Văn hóa truyền thống của người Thái ở khu vực Tây Bắc  trong bối cảnh hiện nay

15/05/2022

              Ngô Thị Trinh

Học viện Dân tộc

 

1. Đặt vấn đề                                      

Văn hóa tạo nên diện mạo đặc thù của mỗi một dân tộc, là nét đặc trưng căn bản để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Đó là hồn cốt của dân tộc, mất bản sắc dân tộc thì có thể dân tộc đó mất vĩnh viễn. Chính vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nhằm phát triển, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, trong đó có bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ, kinh tế thị trường phát triển đã và đang tác động nhiều văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Thái. Bản sắc văn hóa của các DTTS nói chung và đối với dân tộc Thái nói riêng cũng đang đứng trước những thách thức, có nguy cơ mai một, lệch lạc, mờ nhạt, có xu hướng mất đi bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của người Thái. Tình hình đó đang đặt ra vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để người Thái tham gia vào hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, đời sống kinh tế của người Thái phát triển nhanh mà vẫn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình; làm thế nào để để biến sức mạnh văn hóa truyền thống của người Thái thành sức mạnh chung của sự phát triển, thật sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của dân tộc Thái hiện nay. Do đó, nghiên cứu nhận diện những biến đổi văn hóa của của người Thái ở Tây Bắc, chỉ rõ những xu hướng biến đổi của nó, đề xuất giải pháp để phát huy những biến đổi tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những biến đổi tiêu cực, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS nơi đây là hết sức cần thiết.

2. Nội dung nghiên cứu

Nhà ở của người Thái là hội tụ những giá trị văn hóa vật chất, thể hiện triết lý nhân sinh quan và thế giới quan của tộc người. Người Thái trước đây cư trú trên những ngôi nhà sàn truyền thống mang đậm sắc thái văn hóa Thái, thì nay những ngôi nhà truyền thống ấy đã thay đổi cả về kiến trúc và chất liệu. Sự thay đổi dễ nhận ra nhất của ngôi nhà nói chung là sự thay đổi về mặt loại hình, từ nhà sàn chuyển sang nhà đất. Vật liệu xây dựng nhà cửa giờ đây là các vật liệu công nghiệp: Gạch ngói, xi măng, sắt thép, tấm lợp bằng tôn… Nhiều nhà sử dụng các loại gốm sứ vệ sinh cao cấp. Gỗ, tre, các loại lá rừng dần dần vắng bóng. Phần trang trí nội thất thì giờ đây gần như là “bê nguyên” trang trí nội thất của người Kinh với sa lông phòng khách, với bàn ghế, giường tủ kê ở các vị trí hợp lý. Nhiều địa phương ở Sơn La đã vắng bóng hoàn toàn kiểu nhà sàn cổ và thay thế vào đó là những mẫu kiến trúc mới cải tiến theo cốt cách của nhà sàn truyền thống. Trước đây tầng trệt thường là thấp (dưới 2,4m) vì mục tiêu chủ yếu tránh không khí ẩm thấp của miền núi, có hại cho sức khỏe, không gian chỉ để củi, buộc trâu bò, nông sản. Hiện nay chiều cao sàn đã được nâng dần, gầm sàn đã được sử dụng như một không gian sinh hoạt chung, tiếp khách, mắc võng nghỉ, chỗ chơi trẻ em.

Sự biến đổi của ngôi nhà truyền thống biểu hiện rõ nhất ở kiến trúc và chất liệu. Chuyển kết cấu nhà từ khung cột gỗ sang dùng cột bê tông là rất rõ rệt. Cũng do việc thay đổi vật liệu khung từ gỗ sang bê tông mà hình dáng khung đỡ mái cũng thay đổi. Tuy nhiên một số hộ vẫn cố gắng đổ bê tông toàn khối giống như kiểu khung gõ, khá phức tạp trong thi công. Chuyển từ sử dụng mái lợp tranh sang mái lợp ngói, tôn hoặc fibrô-ximăng. Tường đang có xu hướng từ vách gỗ chuyển sáng xây gạch tường 110, sàn đổ bê tông lát gạch hoa, cửa đi gỗ thay bằng cửa kính. Cầu thang nhà có xu hướng bỏ 1 thang, chỉ dùng 1 cầu thang là khá phổ biến. Chỉ có 1 thang dẫn đến xu hướng bố trí lại các chức năng gian trong nhà, ngày càng xa rời các nguyên tắc văn hóa truyền thống như quy định chỗ ngủ, quy cách ứng xử của nam nữ, người già… trong gia đình. Xây dựng nhà phụ làm bếp, vệ sinh kề sát nhà chính rất thuận tiện về công năng, gần với xu hướng khép kín của lối sống hiện đại. Các chi tiết lan can, cửa, thang dùng vật liệu inox, con tiện xi măng là những thích ứng, tiếp thu vật liệu mới.

Trang phục là giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Thái. Nó không chỉ thể hiện yếu tố sử dụng mà còn thể hiện cả yếu tố thẩm mĩ, văn hóa và tín ngưỡng trong quan hệ cộng đồng mà hàng nghìn năm nay vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, những trang phục của cư dân người Thái đang ngày càng bị mai một và biến đổi theo hướng tiếp thu các kiểu cách cũng như chất liệu từ người kinh. Họ  không cần phải tự dệt vải để may trang phục nữa. Thay vào đó, họ có thể mua ở chợ với rất nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau. Trang phục họ mặc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất đều được làm bằng các vải sợi công nghiệp. Thậm chí, họ còn sử dụng những bộ quần áo may sẵn được bán khá phổ biến ở chợ, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trang phục mặc trong các dịp cưới xin, tang ma và lễ hội, của phụ nữ Thái vẫn sử dụng loại truyền thống. Về các hoa văn trang trí trên trang phục cũng có sự biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa các mô típ hoa văn trang trí. Quần áo truyền thống được cắt may từ vải sợi bông nhuộm chàm được thay thế bằng quần âu và áo sơ mi may sẵn hoặc thuê thợ người Việt cắt may.

Văn hóa ẩm thực của người Thái rất đặc sắc, tuy nhiên hiện nay đã có nhiều biến đổi. Cơ cấu các món ăn trong bữa cơm hàng ngày có thay đổi. Những món ăn truyền thống không được sử dụng nhiều, thay vào đó là các món ăn của người Kinh. Do tác động của nghành du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người Thái đã chế biến thức ăn do nhu cầu của khách du lịch, dần dần họ chịu ảnh hưởng ẩm thực của người Kinh. Nguyên liệu chế biến món ăn của người Thái cũng có nhiều biến đổi. Nguyên liệu được mua ngoài thị trường hoặc tự sản xuất nhu cầu của người dân địa phương. Kỹ thuật chế biến cũng thay đổi nhiều, đồ ăn được nấu, nướng, kho, luộc… bằng bếp điện, ga. Xuất hiện những món ăn chế biến sẵn, đóng hộp, có thể sử dụng ngay. Người Thái cũng học theo cách chế biến và trình bày món ăn của các dân tộc khác. Đồ uống đa dạng như nước đóng chai, các loại bia, rượu, nước ngọt có ga, nước hoa quả đóng chai… Các nhà kinh doanh dịch vụ lưu trú đều có tủ lạnh để đồ uống cho khách. Hiện nay, người Thái ở Mai Châu ít nấu rượu, họ thường sử dụng rượu được bán trên thị trường và các đồ giải khát thông dụng. Người dân không quá kiêng kỵ nhiều vấn đề như trước đây. Khi ăn, không mấy gia đình mời rượu phi (ma) bằng hình thức để thêm 2 chén rượu trong mâm hoặc tưới ít rượu xuống đất. Tính bình đẳng trong ăn uống ngày càng cao hơn. Người Thái không còn kiêng kỵ thịt trâu, bò, ngựa, cá không vảy, cá chép có ria và các loại thịt thú rừng (phụ nữ sinh đẻ), quả cật gà, canh ốc (trẻ em)… thậm chí họ còn sử dụng cả sữa, thuốc tây bổ sung chất dinh dưỡng.

Văn hóa sinh kế đã có những thay đổi rõ rệt. Khi nền kinh tế thị trường xuất hiện, người Thái nhanh chóng bắt nhịp, sản xuất nông nghiệp đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Tổng thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Kinh tế hộ gia đình của người Thái ở một số địa bàn chuyển sang kinh tế thương mại, hàng hóa, dịch vụ dựa trên nền tảng là nền kinh tế nông nghiệp. Nghề dệt truyền thống trước đây của người Thái đã có thời kỳ bị mai một. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương nghề dệt thủ công dần có sự khởi sắc. Đặc biệt trong những năm gần đây, hoạt động du lịch phát triển mạnh, người dân địa phương còn làm thêm một số dịch vụ phục vụ khách du lịch. Sự thay đổi này gắn với thay đổi về các hoạt động sinh kế trong quá trình phát triển du lịch của người dân địa phương. Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế với sự xuất hiện của nhiều hoạt động sinh kế mới thể hiện sự linh hoạt và thích ứng nhanh với bối cảnh phát triển du lịch của người dân.

Phương thức canh tác, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay người Thái đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, biết thâm canh, tăng vụ; chuyển canh tác lúa theo hai vụ, từ một vụ lúa nếp trở thành hai vụ lúa tẻ hoặc một nếp một tẻ. Đây là một cuộc cách mạng thay cũ đổi mới của người nông dân Thái. Mặt khác, để năng suất cây trồng đạt ở mức cao và ổn định, việc sử dụng các loại phân hóa học, phân vi sinh cũng đã được người nông dân Thái vốn chỉ quen dựa vào nguồn phân bón và sự bồi đắp của mùn rác tự nhiên quan tâm thực hiện. Chính vì vậy, đời sống của bà con dân tộc Thái những năm gần đây đã khá hơn rất nhiều.  Hệ thống thủy nông cũ đã được cải tạo, phù hợp với mô hình sản xuất mới. Ruộng hai vụ phải thường xuyên có nước, hệ thống mương phai lái lin thực hiện bằng thủ công nay phải chuyển thành những công trình thủy lợi nhỏ, vừa và lớn xây đắp bằng bê tông cốt thép. Thủy lợi đã không chỉ để cho người nông dân Thái tự làm mà Nhà nước với nhân dân cùng làm.

Người Thái hiện nay đã và đang sử dụng song ngữ. Tiếng Kinh, tiếng Thái được sử dụng phổ biến. Khi giao tiếp trong gia đình, người Thái chủ yếu sử dụng tiếng dân tộc mình. Nhưng trong cộng đồng, họ vừa sử dụng tiếng Kinh, vừa sử dụng tiếng dân tộc để giao tiếp. Tiếng Kinh ở đây được sử dụng song hành với tiếng Thái, thậm chí còn thông dụng hơn cả tiếng Thái. Tiếng Thái rất ít được dùng. Chỉ có đài phát thanh, truyền thanh ở các huyện, thị xã có chương trình tiếng Thái; còn trong giao tiếp hằng ngày ở thành thị, thậm chí tại nhiều gia đình có bố mẹ là người Thái, chỉ toàn dùng tiếng phổ thông. Ở nông thôn, một số nhà vẫn dùng tiếng Thái nhưng rất ít.

Phong tục, tập quán, hiện nay, đa số dân tộc Thái đều thực hiện theo phong tục cưới xin truyền thống, tuy nhiên các nghi lễ được tiến hành nhanh gọn nhưng nghiêm túc và đầy đủ lời đối đáp, lời khuyên bảo hài hòa, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ trải chăn đệm, lễ tẳng cẩu, lễ tạ ơn cha mẹ… là những nghi lễ có nhiều ý nghĩa vẫn được duy trì, được tiến hành trong thời gian nhanh gọn, ít nhân lực và ít tốn kém, cần được bảo tồn và phát huy. Một số nghi lễ không phù hợp với sự phát triển của cuộc sống sẽ tự bị loại bỏ như tục ở rể, ăn uống kéo dài mấy ngày đêm, tốn kém và hại sức khỏe hiện nay không còn nữa. Đây là bước tiến bộ của người Thái đen, vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trong quá trình phát triển, các nghi lễ cưới hỏi dân tộc Thái đen ngày nay đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu một số nội dung nghi lễ cưới hỏi theo trào lưu văn hoá mới của xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp thu những nội dung này đều có tính chọn lọc và phù hợp với các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội và không làm mất đi bản sắc văn hoá Thái.

Lễ hội, các lễ hội truyền thống của người Thái cũng có nhiều biến đổi, chủ yếu là được khôi phục trong điều kiện của xã hội mới. Cho nên, phần lớn các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian trong lễ hội của người Thái được khôi phục theo xu hướng chuyển hóa và mở rộng quy mô, mở rộng không gian, các hoạt động trong lễ hội cũng không còn đậm nét dân gian nữa, thậm chí một số lễ hội có dáng dấp của văn hóa hiện đại, phần lễ nhiều hơn phần hội. Phần lễ trong các lễ hội có xu hướng giảm xuống, phần hội lại có xu hướng tăng lên và đóng vai trò chủ đạo trong lễ hội, đây là bước chuyển lớn trong đời sống tinh thần. Hiện nay, nhiều lễ hội truyền thống đã mai một, không còn nhiều như trước kia. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung và cách thức tổ chức lễ hội. Đặc điểm này được thể hiện ngay trong nội dung, trong cách thức tiến hành, trong sự tham gia của cộng đồng vào phần lễ và phần hội. Không gian lễ hội là không gian đan xen truyền thống và hiện đại.

Tín ngưỡng truyền thống, phần được coi là “bền vững” nhất của đời sống tinh thần người Thái là đời sống tín ngưỡng tôn giáo cũng đang có xu hướng chuyển dịch ở một số địa phương. Nhìn chung, diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của người Thái ở Sơn La đã có những đổi thay khá mạnh. Việc tin và thờ các lực lượng siêu nhiên, các đấng sáng tạo, các nghi thức lễ tết như tục lệ cúng bản, cúng mường, cúng thần con nước hiện nay gần như không còn duy trì nữa. Có chăng cũng chỉ còn tồn tại trong tâm thức và trong các hình thức nghi lễ, cúng bái trong phạm vi gia đình.

Về hôn nhân, hiện nay, hôn nhân của người Thái là bức tranh đan xen giữa truyền thống và biến đổi; qua đó có thể dễ dàng nhận thấy “sự giằng xé” giữa cái cổ truyền và cái mới. Hôn nhân giữa các nhóm Thái rất phổ biến, bên cạnh đó, còn có những cuộc hôn nhân giữa người Thái với người Kinh, Đan Lai… Hôn nhân giữa con trai người Kinh với con gái Thái thường diễn ra theo tập quán của người Kinh, gồm lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới, tuyệt nhiên không còn các lễ đi thăm nhà gái theo tháng… Tuy nhiên, nhà trai vẫn phải tuân theo một số tập quán của người Thái như phải mời người làm mối đến dạm hỏi, đồ sính lễ khi đi hỏi và xin cưới phải có những chiếc khăn, áo, váy truyền thống của người Tày Mường. Bên cạnh đó, tục đón dâu vào lúc một giờ sáng vẫn được nhà gái yêu cầu thực hiện.

Ở một số gia đình có thành viên kết hôn với người khác tộc đã nảy sinh sung đột văn hóa xoay quanh tập quán cưới xin. Chẳng hạn, gia đình nhà gái người Thái muốn nhà trai người Kinh phải mang lễ vật sang thăm nhà gái hằng tháng để thắt chặt mối quan hệ giữa hai họ như đã phân tích ở trên; nhưng nhà trai lại không biết tục lệ đó. Thế nên, họ cảm thấy không được tôn trọng. Đó là cảm giác chung của một số gia đình Thái làm thông gia với người Kinh. Nguyên nhân có thể do nhà trai khác tộc nên không am hiểu tập quán của người Thái, hoặc do sống ở xa (huyện khác), điều kiện đi lại khó khăn, không thể qua lại hằng tháng như vậy. Mặt khác, với người Kinh, hai nhà chỉ qua lại khi cần trao đổi về đám hỏi, đám cưới hoặc chỉ đến thăm nhau vào dịp lễ tết. Tục lệ Thái đưa dâu vào lúc nửa đêm, nhưng người Kinh lại chỉ đưa dâu vào ban ngày; đó cũng là một trở ngại khó thống nhất giữa hai họ, đón dâu. Hơn nữa, hình thức ở rể một thời gian không được phía nhà trai đón nhận. Có thể nói, sự khác biệt xuất phát từ văn hóa, tâm lý tộc người thường dẫn đến không ít khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức các nghi lễ. Đôi khi, đem lại cảm giác thiếu thoải mái, khó xử, thậm chí sứt mẻ tình cảm giữa hai gia đình.

 Về gia đình, ngày nay mỗi gia đình thường có từ 1 đến 3 thế hệ, các gia đình lớn “tứ đại” không còn thấy xuất hiện nhiều trong các bản làng người Thái. Gia đình người Thái có tính bền chặt cao, vợ chồng sống chung thủy, ít mâu thuẫn bởi các giá trị trong truyền thống gia đình được quy định và điều chỉnh bằng những luật tục hết sức chặt chẽ. Tục ở rể vẫn còn phổ biến, ở cho đến khi vợ chồng trẻ có con mới về nhà chồng. Lễ hỏi cưới được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, nhà trai lo các lễ vật đi dạm hỏi, nhà gái lo đủ 3 bộ chăn đệm gánh về nhà trai trong ngày cưới. Trong đó có đủ chăn, đệm, gối gánh riêng cho bố mẹ chồng. Thiếu nữ Thái đen khi chưa lấy chồng thì búi tóc ngả về phía sau, khi đã xây dựng gia đình thì tóc được búi thẳng đứng, gọi là tằng cẩu. Lễ tằng cẩu diễn ra rất thiêng liêng xúc động ngay khi cô dâu về đến nhà chồng.

Trong gia đình người Thái theo truyền thống trước đây có sự phân công công việc giữa vợ và chồng tương đối rõ ràng. Người chồng thường lo việc nặng hơn như cày, bừa, chài lưới, kiếm gỗ, dựng nhà, dạy bảo con trai các công việc của đàn ông (cày bừa, săn bắn, đánh cá, bãy thú, đan lát...). Người vợ lo nội trợ, chăm sóc con, nương rẫy, cấy hái, dệt vải, thêu thùa, chăn nuôi... Việc lớn, việc nhỏ, khi khỏe mạnh cũng như ốm đau, vợ chồng đều chia sẻ, giúp đỡ, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Việc dệt vải tưởng chừng như công việc chỉ dành cho người phụ nữ thì cũng có sự phân công giữa người chồng người vợ. Người chồng lo việc chế tác các công cụ dệt như: đóng khung cửi, làm công cụ bật bông, cán bông, se sợi, guồng quay, thùng gỗ nhuộm sợi, đóng bàn sợi, khi có thời gian họ cũng đi rừng tìm các nguyên liệu để nhuộm vải giúp phụ nữ trong nhà. Các công việc còn lại do người phụ nữ trong gia đình như: vợ, con gái, con dâu đảm nhiệm.

Mô hình gia đình gồm nhiều thế hệ ở vùng người Thái Sơn La trước đây đang dần bị phá vỡ, do tác động của điều kiện không gian cư trú. Đất sản xuất bị thu hẹp, do phải kiếm kế sinh nhai và phát triển kinh tế. Các quan hệ dòng họ, huyết thống, sở hữu ruộng đất của dòng họ trước đây đã có sự thay đổi. Nhìn chung, bắt đầu có sự đan xen về mối quan hệ lợi ích nên các mối quan hệ này cũng có nhiều hình thái khác nhau. Các quan hệ đồng tộc láng giềng có chiều hướng thưa dần sự qua lại giao lưu tình cảm bởi sự đốc thúc về kinh tế, chạy đua làm giàu, phát triển kinh tế…

Về dòng họ, cộng đồng, hiện nay cộng đồng người Thái vẫn sống tập trung thành bản mường, không cách xa nhau. Mối quan hệ này cơ bản vẫn gắn bó, nhất là trong các sự kiện quan trọng của dòng họ, cộng đồng thì sự tương trợ vẫn được duy trì. Tuy nhiên dưới tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến đổi của đời sống xã hội thì thiết chế truyền thống đã giảm vai trò, tính độc lập của các gia đình và giữa các thành viên trong cộng đồng cũng tăng lên.

Cấu trúc làng bản có những biến đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn hay gần các trục lộ giao thông đã xuất hiện những loại hình tụ cư mới. Đó là những xóm quy hoạch theo kiểu đường phố, các gia đình bắt đầu có xu hướng rời bản xuống sinh sống tại các trục đường giao thông, gần chợ để làm ăn buôn bán. Một số bản quanh trung tâm thành phố bắt đầu có xu hướng “Phố hóa” , bà con bắt đầu cắt đất ở, đất ruộng bán lấy tiền xây nhà, mua sắm phương tiện đồ dùng sinh hoạt. Do vậy, trong các bản giờ không chỉ có dân tộc Thái sinh sống mà còn có các hộ dân tộc khác sống đan xen.

3. Kết luận

Văn hóa tộc người là cốt lõi của sức mạnh mềm trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số. Sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và vùng DTTS nói riêng trong những năm đổi mới đã thúc đẩy văn hóa DTTS nói chúng và văn hóa người Thái nói riêng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Thái ở Tây Bắc. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Thái có nghĩa là vừa loại bỏ được các hủ tục lạc hậu, khắc phục tư tưởng xem nhẹ những phong tục tập quán của người Thái, vừa gìn giữ và phát triển được bản sắc dân tộc lại vừa tiếp thu được những nét độc đáo của các nền văn hóa khác, bổ sung để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc mình. Vì vậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của người Thái có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa nói chung và xây dựng lối sống nói riêng trong bối cảnh hiện nay cũng như trong tương lai.

Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp đó được phát huy đến đâu, phát huy như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều tổ chức. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của DTTS nói chung và đối với người Thái nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bùi Thị Ngọc Lan, Nghiêm Sỹ Liêm (2020), Quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Tạp chí Chính trị và truyền thông, số 8/2020, tr. 88 - 93.

2. Tổng cục thống kê và Ủy ban Dân tộc (2020), Kết quả điểu tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.131.

3. Viện dân tộc học (2017), Những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc, tộc người ở nước ta hiện nay: Lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia năm 2016, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội.

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068