Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số

25/12/2023

Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội tích cực triển khai, nhằm hỗ trợ chị em từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

 

 

 

 

 

 

Hội LHPN huyện Đầm Hà trao hỗ trợ bếp đun tiết kiệm năng lượng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Dực Yên.

Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã quan tâm, tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo tại các khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hội LHPN các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để lên phương án giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Tổng số chỉ tiêu gia đình hội viên được giúp đỡ trong năm nay là 400 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo, 259 hộ cận nghèo và 107 hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp Hội cũng tiếp tục duy trì hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi; vận động, hướng dẫn hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương. Tại các địa phương tập trung hỗ trợ hội viên phụ nữ và gia đình hội viên thực hiện các mô hình kinh tế như: Chăn nuôi gà, trồng nấm, nuôi vịt đẻ trứng, trồng khoai tây hữu cơ… gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng NTM và thực hiện kết nối đầu ra cho các mô hình. Hiện toàn tỉnh đã có 187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế tại các khu vực tập trung đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, trong 6 tháng vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 320 hội viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; 3 lớp tập huấn quản lý tài chính cá nhân cho 240 hội viên phụ nữ, chủ hộ kinh doanh thuộc khu vực nông thôn, miền núi.

Chị Hà Thị Trang, dân tộc Dao Thanh Y, thôn Nam Hả Trung, xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) là một trong những hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Chị chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ tích cực của hội phụ nữ xã, huyện, gia đình tôi sau hơn 10 năm trồng thanh long ruột đỏ đã có được đời sống ổn định hơn. Với diện tích là 1ha, mỗi năm gia đình tôi cho thu hoạch được 3 tấn thanh long, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, cho thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Cùng với đó, các cấp hội chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em ở từng địa bàn, nhằm xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe. Điển hình là Dự án “Tăng cường quyền năng kinh tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng DTTS” ở xã Tình Húc (nay đã sáp nhập vào thị trấn Bình Liêu) do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Trung Quốc) tại Việt Nam tài trợ, với các hoạt động: Hỗ trợ sinh kế; duy trì CLB gia đình hạnh phúc; tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền thực hiện KHHGĐ.

Triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Bình Liêu và huyện Hải Hà; trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội CTĐ giải ngân 100 triệu đồng hỗ trợ 10 mô hình sinh kế tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) và vận động hỗ trợ mô hình nuôi gà cho 7 hộ gia đình huyện Bình Liêu, trị giá 38 triệu đồng; phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh trao quà chăm sóc sức khỏe sinh sản của Đài PT-TH Gangwon Hàn Quốc (trị giá 200 triệu đồng), trao tặng phương tiện phòng tránh thai (do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh hỗ trợ) cho phụ nữ vùng cao huyện Ba Chẽ, tổng trị giá 208 triệu đồng.

Có thể thấy, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS đã được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng.

Theo Quangninh.gov.vn

 

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068