28/07/2022
Nhắc đến vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, ai cũng nghĩ đến vùng đất đỏ ba zan hùng vĩ , với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Hrê, Cơ ho, Xơ Đăng, Mnông... Cùng với âm thanh cồng chiêng, tiếng đàn t'rưng, đàn Goong, K’ni, các bài hát dân ca của đồng bào các DTTS nơi đây đã làm say đắm lòng người; tất cả đã tạo nên nét đặc trưng chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên.
Trình diễn hòa nhạc cụ dân tộc của người Ba Na tại Ngày hội Văn hóa các DTTS tỉnh Gia Lai
Âm nhạc gắn kết yêu thương dòng họ
Ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, nhắc tới dòng họ R’Com dân làng đều thán phục, ca ngợi về tinh thần đoàn kết hiếu học và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Bởi mỗi thành viên trong dòng họ R’Com, đều có thể hát nhiều bài dân ca hay và giỏi chơi các nhạc cụ dân tộc. Tình yêu âm nhạc của những thành viên trong dòng họ, được ví như ngọn lửa lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp một phần quan trọng trong việc lưu giữ bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Ba Na.
Chị R’Com H’Sonh (32 tuổi), lớn lên trong gia đình Ba Na yêu âm nhạc nên những bài dân ca nhẹ nhàng, sâu lắng do bà nội thể hiện, những âm thanh trầm bổng từ các loại nhạc cụ do bố chế tác, luôn làm chị mê mẩn và theo chị suốt những năm tháng qua
Chị H’Sonh chia sẻ, từ bao đời nay, âm nhạc dân tộc không chỉ đơn thuần là dân ca, nhạc cụ, hay các điệu múa, mà nó đã trở thành âm thanh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Ba Na ở làng Piơm này. Trong các ngày lễ, tết, ngày vui của dòng họ, của làng đều không thể thiếu những âm thanh của cồng chiêng, đàn, sáo... hòa cùng giọng ca trầm bổng đã tạo nên không gian âm nhạc.
"Bất kể già, trẻ, gái, trai trong dòng họ R’Com, mỗi khi có ngày vui hội lại thay phiên nhau hòa tấu. "Nhờ có những âm thanh kỳ diệu ấy mà tình cảm gia đình, anh em trong dòng họ trở nên gắn kết, yêu thương nhau hơn”, chị H’Sonh kể.
Chị R’Com H’Sonh và những em nhỏ Ba Na đều lớn lên từ những làn điệu dân ca Ba Na, âm thanh của những nhạc cụ làm từ tre, nứa quen thuộc
Những thanh âm nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nội lực trầm hùng vang lên từ bài ca “lên rẫy”, “Tiếng chiêng mùa khô”, “Những ngày Pơ thi”, “Dệt váy chờ anh”… đã khiến cho bao người Ba Na nơi đây phải lắng đọng, da diết, lưu truyền muôn đời.
Bà A Mlem làng Tuoh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa tuy đã 64 mùa rẫy, nhưng giọng hát bà vẫn ấm áp và đầy nội lực. Những bài hát do bà A Mlem thể hiện, thường bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Ba Na) có ca từ thấm đẫm tinh thần cách mạng và tình yêu quê hương.
Bà A Mlem cho biết: “Những bài hát theo mình lên rẫy, đi làm, lễ hội. Trong các bài hát, nội dung mình muốn khuyên dạy con cháu chăm ngoan để cha mẹ yên tâm đi làm, xây dựng đất nước. Nhờ dân ca, lời nói khuyên dạy con cháu cũng dễ đi vào lòng người và được tiếp nhận, lưu truyền dễ hơn”.
Bà A Mlem tuy đã 64 mùa rẫy nhưng tiếng hát vẫn đầy nội lực, ấm áp khi thể hiện bài dân ca “Lên rẫy” của người Ba Na
Tương tự, đối với người Gia Rai, dân ca chủ yếu được lưu giữ bằng phương thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác và không thể thiếu trong các ngày vui trọng đại hay mùa lễ hội.
Nghệ nhân Rơ Ô H'Ôm, buôn Blang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, đã mượn lời hát để thể hiện tình yêu quê hương, lứa đôi. Ông H’Ôm chầm chậm buông từng lời ca, mộc mạc vào không gian tĩnh lặng. Thứ âm thanh chậm rãi, lúc trầm lúc bổng hòa cùng gió ngàn khiến con người bỗng thấy an yên.
“Mặc dù, người hát dân ca Gia Rai không còn nhiều như xưa, nhưng vẫn được rất nhiều thế hệ thuộc hát, nhất là trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Trai gái, già trẻ đều cùng ca vang những bài hát quen thuộc. Hòa cùng âm thanh của đàn, cồng chiêng, dân làng cứ thế say trong tiếng hát, say trong men rượu cần”- nghệ nhân Rơ Ô H'Ôm nói.
Nhạc cụ dân tộc-bản hòa tấu của núi rừng
Những bài hát dân ca càng dễ chạm vào lòng người nghe hơn, khi được hòa tấu cùng nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, đàn Goong, K’ni… Từ nguyên vật liệu gần gũi với đồng bào là các loại tre, nứa, qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của nghệ nhân đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, vừa đa dạng lại không kém phần tinh tế.
Đàn T’rưng, Goong, K’ni… được làm từ tre, nứa
Ông Rơ Châm Tih, làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, từ thuở nhỏ đã đam mê tiếng đàn, các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào Jrai. Mê đàn, nên mỗi khi biết ở đâu có tiếng đàn là Tih có mặt. Tâm hồn lãng mạn của ông Rơ Châm Tih luôn bay bổng theo tiếng đàn thánh thót, hòa cùng lời ca tiếng hát của bà con Gia Rai trong các ngày hội. Vì thế, ông không ngừng học hỏi, sáng tạo ra các loại nhạc cụ dân tộc Gia Rai.
Ngoài ra, ông Tih còn chơi các nhạc cụ rất giỏi. “Lúc nhỏ, tôi may mắn được học chơi và cách làm nhạc cụ từ một nghệ nhân mù ở làng. Nhờ đó, khi lớn lên tôi biết chơi, làm ra nhiều loại đàn khác nhau. Đây cũng chính là cách mà tôi thõa mãn niềm đam mê âm nhạc dân tộc của mình”, ông Tih bày tỏ.
Ông Rơ Châm Tih (bên trái), huyện Ia Grai đang chế tạo nhạc cụ dân tộc
Tương tự, ông R’Com Suk, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, cũng là người có thâm niên trong làng chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: đàn T’rưng, đàn Goong, K’ni, K’long Put… Ông được chính ông nội và bố mình truyền dạy từ cách tổ chức các nghi thức lễ hội truyền thống, cách làm cây nêu, đan gùi và các loại nhạc cụ truyền thống.
Ông R’Com Suk (huyện Đak Đoa), người có thâm niên trong làng chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau
Sau khi lập gia đình, ông lại tiếp tục truyền lại cho con cháu những gì học được, để thế hệ sau biết cách giữ gìn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðến nay, cả 3 thế hệ trong gia đình ông, đều có thể chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
Ông Suk cho biết: “Người mình phải biết âm nhạc dân tộc mình thì mới có thể phát triển được. Từ ngày được ông bà truyền lại, mình suy nghĩ là phải giữ gìn và ngày càng phát triển nó lên để nhiều người được thưởng thức. Những nhạc cụ bằng tre, nứa tuy không phải là vàng, kim loại mắc tiền, nhưng đó là nhạc cụ tinh thần của dân tộc nên mình phải trân trọng giữ gìn".
Theo baodantoc.vn