Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người gắn với phát triển du lịch bền vững khu vực miền núi phía Bắc

08/03/2022

        TS. Nguyễn Hồng Hải

Giám đốc  TTTTV, Học viện Dân tộc

1. Đặt vấn đề

Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững của các dân tộc thiểu số rất ít người. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu và làm rõ các vấn đề như: Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, thực trạng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người gắn với phát triển du lịch bền vững; một số giải pháp nâng cao hiệu quả giữa công tác bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch bền vững của các dân tộc thiểu số rất ít người ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay.

Hiện nay, ở nước ta có 15 dân tộc thiểu số rất ít người DTTSRIN, cư trú rải rác khắp cả nước, trong đó tập trung chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, bao gồm dân tộc Mảng, Cống, Lờ Lao, Pu Péo, Pà Thẻn, Ngái, Lô Lô, Si La…các dân tộc này chủ yếu cư trú ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc, nhưng lại đóng vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái của cả nước. Đây là các dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, cơ sở hạ tầng kém. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho các dân tộc rất ít người nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lực con người của đất nước. Đề án, dự án cụ thể được  ban  hành  theo  các  Quyết định  của  Thủ tướng  Chính  phủ hoặc  Bộ Văn hóa, Thể thao  và  Du  lịch.  Cụ thể, 5 dân tộc có dân  số dưới 1.000 người  là  Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu được đưa vào  danh  sách  cần quan tâm đặc  biệt.  Từ năm 2005, các chương trình  hỗ trợ phát triển 5 dân  tộc này đã được  thực  hiện  bên cạnh các chương trình hỗ trợ giảm nghèo toàn quốc khác. Trong những năm tiếp theo, Chính  phủ phê duyệt nhiều đề án, dự án quan trọng khác như đề án “Phát triển giáo  dục đối với các dân tộc  rất ít người giai đoạn 2010 - 2015” (2010); đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” (2011) và dự án “Bảo  tồn khẩn  cấp  và  hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS” (2013); đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” (2011); gần đây nhất là đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 -2025”. Với chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các DTTSRIN, Đảng và Nhà nước xác định, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược phải thực hiện kiên trì, lâu dài. Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS đặc biệt là văn hoá DTTS rất ít người. Ngày 15-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó lĩnh vực văn hoá nhấn mạnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm DTTSRIN, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Theo tiểu mục 6 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 quy định thì. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thông, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị khác văn hóa khác); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số; mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng); xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số để cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kết quả thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người.

Nhờ những chủ trương, chính sách trên, kinh tế - xã hội của các DTTS RIN đã được phát triển rõ rệt, văn hóa các dân tộc rất ít người đã được bảo tồn và phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bền vững.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và phát triển du lịch bền vững

Các DTTSRIN ở Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng, phong phú. Văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất hay con người địa phương, mà còn là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, phản ánh một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất truyền thống văn hóa Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Văn hoá và hoạt động phát triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Du lịch là một ngành kinh tế gắn với nguồn tài nguyên văn hóa một cách rõ rệt. Nói một cách khác, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của dân tộc. Đứng từ góc độ này, các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Trên cơ sở những giá trị văn hoá, du lịch khai thác để hình thành nên những sản phẩm bán cho khách. Ngược lại, du lịch cũng có một vai trò quan trong đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Du lịch là một phương thức để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng mà còn được hiểu biết thêm về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến. Thông qua hoạt động du lịch, du khách có được những trải nghiệm đặc biệt, sống động, cảm nhận được các giá trị văn hóa trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không phương tiện nào có thể chuyển tải được. Có thể nói, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của văn hoá tới nhân loại. Bên cạnh đó, du lịch còn tham gia vào hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hoá truyền thống. Bởi công tác bảo tồn các giá trị văn hoá đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Thu thập, nghiên cứu di sản; bảo vệ, tu sửa, tôn tạo…Trong thực tế, nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hoá. Vì vậy, việc khai thác và trong quá trình vận hành, nguồn kinh phí thu được từ du lịch quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy thêm những giá trị của văn hoá truyền thống. Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống có vai trò to lớn đối với sự phát triển của du lịch, là nguồn lực để du lịch khai thác và phát triển. Trong thời gian qua, một số địa phương cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững và cũng đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, mới cũng chỉ là bước đầu. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

          2.2. Thực trạng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTSRIN gắn với phát triển du lịch đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTSRIN gắn với việc phát triển du lịch được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài địa phương, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhiều địa phương đã tổ chức tốt dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống KT-XH, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Triển khai mở nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Mảng, Cống, Lô Lô, Si La... tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên... Các lớp này do chính các nghệ nhân - chủ thể của văn hóa các dân tộc, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây chính là một trong các hình thức hiệu quả đem lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời khai thác tốt giá trị văn hóa đối với hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Tại địa phương có đông đồng bào DTTSRIN sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương nơi sinh sống. Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc RIN. Nhiều mô hình về bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTSRIN được triển khai thực hiện ở các địa phương, điển hình như: Mô hình "Bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch" tại tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai tại huyện Lâm Bình, với các nội dung: Tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch; hỗ trợ nguyên liệu, khung dệt, công cụ cho một số hộ gia đình tham gia mô hình bảo tồn, trưng bày, trình diễn giới thiệu sản phẩm dệt thủ công truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ năm 2017 - 2020, Cục Văn hóa cơ sở đã triển khai xây dựng 14 mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh như: “Mô hình bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Phù Lá gắn với phát triển du lịch” tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; “Mô hình bảo tồn và phát triển các làn diệu dân ca, dân vũ của dân tộc Si La, Na Ha, Xá Phó, Pà Thẻn... gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La, Điện Biên”…Trong đó, mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang… trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo sự phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế vẫn còn một số thách thức đối với bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTSRIN trong điều kiện hiện nay như: Việc đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững của các DTTSRIN còn hạn chế; một số nơi thì công tác bảo tồn chưa gắn với phát triển du lịch của địa phương, nên chưa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc, việc bảo tồn văn hóa còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến xây dựng các mô hình cụ thể, các địa phương chưa quan tâm đến việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống cho ngành du lịch, vì vậy chưa đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn văn hóa gắn với du lịch bền vững. Một số nơi tuy có quan tâm đến công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các của các DTTS RIN, nhưng lại chưa gắn với chiến lược phát triển du lịch của địa phương, nên chủ yếu còn mang tính tự phát. Ngược lại, đa số các địa phương có dân tộc thiểu số rất ít người chưa chú trọng đến việc phát triển du lịch. Vì vậy, chưa phát huy được hiệu quả của những giá trị văn hóa truền thống của địa phương.

2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người gắn với phát triển du lịch bền vững.

Để nâng cao hiệu hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người gắn với phát triển du lịch bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống và phải gắn công tác bảo tồn đó với việc phát triển du lịch bền vững. Ngoài việc tập trung nguồn vốn đầu tư, cần chú ý đầu tư nguồn lực con người, thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh; nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho cán bộ quản trị các doanh nghiệp du lịch và người dân trong khu du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khu du lịch; chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về hoạt động du lịch; ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, môi trường du lịch; phê phán, bài trừ những hành vi, ứng xử không phù hợp gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Thứ hai, tăng cường quảng các giá trị văn hóa truyền thống của cấc dân tộc thiểu số rất ít người thông qua các phương tiện truyên thông. Du lịch càng thu hút được nhiều du khách đến với địa phương thì các giá trị của văn hóa càng được quảng bá một cách rộng rãi. Vì vậy, để du lịch phát huy tốt các giá trị của văn hóa thì phải tăng cường quảng bá văn hóa. Trong thời gian tới, chúng ta cần đa dạng hóa hơn nữa các hình thức quảng bá như xây dựng chuyên trang về văn hóa truyền thống đặc sắc, giới thiệu những giá trị văn hóa, các tour, tuyến du lịch khai thác văn hóa. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay cần khai thác các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube, twitter… vào việc quảng bá điểm đến của các dân tộc rất ít người. Đồng thời, có thể viết các bài giới thiệu về giá trị, sức hấp dẫn của văn hóa của các DTTS RIN thành tờ rơi ...

Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm văn hóa tại các điểm du lịch khai thác đầy đủ giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người. Điều này không chỉ tăng thời gian lưu trú của khách, đáp ứng mục tiêu tăng lợi nhuận của ngành du lịch mà còn giúp du khách tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn các giá trị văn hóa.

Thứ tư, giáo dục ý thức bảo vệ giá trị văn hóa cho du khách và cộng đồng địa phương. Để hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống thì phải nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho cả du khách và cộng đồng địa phương với một số giải pháp sau: Tập huấn chuyên môn, thái độ ứng xử với văn hóa, với du khách tham quan cho cán bộ và nhân dân địa phương có đồng bào DTTSRIN. Các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại di sản không chỉ cán bộ du lịch mà cả người bán hàng, dân địa phương, xe ôm tạo ra hoạt động du lịch bền vững tại khu có di tích văn hóa. Nâng cao ý thức bảo vệ di tích văn hóa của du khách bằng việc tăng cường các bảng hướng dẫn, ngăn cấm các hành vi xâm hại di tích cho du khách, công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…

Thứ năm, xây dựng các mô hình bảo tồn văn hóa gắn truyền thống các dân tộc thiểu số RIN với phát triển du lịch bền vững. Những mô hình về du lịch cộng đồng, mô hình du lịch trải nghiệm tại các bản có dân tộc rất ít người sinh sống. Bảo tồn văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà ở... với các sản phẩm văn hóa phong phú đa dạng gắn với cộng đồng.

3. Kết luận

Văn hóa truyền thống các DTTSRIN là tài sản có giá trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa truyền thống, chưa chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đó gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương, đặc biệt là du lịch bền vững. Vì vậy, các giá trị văn hóa đó đang còn ở dạng tiềm năng. Do đó, để góp phần phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người ở khu vực miền núi phía Bắc, các địa phương cần chú trọng đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống vào việc phát triển du lịch bền vững của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng và đối với khu vực miền núi phía Bắc nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sỹ Hào, Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người: Chạy đua cùng thời gian của tác giả Sỹ Hào, đăng trên báo Dân tộc và phát triển, 2018.

2. Đặng Thị Hoa, Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người trong bối cảnh phát triển và hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc 2019.

3. Nguyễn Ngọc Thanh "Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người thực trạng và một số vấn đề đặt ra" của, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào các DTTS.

4. Vĩnh Phong, Người Bố Y gìn giữ bản sắc văn hóa của tác giả Vĩnh Phong đăng trên Tạp chí Dân vận 2015.

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068