Bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer tại Tây Ninh

11/10/2024

Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức Lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) trong đồng bào Khmer.

Biểu diễn múa dân gian Khmer (Ảnh minh họa)

Biểu diễn múa dân gian Khmer. (Ảnh minh họa)

Đây là một trong những nội dung được hiện thực hóa từ Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2030 theo Quyết định số 1531/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh.

Trong thời gian 3 ngày, từ 9 - 11/10, hơn 100 học viên là các già làng, Người có uy tín, bà con vùng đồng bào DTTS tỉnh Tây Ninh được cập nhật 4 chuyên đề về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá và văn hoá dân tộc; Nhận diện nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer tỉnh Tây Ninh - truyền thống và biến đổi do tác động tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Phương thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer trong thời đại mới gắn với phát triển du lịch; Phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh - thực trạng và giải pháp.

Lớp tập huấn nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Thiếu nữ dân tộc Khmer đi lễ chùa Chung Rút tại xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Giang Phương

Thiếu nữ dân tộc Khmer đi lễ chùa Chung Rút tại xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Giang Phương

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu dân tộc Khmer, chiếm 0,78% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer được các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng, tạo sự thay đổi đời sống văn hóa cơ sở; nhiều nhà văn hóa dân tộc được đầu tư xây dựng. Các di sản được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc.

Qua thống kê, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 7 nhà văn hóa dân tộc Khmer, 3 nhà lễ Sala và 6 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer. Nhờ đó, đồng bào dân tộc duy trì các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, dạy học, đàn Ngũ âm, múa trống Chhay dăm. Tỉnh thường xuyên tạo điều kiện cho đồng bào duy trì tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, dạy học tiếng Khmer; tổ chức các ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, an toàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương như: Lễ Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôlta, Lễ Dâng y.

Nhiều già làng, Người có uy tín và cán bộ là đồng bào Khmer đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong những phong trào tuyên truyền, giáo dục, động viên người dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân phòng, chống tội phạm; đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều cán bộ người Khmer đã được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, là nhân lực nòng cốt trong việc vận động đồng bào, cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Theo baodantoc.vn

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068