Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Sách chuyên khảo)

14/04/2024

Tác giả: PGS.TS Trương Minh Dục

ISBN: 978-604-57-6133-5

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Năm: 2020

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số) và có sự cư trú đan xen trên nhiều địa bàn của Tổ quốc. Anh em các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, luôn kề vai sát cánh trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc và đã đề ra chủ trương, quan điểm về chính sách dân tộc với nguyên tắc nhất quán: “Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển”. Chủ trương của Đảng được đồng bào các dân tộc ủng hộ, đón nhận và ra sức thực hiện, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ và những thành tựu to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước và hội nhập quốc tế với những thời cơ và thách thức đan xen, việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề dân tộc, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị như: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Quan điểm, chủ trương, đường lối cơ bản của Đảng về dân tộc và công tác dân tộc được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư… của các cơ quan có thẩm quyền. Trong giai đoạn 2010-2015, ngoài những văn bản luật, Chính phủ đã ban hành 154 chính sách về dân tộc. Hệ thống chính sách, pháp luật về vấn đề dân tộc mang tính toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc, miền núi, đặc biệt là những chủ trương, chính sách liên quan đến xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… khi đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả tốt, được đồng bào ủng hộ.

Để giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về quan hệ dân tộc, về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn chuyên khảo “Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới” do PGS.TS. Trương Minh Dục dày công nghiên cứu và biên soạn.

Nội dung cuốn sách được kết cấu gồm 03 phần, 09 chương, cụ thể như sau:

- Phần thứ nhất: trình bày cơ sở lý luận, thực tiễn và các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm giải quyết vấn đề quan hệ dân tộc của một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam trong lịch sử

- Phần thứ hai: trình bày thực trạng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam trên các lĩnh vực  của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới

- Phần thứ ba: phân tích các xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc ở Việt Nam, đồng thời đề ra các giải pháp về định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các dân tộc và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068