31/07/2020
(LLCT) - Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc bởi sự tác động tích cực từ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự tác động từ Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Bài viết tập trung làm rõ ảnh hưởng này, đồng thời khẳng định lại những giá trị cốt lõi của Luận cương đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Từ khóa: Hồ Chí Minh, Luận cương V.I.Lênin, giải phóng dân tộc, cách mạng.
1. Lý giải về một sự ảnh hưởng sâu đậm đối với Hồ Chí Minh(1)
Hồ Chí Minh giác ngộ chủ nghĩa cộng sản chính là bắt đầu từ khi đọc và hiểu bản Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (Để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản) của V.I.Lênin (từ đây gọi tắt là Luận cương V.I.Lênin). Bản Luận cương này được thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 ở Petrograd (nay là Sankt Peterburg, Nga). Người yêu nước nhiệt thành nói chung ở tất cả các thời kỳ và vào những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam thì không phải chỉ có Hồ Chí Minh. Nhưng, Hồ Chí Minh là người đã kết hợp được chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa cộng sản, do vậy, đây là điều chủ chốt nhất làm cho Hồ Chí Minh khác với những nhà yêu nước khác. Dấu mốc đầu tiên và cũng là dấu mốc lớn để Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa cộng sản, tìm thấy mục tiêu và con đường cứu nước mới, đúng đắn cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam chính là từ khi Hồ Chí Minh đọc Luận cương V.I.Lênin.
Tại sao như vậy?
Từ khát vọng giải phóng dân tộc và tư duy phê phán
Nguyễn Sinh Huy, cha của Hồ Chí Minh, là một nhà nho, đỗ Phó bảng năm 1901, là người yêu nước nhưng không đến nỗi cực đoan ghét thực dân Pháp rồi ghét luôn cả tiếng Pháp, mà khích lệ các con mình học tiếng Pháp. Đó là lý do tại sao vào độ tuổi 13, Hồ Chí Minh được cha cho đi học một thời gian ngắn ở Trường Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Vinh (tỉnh Nghệ An). Năm 1923, nhà báo - nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđensơtam đã trò chuyện với Hồ Chí Minh khi Người vừa mới sang Liên Xô. Sau cuộc trò chuyện đó, Ôxíp Manđensơtam có bài Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc đăng báo Ogoniok (Liên Xô), số 39, ngày 23-12-1923. Ôxíp Manđensơtam thuật lại lời Hồ Chí Minh: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho An Nam... Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(2), “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(3). Người ta có quyền tin hay không tin những gì Hồ Chí Minh hồi tưởng, tuy là Người ít khi kể về bản thân mình, và nếu có kể thì chỉ trên những nét chấm phá, nhưng, tôi tin những lời Người kể là sự thật.
Đi ra nước ngoài là đi nước nào? Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch viết năm 1948, tác giả Trần Dân Tiên đưa một thông tin: “Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng anh không đi”(4). Hồ Chí Minh quyết định đi sang Pháp rồi từ đó đi rất nhiều nước khác ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Hồ Chí Minh rất khâm phục nhưng không đi theo mục tiêu và con đường giải phóng dân tộc của các phong trào kháng Pháp theo tư tưởng phong kiến, tiêu biểu là Phong trào Cần Vương (1885-1896) và Phong trào Dân chủ tư sản từ đầu thế kỷ XX. Vậy là, sự lựa chọn con đường xuất dương đã là một kết quả phản ánh tư duy phê phán sắc bén, đúng đắn của một người tuổi còn trẻ như Hồ Chí Minh lúc này. Ngày 5-6-1911, Hồ Chí Minh xuống tàu Amiral Latouche-Tréville để tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc theo mục tiêu và con đường khác. Và, Hồ Chí Minh đã tìm thấy mục tiêu và con đường theo cách mạng vô sản nhờ có Luận cương V.I.Lênin.
Sự gặp gỡ giữa khát vọng và lý luận giải phóng
Hồ Chí Minh có tư chất thông minh, ham học, lại là con nhà gia giáo, con quan. Hồ Chí Minh là người có điều kiện thuận lợi để tiến thân bằng con đường học tập ở trong nước, cớ sao lại bỏ học giữa chừng để đi nước ngoài, sống cuộc sống vô cùng gian khổ? Kiểu/tip người không màng danh lợi, bằng cấp học thuật, chức tước ở Việt Nam và trên thế giới là không hiếm. Ngay người đầu tiên mà Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng tip người này chính là cha mình, một người đỗ Phó bảng năm 1901 nhưng không muốn ra làm quan vì có quan niệm “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”(5), nghĩa là quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn. Nguyễn Sinh Huy dạy các con mình rằng: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng”(6), nghĩa là đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình. Phan Bội Châu cũng vậy, là người học rất giỏi, đỗ đầu Giải nguyên kỳ thi hương khoa Canh Tý (1900) nhưng không lấy việc đỗ đạt để lập thân, không ra làm quan, mà chiêu tập lực lượng đứng lên chống Pháp, vì có quan niệm: Lập thân tối hạ thị văn chương. Phan Châu Trinh đỗ Phó bảng cùng khóa với cha của Hồ Chí Minh nhưng cũng không ra làm quan mà trở thành một thủ lĩnh của cuộc cách mạng duy tân đất nước. Huỳnh Thúc Kháng, một trong những “con hổ” Duy Tân ở miền Trung đỗ tam giáp tiến sĩ năm 1904 cũng không màng con đường quan lộ mà để tâm hoạt động yêu nước. Ở trên thế giới, trong phong trào cộng sản, thì chúng ta thấy C.Mác lấy bằng tiến sĩ Triết học năm 1841, lúc 23 tuổi, nhưng không đi theo con đường hàn lâm để trở thành giáo sư đại học, mà đi theo con đường cách mạng vô sản. Ph.Ăngghen là con nhà tư sản giàu có nhưng sẵn sàng từ bỏ con đường của gia đình mình để trở thành cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh C.Mác.
Hồ Chí Minh chủ động chối từ những hoan lộ hoặc những thời cơ để tiến thân, chủ động dấn thân vào con đường gian nan tìm mục tiêu và con đường cứu nước mới đúng đắn hơn những mục tiêu và con đường cứu nước mà bậc yêu nước tiền nhân đã và đang làm. Hồ Chí Minh bỏ Trường Quốc học Huế giữa chừng để xuống phương nam tìm cách ra nước ngoài, mà nếu học tiếp lên, thì có thể Người sẽ trở thành một công chức hoặc quan lại của chế độ thuộc địa-phong kiến. Năm 1938, Hồ Chí Minh thôi làm nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva (Liên Xô) khi đã hoàn thành chương trình năm thứ nhất và bắt đầu nhận đề tài luận án tiến sĩ sử học. Hồ Chí Minh làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng, trong đó có những công việc rất nặng nhọc không hợp với thể chất thư sinh của Người. Gọi là làm thủy thủ thì gọi chung vậy thôi, chứ Hồ Chí Minh làm trên tàu vận tải biển là phụ bếp, là “culi” theo cách gọi miệt thị của thực dân Pháp, mà có lúc Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông có quốc tịch Pháp, đi hạng nhất trên tàu cùng với gia đình, trông thấy Hồ Chí Minh trên tàu, khuyên rằng: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này. Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn”(7). Sau này sống ở Vương quốc Anh, Hồ Chí Minh lịch sự chối từ lời đề nghị của ông “vua đầu bếp” người Pháp Étcôpphie rất giàu có đang điều khiển nhà bếp của khách sạn Cáclơtơn ở thủ đô London, nơi mà Người đang làm bồi bàn: “Ông bạn trẻ tôi ơi, anh nghe tôi...Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?”(8). Hồ Chí Minh không nhận lời bởi Người không ham tiền, bởi “ít lòng tham muốn về vật chất”((9), cũng như “không ham muốn công danh phú quý chút nào…không dính líu gì với vòng danh lợi”(10), bởi vì Người có mục đích khác: đi tìm đường cứu nước mới, đúng đắn cho dân tộc sau bao phen đấu tranh của các phong trào giải phóng dân tộc theo tư tưởng phong kiến và theo tư tưởng dân chủ tư sản bị thất bại. Chẳng thế mà khi hoạt động yêu nước tại Pháp, một hôm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp mời Hồ Chí Minh đến gặp tại Bộ Thuộc địa; vị Bộ trưởng này lúc thì đe dọa, lúc thì ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống thực dân Pháp thì Người trả lời: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”(11).
Hồ Chí Minh đến với Luận cương V.I.Lênin là cả một quá trình hợp lôgíc của cuộc đời. Trước đó, Hồ Chí Minh đã học tập, quan sát, nghiên cứu thực tế nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và nhất là ở địa bàn Anh, Pháp với không khí chính trị sôi động đầu thế kỷ XX. Hồ Chí Minh tiến thêm một bước hoạt động chính trị: vào Đảng Xã hội Pháp, một tổ chức làm cơ sở cho sự mở mang tri thức và mài sắc thêm tư duy chính trị.
Về sau này, tháng 4-1960, trong bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân Kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh kể lại rằng, ngay sau Thế chiến I, Người ủng hộ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là theo cảm tính tự nhiên(12): “Khi tôi nêu câu hỏi: “Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức?” thì người ta trả lời: Quốc tế thứ ba. Rồi một đồng chí đưa cho tôi đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin vừa đăng trên báo Nhân đạo... Từ đó tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(13).
Vậy, Luận cương của V.I.Lênin có những nội dung gì mà ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của Hồ Chí Minh một cách sâu sắc và mạnh mẽ đến như vậy?
Luận cương là văn bản được V.I.Lênin viết ngày 5-6-1920, đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 11, ngày 14-7-1920 để lấy ý kiến sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh; báo l’Humanité của Đảng Xã hội Pháp đăng lại vào tháng 7-1920.
Trong Luận cương, V.I.Lênin chỉ ra những nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của các đảng cộng sản là: 1) Phải đánh giá đúng tình hình cụ thể; 2) Phải thấy rõ lợi ích của giai cấp bị áp bức, của những người lao động, của những người bị bóc lột; 3) Phải phân biệt rõ những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản khi mà thực chất là tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính - sự nô dịch này là đặc điểm của thời đại tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc.
Trong Luận cương, V.I.Lênin vạch rõ tính chất lừa dối của Hòa ước Versailles, cho rằng, Hòa ước đó chẳng qua là “những lời nói văn hoa của bọn dân chủ tư sản..., là một hành vi bạo lực... tàn ác và đê tiện... đối với các dân tộc nhỏ yếu”(14). Điều này thì chúng ta thấy rõ ở Hồ Chí Minh với sự kiện ngày 18-6-1919, Người đã “thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam”(15) tại Pháp năm 1919 lấy tên là Nguyễn Ái Quốc với địa chỉ số 56, phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ, Paris, gửi thư kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An Nam cho Tổng thống Mỹ V.Wilson và Trưởng Đoàn đại biểu các nước Đồng Minh thắng trận trong Thế chiến I họp tại Versailles, Pháp. Tại Hội nghị Versailles, Tổng thống Mỹ V.Wilson tiếp tục tuyên bố theo tinh thần “Chương trình 14 điểm” mà ông ta đã nêu từ năm 1918. Thực ra, tâm điểm của Chương trình này là nhằm thiết lập vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới, đồng thời chống lại nước Nga Xôviết vừa mới ra đời. Tổng thống Mỹ đã đưa ra những lời rất mỹ miều về quyền dân tộc tự quyết, về quyền dân chủ. Có thể nói rằng, Tổng thống Mỹ V.Wilson đã chạm trúng tâm lý khát khao cháy bỏng về những chủ đề đó trong con tim khối óc những người yêu nước của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó có những người Việt Nam yêu nước đang có mặt tại Pháp năm 1919, mà tiêu biểu là những nhân vật chủ chốt trong nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành.
Bản Yêu sách chỉ là những điều “khiêm tốn”(16) đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đáng tiếc thay, và cũng không có gì là bất ngờ, chúng ta thấy tuyên bố về quyền dân tộc tự quyết của Tổng thống Mỹ V.Wilson tại Hội nghị Versailles năm 1919 chỉ là trên đầu lưỡi, không có một chút nào về giá trị thực tế. Về sau, trong bài Cuộc kháng chiến của tổ hợp những bài với tiêu đề chung là Đông Dương năm 1923-1924, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn”(17).
V.I.Lênin là người đã nói là làm. Trong Luận cương, Ông cho rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc lúc này đã “thúc đẩy sự tan vỡ của những ảo tưởng dân tộc tiểu tư sản về khả năng chung sống hòa bình và bình đẳng giữa các dân tộc dưới chế độ tư bản chủ nghĩa”(18). Từ đó, V.I.Lênin cho rằng: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”(19). Trong Luận cương, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Thực hiện trước hết sự đoàn kết tất cả những người vô sản, rồi đến toàn thể quần chúng những người lao động, trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản… Tất cả các đảng cộng sản phải trực tiếp ủng hộ các phong trào cách mạng của những dân tộc phụ thuộc… Nếu không …thì cuộc đấu tranh của những dân tộc phụ thuộc và của các thuộc địa chống áp bức…chỉ là những chiêu bài dối trá”(20).
2. Vài điểm quy chiếu với góc nhìn đương đại
Hiện nay, có một số người nhận định không đúng về mục tiêu và con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Hồ Chí Minh chọn. Có một số ý kiến cho rằng, Hồ Chí Minh đã chọn sai, và hệ lụy, theo họ, là khiến cho đất nước Việt Nam lâm vào nhiều cuộc chiến tàn khốc không cần thiết; rằng, vì mục tiêu và con đường mà Hồ Chí Minh chọn không đúng, cho nên đất nước Việt Nam mới tiến chậm trong khi tiềm lực, tiềm năng của đất nước rất lớn, nếu chọn đúng mục tiêu và con đường - theo họ - (mà nói thẳng ra là mục tiêu và con đường tư bản chủ nghĩa), thì dân tộc Việt Nam đâu có thua chị kém em, sẽ sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, chứ đâu phải như hiện thời mới ở vào dạng nước vừa thoát nghèo, GDP đầu người năm 2019 chỉ đạt gần 3.000 đôla Mỹ, vẫn chưa thoát khỏi bẫy của nước thu nhập trung bình, trong khi mức GDP bình quân đầu người thế giới đang đạt con số gần 9.000 đôla Mỹ.
Cứ cho là những người có ý kiến như trên có cái tâm lành đi, thì lập luận của họ không phù hợp với thực tế của Việt Nam và thế giới trong những năm đầu thế kỷ XX. Thực tế ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã kiểm nghiệm tất cả các mục tiêu và con đường phát triển rồi. Cần Vương ư? Vũ trang đánh đuổi thực dân Pháp để rồi quay lại củng cố chế độ phong kiến thì đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội Việt Nam. Những năng lực và sức mạnh của thời đại phong kiến Việt Nam bị tàn lụi một cách thảm hại, trong khi thế giới đã vượt qua thời kỳ tư bản tự do cạnh tranh mà đã đạt ở mức tư bản xuyên quốc gia. Dân chủ tư sản ư? Kể cả hình thức Cộng hòa đại nghị và Quân chủ lập hiến thì là mới ở Việt Nam nhưng đã là cũ và lỗi thời của thế giới. Do vậy, các phong trào đó thất bại nhanh chóng, thất bại không phải chỉ vì Việt Nam chỉ có vũ khí thô sơ, kỹ thuật tác chiến thua kém so với lực lượng xâm lược Pháp hùng hậu, mà chủ yếu thất bại là do các phong trào yêu nước đó không hợp thời.
Xu thế mới - đó là con đường theo cách mạng vô sản, mục tiêu và con đường mà lý luận C.Mác và V.I.Lênin nêu lên, là nằm ở giai cấp công nhân, giai cấp đứng trung tâm của thời đại. Một khi các trào lưu, phong trào cách mạng ở Việt Nam được kiểm nghiệm, thì cái tồn tại và phát triển mới chứng tỏ được sức sống hợp quy luật của nó. Hồ Chí Minh là người đáp ứng được yêu cầu của xu thế phát triển của dân tộc. Một xuất phát đúng, hợp lẽ tự nhiên, hợp quy luật; nhận thức, hành động của Hồ Chí Minh là nhận thức, hành động của người đại diện, người đi tiên phong của xu thế.
Với góc nhìn chính trị mà nói, sự phủ nhận mục tiêu và con đường mà Hồ Chí Minh chọn chính là sự phủ nhận chủ nghĩa Lênin, là sự về hùa cùng các thế lực chính trị với cái tâm không lành của những người muốn đả kích, xuyên tạc lý luận Mác - Lênin, muốn “hạ bệ” Hồ Chí Minh. Có một số người còn cho rằng, sự “lạc điệu”, “sai lầm” trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam so với thế giới không chỉ là bắt nguồn từ sự kiện 3-2-1930, mà còn sớm hơn, từ Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tour (Pháp) tháng 12-1920, thậm chí xa hơn nữa, là từ khi Hồ Chí Minh đọc - hiểu - đi theo sự chỉ dẫn của Luận cương V.I.Lênin, tháng 7-1920. Những ý kiến này còn được tô đậm hơn, gia cường ngôn từ lúc bóng bảy hơn, lúc cay nghiệt hơn khi chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và ở nhiều nước Đông Âu sụp đổ. Cũng từ đó, họ cho rằng - vẫn luận điệu cũ mà thôi, không có gì mới, - là chủ nghĩa Mác - Lênin sai, “sai cả gói”.
Đành rằng, trong phong trào cộng sản quốc tế có một số hiện tượng kỳ quái, nhưng đó không phản ánh bản chất của lý luận chủ nghĩa cộng sản. Cũng tương tự như vậy, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đã có một số hiện tượng xấu, kém, nhưng đó chỉ là những hiện tượng không phản ánh bản chất. Những cái đó là những yếu tố phi xã hội chủ nghĩa. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn mang bản chất khoa học và cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ điều đó, cho nên đã và đang làm hết sức mình tẩy rửa những phần tử tiêu cực ra khỏi cơ thể Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đã và đang khắc phục những hạn chế, yếu kém để đất nước phát triển nhanh và bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Hồ Chí Minh, bước tiếp từ mốc xuất phát năm 1920 khi Hồ Chí Minh đọc Luận cương V.I.Lênin.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhất quán tuân thủ quan điểm giải phóng dân tộc mà V.I.Lênin nêu lên. Dù Hồ Chí Minh có những bước tiến trong nhận thức và hành động về mục tiêu và con đường phát triển của dân tộc Việt Nam theo lý luận Mác - Lênin đi chăng nữa, thì Luận cương V.I.Lênin vẫn là cột mốc chắc chắn, sừng sững làm bệ phóng cho Người đi tới chân lý của cách mạng Việt Nam: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được dân tộc một cách triệt để. Với ý nghĩa đó, Luận cương V.I.Lênin chính là sự khởi nguyên cho sự nghiệp ba giải phóng mà Hồ Chí Minh dấn thân trong suốt cuộc đời oanh liệt của mình: Giải phóng dân tộc - Giải phóng giai cấp - Giải phóng con người.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020
(1) Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh có rất nhiều tên và bút danh. Trong bài viết này, tôi lấy tên Hồ Chí Minh để đại diện cho tất cả các tên và bút danh của Hồ Chí Minh ở tất cả các thời kỳ.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.461.
(3), (4), (7), (8) Theo Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.16, 15, 21, 37.
(5) Theo Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.12.
(6) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Song Thành (Chủ biên): Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.24.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.280.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187.
(11) Theo T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.26.
(12), (13) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.561, 562.
(14), (18), (19), (20) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.199, 199, 199, 202.
(15), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.470, 469, 441.
GS, TS Mạch Quang Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh