Văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum

14/04/2024

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hòa

Đơn vị: Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

ISBN:

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm: 2016

Cư trú ở vùng rừng núi, sinh tồn thông qua hình thái kinh tế nương rẫy, săn bắt, hái lượm; nguồn lương thực, thực phẩm chính của cư dân Xơ Đăng để hình thành vốn văn hóa ẩm thực truyền thống là sản phẩm nông, lâm nghiệp có được từ những cánh rừng.

Trong thời đại phát triển và hội nhập hiện nay, môi trường sinh tồn của người Xơ Đăng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Hệ thống rừng, núi bị tàn phá, sông ngòi ô nhiễm. Điều này là nguyên nhân làm mất đi nhiều nguồn tài nguyên trong hệ thống động, thực vật của rừng, vốn là nguồn sống tự nhiên của người Xơ Đăng. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm biến đổi thực trạng văn hóa ẩm thực truyền thống của người Xơ Đăng. Quá trình phát triển, hội nhập của xã hội Xơ Đăng với thế giới bên ngoài, cũng tạo nên một hệ thống các mối quan hệ giao thoa, tiếp biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực giữa cư dân của các tộc người cận, xen cư. Quan hệ tiếp biến và biến đổi ẩm thực ấy đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi đời sống ẩm thực truyền thống của người Xơ Đăng. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập chuyên sâu đến vấn đề “Văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng tỉnh Kon Tum”. Và vì vậy, đó chính là lý do khiến chúng tôi quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này với mục đích nhằm lưu giữ đặc trưng bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống của người Xơ Đăng.

Mặt khác, ăn là một trong ba nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Đối với những tộc người miền núi, nhu cầu ăn để sinh tồn lại càng đóng vai trò quan trọng. Biến đổi trong đời sống văn hóa ẩm thực khiến thực trạng ẩm thực của người Xơ Đăng hiện nay đang trong bối cảnh chuyển tiếp, không mang tính ổn định và khả năng của tính an toàn lương thực chưa cao. Hiện trạng và nhu cầu cần ổn định, nâng cao mức sống, cần bảo đảm vấn đề an toàn lương thực của cư dân Xơ Đăng cũng là một vấn đề đáng được quan tâm. Những nghiên cứu cơ bản trong cuốn sách sẽ là bước đầu làm nền tảng cho các nghiên cứu phát triển liên quan đến ẩm thực Xơ Đăng sau này.

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Ẩm thực và biến đổi ẩm thực của người Xơ Đăng tỉnh Kon Tum” năm 2012; từ ngày 19/6 đến 19/8/2012 là thời gian điền dã vùng người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum. Trong thời gian này, chúng tôi không chỉ nhận được sự giúp đỡ tận tình và đầy trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh; chúng tôi còn nhận được sự thương yêu, cưu mang và cung cấp tư liệu hết sức nhiệt tình của người dân Xơ Đăng lẫn cư dân các tộc người láng giềng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bằng nhiều nỗ lực, nhóm nghiên cứu đã thu nhận được một số kết quả bước đầu: có 403 món ăn và thức uống truyền thống của người Xơ Đăng tỉnh Kon Tum được tìm hiểu. Trong đó có 374 món ăn, 28 món là các loại rượu và men rượu của các nhóm địa phương người Xơ Đăng, 011 món tìm hiểu về cách chế biến thuốc bột ngậm, chưa kêt các nghiên cứu cụ thể khác về thuốc lá. Trong 374 món ăn, có 160 món của người Xơ teng, Hđang; 123 món của người Tơ đrá, Hà lăng và 91 món của người Mơ nâm, Ca dong. Ngoài ra, một số nghiên cứu so sánh ẩm thực cũng được tiến hành ở 10/42 thôn làng cư dân các tộc người láng giềng, bước đầu giúp chúng tôi có những nhận thức về đặc trưng ẩm thực truyền thống của đồng bào Xơ Đăng.

Cuốn sách như một lời tri ân đến cư dân Xơ Đăng và cư dân các tộc người tại chỗ ở Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, ban ngành có liên quan của tỉnh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068