Nghiệm thu đề tài khoa học cấp quốc gia: “Hệ thống hoá, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay”

26/01/2019

      Ngày 26/01/2019, tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia “Hệ thống hoá, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” mã số CTDT 02.16 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Đề tài do PGS.TS. Trần Trung làm Chủ nhiệm, Học viện Dân tộc là cơ quan chủ trì nhiệm vụ.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

         Tham dự có đồng chí TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; các thành viên trong Hội đồng; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện cơ quan chủ quản và cơ quan chủ trì nhiệm vụ cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đề tài.

          Tại buổi nghiệm thu, PGS.TS Trần Trung , Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc đã trình bày tóm tắt nội dung Đề tài. Trong đó nhấn mạnh: hiện nay có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về dân tộc và CTDT trên thế giới và Việt Nam. Các công trình trên đã có những đóng góp tích cực về lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp những cứ liệu khoa học làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, CTDT. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về dân tộc, CTDTcòn bộc lộ những hạn chế nhất định, vẫn còn nhiều “khoảng trống” liên quan đến các nghiên cứu gắn với định hướng xây dựng chính sách cụ thể cho từng dân tộc, từng vùng và định hướng chiến lược quốc gia về chính sách dân tộc, CTDT. Vì vậy, hệ thống hoá, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc, CTDT là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng nhằm cung cấp luận cứ khoa học định hướng cho nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc, CTDT hiện nay.

          Bên cạnh đó, đề tài phân tích, đánh giá làm rõ những đóng góp và những tác động của công trình nghiên cứu đến việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn của CTDT; từ đó đề xuất các kiến nghị về dân tộc và CTDT cần được quan tâm nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn tới; tổng hợp, chắt lọc về các kiến nghị đã được các nghiên cứu đề xuất có thể làm luận cứ khoa học cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện CTDT, chính sách dân tộc của Việt Nam đến năm 2030; Từ đó, đề tài đề xuất hệ thống các giải pháp, định hướng cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện CTDT, chính sách dân tộc ở nước ta trong thời gian tới.

          Đóng góp ý kiến với Đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao quá trình nghiên cứu nghiêm túc của Ban Chủ nhiệm đề tài. Đề tài được thực hiện công phu và đáp ứng được nội dung đặt hàng, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn cao, cung cấp cơ sở khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách dân tộc, CTDT trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở giúp định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc trong thời gian tới. Để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu của đề tài, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài cần bổ sung các tài liệu nước ngoài liên quan đến vấn đề nghiên cứu; phần thực trạng phải làm rõ và phân tích các “khoảng trống” trong các nghiên cứu khi chưa đề ra được các kiến nghị, giải pháp gắn với thực tiễn vùng DTTS. Đồng thời, các kiến nghị, giải pháp cần xác định cụ thể, gắn với bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Sau khi nghiệm thu, kết qủa chắt lọc nghiên cứu của Đề tài cần chuyển giao cho cơ quan chức năng có liên quan sử dụng.

PGS.TS Trần Trung, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo nội dung tại Hội đồng

          Sau quá trình làm việc, đại diện Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, tất cả các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá Đề tài đạt ( tỷ lệ 100% ) và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng và ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc để tiếp tục hoàn thiện Đề tài theo Quy định./.

         

Hồng Hải

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068