Giới thiệu kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở năm 2021: Nghiên cứu mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CB,CC thuộc nhóm ĐT 3, nhóm ĐT 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

26/06/2022

ThS. Hoàng Thị Xuân

Phó trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng

1. Đặt vấn đề

Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) có vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tuy vậy, đa số CBCC công tác ở khu vực này đang gặp nhiều khó khăn trong công tác cũng như trong sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân quan trọng là không biết tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), dẫn đến chưa nắm bắt và hiểu sâu được phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào. Trước thực tế đó, ngày 09/11/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với CBCC công tác ở vùng DTTS&MN.

Thực hiện chỉ thị trên, các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống trong cả nước đã tổ chức dạy tiếng DTTS cho CBCC với các mô hình khác nhau và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy tiếng DTTS cho CBCC còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nhận thấy tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng DTTS đối với đội ngũ CBCC công tác tại vùng DTTS&MN, ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 771/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó dạy và học tiếng DTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Từ đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai dạy tiếng DTTS cho CBCC. Song kiểm nghiệm từ thực tế cho thấy, công tác này đang gặp một số rào cản, nhiều địa phương còn lúng túng cả về nội dung chương trình đến hình thức, phương pháp tổ chức dạy và học.

Những năm qua, Học viện Dân tộc đã triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC như: Hội thảo khoa học ở các khu vực trong cả nước nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu bồi dưỡng tiếng DTTS; Rà soát, đánh giá, đề xuất chương trình dạy tiếng DTTS cho CBCC; Tổ chức tư vấn xây dựng tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc cho CBCC... Song vấn đề quan trọng đang đặt ra là tổ chức dạy tiếng DTTS cho CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 bằng mô hình nào cho phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng đối tượng để đạt được hiệu quả cao nhất. Đây là vấn đề chưa được quan tâm nghiên cứu, vì vậy, đề tài “Nghiên cứu mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030” là cần thiết và cấp bách, có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

2. Phương pháp nghiên cứu

 Để thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã áp dụng một số phương pháp sau:

- Nghiên cứu nguồn tài liệu thứ cấp: Để có cơ sở lý thuyết và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã thu thập, phân tích các công trình khoa học, các báo cáo tổng kết ở địa phương về việc dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC nhằm kế thừa những nội dung lý thuyết cũng như những kinh nghiệm thực tiễn về dạy tiếng DTTS cho CBCC.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ các tài liệu thu thập được, đề tài đi vào phân tích, đánh giá những công trình đã nghiên cứu về dạy tiếng DTTS, đồng thời phân tích, tổng hợp báo cáo của các địa phương, tham luận của các nhà khoa học từ các hội thảo để đánh giá thực trạng dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC. Từ đó đề xuất mô hình dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Phương pháp chuyên gia: Nhóm nghiên cứu tham vấn ý kiến các chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các nhà quản lý có kinh nghiệm về dạy tiếng DTTS ở địa phương thông qua hội thảo khoa học và gửi xin ý kiến trực tiếp, nhằm bổ sung và làm rõ hơn những nội dung nghiên cứu được đề cập trong đề tài.

- Phương pháp phân tích và tổng kết kinh nghiệm: Từ những kết quả nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu phân tích và rút ra một số vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng công tác tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4

3.1.1. Ưu điểm 

- Về nhận thức:

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC công tác ở vùng DTTS&MN, các cấp, ngành, các địa phương đã nhận thức đúng, cụ thể hóa sát với điều kiện thực tiễn. Thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã triển khai và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC; hướng dẫn, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCC công tác tại vùng DTTS&MN kịp thời, đúng hướng dẫn, phù hợp với thực tế địa phương; công tác đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức có hiệu quả.

Hầu hết các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tổ chức dạy tiếng DTTS, xác định kế hoạch, tổ chức lực lượng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Một số địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn để xác định nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức dạy và học phù hợp, sát đối tượng, kiểm tra giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng dạy và học.

- Về nội dung, chương trình:

Các địa phương đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình dạy tiếng DTTS theo quy định hiện hành. Nội dung, chương trình được thiết kế theo hướng giao tiếp, tập trung vào 10 chủ đề chính. Trong mỗi chủ đề có các đơn vị bài học với các hoạt động đa dạng, phong phú để giúp người học phát triển vốn từ, nắm được cấu trúc ngữ pháp và được luyện tập 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng giao tiếp.

- Về hình thức, phương pháp:

+ Về hình thức: Trong những năm qua, nhiều hình thức tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC đã được địa phương thực hiện phù hợp với điều kiện đặc thù của các cơ quan, đơn vị, trong đó nổi lên 03 hình thức chủ yếu:

Một là, các địa phương chủ yếu tổ chức dạy tiếng DTTS theo hình thức tập trung một đợt hoặc nhiều đợt;

Hai là, các cơ quan, đơn vị liên kết với các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy tiếng DTTS theo hình thức tập trung nhiều đợt hoặc bán tập trung;

Ba là, các cơ quan, đơn vị tự tổ chức dạy tiếng DTTS theo hình thức bán tập trung hoặc hướng dẫn CBCC tự học.

+ Về phương pháp: Hầu hết giáo viên dạy tiếng DTTS sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học, nhất là sử dụng tốt các hình thức, phương pháp đặc thù trong dạy tiếng DTTS. Các khóa học luôn kết hợp giữa học đi đôi với hành, cuối khóa học, tổ chức thực tế về buôn làng có đa phần đồng bào DTTS sinh sống để CBCC trải nghiệm và thực hành giao tiếp. Đồng thời, để bổ sung cho nội dung học tập, giáo viên hướng dẫn lớp học các làn điệu dân ca của đồng bào. Sau khóa học, học viên cơ bản nắm được hệ thống chữ cái, biết đọc, viết, nói và hiểu hơn về văn hóa, truyền thống dân tộc.

- Về điều kiện, phương tiện:

Địa phương chú trọng các điều kiện bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC trên địa bàn. Công tác biên soạn tài liệu, giảng dạy, học tập, kiểm tra, giám sát và cấp chứng chỉ được thực hiện đúng quy định. Cùng với việc biên soạn tài liệu, địa phương cũng rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS, bảo đảm đủ giáo viên thực hiện kế hoạch, chương trình giảng dạy.

- Về kết quả:

+ Địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC đã đi vào nề nếp, bước đầu đạt chất lượng, hiệu quả.

+ Sau khi được học tiếng DTTS, nhiều CBCC đã sử dụng thành thạo tiếng dân tộc trong quá trình công tác, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.

3.1.2. Hạn chế

- Về nhận thức: Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC.

- Về nội dung, chương trình: Một số địa phương tổ chức thực hiện nội dung chương trình chưa đầy đủ, chưa triệt để.

- Về hình thức, phương pháp:

+ Về hình thức: Một số địa phương tổ chức dạy tiếng DTTS theo hình thức bán tập trung chất lượng còn thấp. Hình thức này thuận lợi cho đội ngũ CBCC chủ động sắp xếp thời gian, công việc để tham gia học tập; tuy nhiên việc học tập diễn ra trong một thời gian dài, có đơn vị tổ chức lớp đến 01 năm vào ngày nghỉ hoặc tổ chức lớp trong 03 năm (mỗi năm học 01 tháng liên tục) đã dẫn đến tình trạng phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

+ Về phương pháp:

Phương pháp dạy tiếng DTTS: Một số giáo viên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống, ít khi dùng các phương pháp dạy học tích cực, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng cho học viên, phương pháp đóng vai, thảo luận, thực hành giao tiếp còn ít được khi sử dụng.

Phương pháp học tiếng DTTS: Một số học viên sử dụng phương pháp học tập chưa phù hợp, chủ yếu học trên lớp, nghe thầy cô giảng dạy, ghi chép mà ít thực hành giao tiếp, ngại tham gia các nhóm học để tăng cường sử dụng từ ngữ đã được học và mở rộng vốn từ của bản thân.

- Điều kiện, phương tiện: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS như: Sách giáo khoa, tài liệu, tư liệu hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu dạy và học. Công tác xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu dù được quan tâm, song vẫn gặp nhiều khó khăn...

- Về kết quả:

+ Việc tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC ở một số địa phương chưa thường xuyên, có nơi còn thiếu chặt chẽ.

+ Chất lượng tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC ở một số địa phương còn thấp.

3.1.3. Nguyên nhân của những hạn chế

- Nguyên nhân khách quan:

Một là, đội ngũ CBCC thiếu môi trường giao tiếp bằng tiếng DTTS trong quá trình công tác.

Hai là, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên việc tổ chức dạy và học tiếng DTTS cho CBCC gặp nhiều khó khăn.

Ba là, do công việc chuyên môn của đội ngũ CBCC, nhất là ở cơ sở nhiều và thường xuyên đã chi phối lớn đến quá trình học tập.

- Nguyên nhân chủ quan:

Một là, một số cấp ủy, chính quyền chưa có chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt đối với việc tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC.

Hai là, đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS hiện nay chưa được đào tạo chính quy chuyên ngành dạy tiếng DTTS, chỉ được bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

Ba là, một bộ phận lớn CBCC chưa nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng của việc học tiếng DTTS và giao tiếp bằng tiếng DTTS với đồng bào, nên thiếu nhu cầu và động lực học tập.

3.2. Xây dựng mô hình tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4

3.2.1. Mô hình tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình 450 tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS theo Quyết định số 03/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006 cơ bản phù hợp với đối tượng đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ DTTS. Tuy nhiên, thực tế tổ chức dạy tiếng DTTS những năm qua cho thấy, mô hình này cũng có những bất cập nhất định. Do đó, để phù hợp hơn với đối tượng CBCC, chương trình nên có sự điều chỉnh, bổ sung một số nội dung: Mục tiêu, yêu cầu đối với công tác tổ chức dạy tiếng DTTS; Nội dung chương trình dạy tiếng DTTS cần chỉnh sửa, cập nhật theo hướng tăng tính thực tiễn, thực hành, đảm bảo vừa sức, khả thi; Hình thức, phương pháp dạy tiếng DTTS; Đối tượng học tiếng DTTS; Người dạy tiếng DTTS; Phụ trách dạy tiếng DTTS; Quản lý tổ chức dạy và cấp chứng chỉ tiếng DTTS; Thời gian tổ chức dạy tiếng DTTS; Quy mô, địa điểm tổ chức dạy tiếng DTTS; Điều kiện, phương tiện bảo đảm tổ chức dạy tiếng DTTS.

3.2.2. Mô hình tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số theo chương trình 120 tiết do Ủy ban Dân tộc ban hành

Tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC theo chương trình 120 tiết do Ủy ban Dân tộc ban hành đặc biệt thiết thực đối với CBCC công tác ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là chương trình bồi dưỡng tiếng DTTS gắn với lĩnh vực công tác dân tộc. Mô hình này tập trung bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4, trong đó chủ yếu hướng đến những CBCC đảm nhiệm và tham gia thực hiện công tác dân tộc ở các địa phương. Do đó, tổ chức dạy tiếng DTTS theo chương trình này nên tiếp cận theo hướng chuẩn đầu ra, lấy bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp là chính và lấy thực tiễn công tác của CBCC làm cơ sở để xây dựng, tổ chức thực hiện mô hình.

3.3. Giải pháp tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

- Nhóm giải pháp thiết kế, sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình dạy tiếng DTTS phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Nhóm giải pháp xây dựng quy trình và triển khai tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Nhóm giải pháp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Nhóm giải pháp bảo đảm điều kiện tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4

Các giải pháp tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ nhau, do đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn với những điều kiện, đối tượng cụ thể. 

4. Thảo luận

Mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS đã và đang thực hiện trong những năm qua đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần nâng cao khả năng sử dụng tiếng DTTS của CBCC. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ một số bất cập, do đó cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS theo chương trình mới nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu học tập của CBCC. Từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học tiếng DTTS cho CBCC thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 ở địa phương.

4.1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Tiến hành tổng kết đánh giá mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC trong thời gian qua, chỉnh sửa, bổ sung chương trình 450 tiết cho phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC ở các địa phương, bảo đảm đúng các quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương.

4.2. Đối với Ủy ban Dân tộc

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khung chương trình, các chương trình dạy tiếng DTTS cụ thể cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, Ủy ban Dân tộc cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, nhất là các điều kiện bảo đảm để triển khai xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức dạy tiếng DTTS theo đúng quy định.

- Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các địa phương để triển khai tổ chức dạy tiếng DTTS cho các đối tượng theo đúng quy định đạt chất lượng, hiệu quả cao.

4.3. Đối với các địa phương

- Cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của công tác tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC, chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương về nội dung chương trình dạy tiếng DTTS phù hợp với đặc thù địa phương.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 trên địa bàn, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh. Thường xuyên bố trí CBCC tham gia học tập, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đánh giá nghiêm túc đối những CBCC tham gia học tập.

4.4. Đối với Học viện Dân tộc

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng để biên soạn tài liệu phục vụ quá trình tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

- Cần chuẩn bị mọi mặt, nhất là kế hoạch, nội dung, chương trình, giáo viên và các điều kiện bảo đảm để tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4.

5. Kết luận

Tiếng DTTS là tiếng nói của các tộc người thiểu số, là tài sản tinh thần vô giá của người DTTS. Tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 có vai trò quan trọng không chỉ đối với quá trình thực thi công vụ của CBCC, mà còn đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển KT - XH ở vùng DTTS&MN. Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC được thực hiện nghiêm túc theo các quy định hiện hành, một số mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS được triển khai thực hiện có chất lượng. Nhiều CBCC đã được tham gia đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS, nâng cao trình độ, khả năng sử dụng tiếng DTTS trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, ở một số địa phương, mô hình tổ chức dạy tiếng DTTS chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả còn thấp khiến một bộ phận đáng kể học viên sau khi hoàn thành chương trình học không sử dụng tiếng DTTS trong công tác, thiếu kỹ năng giao tiếp, không tự tin khi giao tiếp bằng tiếng DTTS.

Thực tế đó đòi hỏi phải đổi mới mô hình dạy tiếng DTTS theo chương trình 450 tiết theo hướng cắt giảm một số nội dung chưa phù hợp, bổ sung một số nội dung cần thiết phục vụ trực tiếp cho quá trình công tác của CBCC, chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Và chỉ nên áp dụng chương trình này với một số đối tượng CBCC có nhu cầu học tiếng DTTS như là ngôn ngữ thứ hai, phục vụ cho quá trình công tác lâu dài. Đồng thời, thiết kế chương trình 120 tiết theo hướng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, chú trọng các nội dung trực tiếp phục vụ cho quá trình công tác của CBCC. Đối tượng áp dụng chương trình này là tất cả CBCC thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 đang công tác tại vùng DTTS&MN. Hình thức, phương pháp tổ chức dạy tiếng DTTS theo chương trình 120 tiết nên linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương và đặc điểm công tác của CBCC. Để triển khai thực hiện các mô hình đó, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nội dung, chương trình dạy và học theo hướng quản lý sản phẩm đầu ra, xây dựng quy trình và triển khai thực hiện tốt quy trình tổ chức dạy tiếng DTTS; Bồi dưỡng kỹ năng tổ chức dạy tiếng DTTS cho các tổ chức, các lực lượng có liên quan; Thường xuyên quan tâm bảo đảm các điều kiện để tổ chức dạy tiếng DTTS cho đội ngũ CBCC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Trí Dõi (2016), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H.
  2. Bùi Xuân Đính (2012), Các tộc người ở Việt Nam, NXB Thời đại, H.
  3. Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông (2013), Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Những vấn đề chung, NXB Khoa học xã hội, H.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2004), Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2004 về việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác tại các vùng dân tộc, miền núi.
  5. Quyết định số 45/2006/QĐ-BGDĐT ngày 23/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành chương trình tiếng Mông dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
  6. Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

 

 

 

  

 

                 

              

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068