Bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc ở Lạng Sơn

10/12/2024

Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, thời gian qua, trang phục truyền thống dân tộc đang dần mai một.

Trang phục truyền thống của dân tộc Dao (Lù Gang) ở xã Ái Quốc, Lộc Bình (Lạng Sơn)

 

Trước thực tế đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Lạng Sơn nằm ở cửa ngõ phía đông bắc Tổ quốc, là một địa phương có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, cùng sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, chứa đựng nhiều nét độc đáo, chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của mỗi dân tộc.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo khẳng định: Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử…

Mỗi trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó. Những trang phục truyền thống đã cùng hòa quyện tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc của xứ Lạng. Mỗi dân tộc có cách trang trí, sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng.

Trang phục truyền thống của dân tộc Nùng được các chàng trai, cô gái trình diễn tại lễ hội Lồng Tồng ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn).

Chẳng hạn người Tày với màu chàm đặc trưng; người Nùng Phàn Slình có những đường chỉ nổi màu vàng, xanh nõn chuối được thêu sặc sỡ phần cổ và vạt áo; trang phục của người Nùng Cháo được thêu với phần chỉ chìm trên nền chàm. Trang phục của bốn nhóm người Dao gồm: Thanh Y, Lù Gang, Lù Đạng và Dao Đỏ đều có điểm chung là sử dụng màu sắc rực rỡ, với các màu chủ đạo khác nhau như: hồng, đỏ, cam…; trang phục của người H’Mông được thiết kế cầu kỳ với phần yếm quần và khăn vấn thêu tỉ mỉ…

Đặc sắc như vậy, nhưng những bộ trang phục truyền thống không tránh khỏi việc biến đổi và mai một. Do đó, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống.

 

Hiện nay, huyện Cao Lộc có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện có một số nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc như: dệt thổ cẩm (xã Hòa Cư, Hải Yến); thêu, may trang phục dân tộc (xã Công Sơn, Mẫu Sơn, Xuất Lễ).

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá và phát huy trang phục truyền thống dân tộc với phát triển du lịch, tổ chức lễ hội.

Câu lạc bộ khôi phục trang phục truyền thống của dân tộc H' Mông (đen) ở xã Chí Minh, Tràng Định (Lạng Sơn), trao đổi kinh nghiệm khôi phục trang phục truyền thống cho các thành viên

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giáo dục bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc truyền thống lồng ghép trong học chính khóa, hoạt động ngoại khóa. Đồng thời khuyến khích các trường học sử dụng trang phục truyền thống thay cho đồng phục học sinh. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có 17 trường học duy trì học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường.

Xã Cao Minh, huyện Tràng là địa phương có đa số đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục của đồng bào H’Mông, người dân nơi đây đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Bà Trịnh Thị Khén, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định chia sẻ: Người dân tộc H’Mông ở xã Cao Minh chủ yếu thuộc nhóm Mông đen.

Hiện nay, quần áo may sẵn bán nhiều và đẹp mắt, giá thành phải chăng nên thế hệ trẻ không còn mặn mà với trang phục truyền thống. Thấy vậy, những người có tuổi như chúng tôi rất lo. Trong khi đó trong thôn chỉ còn 6 đến 7 người già biết may trang phục dân tộc, nhưng chủ yếu là các cụ già yếu, chỉ còn mình tôi có thể truyền dạy được.

Để giữ lấy trang sắc phục truyền thống của dân tộc mình, từ năm 2020, xã Cao Minh thành lập Câu lạc bộ khôi phục bản sắc và trang phục dân tộc H’Mông với 20 thành viên. Với vai trò là chủ nhiệm, tôi đã tích cực truyền dạy kỹ thuật cắt may cho con dâu, các cháu và các thành viên câu lạc bộ. Đến nay, cơ bản các cháu có thể thực hiện khâu, thêu trang phục của dân tộc mình...

Trang phục truyền thống của dân tộc Tày được các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở thị trấn Văn Quan (Lạng Sơn) mặc để tham dự lớp dạy học hát then, đàn tính

 

Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35,3 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết: Được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện, chia làm nhiều giai đoạn nhằm lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo đó, việc bảo tồn trang phục dân tộc được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2019 đến 2025 và từ năm 2026 đến 2030. Trong giai đoạn 1 từ năm 2019 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về trang phục truyền thống (quay phim, chụp ảnh, bài viết); tăng cường công tác tuyên truyền…

Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn kiểm kê toàn bộ trang phục các dân tộc tại 11/11 huyện, thành phố và thực hiện 260 phiếu khảo sát về trang phục truyền thống. Đồng thời xây dựng một bộ phim khoa học về trang phục dân tộc Nùng. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn xuất bản trên 500 cuốn sách ảnh giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tại các huyện, thành phố, công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống cũng được đẩy mạnh như: Hội Háng Pỉnh (hội Bánh nướng), thành phố Lạng Sơn; lễ hội lồng tồng xã Hải Yến, huyện Cao Lộc; lễ hội hát Sli xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng; hội chợ tình Pác Khuông, huyện Bình Gia…

Trang phục truyền thống của dân tộc Tày được các em học sinh Trường Trung học cơ sở xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc sơn (Lạng Sơn), thường xuyên mặc trong các giờ học

Ngoài ra, tại nhiều điểm du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng trang phục truyền thống khi biểu diễn và cho thuê các bộ trang phục truyền thống chụp ảnh. Đơn cử như tại các làng du lịch cộng đồng: Thiện Hòa (Bình Gia); Quỳnh Sơn, Vũ Lăng (Bắc Sơn)…

Hay tại phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn, chính quyền đều khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc, trình diễn trên sân khấu các bộ trang phục truyền thống… Qua đó để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách ở trong và ngoài tỉnh.

Theo nhandan.vn

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068