-xây dựng là 25,0% và trong ngành dịch vụ là 17,0%[1]. Nghề nghiệp phổ biến của người Khmer là trồng lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc - gia cầm, nuôi trồng thủy sản và đi làm mướn. Đa số người Khmer làm nông hoặc liên quan đến nông nghiệp; cùng với đó, làm mướn là một công việc phổ biến để đa dạng nguồn thu nhập cho cá nhân và hộ gia đình người Khmer kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nhờ đó, trong thời gian qua, đồng bằng sông Cửu Long luôn là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tính đến tháng 4-2017, đồng bằng sông Cửu Long đã “đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước”[2]; nhiều mặt hàng nông sản đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới, như xoài, chôm chôm, vú sữa...

Đồng thời, hoạt động sinh kế của người Khmer đã và đang có sự chuyển đổi tích cực từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; từ không gian sinh kế truyền thống, gần gũi với gia đình, cộng đồng gắn liền với văn hóa Phật giáo Nam tông sang hướng mở rộng không gian sinh kế hoặc tách khỏi không gian sinh kế truyền thống. Để sinh tồn và tăng thu nhập cho hộ gia đình, di cư lao động là một lựa chọn của nhiều cá nhân và hộ gia đình người Khmer. Hiện nay, thông tin liên lạc và giao thông thuận tiện là các yếu tố thuận lợi giúp cho người Khmer di cư lao động đến các thành phố lớn, nơi có quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đang phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đang có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, các trang trại, khu công nghiệp đã và đang phát triển, hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngày càng đa dạng, thu hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia lao động, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào Khmer.

Tỷ lệ lao động kỹ thuật cũng đang có chiều hướng tăng lên. So với 53 dân tộc thiểu số nói chung thì tỷ trọng lao động giản đơn người Khmer thấp hơn nhiều trong khi lao động có kỹ thuật trong nông lâm thủy sản và thợ thủ công cao hơn nhiều, cho thấy có sự phát triển cao hơn về kỹ năng nghề nghiệp của lao động người Khmer. Ý chí vượt khó, kỹ năng lao động, sản xuất, tích lũy thu nhập và tổ chức đời sống của đồng bào tiếp tục nâng lên. Nhiều hộ biết áp dụng hình thức thâm canh, luân canh, đa canh trong sản xuất.

Những chuyển biến tiến bộ trong hoạt động sinh kế đã góp phần quan trọng trong việc ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào Khmer, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer thay đổi rõ nét, sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Những chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo đã góp phần giải quyết khó khăn, từng bước phát triển kinh tế gia đình, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên đủ ăn, có thu nhập khá, có hộ trở thành giàu có thu nhập cao, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm từ 14,18% cuối năm 2001 xuống còn 7,32% (theo chuẩn nghèo 2006 -2010) và tiếp tục giảm xuống còn 3,54% vào cuối năm 2015[3]. Riêng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc cuối năm 2001 là 35,61% giảm còn 29,59% vào cuối năm 2005 và tiếp tục giảm còn 13,01%  vào cuối năm 2015.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sinh kế của đồng bào cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Mức độ chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong hoạt động sinh kế còn chậm, thiếu bền vững. Phần lớn người Khmer vẫn lao động giản đơn (47,4%), lao động có kỹ thuật trong nông lâm thủy sản (21,8%) và thợ thủ công (13,8%). Đến nay người Khmer vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông lâm thủy sản và tiền công của lao động giản đơn kể cả trong nông nghiệp và ngoài nông nghiệp, thu nhập từ các hoạt động phi nông lâm thủy sản của người Khmer chiếm tỷ trọng thấp, số hộ làm nghề thủ công truyền thống hoặc dịch vụ du lịch cũng không đáng kể. Một bộ phận di cư lao động tự phát ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình, nhưng phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức ở thành thị, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp với thu nhập rất thấp. Số lao động không có việc làm, mất việc làm ngày càng nhiều. Điều đó đã làm cho đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, nhiều hộ thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Công tác giảm nghèo có nơi chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong dân tộc Khmer còn cao, tình trạng tái nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn cao.

Những tồn tại trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế do nhiều nguyên nhân, trong đó biến đổi khí hậu là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến khu vực này nói chung, hoạt động sinh kế của người Khmer nói riêng. Địa bàn cư trú của đồng bào Khmer đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trong khoảng 5-10 năm gần đây, một điều dễ nhận thấy là thời tiết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long biến đổi khá bất thường và gây nhiều tác hại đến cuộc sống và thành quả sản xuất của người dân; thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của đồng bào. Sinh kế nông nghiệp của đa số người Khmer đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, bấp bênh và bất lợi.

Thực tế này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, chính sách nhằm chuyển đổi và phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào thích nghi với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Trước hết cần chuyển đổi mô hình phát triển vùng Tây Nam bộ sang mô hình kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững. Mô hình phát triển Tây Nam bộ phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan... Việc chuyển đổi mô hình phát triển bên vững của vùng cơ bản là chuyển đổi về tổ chức không gian lãnh thổ và cơ cấu sản xuất ngành nghề trong vùng, phải dựa trên nền tảng tự nhiên nhất là đất, nước và con người, xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những tác động ngoại biên đến vùng.

Đổi mới mô hình, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành nghề trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Phát triển nông nghiệp dựa trên đặc trưng sinh thái của vùng theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn sản phẩm giá trị cao trên cơ sở áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường (tập trung nâng cao chất lượng nông nghiệp lúa nước, thủy sản nuôi và tự nhiên, cây ăn quả có giá trị cao); ưu tiên sử dụng giải pháp mềm (giải pháp phi công trình), biến thách thức thành cơ hội “sống chung với nước biển dâng và xâm nhập mặn” để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.Phát triển công nghiệp dựa trên đặc điểm tự nhiên của vùng, lựa chọn ngành nghề phù hợp, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả tổng thể lớn nhất, nhất là mô hình công nghiệp chế biến gắn với nông sản, thủy sản và chế biến hoa quả tạo thành chuỗi giá trị của vùng đáp ứng nhu cầu thị trường cần.

Tập trung phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên đặc điểm tự nhiên, sinh thái của vùng theo hướng lựa chọn những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, định hướng theo nhu cầu thị trường, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại gắn với quảng bá, tiếp thị sản phẩm nông sản và hải sản của vùng, giảm bớt các khâu trung gian; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên… Đầu tư phát triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác theo nhiều mô hình và loại hình khác nhau, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống cũng như các ngành nghề mới; hỗ trợ kết nối thị trường cho người nghèo, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thu mua, chế biến sản phẩm do đồng bào làm ra; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp thông tin nhằm phát triển kinh tế hàng hóa, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, cần tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng, từ các tổ chức nước ngoài, tổ chức nhân đạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tăng cường liên kết giữa các địa phương, giữa vùng Tây Nam bộ với các vùng khác dựa trên ưu thế tự nhiên tạo ra sản phẩm của vùng có chất lượng cao và giá cạnh tranh, tùy theo từng vùng để xác lập mô hình liên kết phù hợp và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế cao. Đầu tưtạo cơ hội để đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mùa vụ và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm và thu nhập. Xóa đói, giảm nghèo không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, mà trọng tâm là tạo điều kiện học hành, đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới giảm nghèo căn cơ, bền vững. Phát triển giáo dục - đào tạo, coi giáo dục phổ thông, đào đạo nguồn nhân lực cho đồng bào Khmer là giải pháp căn bản, đột phá trong  giảm nghèo bền vững. Tăng mức đầu tư hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào Khmer, trang bị kiến thức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ biết lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Đẩy mạnh và tăng cường hỗ trợ đồng bào xuất khẩu lao động, học nghề, giới thiệu việc làm bảo đảm sinh kế bền vững cho đồng bào.

Phát triển và chuyển đổi sinh kế cho người Khmer Tây Nam bộ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào trước tác động mạnh  mẽ của biến đổi  khí hậu. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả, được đồng bào hưởng ứng, ủng hộ, góp phần cải thiện, nâng cho đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo được niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước. Trước cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, trước hết là đồng bào dân tộc Khmer cần nỗ lực vươn lên, từng bước chuyển đổi và phát triển sinh kế, bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ trong điều kiện mới.

ThS. Ngô Thị Trinh

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên Môi trường, (2016), Kịch bản biên đổi khí hậu và nước biên dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.

2. Ủy ban Dân tộc, (2016). Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiêu số năm 2015, http://www.cema.gov.vn/ket-qua-dieu-tra- thuc-trang-kt-xh-53-dan-toc-thieu-so-nam-2015. htm.

 

[1] http://www.cema.gov.vn/ket-qua-dieu-tra- thuc-trang-kt-xh-53-dan-toc-thieu-so-nam-2015. htm.

[3] Theo báo cáo số số 39-BC/BCĐTNB ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tỷ  lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020 toàn vùng là 9,66%, hộ cận nghèo là 4,82%.

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068