Kết quả mô hình hỗ trợ giảm nghèo gắn với điều kiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020: Cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2025

20/12/2021

Tóm tắt

Dự án thí điểm xây dựng mô hình “Ngân hàng nuôi bò thịt gia trại, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã được Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc) triển khai tại xã Tiến Bộ và xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang từ năm 2018 đến năm 2020. Qua 3 năm triển khai, kết quả của dự án đã cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, theo tinh thần hỗ trợ có điều kiện, giảm dần cho không, huy động tối đa nguồn lực trong dân.

Với việc phân tích những kết quả đạt được của tiểu dự án trên, bài viết đưa ra cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng và triển khai tiểu dự án 2: Đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, vùng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Từ khóa:  Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; Hỗ trợ giảm nghèo; Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; Xã Tiến Bộ, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

1. Đặt vấn đề

Từ năm 2016 đến 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS&MN.

Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng đồng bào DTTS&MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29% (Chính phủ, 2019). Tuy vậy, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Đến cuối 2018 còn 720.731 hộ nghèo DTTS, chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (theo Quyết định số 1052/QĐ-LĐTBXH ngày 29/7/2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN còn cao đã được đề cập trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là cơ chế thực thi chính sách còn thiếu những đổi mới mang tính đột phá, thực hiện chính sách giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua còn nặng về vấn đề hỗ trợ cho không, hỗ trợ chưa gắn với điều kiện đối với hộ dân.

Vì vậy, với mục tiêu cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, theo tinh thần hỗ trợ có điều kiện, giảm dần cho không, huy động tối đa nguồn lực trong dân, bài viết này tập trung khái quát hiệu quả bước đầu của việc thí điểm triển khai dự án hỗ trợ gắn với điều kiện Xây dựng mô hình ngân hàng nuôi bò thịt gia trại, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Tiến Bộ, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

2. Tổng quan nghiên cứu

Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về giảm nghèo vùng DTTS&MN, tiêu biểu trong đó là nghiên cứu của ADB, Report Poverty Alleviation in Credit, Forestry and Sedentarization programs (Báo cáo giảm nghèo trong các chương trình tín dụng, lâm nghiệp và định canh định cư) (2001), “Dự án định canh định cư và giảm nghèo, Hà Nội, Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á”; Nghiên cứu của Alther, Cyril, Jean-Christophe Castella, Paul Novosa, Elrick Rousseau và Trần Trọng Hiếu (2002), “Tác động của sự tiếp cận với các loại lựa chọn sinh kế đối với nông hộ ở miền núi phía Bắc Việt Nam”; Nghiên cứu của William D. Sunderlin Huỳnh Thu Ba và cộng sự  (2004), “Giảm nghèo và rừng Việt Nam”; Nghiên cứu của Unicef, IRC, Ủy ban Dân tộc (2014) “Nghèo đói vùng dân tộc thiểu số”; Nghiên cứu của Trần Quỳnh - Phương Liên (2020), “Giảm nghèo sau năm 2020, cơ hội và thách thức”.

Nghiên cứu về mô hình giảm nghèo Việt Nam có Oxfam và AAV (2013), “Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng DTTS điển hình tại Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp tại Hà Giang, Nghệ An và Đắk Nông” tháng 3/2013. Nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận “điểm sáng” (positive deviance) trong phân tích các mô hình giảm nghèo, nhằm tìm hiểu những yếu tố khiến các hộ gia đình và cộng đồng DTTS điển hình có kết quả giảm nghèo, cải thiện đời sống tốt hơn các hộ gia đình và cộng đồng khác trong cùng bối cảnh. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Nhật (trưởng nhóm), Phạm Quang Trung, Trương Thanh Mai, Phạm Phương Hồng (2015), “Nghiên cứu các mô hình giảm nghèo của các đối tác quốc tế Việt Nam”, nhóm nghiên cứu Công ty Nghiên cứu và phân tích VIETSURVEY đã tiến hành đối chiếu so sánh với các dự án tương tự trong cùng địa bàn bởi các chủ thể khác như các chương trình giảm nghèo quốc gia, chương trình và sáng kiến giảm nghèo của tỉnh. Quá trình phân tích chỉ ra, mô hình của các tổ chức quốc tế thành công hơn bởi họ tuân thủ các nguyên tắc của lý thuyết kinh tế, xây dựng động lực tham gia của các bên và trao quyền tự quyết cho người dân. Ở Việt Nam, việc lựa chọn đối tượng nhận hỗ trợ trong các dự án Chính phủ có tập quán thực hiện theo tính chất cào bằng, lập kế hoạch, phân bổ từ trên xuống, trong khi các tổ chức phát triển lựa chọn đối tượng theo tiêu chí phù hợp với dự án và lập kế hoạch từ cơ sở lên. Trong số các khái niệm còn đang thảo luận, chưa có quyết định rõ về hỗ trợ không điều kiện, hỗ trợ có điều kiện.

Như vậy, các công trình nghiên cứu về chính sách hỗ trợ giảm nghèo và mô hình giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách giảm nghèo vùng DTTS&MN. Tuy nhiên, cho đến nay chưa, có công trình nghiên cứu nào đề cập đến việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện, hoặc sau khi kết thúc nghiên cứu đề xuất hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với điều kiện. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 hiệu quả, đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, cần có những dự án triển khai thí điểm về hỗ trợ có điều kiện tại một số vùng DTTS&MN. Việc triển khai dự án hỗ trợ giảm nghèo thông qua ngân hàng bò gắn với điều kiện từ năm 2018 đến năm 2020 tại tỉnh Tuyên Quang đã giải đáp một phần sự cần thiết trong hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS&MN gắn với điều kiện giai đoạn 2021-2030.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài viết này, tác giả đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu thực địa, tổng hợp tài liệu thứ cấp và phương pháp chuyên gia. Trong đó, phương pháp nghiên cứu tổng hợp tài liệu thứ cấp được áp dụng với hệ thống các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Phương pháp nghiên cứu thực địa thông qua dự án triển khai thí điểm hỗ trợ tại địa phương, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai. Phương pháp chuyên gia được thực hiện thông qua các hội thảo và các cuộc tham vấn, phỏng vấn sâu nhằm có cái nhìn sâu hơn cùng các đề xuất, gợi ý cho việc đề xuất chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS&MN gắn với điều kiện giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Nâng cao nhận thức cho hộ dân về việc tham gia dự án hỗ trợ giảm nghèo gắn với điều kiện

Kết quả quá trình triển khai thí điểm dự án cho thấy, việc cần thiết là tập huấn nâng cao nhận thức cho các hộ dân về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 gắn với điều kiện. Hộ dân được xác định là chủ thể tham gia và quyết định thành công của dự án. Việc hỗ trợ có điều kiện được xác định rõ Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xóa đói giảm nghèo vùng DTTS&MN, gắn kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và hộ dân). Sự hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức hỗ trợ “cần câu”, hướng dẫn hộ dân cách “câu cá” với mục đích huy động tối đa nguồn lực trong dân, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên vùng DTTS&MN, tăng thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, trang bị cho hộ dân tham gia dự án những kiến thức tối thiểu, dễ hiểu về cây trồng hoặc vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa từng vùng. Dự án thí điểm đã lựa chọn vật nuôi là bò sinh sản, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Các quy trình kỹ thuật được tập huấn cho hộ dân tham gia dự án là: Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò sinh sản, bò thịt, công tác vệ sinh thú y và phòng bệnh cho bò, kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật chế biến thức ăn dự trữ và vỗ béo cho bò trước khi xuất chuồng.

Đánh giá về kết quả tập huấn cho các hộ dân tham gia dự án cho thấy, đã nâng cao nhận thức của hộ dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo gắn với điều kiện. Trang bị cho các hộ dân tham gia kiến thức cơ bản về chăn nuôi trâu, bò đạt hiệu quả kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước cấp cho con giống, hộ dân chủ động phát triển và nhân đàn giống tại gia đình, chủ động chuyển đổi những thửa ruộng, mảnh đất cằn cỗi kém hiệu quả sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng thâm canh, hiệu quả cao.

4.2. Xây dựng mô hình hỗ trợ giảm nghèo gắn với điều kiện

Thời gian triển khai dự án là 3 năm (2018 - 2020), số hộ tham gia dự án là 23 hộ theo hình thức hỗ trợ sau: Hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò sinh sản, bò thịt, công tác vệ sinh thú y và phòng bệnh cho bò. Hỗ trợ bò giống mỗi hộ 4 con bò cái có độ tuổi trên 12 tháng tuổi, khối lượng bình quân 170-180kg/con, hỗ trợ cỏ giống để trồng có đủ định mức nuôi 4-6 bò trưởng thành, ủ thức ăn thô xanh chủ động dự trữ cho mùa khô và chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, tiêm vaccine phòng bệnh, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật theo dõi chỉ đạo kỹ thuật và thụ tinh nhân tạo.

Hộ dân tham gia phải thực hiện các điều kiện sau (được gọi là hỗ trợ có điều kiện): Đảm bảo các tiêu chí chọn hộ (hộ nghèo, cận nghèo, những hộ tiêu biểu, nhanh nhẹn, có khả năng tuyên truyền, hộ tự nguyện tham gia và cam kết thực hiện các quy định của dự án, có diện tích đất nằm trong khu quy hoạch của địa phương để trồng cỏ, hộ có lao động tham gia sản xuất, có vốn đối ứng; trong thời gian thực hiện dự án không được bán bò bố mẹ hoặc bê con, sau khi kết thúc dự án hoàn trả lại cho huyện 50% số lượng bò cái giống (được sinh ra từ bò mẹ giao nuôi), tương ứng 2 bò cái có độ tuổi từ 12 tháng tuổi, khối lượng 170-180 kg/con, để xây dựng ngân hàng.

Kết quả triển khai mô hình: Đối với mô hình nuôi bò sinh sản, với số bò hỗ trợ 4 con/hộ, tổng số bò giao 92 con/23 hộ. Có thể nói, sau 3 năm triển khai dự án, các hộ tham gia dự án đã thực hiện đúng cam kết giữ nguyên đầu con (tỷ lệ nuôi sống của đàn bò đạt 100%), bò sinh trưởng và phát triển tốt; số bê sinh ra là 92 con (trong đó 47 bê cái và 45 bê đực) có độ tuổi trên 12 tháng, khối lượng bình quân 175kg/con. Đàn bò lúc đầu có 4 con/hộ, sau 3 năm thực hiện dự án, quy mô đàn bò đã tăng lên 8 con/hộ. Từ kết quả trên, các hộ dân đã giao nộp cho dự án 2 bò cái/1 hộ, ngân hàng bò được hình thành với số lượng là 46 con bò cái đủ tiêu chuẩn sinh sản. Đặc biệt, dự án đã bàn giao cho địa phương duy trì, nhân rộng ngân hàng bò hàng năm giúp 23 hộ nghèo khác tại địa phương phát triển kinh tế. Song song với việc phát triển mô hình nuôi bò sinh sản, mỗi hộ dân đã chủ động xây dựng được mô trình trồng cỏ năng suất cao và chủ động xử lý thành thức ăn thô xanh (ủ chua) nuôi bò vỗ béo và dự trữ cho mùa đông. Với quy mô 1000-1.500m2 đất trồng cỏ, năng suất 20-25 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho quy mô đàn bò từ 4-6 con.

Hiệu quả của dự án cho thấy, sau 3 năm triển khai với quy mô đàn bình quân 6 con/hộ, đàn bò có giá trị 120 triệu đồng sẽ đem lại thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/tháng/lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có 23 hộ tham gia dự án đã được địa phương đánh giá là thoát nghèo năm 2020.

5. Thảo luận

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là “Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước…”. Vấn đề đặt ra là giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nói chung, hộ gia đình vùng DTTS&MN nói riêng như thế nào cho hiệu quả? Trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đề cập đến vấn đề hỗ trợ cho hộ dân vùng DTTS&MN gắn với điều kiện để khai thác lợi thế của từng vùng. Vì vậy trong thời gian tới, để việc hỗ trợ cho các hộ dân vùng DTTS&MN gắn với điều kiện có hiệu quả, cần tập trung một số vấn đề trọng tâm sau:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào vùng DTTS&MN về chủ trương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

- Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cơ chế hỗ trợ có điều kiện trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Xây dựng nguyên tắc, định mức hỗ trợ cân đối hài hòa với các chính sách khác đang được hỗ trợ ở vùng DTTS&MN không thuộc hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

- Xây dựng thí điểm các mô hình triển khai hỗ trợ có điều kiện tại một số tỉnh, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lồng ghép các Chương trình chính sách tại địa phương trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

6. Kết luận

Kết quả triển khai dự án “Xây dựng mô hình ngân hàng nuôi bò thịt gia trại, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Tiến Bộ và xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được mục tiêu về việc hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS&MN gắn với điều kiện, khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương và hộ gia đình, tăng thu nhập cho hộ dân, các hộ dân tham gia dự án đều thoát nghèo. Đó chính là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc thực hiện tiểu dự án 2: Đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, vùng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN của Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

 

Tài liệu tham khảo

Chính phủ. (2019). Báo cáo chủ trương đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. (2012). Báo cáo Kết quả thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2011 - Kế hoạch thực hiện năm 2012.

Oxfam & AAV. (2013). Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng DTTS điển hình tại Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp tại Hà Giang, Nghệ An và Đắk Nông. Tháng 3/2013.

Quốc hội. (2021). Dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ủy ban Dân tộc. (2015). Báo cáo nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam, vùng DTTS, thực trạng, biến động và những thách thức. Hà Nội, tháng 6/2015.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội. (2011). Đánh giá chính sách giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và đề xuất chính sách cho giai đoạn 2011-2015.

Wells-Dang. A. (2012). Phát triển DTTS ở Việt Nam.

World Bank. (2011). Việt Nam: Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội nhằm khắc phục những thách thức về tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương trong điều kiện mới.

TS. Nguyễn Hồng Vĩ

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068