Hiệu ứng lan tỏa giáo dục dân tộc thiểu số cực Bắc Tây Nguyên - Bài 1: Cô giáo Nàng Xô Vi - Nữ đại biểu “5 nhất” miền biên viễn

19/11/2023

Tựa như những bông hoa pơ-lang sinh ra từ vùng đất bom cày, đạn xới; họ không ngừng nỗ lực vươn mình nở thành từng đóa hoa rực rỡ chinh phục chân trời tri thức. Họ đã trở thành tấm gương sáng vùng biên, góp phần lan tỏa đến các thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum về vai trò to lớn của giáo dục.

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, sự đồng tình ủng hộ của người dân mà công tác giáo dục cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Kon Tum.

Với 82,97% phiếu bầu, cô giáo Nàng Xô Vi (sinh năm 1996, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) đã trở thành đại biểu trẻ nhất Quốc hội khóa XV và cũng là nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của dân tộc Brâu trong suốt 75 năm qua kể từ khóa I.

Tháng 7-2021, cả thôn Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đều vui mừng phấn khởi vì lần đầu tiên trong nghị trường Quốc hội có một đại biểu là người đồng bào Brâu. Giờ đây, tiếng nói của dân tộc ít người nhất cách Thủ đô 1.000km đã được nối gần hơn bởi đại biểu Nàng Xô Vi, người Brâu ngày càng giữ trọn niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi - nữ đại biểu đầu tiên của dân tộc Brâu. 

Cô giáo “5 nhất” vùng biên giới Tây Nguyên

Nàng Xô Vi cũng như bao đứa trẻ Brâu khác lớn lên từ nguồn nước suối mát lành của làng Đăk Mế, cuộc sống gắn mình với rừng xanh, xung quanh là cây lê, cây lồ ô… Học tập với các em khi ấy chính là biết con chữ để mở ra một cánh cửa tương lai mới cho riêng mình. 

Nàng Xô Vi nhớ lại, cả thôn Đăk Mế khi ấy chỉ có 3 người đi học, riêng trong gia đình cô đã có tới 2 người là Xô Vi và chị gái. Đáng nói, chị gái sinh năm 1991 cách Vi tới 5 tuổi nhưng vẫn phải học chung lớp vì kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. 

“20 năm trước, học tập với chúng tôi như một cánh cửa mới. Đến khi học hết cấp 2, tôi bắt đầu ý thức bản thân mình học để làm gì và mình muốn làm nghề gì trong tương lai”, Nàng Xô Vi bộc bạch. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (ở giữa) tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.  

Học hết cấp 2, Xô Vi không có sự lựa chọn nào khác giống 3 anh chị của mình là ít chữ, lấy chồng rồi sinh con, đẻ cái. Ám ảnh cảnh tay bồng tay bế khi tuổi đời còn rất trẻ, rồi nỗi lo cơm áo gạo tiền, bạo lực gia đình… Xô Vi quyết tâm phải thay đổi số phận của chính mình, phải mở cánh cửa thôn Đăk Mế đi đến những nơi cô chưa từng tới, học những điều cô chưa từng nghe hy vọng giúp ích cho chính bản thân và  đồng bào của mình. 

Để có thể thực hiện ước mơ đó, Xô Vi không bao giờ quên “cái ơn” của già Thao Lợi (nguyên Trưởng thôn Đăk Mế) đã vận động bố mẹ, cùng cô tới tận Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum để nộp hồ sơ vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Kon Tum khi đã ngừng tuyển sinh. 

Năm 2011, Nàng Xô Vi đã trở thành học sinh Brâu đầu tiên đỗ vào cấp 3, được Nhà nước tạo điều kiện học tập tại Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum. Đến năm 2014, Nàng Xô Vi vui mừng nhận giấy trúng tuyển đại học trên tay nhưng cũng rất trăn trở vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, thi vào đại học là điều mà cha mẹ của cô chưa từng nghĩ tới, huống gì là cho đi học.

Già Thao Lợi khi ấy lại đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà kêu gọi đồng bào Brâu góp nhặt từng chút “ươm mầm xanh” cho buôn làng. Cô nghẹn ngào nhớ lại: “Người thì đem con gà, mớ rau, quả trứng, nắm gạo… thậm chí là củ khoai, củ sắn. Đến cả tờ tiền mệnh giá 1.000-5.000 đồng là tài sản của những cụ ông, cụ bà chắt chiu cũng giúp đỡ tôi. Được đi học chính là niềm tự hào của buôn làng, ai cũng kỳ vọng mai này tôi sẽ quay về dạy lại chính kiến thức đó cho các em nơi đây”. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Không chỉ là đại biểu Quốc hội, Nàng Xô Vi (hàng đầu tiên đứng giữa) còn là một giáo viên yêu nghề, hết lòng vì học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.  

4 năm theo học ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế của Xô Vi không hề đơn độc. Tình cảm đong đầy của cha mẹ, buôn làng Đăk Mế đã tiếp thêm cho cô nghị lực sống phi thường vượt qua bao khó khăn, thử thách. Sự nỗ lực cống hiến cho quê hương đã được ghi nhận vào năm 2020, Nàng Xô Vi thi đỗ công chức trở thành giáo viên người Brâu đầu tiên giảng dạy tại phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum ở huyện Ia H'Drai. Ở đây, Xô Vi có cơ hội trao đi sự nhiệt huyết của mình và hiện thực hóa kỳ vọng của đồng bào cho các em học sinh DTTS. 

Ngày 23-5-2021, một sự kiện chưa từng có với dân làng Đăk Mế tại kỳ bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội khóa XV. Đó chính là cô giáo Nàng Xô Vi được đề cử, để bầu cử thành đại biểu Quốc hội khóa XV. Nhờ ưu thế là dân tộc ít người, có trình độ chuyên môn, lại là phái nữ nên cô đã trúng cử. 

Nàng Xô Vi sau đó đã chính thức trở thành đại biểu Quốc hội trẻ nhất của ngành Giáo dục và cũng là đại biểu ít tuổi nhất Quốc hội khóa XV. Cô cũng chính là nữ đại biểu duy nhất đại diện tiếng nói của hơn 500 đồng bào dân tộc Brâu tại hội trường Diên Hồng sẽ cùng tham gia, quyết định về những quyết sách trọng đại của đất nước. 

Soi chiếu vào chính bản thân mình, Nàng Xô Vi nhận thấy Đảng và Nhà nước luôn có sự quan tâm đồng bào DTTS bằng rất nhiều chính sách cụ thể, một trong số đó phải kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719).

Theo đó, tại dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến và thực hiện bình đẳng giới. Phụ nữ đồng bào DTTS ở Kon Tum giờ đây đã có thể dùng tiếng nói của mình để tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; giám sát và phản biện. Từ đó, tạo ra những “mầm xanh” có đầy đủ năng lực tham gia ứng cử, bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Khát vọng đưa giáo dục Brâu chuyển mình thời đại mới

Với vai trò vừa là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, vừa là một đại biểu luôn luôn lắng nghe ý kiến của đồng bào cử tri, Nàng Xô Vi cũng đánh giá rất cao về dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình 1719. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Cô giáo Nàng Xô Vi (ngoài cùng bên phải) trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. 

Đại biểu Nàng Xô Vi chỉ rõ, với 3 tiểu dự án tựa như 3 trụ cột quan trọng sẽ là nguồn động lực to lớn đối với học sinh dân tộc Brâu nói riêng và học sinh DTTS nói chung. Từ khi cô tốt nghiệp cử nhân sư phạm, chưa một học sinh dân tộc Brâu nào có thể ra trường thành công trong lĩnh vực này. Một số cháu đã và đang học thì đều lo ngại đến vấn đề chi phí sinh hoạt, bởi đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, chính sách bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tiểu dự án 2 là rất thiết thực. 

Chính sách ưu tiên này như bàn đạp giúp đỡ rất nhiều cho học sinh DTTS, đặc biệt là DTTS ít người. Song, nữ đại biểu khẳng định việc quan trọng nhất nằm ở nội tại chứ không phải là những chính sách. Khi bản thân mình mà không có cố gắng thì dù có nhiều chính sách, bao nhiêu ưu tiên cũng không thay đổi được điều gì.  

“Nếu các em đi học để coi đó là nghĩa vụ cho bố mẹ hoặc có những chế độ chính sách sẽ làm cho các em bị ảnh hưởng ở mặt tiêu cực. Vì vậy, em ỷ lại và cho rằng chỉ có đi học thì mới có tiền, có một chỗ đứng trong xã hội là hoàn toàn sai lầm”, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê từ UBND xã Pờ Y, cả thôn Đăk Mế hiện chỉ có 4 em học tới trình độ đại học, cao đẳng và 5 em đã tốt nghiệp. Như vậy, số lượng học sinh đồng bào Brâu tiếp tục học lên cao là rất ít vì việc phân luồng học sinh cuối cấp chưa thực sự hiệu quả dù đã có đầy đủ những điều kiện thuận lợi. Cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của Trường THCS Pờ Y cũng chính là thành quả to lớn từ nguồn vốn của tiểu dự án 1 (dự án số 5, Chương trình 1719). 

Tuy nhiên, quá trình phân luồng học sinh lại chưa cao, nhiều em có năng lực học tập rất tốt sẽ hướng tới học văn hóa, ngược lại những em không có khả năng học văn hóa lại chưa định hướng cho các em học trung cấp nghề, đào tạo nghề.

Muốn làm được điều này, đại biểu Nàng Xô Vi đặc biệt mong muốn chú trọng vào đội ngũ giáo viên - người trực tiếp đứng lớp giảng dạy các em học sinh DTTS. Thầy cô là những người truyền cảm hứng chứ không đơn thuần là người dạy tiếng phổ thông khiến các em không hiểu, trên lớp gật gù hết giờ thì về nhà. Chính những người giáo viên là phải hiểu tiếng đồng bào, chúng ta nên chào các em bằng tiếng đồng bào để thu hẹp khoảng cách, tạo sự gần gũi.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Đại biểu Nàng Xô Vi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tại tỉnh Kon Tum.  

Nàng Xô Vi đã từng nói: “Giống như hoa dại, hãy học cách sinh tồn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ngay cả khi người đời cho rằng bạn không thể”. Trưởng thành bằng những chiêm nghiệm thực tế, cô gái miền núi biên giới, mang bao khát vọng về thành phố thoát khỏi cánh rừng lồ ô làng Đăk Mế đã mở được cánh cửa tương lai và ngắm nhìn thế giới trên chính đôi chân của mình.

Cũng chính vì thế mà mỗi lần đặt chân tới một vùng đất mới, cô luôn cố gắng lưu giữ thật nhiều cảnh đẹp để lồng ghép truyền tải vào bài học cho các em học sinh của mình. Điều đó góp phần không nhỏ thôi thúc tinh thần học tập, rèn luyện của học sinh DTTS về khát vọng vươn cao, bay xa hơn nữa, được làm chủ cuộc đời chính mình. 

Em Phạm Đoan Trang, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum tại huyện Ia H'Drai vô cùng ngưỡng mộ và lấy cô giáo Nàng Xô Vi làm tấm gương để noi theo, học tập. Em chia sẻ: "Dù ở bất cứ vai trò nào, là giáo viên hay đại biểu Quốc hội, cô cũng luôn nỗ lực giúp học sinh có được kiến thức trọn vẹn nhất".

Ông Hồ Thân Em, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum“Tôi luôn cảm thấy tự hào vì có một học sinh như Nàng Xô Vi, một cô giáo tận tâm với nghề. Không chỉ giỏi về chuyên môn mà cô còn là nguồn cảm hứng học tập cho các em học sinh đồng bào Brâu nói riêng và DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung chia sẻ: “Nàng Xô Vi không đơn độc trên hành trình làm đại biểu Quốc hội của mình. Xô Vi mang trên mình kỳ vọng của cả ngành giáo dục truyền tải kịp thời tới Trung ương những mong muốn của bà con cũng như học sinh DTTS tỉnh Kon Tum”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: “Qua bài phát biểu chỉ có 7 phút đóng góp cho Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tháng 10-2021, mọi người đều rất ấn tượng về thần thái và cách thể hiện đầy sự trải nghiệm của Đại biểu Nàng Xô Vi. Chúng tôi đánh giá rất cao về chất lượng của bài phát biểu và nghị lực của một Đại biểu Quốc hội trẻ đại diện cho dân tộc thiểu số của Việt Nam”.

Theo qdnd.vn

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068