Đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ người DTTS - Nhìn từ Lào Cai: Động lực từ chính sách phù hợp (Bài 2)

10/06/2022

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ người DTTS, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ông Tráng Mìn Phà (áo trắng), dân tộc Pa Dí, đại biểu HĐND xã Tung Trung Phố (huyện Mường Khương) với bà con Nhân dân thôn Nàn Tiểu Hồ

Cán bộ người DTTS chủ yếu ở cấp xã. (Trong ảnh: ông Tráng Mìn Phà (áo trắng), dân tộc Pa Dí (nhóm dân tộc Tày), đại biểu HĐND xã Tung Trung Phố, huyện Mường Khương cùng với người dân thôn Nàn Tiểu Hồ chia sẻ thông tin để có mô hình kinh tế phù hợp

Phát huy hiệu quả các chính sách về công tác cán bộ DTTS

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 25.453 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, tỉnh; trong đó,  cán bộ người DTTS chiếm 30,42%. Cấp xã có 3.166 cán bộ, công chức; trong đó cán bộ DTTS chiếm 61,02%. Tỷ lệ này về cơ bản đã bảo đảm đáp ứng theo Quyết định 402-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/03/2016 về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.

Bà Giàng Thị Bằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để đạt được kết quả này, các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ DTTS mà Trung ương đã ban hành thời gian qua, là rất quan trọng. Cụ thể như, công tác cử tuyển từ  Nghị định 49/2015-NĐ/CP của Chính phủ đã tạo ra cơ chế cũng như nguồn lực để các địa phương thực hiện.

“Hiện nay, tỉnh Lào Cai là một trong số ít các địa phương đang còn duy trì việc thực hiện công tác cử tuyển theo Nghị định 49; trong đó, chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành y tế”.

Cùng với đó, bắt đầu từ năm 2021, tỉnh Lào Cai triển khai chính sách hỗ trợ có cam kết đào tạo đối với sinh viên trường Đại học Y. Đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đào tạo 20 sinh viên y khoa; trong đó có 12 em là người DTTS. Với những sinh viên này, sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo và cam kết trở về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp.

“Với các em sau khi tốt nghiệp mà về tuyến xã, huyện công tác, thì thời gian tối thiểu là 5 năm; với các em về các cơ sở y tế tuyến tỉnh làm việc thì thời gian tối thiểu phải là 8 năm. Sau đó, các em có thể tự do chuyển công tác nếu muốn…”, bà Bằng thông tin.

Ngoài ra, nhiều chủ trương, chính sách cũng đã được tỉnh Lào Cai ban hành như: Chỉ thị số 34-CT/TU của tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 23/2014/NQ-HĐND, ngày 07/7/2014 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về ưu tiên tuyển dụng người DTTS vào các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 8/9/2016 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới"...

Điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ, công chức DTTS hiện đã tăng lên về số lượng so với năm 2013 (Thời điểm ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU), nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ dân tộc của tỉnh. 

Cán bộ người DTTS phân bổ không đồng đều ở các cấp, các ngành; chủ yếu đội ngũ cán bộ DTTS có tỷ lệ cao ở cấp xã; khối quản lý nhà nước về ngành kinh tế, khoa học, công nghệ có cán bộ DTTS còn thấp; thiếu cán bộ là người DTTS cấp chiến lược; số cán bộ là người DTTS có trình độ chuyên môn cao như tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa còn ít…

Tỉnh Lào Cai là một trong số ít các địa phương trong cả nước vẫn đang duy trì chế độ cử tuyển, chủ yếu là đào tạo bác sỹ

Tỉnh Lào Cai là một trong số ít các địa phương trong cả nước, đang duy trì chính sách cử tuyển, chủ yếu là đào tạo bác sỹ

Theo bà Giàng Thị Bằng, những tồn tại, hạn chế này cũng có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, với cấp xã do việc sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính; chính sách đưa công an chính quy về cơ sở… cũng dẫn tới việc có những biến động về tỷ lệ cán bộ DTTS. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hai dân tộc rất ít người là Bố Y và Phù Lá. Hai dân tộc này rất khó để tìm được nguồn đào tạo, quy hoạch cán bộ, bởi các em chỉ học hết hệ THCS sau đó nghỉ ở nhà hoặc đi làm thuê.

Riêng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, thì việc tuyển dụng cán bộ là người DTTS rất khó do không có chỉ tiêu biên chế, không có vị trí tuyển dụng. Khi tổ chức thi tuyển công chức, các thí sinh là người DTTS thường không đạt…Ví dụ như, tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 175 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường. Trong số này, có 114 em đã bố trí công việc đạt tỷ lệ 65,14%; số còn lại chưa bố trí được do không có biên chế hoặc tham gia thi tuyển, xét duyệt không đạt…

“Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể hơn về các chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Đối với các địa phương, có tỷ lệ cán bộ DTTS còn thấp, có thể giành tỷ lệ biên chế nhất định để tuyển dụng. Chính phủ sớm ban hành đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS khu vực Tây Bắc giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng đối với đội ngũ cán bộ này…”, bà Bằng kiến nghị.

Có thể nói, dù còn những tồn tại, hạn chế nhưng về tổng thể công tác đào tạo, quy hoạch và bố trí cán bộ DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả nhất định. Điều đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đội ngũ cán bộ này. Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để địa phương có thể triển khai có hiệu quả hơn các chính sách về cán bộ DTTS trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Theo baodantoc.vn

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068