Hiệu quả từ mô hình nuôi gà thả vườn gia trại liên kết theo chuỗi giá trị hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang

03/03/2021

     Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm thực hiện chính sách với người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong kỳ họp Quốc hội vừa qua có đến 25 Đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, khẳng định chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước luôn được quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo sau khi tham gia các mô hình phát triển kinh tế đều giảm đáng kể.

     Xuất phát từ quan điểm chủ trương đó, việc xây dựng dự án đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 theo Quyết định số 67/QĐ/UBDT/10/02/2020 của UBDT là hết sức cần thiết. Đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người đồng bào dân tộc thiểu số, Viện chiến lược và chính sách dân tộc, Học viện Dân tộc đã triển khai dự án: “Xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn gia trại liên kết theo chuỗi giá trị cho 12 hộ tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang” nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và cải tạo, nâng cao năng xuất cây trồng vườn tạp, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững tại địa phương.

     Từ những mục tiêu cụ thể đó Viện chiến lược và chính sách dân tộc phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, phòng Dân tộc, phòng Nông nghiệp, trạm Khuyến nông, Ủy ban nhân dân xã và đơn vị tham gia liên kết chuỗi giá trị, chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân theo phương thức cầm tay chỉ việc. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vỹ, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Dân tộc đã nhiều năm trăn trở với những khó khăn của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, ông đã thiết kế tìm ra hướng đi cùng đồng hành với bà con bằng cách xây dựng các mô hình chăn nuôi, theo hình thức thâm canh liên kết gắn với việc tiêu thụ sản phẩm của người dân, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa và gắn với thương hiệu gà đặc sản Kim Quan, đảm bảo chất lượng, chủ động từ khâu con giống, đến sản xuất gà thương phẩm và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm tăng thu nhập cho hộ dân.

Mô hình nuôi gà của Dự án

     Mô hình dự án nhằm hướng người nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, ổn định và bền vững tại Tuyên Quang. Ngoài ra thông qua dự án,  phong trào nuôi giun quế làm thức ăn cho gà tại địa phương cũng đang được phát triển mạnh.

     Bước đầu, có hơn 20 hộ tham gia nuôi gà theo tiêu chuẩn của dự án và đã đạt được kết quả cao và đang chuẩn bị bước vào thời vụ thu hoạch đúng dịp tết Nguyên Đán 2021. Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình dự án nuôi gà bằng giun quế là rất cao được bà con phấn khởi đón nhận, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và sự quyết tâm của các hộ sẽ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu bằng những cơ hội tập trung chăn nuôi gà và gia tăng sản xuất.

     Dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn huyện sẽ mở rộng áp dụng mô hình cho các địa bàn lân cận. Mô hình này phù hợp với người chăn nuôi chưa có được đầu tư quy mô khép kín, quy mô lớn nhưng có thể cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm chất lượng cao. Ban chủ nhiệm Dự án cũng hy vọng người chăn nuôi có thể tìm được mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình mình và mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

     Từ những kết quả thu được, chúng ta thấy được đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến trong phương thức chuyển đổi nghề hướng đến việc chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào cho đến lúc đầu ra của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm hàng hóa mới là khâu then chốt từ dự án.Với vốn kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi gà đúc kết được, một số hộ trong hơn 22 hộ tham gia nuôi gà của dự án đã có cuộc sống từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo./.

                                                                 ThS. Lê Thị Huyền

ThS. Lê Thị Thu Thanh

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068