Thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước

01/07/2022

Lê Văn Tuấn

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Email: levantuan.siwrr@gmail.com

DOI: https://doi.org/10.54163/0866-773X/686

Xoá đói giảm nghèo là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hướng đến việc xây dựng một xã hội ổn định, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo ra sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường sinh sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với dân tộc đa số, chính vì vậy, trong công tác giảm nghèo, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, chú trọng đến những kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như những tồn tại hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Từ khóa: Giảm nghèo; Chính sách giảm nghèo; Dân tộc thiểu số; Tỉnh Bình Phước.

1. Đặt vấn đề

Xoá đói, giảm nghèo là chính sách lớn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, thể hiện rõ tinh thần nhân văn sâu sắc trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo” và chú trọng “đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”. Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, tuy nhiên các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay thường sinh sống ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Chính vì vậy, việc quan tâm đẩy mạnh các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương.

Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn nhất Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài hơn 270 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đồng thời cũng là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống với 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm 80.33%, 40 DTTS chiếm 19.67% dân số toàn tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước có 8.114 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 4.545 hộ chiếm 52,76%, có thể thấy tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS còn ở mức cao, phản ánh đời sống kinh tế của bà con người DTTS còn rất nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã quan tâm chú trọng đến việc thực hiện chính sách giảm nghèo, đặc biệt giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chính sách giảm nghèo, để lại tiếng vang lớn trong chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS. Tuy vậy, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần có những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

2. Tổng quan nghiên cứu

Đã có một số tác giả, công trình nghiên cứu chính sách giảm nghèo và những vấn đề liên quan. Lê Quốc Lý (2013), Chính sách xóa đói giảm nghèo - thực trạng và giải pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; Trần Thị Bích Lệ (2017), Luận văn thạc sĩ Học viện Hành chính Quốc gia với đề tài “Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước”; Trần Thị Diễm Thúy (2013), Luận văn thạc sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia, “Quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo đối với đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”; Triệu Thanh Phượng (2014), Luận văn thạc sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội với đề tài “Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam - Qua thực tiễn tỉnh Lạng Sơn”.

Mỗi tác giả nghiên cứu, tiếp cận ở mỗi giác độ khác nhau, về các chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo nói chung hoặc gắn liền với công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo ở từng địa phương. Đối với Bình Phước là tỉnh có nhiều đồng bào DTTS, trong những năm qua tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo nhưng cần có những nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn việc thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đồng thời bổ sung lý luận và thực tiễn là cần thiết.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để nghiên cứu nội dung này, chúng tôi tiếp cận trên giác độ khoa học chính sách công để làm rõ những kết quả đạt được của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu cơ bản nhưng chủ yếu sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích và thu thập thông tin thứ cấp để kế thừa một số nội dung của các nghiên cứu trước. Đồng thời tác giả tiến hành khảo sát, phỏng vấn sâu đối với đại diện lãnh đạo một số địa phương, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và người dân để làm rõ hơn các căn cứ đánh giá.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Về khái niệm, nội dung nghiên cứu về thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS là quá trình cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác xoá đói, giảm nghèo đối với đồng bào DTTS bằng những quy định, quyết định cụ thể hướng đến sự phát triển ổn định về đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào DTTS. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung đến một số nội dung trong triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2016 đến nay, như: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; (2) Thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2016-2020; (3) Thực hiện chương trình giảm 1000 hộ nghèo DTTS; (4) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS.

4.2. Tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tinh Bình Phước

Bình Phước là tỉnh miền núi của khu vực Đông Nam Bộ với 41 dân tộc cùng sinh sống. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước năm 2020 dân số toàn tỉnh là 1.011.076 người, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc chiếm đa số với 812.192 người, chiếm 80,33% dân số; 40 DTTS còn lại có 198.884 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh.

Cuộc sống của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thấp. Đồng bào DTTS còn sản xuất mang tính quảng canh và chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, khả năng đầu tư tái sản xuất còn thấp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn kéo dài, chưa thể khắc phục. Còn một bộ phận đồng bào DTTS không có và thiếu đất sản xuất theo định mức chung quy định của tỉnh (0,5ha/hộ), đất ở, nhà ở tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, mức sống còn thấp đang cần được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.

Số hộ đồng bào DTTS nghèo và các hộ nghèo phần lớn sống tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn yếu kém; giao thông, thông tin, liên lạc còn thiếu đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, một số do tách hộ từ những hộ đồng bào DTTS còn nghèo, khó khăn nên một bộ phận hộ đồng bào DTTS nghèo không có tư liệu sản xuất, nhà ở tạm bợ, thu nhập chủ yếu từ việc đi làm thuê, mướn, mót mủ cao su,... đời sống rất bấp bênh. Ngoài ra, do quen lối sống du canh du cư, một bộ phận hộ đồng bào DTTS chưa ý thức được tầm quan trọng của đất sản xuất nên bán đất để giải quyết khó khăn trước mắt.

Năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước có 8.114 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 4.545 hộ chiếm 52,76%. Từ năm 2019, tỉnh Bình Phước đặt ra mục tiêu xây dựng kế hoạch mỗi năm giảm 1000 hộ nghèo DTTS. Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

4.3. Một số kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước

4.3.1. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Công tác chỉ đạo, điều hành được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm thực hiện, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chính sách giảm nghèo, như: (1) Kế hoạch 187/KH-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh Bình Phước về triển khai, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước gắn với mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020; (2) Kế hoạch số 381/KH-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020; (3) Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt Đề án thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; (4) Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 04/4/2018 thực hiện Đề án đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018-2020; (5) Kế hoạch 337/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022.

Hằng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, kế hoạch giảm nghèo đối với các hộ nghèo DTTS và bố trí ngân sách triển khai thực hiện. Bên cạnh đó còn có các văn bản khác của UBND tỉnh và các văn bản của các sở, ban, ngành, UBND các huyện tạo nên hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tăng lên 4.870 hộ, chiếm 1,76%, trong đó hộ nghèo DTTS là 2.820 hộ; 1.343 hộ nghèo không có khả năng lao động. Đây được xem là khó khăn, thử thách rất lớn bởi Bình Phước có 3 huyện biên giới, 5 xã đặc biệt khó khăn, 25 thôn đặc biệt khó khăn, 3 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, giai đoạn 2022-2025, Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 2.000-2.500 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều (trong đó có 1.000 hộ nghèo là DTTS).

4.3.2. Thực hiện chương trình 135 Giai đoạn 2016-2020

Bảng 1. Phân bố nguồn vốn thực hiện chương trình 135

(Đơn vị: Triệu đồng)

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

31.197

24.613,6

30.343

30.517

26.390

Nguồn. Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước

Nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình 135 tập trung vào 03 nội dung: (1) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; (2) Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế; (3) Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Năm 2016: Xây dựng 41 công trình giao thông nông thôn, 04 công trình trường học, 02 công trình cống thoát nước, 02 công trình đường điện THT và 02 công trình nhà văn hóa; Năm 2017: 23 công trình giao thông nông thôn, 03 trường học, 03 công trình điện, 12 nhà văn hóa, 01 công trình thủy lợi, 01 công trình nước; Năm 2018: 29 công trình đầu tư mới, gồm có đường giao thông, công trình thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa....; Năm 2019: Duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng; Năm 2020: Đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng.

- Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế: Năm 2016: Hỗ trợ 679 hộ trong đó có 392 hộ là đồng bào DTTS về vật nuôi và dụng cụ sản xuất; Năm 2017: Hỗ trợ 84 tấn phân bón NPK, 7.335 lít phân BP1, 330 máy cắt cỏ, 320 bình xịt điện cho các hộ nghèo, cận nghèo. Xây dựng 02 mô hình giảm nghèo nuôi bò laisind sinh sản cho 24 hộ DTTS nghèo tại xã Đắk Nhau và xã Đường 10 huyện Bù Đăng; Năm 2018: Hỗ trợ 285 con bò, 136 con dê 160 máy phát cỏ; Năm 2019: Hỗ trợ 199 con bò thực hiện 3 mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 48 con tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp; xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh; Năm 2020: Hỗ trợ 123 con bò lai, hỗ trợ 120 con dê giống cho 40 hộ dân. Hỗ trợ máy phát cỏ, máy phun thuốc cho 94 hộ. Thực hiện 03 mô hình giảm nghèo tại 03 xã với 33 con bò lai: Xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập; xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp; xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh.

- Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn: Năm 2016: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 250 cán bộ cơ sở và cộng đồng; tổ chức cho 40 học viên tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm tại 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2017: Tổ chức 02 lớp tập huấn cho 140 đại diện cộng đồng dân cư và 60 cán bộ cơ sở; Năm 2018: Tổ chức tập huấn cho 544 người; Năm 2019: tổ chức tập huấn cho 375 học viên; Năm 2020: Tổ chức 05 lớp tập huấn cho 680 học viên, tổ chức cho 25 học viên tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm tại Khánh Hòa, Ninh Thuận.

4.3.3. Thực hiện chương trình giảm 1000 hộ nghèo dân tộc thiểu số

Năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước có 8.114 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 4.545 hộ chiếm 52,76%. Từ năm 2019, tỉnh Bình Phước đặt ra mục tiêu xây dựng kế hoạch mỗi năm giảm 1000 hộ nghèo DTTS. Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giảm 1000 hộ nghèo mỗi năm. Riêng năm 2019 ngoài ngân sách được Trung ương phân bổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là 107,926 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí thêm 40 tỷ đồng, vận động 20 tỷ để hỗ trợ 1000 hộ nghèo DTTS. Năm 2020, ngân sách tỉnh bố trí 73,24 tỷ đồng, vận động 35 tỷ đồng; Năm 2021, ngân sách tỉnh 66,3 tỷ, vận động đến tháng 5/2021 được 26 tỷ. Như vậy trong 03 năm từ khi thực hiện chương trình giảm 1000 hộ nghèo DTTS là 179,54 tỷ đồng (bình quân mỗi năm là 59,8 tỷ đồng), nguồn vận động 81 tỷ đồng. Năm 2021, trên cơ sở rà soát nhu cầu hỗ trợ ở các địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai hỗ trợ các hộ nghèo DTTS dưới nhiều hình thức đa dạng: Xây mới và sửa chữa 562 căn nhà, xây hỗ trợ 32 hộ về đất ở; hỗ trợ 469 nhà vệ sinh; hỗ trợ giếng đào và giếng khoan cho 528 hộ; hỗ trợ kéo điện cho 239 hộ, hỗ trợ cho 218 tivi cho các gia đình.

Việc hỗ trợ được thực hiện đa dạng hóa với nhiều hình thức như: Hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện lưới, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ vật nuôi (bò, dê, lợn, ...) hỗ trợ nông cụ, phương tiện đi lại... Kết quả năm 2019 giảm 1.194 hộ nghèo DTTS, năm 2020 giảm 1.548 hộ nghèo DTTS, năm 2021 giảm gần 1300 hộ nghèo DTTS; như vậy từ khi đặt ra chương trình đã giảm được 4.042 hộ nghèo.

Để đạt được kết quả trên là sự cố gắng của toàn thể hệ thống các cấp chính quyền của tỉnh Bình Phước và thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào DTTS ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Qua kết quả khảo sát đối với 46 công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh có thể thấy hiện nay lực lượng làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trong thời gian qua, có 54% đánh giá là tốt và 24% đánh giá là rất tốt.

4.3.4. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS, vùng khó khăn được UBND các cấp và các ban, ngành đoàn thể quan tâm thực hiện. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư trong chương trình 135, các nguồn kinh phí hỗ trợ chương trình giảm 1000 hộ nghèo.... Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là người DTTS.

Việc sử dụng nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, đến năm 2020 tỉnh được trung ương bố trí kinh phí 67 tỷ 931 triệu đồng, đến hết năm 2020 đã giải ngân được 49 tỷ 402 triệu đồng đạt 73%, nguồn vốn được hỗ trợ cho 03 huyện biên giới là Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập để xây dựng đường giao thông nông thôn, thực hiện chuyển đổi nghề và hỗ trợ nước sinh hoạt.

Đối với nguồn vốn được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới theo Quyết định 160/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 được phân bổ 7 tỷ 500 triệu đồng. UBND đã phân bổ cho 03 huyện biên giới xây dựng 21 tuyến đường giao thông nông thôn vào các thôn, ấp và nâng cấp các nhà văn hóa thôn ấp. Đến hết năm 2020 giải ngân được 5 tỷ 930 triệu đồng đạt 79,07%.

Trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được 152,96 tỷ đồng để hỗ trợ các khu vực khó khăn, vùng DTTS. Tiến hành xây dựng và bàn giao 2.509 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho người nghèo, người DTTS; Sửa chữa 1.062 căn nhà, nâng cấp 593 căn nhà tình thương, xây dựng 43 công trình dân sinh như tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng đập tràn, cống thoát nước tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Bên cạnh đó hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” mua bò, dê giống cho bà con ở khu vực biên giới, đặc biệt nhân rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại huyện Bù Đốp. Năm 2021, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã xây dựng, sửa chữa 634 căn nhà đại đoàn kết, trong đó xây mới 623 căn, sửa chữa 11 căn. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tặng 11.290 phần quà tết Nguyên đán cho người nghèo, trị giá hơn 5,6 tỷ đồng. Hỗ trợ các chương trình khác như: “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ công trình thiết yếu cho học sinh đi học trở lại, chuyển trả Quỹ An sinh xã hội… hơn 27 tỷ đồng.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hướng đến đối tượng phụ nữ, trẻ em gái đặc biệt người DTTS ở khu vực biên giới giai đoạn 2018-2020 và đã để lại tiếng vang lớn. Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Việt Nam phát động tổ chức thực hiện tại các tỉnh ở khu vực biên giới có đông đồng bào người DTTS, trong giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ 15 xã tại 03 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập (nơi sinh sống của 18 dân tộc) trong đó tập trung đến các hoạt động hỗ trợ giáo dục, đào tạo, sinh kế cho phụ nữ nghèo. Trong 03 năm đã vận động tổ chức hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng. Đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán năm 2021 đã vận động các nguồn lực hỗ trợ, chăm lo Tết cho hơn 300 hộ DTTS và các gian hàng 01 ngàn đồng phục vụ cho hơn 1000 người DTTS tại xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp với sự phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và Nhóm từ thiện Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025.

4.3.5. Đánh giá chung

Thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong công tác chỉ đạo, điều hành được chú trọng, nghiêm túc trong triển khai thực hiện. Các chương trình, chính sách được triển khai đã góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS được giảm rõ rệt qua từng năm, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế nhât định như nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nguồn ngân sách phân bổ chậm ảnh hướng đến tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, một số nơi còn đầu tư dàn trải, nguy cơ tái nghèo còn hiện hữu, các hộ DTTS vượt qua mức nghèo nhưng đời sống vẫn khó khăn, một bộ phận người dân thiếu việc làm ổn định.

5. Thảo luận

Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho bà con người DTTS là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của công tác dân tộc, để giảm nghèo hướng đến thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh cần xác định những nhóm giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, trong chỉ đạo, điều hành cần luôn xác định giảm nghèo đối với đồng bào DTTS là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trong giảm nghèo phải xác định các chiến lược mang tính lâu dài, hướng đến giảm nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo hoặc thoát nghèo những vẫn khó khăn.

Thứ hai, cần phân bổ nguồn ngân sách kịp thời để đảm bảo các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS. Việc bố trí ngân sách cần có có trọng điểm, trọng tâm nhằm tạo nên sự chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Thứ ba, trong thực hiện chính sách giảm nghèo phải xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp tạm thời và lâu dài để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra: (a) Với các nhiệm vụ, giải pháp tạm thời là hỗ trợ ngay cho người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm để người dân không phải đói vào những thời điểm “giáp hạt”, thì chính quyền địa phương đặc biệt là UBND cấp xã phải khảo sát nắm bắt được những hộ nào thuộc diện khó khăn cần phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm vào các thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người dân; (b) Cần hướng đến các giải pháp lâu dài, để người dân thoát nghèo bền vững. Đa số các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ DTTS đều làm nông nghiệp, chính vì vậy phải có những giải pháp gắn liền với đời sống của người dân.

- Phải khảo sát được thực trạng sản xuất của người dân, nắm bắt được họ đang cần gì để phát triển kinh tế, từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp.

Từ kết quả khảo sát với 205 người dân có thể thấy nhu cầu của mỗi người về việc được Nhà nước hỗ trợ là khác nhau, nhưng chúng ta có thể thấy nổi lên là ba vấn đề: Hỗ trợ vật nuôi, cây trồng, nông cụ sản xuất; giải quyết vấn đề việc làm; xây dựng hệ thống đường giao thông đến nương rẫy để bà con thuận tiện trong việc vận chuyển nông sản là cần thiết. Qua đây, chúng ta thấy rằng khi thực hiện chính sách hỗ trợ cho bà con nhân dân cần phải khảo sát kỹ càng về nhu cầu thực tế để có hướng hỗ trợ phù hợp.

- Cần tiếp tục mở rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng hoá sinh kế, có thể kể đến mô hình chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao như nuôi dê, nuôi hươu, nuôi heo rừng lai... Qua phỏng vấn với đại diện lãnh đạo tổ chức Đoàn thể cấp tỉnh, người nhiều năm đồng hành cùng với đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội: “Để phát triển vùng DTTS trước tiên chúng ta cần quan tâm đến việc thoát nghèo cho bà con người DTTS, để thoát nghèo chúng ta không thể chỉ hỗ trợ “con cá” mà phải hỗ trợ “cần câu”, tôi thấy cần tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi ví dụ như mô hình chăn nuôi dê ở Bù Đốp, vì đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc rất phù hợp với điều kiện của bà con làm nông, tận dụng thức ăn như lá keo, lá cây để nuôi, đồng thời do đặc thù sinh sản nhanh, nên hiệu quả kinh tế hơn cả nuôi bò, yếu tố rủi ro thấp, chính vì vậy theo tôi cần nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, thành lập hợp tác xã để trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi và tạo đầu ra cho sản phẩm, điều quan trọng là chúng ta phải tập trung các nguồn lực và vận động cả các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia hỗ trợ con giống cho bà con”.  

Đối với các hộ không có đất sản xuất nên nghiên cứu hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển đổi nghề cho bà con người DTTS, quan tâm đến việc đào tạo nghề liên quan đến nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp đang đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh vì họ cần nguồn lao động lớn. Vì nếu không có đất sản xuất lại không có nghề nghiệp thì việc thoát nghèo bền vững là rất khó.

Cần quan tâm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con nhân dân để tránh trường hợp được mùa mất giá, hoặc bị thương lái ép giá như trong thời gian qua.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện chính sách.

6. Kết luận

Việc thực hiện chính sách giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo đối với các hộ nghèo DTTS là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần có sự quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong triển khai thực hiện. Trong bài viết tác giả đã khái quát được những nội dung cơ bản và kết quả đạt được trong thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước với nhiều điểm tích cực, đặc biệt chương trình giảm 1000 hộ nghèo DTTS hằng năm của tỉnh Bình Phước đã để lại tiếng vang lớn, là điểm sáng trong chính sách giảm nghèo bền vững. Những kết quả đạt được góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước. Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định, từ đó tác giả đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nhằm hướng đến giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (2003). Công tác dân tộc. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (2019). Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/12/2019.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước. (2016-2021). Báo cáo công tác dân tộc năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 và triển khai phương hương, nhiệm vụ năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước. (2020). Kết quả điều tra thống kê 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Chính phủ. (2011). Công tác dân tộc. Nghị định số 05/2011/ND-CP ngày 14/01/2011.

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật.

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước. (2021). Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị” giai đoạn 2016-2020. Báo cáo số 300/BC-MTTQ-BTT ngày 24/2/2021

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068