17/01/2024
Ngày 16/01/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Khung đánh giá năng lực việc tích hợp ESD vào các môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông”. GS. TS. Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc và TS. Hà Văn Dũng - Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo; tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Học viện và một số trường đại học.
GS. TS. Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc và TS. Hà Văn Dũng - Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Hà Văn Dũng - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong thế giới toàn cầu hoá, không chỉ môi trường tự nhiên toàn cầu đang bị suy thoái và có nguy cơ huỷ diệt, mà còn nhiều nơi đang tồn tại những bất công trong xã hội; khi chiến tranh xung đột và khủng bố đang đe dọa hoà bình ở nhiều nơi trên trái đất thì phát triển bền vững (SD) là mục tiêu mà chúng phải đạt tới, là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi là triết lý sống mà mỗi công dân toàn cầu phải thực hiện. Vì vậy, SD vừa là cơ hội và vừa là thách thức đối với toàn thể nhân loại trong thế kỉ XXI, là khái niệm trung tâm của thế giới hiện đại. SD và giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) đang là một trong những vấn đề được quan tâm trong quá trình đổi mới ở Việt Nam. Giáo dục là con đường hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu SD. ESD nhằm đạt đến một nền giáo dục chất lượng cao, ngang tầm với các nước trong khu vực, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, bền vững. Trong những năm qua, các chính sách và chương trình hành động quốc gia về SD ở các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào nhà trường. Tuy nhiên, cách thức thực hiện chưa bài bản, thống nhất, khoa học nên giáo viên phổ thông còn lúng túng trong quá trình triển khai; đặc biệt, trong bối cảnh ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dạy học tích hợp các nội dung ESD trong môn học và hoạt động giáo dục là vấn đề được giáo viên phổ thông quan tâm hiện nay. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giáo viên ở trường phổ thông hiện nay nói chung chưa có sự hiểu biết đầy đủ, chưa quan tâm sâu sắc đến dạy học tích hợp nói chung, tích hợp ESD nói riêng; được thể hiện ở năng lực dạy học tích hợp của giáo viên chưa tốt. Điều này đặt ra yêu cầu phải bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông năng lực tích hợp ESD trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục.
Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài “Bồi dưỡng năng lực tích hợp giáo dục phát triển bền vững trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục cho giáo viên phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh” theo Quyết định số 712/QĐ-SKHCN ngày 09/9/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ, theo đó Ban Chủ nhiệm đề tài cùng với Tổ chức chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ hai về “Khung đánh giá năng lực tích hợp ESD trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục của giáo viên phổ thông” nhằm tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề liên quan đến khung năng lực tích hợp ESD, xây dựng tiêu chí và công cụ đánh giá năng lực tích hợp ESD trong dạy học và hoạt động giáo dục ở phổ thông nhằm hoàn thiện khung đánh giá năng lực này để đưa vào nghiên cứu thực tiễn.
Hội thảo nhận được 10 báo báo tham luận, điển hình là báo cáo “Dạy học tích hợp ESD trong các môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông” của GS. TS. Đỗ Hương Trà đã phân tích khá chi tiết về cách thức triển khai tích hợp ESD trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông; hay báo cáo “Dạy học tích hợp ESD trong các môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông” của PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền đã đề xuất khung năng lực tích hợp ESD trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục của giáo viên phổ thông, đồng thời đưa ra nguyên tắc, quy trình và công cụ đánh giá năng lực này... Đây là nguồn tư liệu quý, giúp bổ sung và hoàn thiện cơ sở lý luận cho đề tài.
PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền, Trường đại học giáo dục phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho khung đánh giá năng lực việc tích hợp ESD vào môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Các ý kiến thể hiện tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng, làm cơ sở thực tiễn, khoa học phục vụ cho nội dung, mục tiêu nghiên cứu của đề tài... để củng cố thêm căn cứ cho việc hoàn thiện nghiên cứu này.
Kết luận Hội thảo, GS. TS. Trần Trung đánh giá cao ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu đầy đủ ý kiến, tập trung triển khai, hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài theo mốc thời gian quy định.
GS. TS. Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc và TS. Hà Văn Dũng - Chủ nhiệm đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu
Duy Dũng