KHOA CƠ BẢN
Đơn vị: |
Khoa Cơ bản |
Phó trưởng Khoa (Phụ trách Khoa) |
ThS. Phạm Thị Kim Cương |
Điện thoại: |
0243.783.1664 |
Email: |
khoacoban@hvdt.edu.vn |
Địa chỉ: |
Khu đô thị Dream Town, đường 70, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. |
Khoa Cơ bản (ban đầu là Khoa Kiến thức Cơ bản sau đổi tên thành Khoa Lý luận cơ bản) ra đời cùng với sự thành lập của Trường Cán bộ Dân tộc (09/9/1999), tính đến nay, Khoa đã có hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành. Trên cơ sở thành lập Học viện Dân tộc theo Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Cơ bản là một đơn vị chuyên môn trực thuộc Học viện. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khoa Cơ bản được quy định tại Quyết định số 32/QĐ-HVDT ngày 10 tháng 2 năm 2017 của Giám đốc Học viện Dân tộc.
Từ ngày 25/01/2022, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khoa Cơ bản được quy định tại Quyết định số 36/QĐ-HVDT của Giám đốc Học viện Dân tộc.
I. Vị trí, chức năng
Khoa Cơ bản là đơn vị thuộc Học viện Dân tộc, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Học viện quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo khối kiến thức đại cương, kiến thức lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia quản lý, giảng dạy trình độ đại học và sau đại học; quản lý, tổ chức bồi dưỡng hệ dự bị đại học; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong và ngoài đơn vị phục vụ công tác giảng dạy chuyên môn của Khoa.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy và tổ chức thực hiện đào tạo khối kiến thức đại cương, kiến thức lý luận chính trị; bồi dưỡng hệ dự bị đại học theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bồi dưỡng khối kiến thức cơ bản về công tác dân tộc; bồi dưỡng kiến thức dân tộc.
2. Tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của Học viện.
3. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giảng dạy đã được phê duyệt (bao gồm: hợp đồng giảng dạy đối với giáo viên, giảng viên ngoài Học viện; xây dựng chương trình, tài liệu học tập, kế hoạch giảng dạy, học tập trên cơ sở đề cương chi tiết các môn học/học phần đã ban hành).
4. Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa.
5. Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học. Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập.
6. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ viên chức thuộc Khoa.
7. Đề xuất và tổ chức xây dựng đề án mở các ngành đào tạo mới thuộc lĩnh vực chuyên môn của Khoa.
8. Chủ trì xây dựng kế hoạch tuyển sinh hệ dự bị đại học và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
9. Chủ trì, tham gia thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học; tổ chức các đoàn đưa học sinh, sinh viên của Khoa đi nghiên cứu thực tế, thăm quan học tập kinh nghiệm tại các cơ quan, địa phương; phối hợp tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
10. Phối hợp với Phòng Đào tạo, các Trường đại học, các địa phương nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh hệ cử tuyển (bao gồm cả hệ dự bị đại học), tư vấn tuyển sinh hệ cử tuyển đại học tại các địa phương; kiểm tra, phân loại và sắp xếp hồ sơ, in phiếu báo trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; xây dựng kế hoạch Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng đánh giá xếp loại học sinh, Hội đồng phân bổ học sinh vào học đại học, hội đồng thi, kiểm tra.
11. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Học viện thực hiện việc giám sát chế độ, quyền lợi của học sinh được hưởng theo quy định của Nhà nước.
12. Quản lý giảng viên, người lao động và người học thuộc khoa theo phân cấp của Giám đốc Học viện. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và viên chức thuộc Khoa. Tổ chức đánh giá viên chức quản lý, giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên trong Khoa và tham gia đánh giá công chức, viên chức quản lý trong Học viện theo quy định.
13. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, người lao động, người học. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong Học viện để thực hiện tốt các hoạt động phong trào theo kế hoạch.
14. Quản lý sử dụng và khai thác có hiệu quả các tài sản, thiết bị, cơ sở vật chất của Học viện giao cho Khoa để phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Học viện giao.
III. Cơ cấu tổ chức
Khoa Cơ bản gồm: Trưởng Khoa, Phó Trưởng Khoa, viên chức và người lao động.
1. Trưởng Khoa
Trưởng Khoa do Giám đốc Học viện Dân tộc bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện và pháp luật về quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Khoa.
2. Phó Trưởng Khoa
Phó Trưởng Khoa do Giám đốc Học viện Dân tộc bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Khoa và Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ; chịu trách nhiệm trước Trưởng Khoa và Giám đốc Học viện về những lĩnh vực, nhiệm vụ công tác được phân công.
3. Trong giai đoạn đầu chưa thành lập các tổ bộ môn trực thuộc Khoa, khi đủ điều kiện sẽ xem xét thành lập vào thời điểm thích hợp.
4. Khoa có ít nhất 07 người làm việc tại Khoa nằm trong tổng số lượng người làm việc của Học viện Dân tộc được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt.
5. Trưởng Khoa xây dựng Quy chế làm việc của Khoa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng các quy chế, quy định khác phục vụ công tác quản lý của Khoa.
IV. Thành tích tiêu biểu
- Tập thể: Danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến các năm 2016, 2021.
- Cá nhân: 02 cá nhân Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 04 cá nhân nhận Giấy khen của Giám đốc Học viện Dân tộc.