Giới thiệu kết quả sáng kiến cấp cơ sở năm 2018: “Bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong dạy học toán ở trường trung học phổ thông”

16/10/2019

Chủ nhiệm đề tài: TS. La Đức Minh

Thời gian thực hiện: Năm 2018

Thời gian nghiệm thu: tháng 12 năm 2018

 

     Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, trong 54 dân tộc anh em có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 14,27% dân số cả nước. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống trên địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng nhưng so với cả nước nơi đây còn nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, chăm lo phát triển vùng DTTS. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các DTTS là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước. Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ những năm qua nguồn nhân lực các DTTS đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực các DTTS còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém: Lao động DTTS chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong và kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các DTTS còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, nếu làm tốt công tác dạy học và giáo dục ở bậc phổ thông sẽ là khâu quan trọng trong tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.

     Định hướng đổi mới phương pháp dạy học ngày nay xem việc học của học sinh là một quá trình hoạt động. Dạy học là việc tổ chức một môi trường, tạo ra những tình huống làm bộc lộ những nhiệm vụ cần giải quyết trước người học, kích thích họ hoạt động và kết quả là học sinh thu nhận được tri thức, rèn luyện được các kỹ năng, phát triển được trí tuệ và hình thành các phẩm chất tâm lý khác. Vì vậy, trong dạy học điều quan trọng là tổ chức cho học sinh học tập trong hoạt động và bằng hoạt đọng. Việc thiết kế các hoạt động, tạo môi trường cho học sinh được học tập trong hoạt động và bằng hoạt động là yêu cầu quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Lý luận dạy học hiện nay dựa trên quan niệm: mọi yếu tố tâm lý nói chung, tri thức nói riêng, của con người đều được hình thành thông qua quá trình hoạt động của chính người học. Để hình thành tri thức phương pháp cho học sinh cũng phải thực hiện dựa trên việc thiết kế và tổ chức thực hiện các hệ thống hoạt động từ đơn giản đến phức tạp.

     Nền giáo dục Việt Nam ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đều có sự quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học, đó chính là việc làm nâng cao chất lượng dạy học. Đối với trường phổ thông, dạy toán là dạy hoạt động toán học mà chủ yếu là hoạt động giải toán, việc giải toán thì mấu chốt là yếu tố phương pháp. Có thể khẳng định rằng tri thức phương pháp là đặc biệt cần thiết, vấn đề bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS đã được quan tâm. Song thực tiễn dạy học hiện nay, nhiều học sinh vẫn còn gặp khó khăn khi lĩnh hội và sử dụng các tri thức phương pháp vào thực hiện các hoạt động toán học. Do đó, vấn đề này cần được quan tâm, bồi dưỡng với đối tượng học sinh DTTS nhằm nâng cao chất lượng dạy học, góp phần tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS. 

     Mục tiêu nghiên cứu:

     Làm sáng tỏ khái niệm, vai trò, các mức độ biểu hiện và cách thức bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS trong quá trình dạy học môn Toán ở trường trung học phổ thông (THPT), góp phần nâng cao chất lượng dạy học toán.

     Phương pháp thực hiện:

- Nghiên cứu lý luận: Nghiên cứu tài liệu về dạy học tích cực, quan điểm hoạt động trong dạy học, các phương thức tiếp cận vấn đề trong dạy học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu chương trình môn Toán THPT,...

- Điều tra, quan sát: Sử dụng phiếu điều tra để tìm hiểu về thực trạng dạy học nói chung, thực trạng việc bồi dưỡng tri thức phương pháp nói riêng đối với học sinh DTTS.

     Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài và kết quả đã đạt được:

     Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn của việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh trong dạy học, đề tài tiếp cận bồi dưỡng tri thức phương pháp chính là hoạt động của giáo viên thông qua quá trình dạy học tổ chức cho học sinh tiến hành các hoạt động nhằm chiếm lĩnh tri thức phương pháp. Để bồi dưỡng một tri thức phương pháp nào đó cho học sinh, người giáo viên cần có cách thức phù hợp với nội dụng và mục tiêu dạy học, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, điều khiển hoạt động học tập để đạt được mục tiêu dạy học. Đó là học sinh chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo, phát triển năng lực mà còn bao hàm cả việc hình thành thế giới quan, phẩm chất đạo đức, khả năng thẩm mĩ…

     Nghiên cứu thực trạng của việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS trong dạy học môn Toán ở một số trường THPT hiện nay cho thấy: Giáo viên đã có những hiểu biết nhất định về lí luận của việc bồi dưỡng tri thức phương pháp Toán học; có quan tâm đến việc bồi dưỡng tri thức phương pháp trong dạy học toán và luôn thấy rằng việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS là rất cần thiết và rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học toán. Tuy nhiên, trong thực tế dạy học chưa có kĩ năng thiết kế các hoạt động bồi dưỡng tri thức phương pháp, chưa quan tâm xây dựng biện pháp bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh. Về phía học sinh có nhận thức tri thức phương pháp không được tốt; các kĩ năng giải toán và khả năng chiếm lĩnh tri thức chưa cao; học sinh chủ yếu học thụ động theo cách dạy của giáo viên; Việc giải các bài tập của học sinh được thực hiện theo khuôn mẫu sẵn có do giáo viên đưa ra chứ không do học sinh tự tìm tòi chiếm lĩnh. Một số giáo viên vẫn có chỗ, có lúc chưa đổi mới được phương pháp dạy học. Đang nặng về thuyết trình, chưa phát huy được năng lực chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh trong dạy học. Đặc biệt là việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh trong dạy học giải bài tập toán. Giáo viên thường nêu khái niệm  chung chung rồi áp đặt bài tập để học sinh giải, còn học sinh thì mò mẫm hoặc chờ đợi thầy hướng dẫn. Đồng thời, các bài tập trong sách giáo khoa chưa có nhiều dạng bài tập đòi hỏi học sinh tư duy nhiều trong quá trình giải.

     Vì vậy, giáo viên cần phải đổi mới từ cách soạn giáo án, đổi mới cách dạy, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đối với chất lượng đại trà của học sinh còn yếu. Số học sinh tự mình tiếp thu và giải được các bài toán không nhiều. Hầu hết chưa lựa chọn đúng phương pháp sử dụng kiến thức để ứng dụng vào giải bài tập Toán. Vì vậy, dẫn đến việc kiến tạo nên hệ thống các bài toán có phần bị hạn chế. Chẳng hạn: Yếu về định hướng biến đổi giải các bài toán; Yếu về năng lực nhận dạng và xác định phương pháp giải toán; Yếu về năng lực chuyển đổi bài toán; Ngoài ra trong quá trình giải bài tập Toán, học sinh thường yếu trong việc chuyển đổi ngôn ngữ, yếu về khả năng quy lạ về quen. Dẫn đến, việc khai thác các bài toán và hệ thống các bài toán liên quan sẽ gặp khó khăn; đồng thời sẽ dẫn đến những sai lầm có thể mắc phải. Đây chính là những cơ sở thực tiễn giúp chúng tôi có cơ sở đề xuất các biện pháp bồi dưỡng tri thức phương pháp trong dạy học Toán cho học sinh DTTS.

     Đề tài đã thu được một số kết quả chính sau đây:

     Về mặt lý luận:

- Làm sáng tỏ khái niệm tri thức phương pháp, bồi dưỡng tri thức phương pháp và vai trò của tri thức phương pháp trong dạy học môn Toán đối với học sinh DTTS.

- Làm rõ các dạng thức của tri thức phương pháp cần bồi dưỡng cho học sinh DTTS.

- Làm rõ việc bồi dưỡng tri thức phương pháp có thể thực hiện được thông qua các cách thức thông qua hoạt động dạy học. Xác định rõ các tư tưởng chủ đạo của việc bồi dưỡng tri thức phương pháp.

Về mặt thực tiễn:

- Khẳng định rõ vai trò của việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS trong dạy học môn Toán ở trường THPT.

- Làm rõ bốn định hướng bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS trong dạy học toán

Thứ nhất, việc bồi dưỡng tri thức phương pháp cho học sinh DTTS phải được dựa trên cơ sở nội dung Chương trình, SGK, chuẩn kiến thức kỹ năng hiện hành; Hệ thống các biện pháp phải thể hiện rõ ý tưởng góp phần làm cho HS nắm vững các tri thức, kĩ năng của môn học.

Thứ hai, chúng tôi quan niệm bồi dưỡng tri thức phương pháp bao gồm việc thực hiện hai hoạt động chủ yếu: hoạt động hình thành tri thức phương pháp; hoạt động củng cố và vận dụng tri thức phương pháp. Trong đó quan tâm bồi dưỡng các tri thức phương pháp sau: tri thức phương pháp có tính chất thuật giải, tri thức phương pháp có tính chất tính chất đoán.

Thứ ba, việc bồi dưỡng tri thức phương pháp phải thể hiện rõ dụng ý tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh DTTS và những yêu cầu của định hướng đổi mới phương pháp môn Toán THPT; Hệ thống các biện pháp phải thể hiện tính khả thi, có thể thực hiện được trong quá trình dạy học.

Thứ nhất, việc bồi dưỡng tri thức phương pháp phải thể hiện rõ việc xác định vai trò của người thầy với tư cách là người thiết kế, ủy thác, điều khiển và thể chế hóa nhằm khích lệ học sinh học tập; Trong quá trình thực hiện các biện pháp, cần quan tâm đúng mức tới việc tăng cường hoạt động cho người học, phát huy tính tích cực, độc lập cho người học. Góp phần nâng cao chất lượng dạy học Toán cho học sinh DTTS ở trường THPT.

Để cụ thể hóa các định hướng trên đề tài đề xuất 05 biện pháp, bao gồm:

Biện pháp 1: Kết hợp việc thông báo tường minh hệ thống tri thức phương pháp với tổ chức cho học sinh những hoạt động ăn khớp với tri thức phương pháp quy định trong chương trình.

Biện pháp 2: Tạo các tình huống để học sinh luyện tập vận dụng các tri thức phương pháp có tính thuật giải theo các cấp độ tăng dần mức độ khó khăn.

Biện pháp 3: Tổ chức cho học sinh hoạt động hình thành tri thức phương pháp thông qua sử dụng bảng gợi ý của G. Pôlya về phương pháp tìm tòi lời giải bài toán.

Biện pháp 4: Luyện tập cho học sinh khả năng huy động kiến thức nhờ hoạt động liên tưởng để hình thành tri thức phương pháp mới thông qua phát triển và mở rộng bài toán.

Biện pháp 5: Xây dựng một số chuyên đề toán học để khai thác hiệu quả hoạt động tự học, hoạt động hợp tác nhằm bồi dưỡng khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của học sinh.

Các sản phẩm chính của đề tài gồm: báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng hợp, thể hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu nghiên cứu của đề tài; 01 bài báo đăng trên Tạp chí Nghiên cứu dân tộc.

     Kết luận:

Đề tài đã nghiên cứu, đề xuất các biện pháp sư phạm nhằm vận dụng một cách linh hoạt các định hướng dạy học tích cực vào việc bồi dưỡng tri thức phương pháp trong dạy học môn Toán cho học sinh DTTS ở trường THPT. Hướng nghiên cứu của đề tài là mở, các biện pháp trên có thể cụ thể hóa việc thực hiện chúng trong các môi trường dạy học khác nhau./.

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068