Giới thiệu kết quả dự án về nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các sự cố môi trường

15/10/2019

Chủ nhiệm Dự án: PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải

Thời gian thực hiện dự án: Năm 2017 - 2018

Thời gian nghiệm thu chính thức: tháng 12 năm 2018

 

       Do đặc điểm điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi phía Bắc - nơi có địa hình vùng núi chia cắt phức tạp, hệ thống sông suối dốc và chảy xiết, trong điệu kiện thời tiết không thuận lợi với đặc trưng của mùa mưa lũ và mùa khô hạn nên những sự cố môi trường (SCMT) thường xảy ra, kết hợp với phương thức sản xuất, canh tác của người dân khiến cho các SCMT ngày càng trở nên nghiêm trọng. Với đặc thù điều kiện tự nhiên: khí hậu, địa chất, địa hình... cùng với tập quán sinh sống của từng địa phương nên các SCMT tại mỗi địa phương cũng khác nhau. Trong đó, các SCMT điển hình khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu là các sự cố thiên tai: lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, rét đậm, rét hại, cháy rừng và chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các hoạt động của con người. Tuy nhiên, do trình độ học vấn của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng miền núi phía Bắc chưa đồng đều; kinh tế địa phương còn chưa phát triển nên khả năng nhận biết về các sự cố chưa cao, chưa có các kĩ năng liên quan đến đề phòng, ứng phó trong sự cố và khắc phục hậu quả sau sự cố nên việc ứng phó với các SCMT chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, Dự án “Nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc” được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc; trên cơ sở đó xây dựng được mô hình nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT nhằm phòng chống và giảm nhẹ các thiệt hại do các SCMT gây ra góp phần ổn định cuộc sống, gìn giữ an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc.

       Với những lý do trên, Dự án “Nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc” sẽ đánh giá năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc, trên cơ sở đó xây dựng mô hình nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng.

       Mục tiêu chung của dự án là đánh giá thực trạng nhận thức, năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT, giảm thiểu mức độ thiệt hại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở vùng dân tộc và miền núi phía Bắc.

       Dựa trên mục tiêu đó, Dự án đã thực hiện một số các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu và tài liệu thứ cấp; Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân;  Phương pháp điều tra xã hội học; Phương pháp điền dã dân tộc học; Phương pháp tọa đàm; Phương pháp thảo luận nhóm để thực hiện các nội dung:

       1. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng biểu hiện và ảnh hưởng của SCMT đến sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS miền núi phía Bắc

       Qua các thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của các địa phương mà Dự án thực hiện điều tra, khảo sát và tập huấn cho thấy, đây là các địa phương miền núi phía Bắc có đặc điểm địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, thời tiết có nhiều biến đổi thất thường và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo thống kê về tính hình hình thiên tai trên địa bàn 4 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Ninh đều cho thấy, số lượng các SCMT lớn và đang có xu thế tăng lên, đặc biệt đối với sự cố trượt lở đất, lũ quét và rét đậm năm nào cũng xuất hiện, thậm chí trong một năm xảy ra nhiều đợt và nhiều loại sự cố gây ra các thiệt hại về người và tài sản cho địa phương.

       2. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc

       Thông qua kết quả Hội thảo, họp nhóm và phỏng vấn, khảo sát người dân tại 4 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái và Quảng Ninh cho thấy, người dân các địa phương đã hình thành nhận thức về nguyên nhân, số lượng và sự biến đổi của các SCMT tại khu vực. Hơn thế nữa người dân cũng đã có các năng lực ứng phó với SCMT như: dự đoán các sự cố, áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế các thiệt hại trước, trong và sau SCMT. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn cũng cho thấy năng lực ứng phó của người dân vẫn đang còn nhiều hạn chế, mới dừng lại ở một bộ phận nhỏ người dân và khả năng ứng phó của cộng đồng còn chủ yếu dựa vào các kinh nghiệm truyền thống, thiếu cập nhật các thông tin hoặc tiếp cận các thông tin một cách thụ động. Vì thế, SCMT tại địa phương đã gây ra nhiều thiệt hại lớn đối với cộng đồng. Để tăng hiệu quả trong công tác ứng phó với SCMT, người dân có những nguyện vọng liên quan đến việc tiếp cận thông tin sớm từ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, người dân còn có các mong muốn liên quan đến tuyên truyền tập huấn về cách ứng phó với sự cố và nhận được sự giúp đỡ khắc phục hậu qảu từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội.

       3. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó, giảm thiểu tác động của các SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc

       Nguyên nhân:

       Những nguyên nhân khiến cho năng lực và sự tham gia của cộng đồng DTTS và miền núi phía Bắc trong ứng phó với SCMT chưa cao, bao gồm:

       - Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt: Địa hình miền núi phía Bắc có độ dốc cao, chia cắt phức tạp khiến hậu quả của SCMT ở đây càng thêm nghiêm trọng.

       - Phát triển kinh tế không đồng đều khiến việc chuẩn bị phòng chống SCMT còn nhiều hạn chế và khắc phục hậu quả do các SCMT gây mất khoảng thời gian dài.

       - Tiện ích cuộc sống còn nhiều khó khăn nên khó cập nhật thông tin cũng như liên lạc trong trường hợp gặp sự cố.

       - Trình độ học vấn và nhận thức của người dân còn thấp, vẫn còn người dân chưa thành thạo tiếng phổ thông, chưa biết chữ nên khả năng tiếp cận các tin tức nói chung và thông tin về SCMT nói riêng còn rất hạn chế.

       - Đặc trưng văn hóa dân tộc, địa bàn sinh sống: cư trú phân tán, không tập trung khiến cho việc trao đổi thông tin khó khăn.

       - Tính thụ động, chờ đợi: người dân không chủ động tham gia ứng phó với SCMT

       - Tâm lý tự ti sống khép kín, ít tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động xã hội nên việc giao lưu, học hỏi tiếp thu các thông tin gặp nhiều khó khăn.

       Trước thực trạng năng lực và sự tham gia của người dân ở địa bàn nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án đưa ra một số nhóm giải pháp như sau:

       - Nhóm giải pháp về chính sách: hoàn thiện các khung chính sách, kế hoạch hành động liên quan đến nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó các SCMT.

        - Nhóm giải pháp thông tin, truyền thông: tổ chức trưng bày, triển lãm các mô hình và thiệt hại do SCMT, giải pháp giảm thiểu thiệt hại; vẽ các tranh cổ động, pano, áp phích; tổ chức họp cồng đồng thông qua các bài thuyết trình, giải thích, các buổi nói chuyện, văn nghệ; chương trình phát thanh, truyền hình.

       - Nhóm các giải pháp giáo dục, đào tạo: trang bị kiến thức cho cộng đồng thông qua các bài giảng trên lớp; tổ chức tập huấn lý thuyết trong đó có đưa ra các tình huống có thể xảy ra, cách nhận biết, giải pháp ứng phó.

       - Nhóm các giải pháp về hợp tác trong nước và quốc tế: chia sẻ kinh nghiệm về các SCMT, xây dựng các tài liệu tập huấn, ứng phó với tai biến hoặc các dự án kĩ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, giao thông.

       - Nhóm giải pháp về kỹ thuật: Xây dựng các mô hình kỹ thuật về chống sạt lở, cảnh báo lũ, xử lý chất thải, xử lý nước cấp phục vụ ăn uống và sinh hoạt.

       4. Xây dựng và tổ chức thực hiện một số mô hình truyền thông, giáo dục nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với các SCMT cho các cộng đồng DTTS

       Dự án tập trung truyền thông về những vấn đề:

       * Nâng cao nhận thức: Cung cấp cho người dân thông tin về các loại SCMT thường gặp tại địa phương; mức độ nguy hại của các SCMT; thời điểm xuất hiện các loại sự cố này trong năm; tần suất xảy ra;

       * Nâng cao năng lực: Hướng dẫn người dân cách tiếp cận thông tin đại chúng về SCMT hoặc các cách nhận biết SCMT; các công việc cần làm của từng gia đình, từng cá nhân trước, trong và sau thời điểm xảy ra sự cố

       * Nâng cao sự tham gia của cộng đồng: Khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào trong công tác ứng phó, các tổ chức này có nhiệm vụ chủ đạo để hướng dẫn người dân phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại.

       Căn cứ vào tình hình địa phương, dự án đã triển khai mô hình tập huấn, mô hình truyền thông tại 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh. Trong đó, dự án đã xây dựng Tài liệu và Tờ rơi sử dụng trong tập huấn và truyền thông:

       Tài liệu ”Hướng dẫn cộng đồng trong ứng phó với các SCMT ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc” tập trung vào các giải pháp liên quan đến các SCMT thường xuyên xảy ra và gây ra thiệt hại lớn cho con người và tài sản tại vùng DTTS và miền núi phía Bắc: lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, rét đậm và cháy rừng.

       Tờ rơi: do trình độ học vấn của người dân chưa đồng đều nên tờ rơi được thiết kế chủ yếu dựa trên các hình ảnh trực quan. Nội dung của tờ rơi tập trung trên các SCMT xảy ra phổ biến ở vùng DTTS miền núi phía Bắc: lũ quét, trượt lở đất, rét đậm.

       Kết luận:

       Các địa bàn nghiên cứu: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái là các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của SCMT, đặc biệt là lũ quét và trượt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

       Người dân địa phương có học vấn không cao, còn nhiều người chưa biết tiếng Việt cũng như chưa biết chữ (Yên Bái 14,9%) nên chưa hiểu rõ về SCMT cũng như mức độ nguy hại của các sự cố. Người dân chưa chủ động tiếp cận thông tin nên các nguồn thông tin tiếp nhận về mang tính thụ động, dẫn đến các ứng phó của người dân với các sự cố xảy ra thường rất muộn và ít hữu hiệu.

       Năng lực ứng phó với sự cố của người dân còn chưa cao thể hiện trong các khả năng ứng phó sự cố tại thời điểm trước, trong và sau khi sự cố xảy ra: theo dõi dự báo thời tiết (84%), dự trữ lương thực (64%); thu hoạch nông sản (51%)… và vẫn thụ động và chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố.

       Dự án kết hợp thêm mô hình truyền thông bằng tờ rơi với các nội dung chính được tóm tắt theo cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất để có thể tiếp cận số lượng người dân lớn hơn. Kết quả của mô hình truyền thông này được người dân đánh giá tích cực.

       Kiến nghị:

       Đối với Chính phủ:

       - Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

       - Phân công cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Dân tộc, UBND các Tỉnh đối với việc phòng ngừa, ứng phó với các SCMT; ban hành các cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia ứng phó SCMT.

       - Chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xây dựng lực lượng ứng phó SCMT và hệ thống trang thiết bị cảnh báo SCMT.

       - Chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, SCMT định kỳ hàng năm.

       Các kiến nghị đối với các bộ, ngành:

       - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

       - Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

       - Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong xây dựng các chương trình tập huấn cán bộ và người dân trong ứng phó với SCMT;

       Đối với UBND cấp tỉnh:

       -  UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với UBND huyện trong công tác kiểm tra nguy cơ xảy ra SCMT trên địa bàn..

       - Điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế bền vững.

       - Thực hiện lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai./.

Thu Phương

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068