Quan hệ Dân tộc, tộc người ở các tỉnh ven biển vùng cực nam Trung bộ [1]

21/07/2022

Phú Văn Hẳn

Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Email: phuvanhansiss@gmail.com

DOI: https://doi.org/10.54163/0866-773X/690

Các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ có vị trí quan trọng trong phát triển đất nước. Ở vùng này, ngoài người Kinh là dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số tại chỗ như Chăm, Ra-glai, Chơ-ro cùng một số dân tộc khác, kể cả các dân tộc di cư đến sau (như Hoa, Nùng,…) đã tụ cư, sinh sống, quan hệ, hợp thành cơ cấu dân cư đa tộc người, giàu bản sắc và giá trị truyền thống.

Trong quá trình phát triển, quan hệ dân tộc ở đây có những diễn biến đa dạng, phức tạp, đan xen lẫn nhau ở nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập hiện nay, vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc được phát huy tốt luôn là động lực của phát triển, ngược lại là cơ hội cho những mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tộc người. Làm rõ quan hệ dân tộc theo khía cạnh hôn nhân, quan hệ bạn bè, hàng xóm; qua tương trợ xã hội; qua giao tiếp ngôn ngữ và qua quan hệ đồng tộc của các dân tộc tại chỗ ở các tỉnh ven biển vùng Duyên hải cực Nam Trung Bộ trong phát triển nhằm nhận diện một số vấn đề về dân tộc, điều hòa quan hệ dân tộc và xây dựng khối đoàn kết dân tộc hướng mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước, phát triển bền vững vùng cực Nam Trung Bộ hiện nay.

Từ khóa: Quan hệ tộc người; Tộc người; Vấn đề dân tộc; Các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ.

1. Đặt vấn đề

Các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ có vai trò, vị thế quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế qua liên kết kinh tế, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và trao đổi thương mại ở nội vùng, liên vùng với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và các vùng khác trong nước, xuyên quốc gia với các nước trong khu vực, trên thế giới bằng hệ thống giao thông đất liền, đường hàng không và đường biển. Vùng này có tiềm năng, lợi thế trong khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của núi rừng, đồng bằng và biển đảo để phát triển nền kinh tế sinh thái kết hợp trồng trọt (lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp…), chăn nuôi (trâu, bò, heo, dê, cừu…) ở đồng bằng và miền núi, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn ven bờ và đánh bắt hải sản xa bờ trên vùng biển Đông, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa cung ứng cho công nghiệp chế biến, cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và làm dịch vụ tại các cảng biển. Hiện nay, vùng cực Nam Trung Bộ có vị thế địa chính trị đặc biệt đối với việc phát triển bền vững kinh tế biển và du lịch biển đảo, kết hợp kinh tế với quốc phòng theo hướng đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế trên vùng biển Đông nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trên địa bàn các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ, ngoài tộc người đa số (Kinh) cùng với các tộc người thiểu số tại chỗ như dân tộc Chăm (Khánh Hoà: 325 người; Ninh Thuận: 67.517 người và Bình Thuận: 39.557 người), Ra-glai (Khánh Hoà: 55.844 người; Ninh Thuận: 70.366 người và Bình Thuận: 17.382 người), Chơ-ro (Khánh Hoà: 01 người; Ninh Thuận: 06 người và Bình Thuận: 3.777 người)… còn có các tộc người Hoa, Nùng, Tày… đã tụ cư, lập nghiệp, hợp thành cơ cấu dân cư đa thành phần tộc người, giàu bản sắc và giá trị truyền thống (Ủy ban Dân tộc, 2020. tr.26, 27). Các cộng đồng tộc người tại chỗ đã hiệp lực và tương trợ lẫn nhau trong công cuộc khai khẩn đất đai, núi rừng, biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và tôn giáo, thiết lập quan hệ dân tộc và xây dựng khối đoàn kết dân tộc gắn bó trong đấu tranh chống ách áp bức, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động chính sách của các chế độ chính trị trước năm 1975 làm cho vấn đề dân tộc ở vùng cực Nam Trung Bộ có những diễn biến có phần phức tạp. Mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tộc người; trong nội bộ tộc người và giữa các nhóm địa phương cũng đã từng xảy ra.

Người Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ là những thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất, nhưng đồng thời là cộng đồng dân tộc có lịch sử phát triển hết sức phức tạp. Thực trạng giữa cộng đồng các dân tộc ở đây với quốc gia dân tộc thể hiện các mối quan hệ dân tộc thông qua hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ và cơ cấu cán bộ; các tổ chức kinh tế nhà nước hoạt động trên địa bàn vùng; đặc điểm tâm lý và ý thức tự giác tộc người, trình độ phát triển dân tộc; vị trí, vai trò của dân tộc đối với vùng và quốc gia đa dân tộc; văn hóa dân tộc và văn hóa quốc gia; các động thái di cư giữa các vùng trong nước, ra nước ngoài và nhập cư từ nước ngoài.

 Quan hệ giữa người Kinh (dân tộc đa số) với các dân tộc thiểu số tại chỗ liên quan địa bàn cư trú với việc hình thành các cộng đồng cư dân đa tộc người Việt Nam; liên quan đến tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia và việc sử dụng song ngữ, đa ngữ ở các dân tộc; về lĩnh vực kinh tế với việc sử dụng tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất, tích tụ và tập trung ruộng đất qua mua bán, sang nhượng; về xã hội và văn hóa qua quá trình cộng cư, tiếp xúc, giao lưu văn hóa và thiết lập quan hệ hôn nhân đa tộc người, đa tôn giáo ở các dân tộc; trong hệ thống chính trị với vị trí vai trò của cán bộ là người dân tộc đa số và cán bộ là người các dân tộc, cũng như vấn đề về định kiến tộc người.

Quan hệ giữa các dân tộc tại chỗ trong vùng và trong quốc gia liên quan đến địa bàn cư trú có tính đan xen, do quá trình cộng cư lâu dài giữa người Việt và các dân tộc tại chỗ; vai trò có tính chi phối của người đa số về lĩnh vực kinh tế trong vùng; các mối quan hệ xã hội được thiết lập qua hôn nhân và với việc hình thành các cộng đồng cư dân đa tộc người; về tính khép kín của cộng đồng.

Quan hệ trong nội bộ tộc người các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ với thiết chế palei (làng, xóm) theo các nhóm tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, theo các vùng cư trú khác nhau, về các yếu tố truyền thống và những biến đổi trong quan hệ nội bộ tộc người. Quan hệ dân tộc, đồng tộc, thân tộc xuyên biên giới quốc gia và quan hệ dân tộc, đồng tộc, thân tộc xuyên vùng, xuyên quốc gia ở các dân tộc. Đặc thù lịch sử và khác biệt nguồn gốc cư dân, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, làm cho quan hệ dân tộc ngày càng gia tăng nhiều chiều kích đan xen ở nội vùng, liên vùng. Các thế lực thù địch ở nước ngoài luôn lợi dụng vấn đề dân tộc để khơi dậy lòng hằn thù, châm mồi cho những mâu thuẫn, xung đột giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số và chính quyền địa phương, tác động tiêu cực đến ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nhìn chung, vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ diễn biến đa dạng, phức tạp, đan xen lẫn nhau ở nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia. Vì thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch, kể cả bên trong và bên ngoài luôn lợi dụng vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để châm mồi cho những mâu thuẫn, xung đột, nhất là mâu thuẫn, xung đột giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số và chính quyền địa phương. Nghiên cứu, làm rõ quan hệ dân tộc thể hiện qua hôn nhân, qua quan hệ bạn bè, hàng xóm; qua tương trợ xã hội; qua giao tiếp ngôn ngữ và qua quan hệ đồng tộc của các dân tộc, tộc người tại chỗ ở vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ trong phát triển hiện nay ở bài viết này góp phần tiếp tục nhận diện các vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc, điều hòa quan hệ dân tộc và xây dựng khối đoàn kết dân tộc hướng mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước, phát triển bền vững các dân tộc vùng cực Nam Trung Bộ hiện nay

2. Tổng quan nghiên cứu

Từ trước đến nay đã có khá nhiều nghiên cứu về lý luận và thực tiễn vấn đề dân tộc trên bình diện chung của cả nước, tại vùng Nam Trung Bộ và cực Nam Trung Bộ. Các khái niệm về tộc người, dân tộc, quốc gia dân tộc, tộc người đa số, tộc người thiểu số, tộc người tại chỗ, tộc người di cư, ý thức tộc người, ý thức quốc gia - dân tộc và các lý thuyết tiếp cận quá trình tộc người, quan hệ tộc người, xung đột tộc người, phát triển bền vững… đã được thao tác hóa và hệ thống hóa trong các công bố của Đặng Nghiêm Vạn (2009), Hoàng Chí Bảo (2009), Doãn Hùng (2010), Phan Xuân Biên (2010, 2017), Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu (2013), Phạm Quang Hoan (2014), Phan Xuân Sơn (2014), Vương Xuân Tình (2017a, 2017b, 2019), Nguyễn Văn Minh (2017, 2019), Hà Đình Thành và Hà Thu Thủy (2019), Lý Hành Sơn (2019), Bùi Minh Đạo (2019)...

Liên quan chủ đề này còn kể đến, “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ” (2008) có các bài viết về biển và vùng biển cực Nam Trung Bộ như: “Chiến lược biển và tầm nhìn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới” của Trần Đình Thiên, “Người Việt (Kinh) vùng ven biển miền Trung hội nhập cùng biển cả: Nghiên cứu trường hợp ở Ninh Thuận và Bình Thuận” của Nguyễn Duy Thiệu và “Du lịch văn hóa biển miền Trung - Tiềm năng và thách thức” của Lê Hồng Ký…

Nghiên cứu người Chăm ở vùng này có nhiều công trình, đề tài, bài viết về kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật… Gần đây, Kỷ yếu Hội thảo “40 năm nghiên cứu văn hóa Chăm” (2015) và một số nghiên cứu khác như:“Văn hóa Ra-glai” của Phan Quốc Anh (2010) và việc “Thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của người Ra-glai ở tỉnh Khánh Hòa” của Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Thanh Tùng (2017)… Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, bài viết về người Ra-glai tuy chưa nhiều nhưng cũng đã đề cập đến hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa và xã hội truyền thống và những biến đổi hiện nay của họ dưới góc nhìn của ngành dân tộc học/nhân học; “Hoạt động kinh tế truyền thống của người Chơ-ro” của Võ Công Nguyện (2006); “Tri thức bản địa của người Chơ-ro” của Phan Thị Yến Tuyết, Võ Công Nguyện (2013), “Hôn nhân và gia đình người Chơ-ro” của Lâm Nhân (2014)…

Nhìn lại việc nghiên cứu về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc, tộc người ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ cho thấy trước hết số lượng các công trình nghiên cứu có khá nhiều. Nhiều chuyên khảo đã mô tả chi tiết, phân tích khá tường tận nguồn gốc cư dân và lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa, tâm linh… của các tộc người thiểu số tại chỗ. Những công trình viết về các tộc người có giá trị tư liệu quan trọng, nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định trong cách nhìn, cách tiếp cận cho mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng và phát triển vùng. Những công trình nghiên đó có những phân tích, lý giải khá kỹ đối với các lĩnh vực dân số, dân cư, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường ở vùng người Chăm, Ra-glai, Chơ-ro... Kết quả nghiên cứu về vấn đề dân tộc ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ từ trước đến nay đã có những đóng góp đáng kể về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở khoa học góp phần vào việc hoạch định chính sách dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập. Những kết quả nghiên cứu về quan hệ dân tộc, tộc người cũng đã góp một phần làm sáng tỏ các mối quan hệ giữa các tộc người ở vùng này liên quan sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, vùng biển và hải đảo cực Nam Trung Bộ.

3. Phương pháp nghiên cứu

Quan hệ dân tộc và tôn giáo, đồng tộc và đồng tôn giáo ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ có xu hướng và động thái ngày càng gia tăng đa dạng và phức tạp với nhiều chiều kích đan xen ở nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia, có tác động, ảnh hưởng bao trùm lên mọi mặt đời sống dân tộc, nhất là đối với các cộng đồng tộc người thiểu số tại chỗ trong vùng này.

Bài viết tiếp cận tổng thể đối với các cộng đồng tộc người thiểu số tại chỗ (Chăm, Ra-glai, Chơ-ro…) trong mối liên hệ tương tác với dân tộc đa số (Kinh) ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ. Vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc và đoàn kết dân tộc ở vùng này được nhận diện, phân tích, lý giải dưới góc nhìn từ chiều kích đan xen ở nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia.

Để làm rõ mối quan hệ dân tộc ở các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ, bài viết sử dụng phương pháp thu thập thông tin từ nhiều tài liệu thứ cấp ở các dân tộc tại chỗ, tập trung vào các công trình về người Chăm, Ra-glai, Chơ-ro, kế thừa kết quả của đề tài “Phát triển bền vững các dân tộc thiểu số vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ”; kết hợp đánh giá thực tiễn, phân tích và so sánh, hiện trạng quan hệ dân tộc ở vùng cực Nam Trung Bộ này.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Quan hệ dân tộc, tộc người ở vùng cực Nam Trung Bộ qua hôn nhân

Mối quan hệ dân tộc qua hôn nhân “được thiết lập từ thời đầu định cư, lập nghiệp, cư trú đan xen với nhau trên vùng đất này” (Trịnh Hoài Đức, 1998, tr.143). Hiện nay, việc thiết lập quan hệ hôn nhân với tộc người khác ở vùng cực Nam Trung Bộ có tỉ lệ thấp do tác động của yếu tố văn hóa tộc người. Phong tục, tôn giáo và tính khép kín ở một bộ phận người các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro tại chỗ là một “rào cản” đối với việc kết hôn ngoại tộc. Tuy nhiên, trong lịch sử và ở thời kỳ hiện đại cho thấy: 

Đối với người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, quá trình quan hệ dân tộc qua hôn nhân đã hình thành ở nơi này nhóm Chăm Kinh Cựu (Bắc Bình, Bình Thuận). Đây là nhóm con cháu của những người đàn ông Việt (Kinh) lấy vợ là người Chăm (và ngược lại). Người Chăm Hroi (ở Bình Định và Phú Yên) thường kết hôn với người Ê-đê và Ba na ở vùng Bắc Tây Nguyên hình thành nhóm tộc người Chăm – Ba na hoặc Ba na - Chăm. Đối với người Ra-glai (Ninh Thuận, Bình Thuận) cũng qua hôn nhân đã hình thành hai nhóm Ra-glai Njak và Graong nay còn gọi nhóm Ra-glai Bác Ái (Ninh Thuận, Khánh Hòa) và Nhóm Rai hay Ra-glai (ở Bình Thuận). Còn người Chơ-ro hình thành hai nhóm Chơ-ro Bariak (Bà Rịa) và Chơ-ro (Đồng Nai). Trong quá trình di chuyển và kết hôn với ngoại tộc, người gốc Chơ-ro đã hòa nhập vào cộng đồng Xtiêng hoặc Khmer (ở Tây Ninh và Bình Phước). Một bộ phận Chơ-ro sinh sống làm việc bên cạnh người Kinh đã hình thành tộc người “tự gọi” Tà Mun (Tây Ninh).

Ở vùng cực Nam Trung Bộ, việc thiết lập quan hệ hôn nhân với người khác tộc người đối với các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro có tỷ lệ thấp nhất do tác động của yếu tố văn hoá tộc người. Do sống quần tụ thành cộng đồng tôn giáo-tộc người nên các tộc người ở đây có xu hướng kết hôn trong cộng đồng là chính. (Phú Văn Hẳn, CTDT. 16-20, 2021).

Quá trình đô thị hóa tại vùng cư trú ở dân tộc tại chỗ, nhiều nông thôn ven các thành thị đã trở thành vùng đô thị hóa và một bộ phận dân cư tại chỗ đã chuyển thành thị dân. Chính trong môi trường thành thị, quan hệ hôn nhân khác tộc người diễn ra thuận lợi hơn so với trước nên hộ gia đình đa tộc người ở khu vực thành thị có tỷ lệ nhỉnh hơn ở khu vực nông thôn.

Quan hệ hôn nhân ở các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ được thiết lập khá chặt chẽ. Người các dân tộc tại chỗ đều muốn cho con cái của mình lấy vợ hoặc chồng là người đồng tộc hoặc đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Người Chăm Hồi giáo lấy vợ lấy chồng người thuộc tộc người khác thì người đó buộc phải theo đạo Hồi (Islam). Trong thời kỳ hiện đại, quan hệ giữa người các dân tộc Chăm, Ra-glai hoặc Chơ-ro với người Kinh được cho là phổ biến hơn trước song chủ yếu diễn ra đối với người dân tộc đi làm ăn (hay có những quan hệ giao tiếp thường xuyên) bên ngoài cộng đồng và dễ dàng trở thành người Kinh (mặc dù trong giấy tờ vẫn có thể ghi nhận là dân tộc). Còn đối với các kết hôn giữa người Kinh với người dân tộc tại chỗ (cư trú trong cộng đồng dân tộc) thì con cái của họ dễ hội nhập thành người dân tộc. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với người dân tộc tại chỗ kết hôn với tộc người khác thì con cái của họ dễ dàng nhập vào thành viên dân tộc, tộc người của cộng đồng họ đang cư trú.

4.2. Quan hệ dân tộc, tộc người theo bạn bè, làng xóm ở vùng cực Nam Trung Bộ

Quá trình cộng cư, cư trú đan xen tại mỗi cộng đồng người các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro ở vùng cực Nam Trung Bộ đã thiết lập các mối quan hệ tộc người lâu bền đối với mọi lĩnh vực đời sống cư dân và biểu hiện cụ thể, sinh động trong quan hệ bạn bè, hàng xóm, láng giềng thân thiện với nhau cả ở bên trong và ngoài cộng đồng. Quan hệ bạn bè, hàng xóm là người khác tộc người ở các dân tộc tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ thể hiện sự gắn kết, hòa hợp thông qua việc tổ chức lễ tiệc gia đình ở người dân tộc có mời bạn bè là tộc người khác tham dự. Người dân tộc tại chỗ mời bạn bè, hàng xóm láng giềng là người Kinh và người dân tộc khác trong vùng dự lễ tiệc gia đình hoặc họ dự lễ tiệc gia đình của người dân tộc khác tại địa phương đã trở thành mối quan hệ giao lưu qua lại thường xuyên, làm giảm đáng kể sự phân biệt hoặc định kiến giữa tộc người đa số và thiểu số. Tuy có một chút “rào cản” về kiêng kỵ theo phong tục hoặc tôn giáo, nhưng người các dân tộc tại chỗ ở đây vẫn xem việc mời bạn bè khác tộc người dự lễ tiệc gia đình là chuyện nhằm kết nối các mối quan hệ hàng xóm láng giềng với nhau. Trên phạm vi toàn vùng, quan hệ tộc người tại các cộng đồng cư dân đa tộc người tại chỗ ở vùng cực Nam Trung Bộ diễn ra theo xu hướng hòa hợp và hội nhập. Quan hệ giữa các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro với nhau và với người dân tộc đa số (Kinh) luôn ấm êm, thân tình, luôn kề sát bên nhau suốt thời gian dài trong khai khẩn, chống ngoại xâm, để cùng xây dựng và bảo vệ đất nước, không ngừng bồi đắp cho phát triển bền vững hiện nay.

4.3. Quan hệ dân tộc, tộc người trong tương trợ xã hội ở vùng cực Nam Trung Bộ

Hoạt động tương trợ trong và ngoài cộng đồng ở các dân tộc vùng cực Nam Trung Bộ diễn ra đa dạng cả quy mô và hình thức. Hoạt động tương trợ không chỉ diễn ra trong nội bộ tộc người, mà còn có sự qua lại giữa các tộc người với nhau, với cả người Kinh và chính quyền địa phương. Người Chăm còn có mối liên hệ rộng với những cộng đồng Hồi giáo trong cả nước và quốc tế, nhất là các nước Ả Rập, Indonesia, Malaysia... mà nhờ đó thường nhận được những nguồn hỗ trợ cho cộng đồng. Người ở các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ cũng nhận được những nguồn tài trợ ở các nơi khác trong nước thông qua chính quyền địa phương. Việc giúp đỡ từ các cá nhân và tổ chức đã góp phần làm giảm bớt khó khăn trong cộng đồng các dân tộc tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ.

4.4. Quan hệ dân tộc qua giao tiếp ngôn ngữ ở vùng cực Nam Trung Bộ

Trong quá trình cộng cư, quan hệ dân tộc thể hiện sâu sắc qua ngôn ngữ. Trong tiếng Việt (tiếng phổ thông) đã tích hợp nhiều từ vựng tiếng các dân tộc, trong đó có tiếng Chăm, Ra-glai và Chơ-ro. Tiếng Việt cũng ảnh hưởng mạnh mẽ vào ngôn ngữ các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ. Tiếng dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro cùng với tiếng Việt (tiếng phổ thông - ngôn ngữ Quốc gia) song song tồn tại tạo nên môi trường song ngữ tiếng Việt – tiếng dân tộc (Chăm, Ra-glai và Chơ-ro). Hầu hết người các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro trong vùng hiện nay đều có khả năng giao tiếp tiếng Việt phổ thông. Các trẻ em người dân tộc thiểu số tại chỗ đều có khả năng nói và nghe tốt tiếng Việt (tuy có kém hơn so với người Kinh cùng tuổi). Người các dân tộc ở đây sống cộng cư với người Kinh, tiếng Việt là tiếng nói phổ thông và là ngôn ngữ giao tiếp phổ biến giữa các tộc người. Nhìn một cách tổng quát, người Chăm nói tiếng Việt tốt hơn người dân tộc Ra-glai và Chơ-ro trong vùng. Trong đó, tiếng Chăm và Ra-glai như là phương ngữ của nhau nên cơ bản ở hai dân tộc này đều có khả năng giao tiếp chung. (Tỷ lệ biết đọc, viết chữ phổ thông ở người Chăm là 80,83%; ở người Ra-glai là 57,13%; ở người Chơ-ro là 81,67%); số liệu thời điểm ngày 01/04/2019.

Tiếng Việt lâu nay là ngôn ngữ trung gian trong giao tiếp giữa các tộc người. Dù việc tiếp cận và sử dụng tiếng Việt ở mức độ thành thạo khác nhau, nhưng nhìn chung, các dân tộc tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ thuộc các nhóm địa phương khác nhau đều lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp chung. Tuy nhiên, ở nhóm vùng sâu, vùng xa, vùng ít có sự cư trú đan xen với người Kinh, khả năng sử dụng thành thạo cả bốn kỹ năng của tiếng Việt thấp hơn. Nhóm này có tỉ lệ nghe và nói tốt, nhưng khả năng viết và nghe hiểu còn hạn chế. Trong bối cảnh giao lưu ngày càng mạnh mẽ giữa các tộc người với nhau, nhất là với người Kinh, thì việc thông thạo tiếng Việt càng có lợi thế hơn cho việc làm ăn, giao lưu, tiếp xúc ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Tiếng Việt cần thiết đối với người các dân tộc tại chỗ cho việc làm ăn, buôn bán thì những cán bộ người Kinh trong hệ thống chính trị ở cơ sở cũng cần biết ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc tại chỗ để làm tốt hơn nhiệm vụ. Tiếng của người Chăm được cho phép tổ chức biên soạn và giảng dạy từ năm 1978 đến nay đã và đang có những tác động tích cực. Tiếng Chăm, tiếng Raglai cũng được chính quyền địa phương đưa vào truyền thông đại chúng (NTV, BTV, VTV5 và VOV), tiếng Chơ-ro cũng được chú ý để người Chơ-ro tại địa phương phát huy trong học tập, biên soạn từ điển và ghi chép trong cộng đồng và trên truyền thông.

4.5. Quan hệ đồng tộc với bên ngoài ở các dân tộc vùng cực Nam Trung Bộ

Các tộc người thiểu số ở vùng cực Nam Trung Bộ có mối quan hệ dòng họ, thân tộc, đồng tộc, đồng hương và đồng tôn giáo ở trong vùng và bên ngoài. Các mối quan hệ này đã được thiết lập từ lâu và có xu hướng ngày càng gia tăng bởi nhiều dòng người Chăm xuất cư (ngoài palei Chăm).

Quan hệ thân tộc, đồng tộc và đồng tôn giáo xuyên vùng, xuyên biên giới ở dân tộc Chăm có xu hướng ngày càng gia tăng và mở rộng (Campuchia, Malaysia… cả ở một số nước trên thế giới như Mỹ, …), đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mạng lưới xã hội bên trong và ngoài cộng đồng theo hướng cố kết tộc người và liên kết giữa những người thân tộc, đồng tộc và đồng tôn giáo với nhau.

Người Chăm và Ra-glai ở vùng cực Nam Trung Bộ có chung nguồn gốc với các tộc người Mã Lai – Đa Đảo trên vùng đảo và bán đảo thuộc khu vực Đông Nam Á. Người Chăm, Ra-glai và nhiều dân tộc cùng khu vực còn có nhiều điểm tương đồng về văn hoá.

Do nguyên nhân lịch sử, tùy từng lúc, từng nơi mà mối quan hệ dân tộc, tộc người đậm nhạt khác nhau. Có những quan hệ đã có thời xa xưa do huyết thống, dòng tộc như mối quan hệ với cộng đồng Chăm ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Có mối quan hệ được hình thành do cùng tôn giáo hoà lẫn với quan hệ dòng tộc như quan hệ với cộng đồng Islam, hoặc do những giao thiệp từ trước. Trong những mối quan hệ ấy, đặc biệt là mối quan hệ với các nhóm tộc người gốc Melayu là thường xuyên và gần gũi nhất. Đến nay nhiều hoạt động giao lưu giữa người Chăm và người Melayu vẫn thường diễn ra.

Với Campuchia, trong các thế kỷ XV, XV một bộ phận người Chăm đã phải di cư sang đất Chân Lạp. Một bộ phận người Chăm từ đây đã đến sinh sống ở vùng An Giang và Tây Ninh. Những mối quan hệ liên quan tộc người này được giữ gìn không những vì lý do tín ngưỡng, mà còn vì tình bà con, thân tộc. 

Vào thời kỳ Pol Pot trên đất nước Campuchia, có rất nhiều người Chăm phải bỏ xứ. Họ đến Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận và tá túc tại các thánh đường Islam (của cộng đồng Chăm). Tại đây, họ được cộng đồng Chăm giúp đỡ để ổn định đời sống. Ngày nay ngoài các quan hệ thân thiết với các cộng đồng Islam ở Malaysia và Campuchia, cộng đồng người Chăm còn có những quan hệ rộng rãi với dân tộc gốc Melayu (người Mã Lai – Đa Đảo) ở các nước Đông Nam Á khác.

5. Thảo luận

Dân tộc hàm chứa phạm vi theo nghĩa rộng là quốc gia – dân tộc và theo nghĩa hẹp là thành phần dân tộc cụ thể tức tộc người. Nhìn một cách tổng thể thì mối quan hệ giữa các tộc người nước ta với quốc gia - dân tộc, Tổ quốc là mối quan hệ đặc biệt, quan trọng và quyết định, bao trùm và chi phối đến toàn bộ các mối quan hệ dân tộc ở nước ta. Kế đến là mối quan hệ giữa tộc người thiểu số - đa số là cơ bản, có vai trò xương sống, thường xuyên. Còn mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau là hết sức đa dạng, gắn với lịch sử đặc trưng của từng tộc người và địa bàn cư trú, là quan hệ láng giềng. Mối quan hệ nội bộ tộc người là các mối quan hệ dòng họ, làng palei gắn với địa bàn cư trú có thể ở không gian khác nhau nên quan hệ mang tính xuyên biên giới, có thể xuyên quốc gia (Phan Xuân Biên, 2021, tr.22-23).

Các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro ở cực Nam Trung Bộ ngày càng cố kết hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự phát triển quốc gia chung. Rõ ràng do cùng chung số phận lịch sử dựng nước và giữ nước và tác động của chính sách dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau” đã tạo nên xu hướng quy tụ, hòa hợp trong quan hệ tộc người và trong phát triển bền vững vì mục tiêu quốc gia chung.

Hiện nay, cộng đồng các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ đang hội nhập vùng, quốc gia, khu vực và thế giới. Quan hệ dân tộc như là một thực thể đa diện, lưỡng cực. Thực thể đó mang tính rộng rãi và bền bỉ, là một tồn tại đang phát triển. Vì thế, chấp nhận và định hướng quan hệ dân tộc là điều kiện tiên quyết trong chính sách dân tộc và phát triển bền vững.

Các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ, trong quá trình phát triển, những phong tục tập quán dân tộc đang nhường bước trước những vấn đề của hiện đại. Hiện trên thế giới cũng như có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Tinh thần Jihat (tử vì đạo) của Islam và một số tôn giáo mới, lạ được kích động hơn bao giờ hết là những bằng chứng cho thấy dân tộc Chăm, Raglai, Chơ-ro và các dân tộc tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ không còn bình yên như xưa. Những sóng gió thế giới đang làm đảo lộn các quan hệ dân tộc buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã mang lại nhiều thành tựu, có tác động tích cực trong cố kết, hòa hợp thành phần tộc người vì sự nghiệp quốc gia chung. Tuy nhiên, những vấn đề lịch sử thường sinh ra những vấn đề tâm lý chưa hết nguôi ngoai, tiếp tục tác động đến quan hệ tộc người (đa số/ thiểu số tại chỗ) nhất là khi có vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội, dân tộc dễ nảy sinh xung đột dân tộc, tộc người, tác động xấu đến khối đoàn kết toàn dân tộc – động lực phát triển đất nước.

6. Kết luận

Các tỉnh ven biển vùng cực Nam Trung Bộ là nơi có nhiều thành phần tộc người (Chăm, Ra-glai, Chơ-ro và nhiều tộc người khác) không chỉ khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, xã hội; mà trong quá trình hình thành, phát triển đã có những quan hệ dân tộc, tộc người đa dạng. Giải quyết vấn đề dân tộc mà cốt lõi là quan hệ dân tộc là nhiệm vụ vừa mang tính chiến lược đồng thời là nhiệm vụ thời sự, cấp bách. Do đó, vấn đề dân tộc cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo sự hài hòa trong các mối quan hệ nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế trong quá trình đổi mới và hội vì mục tiêu quốc gia chung.

Vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở vùng cực Nam Trung Bộ cho thấy quan hệ gần gũi giữa các dân tộc tại chỗ thể hiện qua hôn nhân, gia đình và thân tộc; qua quan hệ bạn bè, làng xóm; qua tương trợ xã hội; qua giao tiếp ngôn ngữ và qua quan hệ đồng tộc, đồng tôn giáo là có những tác động đối với phát triển.

Do nguyên nhân lịch sử, các dân tộc vùng cực Nam Trung Bộ ngoài việc tiếp tục duy trì tâm lý cố kết cộng đồng, đề cao hôn nhân nội tộc, đã có những hôn nhân với tộc người khác như sự hình thành cộng đồng người Kinh Cựu (tại Bình Thuận) đối với người Chăm; Nhóm Rai (Bình Thuận) đối với người Ra-glai (ở Ninh Thuận và Bình Thuận) và ở người Chơ-ro hình thành cộng đồng Tà Mun (ở Tây Ninh) hoặc nhập vào tộc người Xtiêng, Khmer ở Nam Bộ.

Trong thời kỳ hiện nay, các tộc người Chăm, Ra-glai, Chơ-ro thường sống quần cư thành cộng đồng – tộc người, do đó có xu hướng kết hôn trong cộng đồng là chính. Quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa và hội nhập, quan hệ dân tộc đa dạng hơn. Trong quan hệ bạn bè, làng xóm, các tộc người thiểu số tại chỗ cùng chung sống với nhau thân tình và hài hòa. Đây là tiền đề để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nội vùng và trên phạm vi quốc gia. Trong tương trợ xã hội, sự tham gia giữa các tộc người thiểu số tại chỗ với nhau và với tộc người đa số (người Kinh) và chính quyền đã tiếp tục củng cố tinh thần “đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Việc tương trợ lẫn nhau đã giúp cộng đồng các tộc người thiểu số tại chỗ giảm bớt khó khăn và ổn định kinh tế.

Các tộc người thiểu số tại chỗ đều xem tiếng Việt phổ thông là phương tiện giao tiếp chung để thuận lợi trong việc giao lưu. Bên cạnh đó, tiếng Chăm, Ra-glai và Chơ-ro cũng được chú ý bảo tồn, lưu giữ và phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, các tộc người tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ vẫn còn chênh lệch nhau về trình độ học vấn, một phần bắt nguồn từ kỹ năng sử dụng tiếng phổ thông chưa đồng đều. Do đó, để đảm bảo quá trình giao tiếp cũng như trao đổi diễn ra thuận lợi nhất thiết cần phải có sự tìm tòi và học hỏi ngôn ngữ của nhau. Người dân tộc thiểu số tại chỗ cần sử dụng thông thạo tiếng phổ thông để tiếp thu các tri thức mới trong sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện nay, đồng thời tộc người đa số (người Kinh), đặc biệt là những người trong hệ thống chính quyền cần hiểu biết tiếng dân tộc để có thể thấu hiểu và nắm rõ tình hình các dân tộc thiểu số. Từ đó có thể cùng đồng bào tại chỗ vươn lên trong cuộc sống.

Trong quan hệ đồng tộc với bên ngoài, các mối quan hệ được hình thành do nguyên nhân lịch sử, quan hệ huyết thống, quan hệ đồng tôn giáo hoặc những giao thiệp đã có từ trước. Những mối quan hệ này tuy có sự đậm nhạt theo từng thời kỳ nhưng nhìn chung vẫn thể hiện được sự hòa nhập và giữ vững mối quan hệ bền chặt giữa các dân tộc. Mối quan hệ với bên ngoài được duy trì thúc đẩy sự giao lưu, từ đó làm giàu thêm văn hóa của các tộc người. Những mối liên kết trong nội tộc và giữa các dân tộc trong vùng được hình thành từ lâu, họ dễ dàng đồng cảm với hoàn cảnh của nhau và sẵn sàng trợ giúp khi gặp khó khăn.

Hiện các dân tộc Chăm, Ra-glai và Chơ-ro vùng cực Nam Trung Bộ vẫn là một cộng đồng yên ả. Chính sách khuyến khích phát triển, khuyến khích những hoạt động phát triển cộng đồng, dân tộc phù hợp sẽ giúp cho các dân tộc tại chỗ vùng cực Nam Trung Bộ gắn bó được với cội nguồn dân tộc. Tạo điều kiện cải thiện về vật chất, tinh thần để các dân tộc vùng này cảm nhận được giá trị của quốc gia, dân tộc sâu sắc hơn, để các dân tộc tại chỗ nơi đây nhận diện đúng vị trí của mình trong lòng quốc gia, để tiếp tục khơi dậy tình cảm dân tộc, biết trân trọng những giá trị dân tộc, quốc gia, làm chủ hơn trongquan hệ dân tộc và tận dụng một cách tốt nhất các chính sách quốc gia để phát triển bền vững dân tộc.

Tài liệu tham khảo

Biên, P. X. (2021). Quan hệ dân tộc ở Việt Nam - từ góc nhìn tổng thể, Nhân học và cuộc sống (tập 8): Nxb. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr.22-23.

Đức, T. H. (1998). Gia Định thành thông chí. Bản dịch Viện Sử học Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

Hẳn, P. V. (2020). Một số vấn đề cơ bản của người Chăm trong phát triển bền vững, CTDT. 15.17/16-20, UBDT.

Hẳn, P. V. (2021). Người Chăm ở Nam Bộ và quan hệ xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á, trong Báo cáo hội nghị Thông báo Dân tộc học, Hà Nội, 2009.

Hẳn, P. V. (2021). Người Chăm trong phát triển và hội nhập: Nxb. Khoa học xã hội.

Luận, N. V. (1974), Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần. Sài Gòn, tr.226.

Minh, N. V. (2018), Một số lý thuyết về tộc người và tiếp cận ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr.192.

Nguyện, V. C. (2016), Quan hệ tộc người xuyên biên giới của một số tộc người ở tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. BCTH đề tài cấp Bộ.

Ủy ban Dân tộc. (2020). Một số chỉ tiêu chính kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Hà Nội.

Ủy ban Dân tộc, Hồi giáo có khoảng 81.000 người (Bà Ni khoảng 50.000 người và Islam có hơn 31.000 người, năm 2015 (Báo cáo nội bộ của Ủy ban Dân tộc), Hà Nội.

 

 

[1] Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: “Phát triển bền vững các dân tộc thiểu số vùng Duyên hải cực Nam Trung Bộ”, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 2022.

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068