Giới thiệu kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở năm 2021: Nghiên cứu mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

26/06/2022

ThS. Hàn Thị Minh Thảo

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, dần được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều chính sách trong quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS&MN vẫn còn chậm phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm công tác dân tộc ít được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, năng lực, kỹ năng liên quan đến công tác dân tộc, hiểu biết về đồng bào và văn hoá của các DTTS còn nhiều hạn chế.

Trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khoá IX về công tác dân tộc, Đảng ta khẳng định một số quan điểm cơ bản về công tác dân tộc trong thời kỳ mới: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam; Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”.

Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Ngày 19/6/2020 Quốc hội phê duyệt Nghị quyết số 120/2020/QH14 chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN. Có thể thấy, việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4 nhóm đối tượng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn; chất lượng lãnh đạo, quản lý, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Học viện Dân tộc được Ủy ban Dân tộc giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC làm công tác dân tộc. Trước những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, vấn đề “Nghiên cứu mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030” thực sự cần thiết để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra cho vùng DTTS&MN.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu áp dụng hai phương pháp chủ yếu là nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phương pháp chuyên gia. Trong đó, việc nghiên cứu tài liệu thứ cấp được áp dụng với hệ thống quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, bồi dưỡng kiến thức dân tộc; Tài liệu về mô hình bồi dưỡng CBCCVC. Phương pháp chuyên gia được áp dụng trong tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc và đề xuất các giải pháp thực hiện mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Dân tộc giai đoạn 2018 - 2020

3.1.1. Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4 nhóm đối tượng

Thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với CBCCVC giai đoạn 2018 - 2025” (theo Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ), trong giai đoạn 2018 - 2020, Học viện Dân tộc đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 ở địa phương theo mô hình bồi dưỡng tập trung thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch đến thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện. Cụ thể:

- Bố trí giảng viên giảng dạy (giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng), cung cấp tài liệu cho học viên, ra đề và tổ chức cho học viên viết bài thu hoạch, chấm bài thu hoạch, đánh giá kết quả học tập của học viên, cấp chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa học.

- Phối hợp với Ban Dân tộc các tỉnh chiêu sinh học viên, mỗi lớp khoảng 40 - 50 học viên và tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế tại địa phương.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lớp học (tại địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng).

- Hình thức bồi dưỡng trực tiếp, theo đó học viên phải dành toàn bộ thời gian học tập trên lớp theo quy định của chương trình bồi dưỡng, thời gian 5 ngày trong đó có 01 ngày đi nghiên cứu thực tế.

3.1.2. Kết quả bồi dưỡng

Giai đoạn 2018 - 2020, Học viện Dân tộc đã tổ chức được 115 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 ở địa phương với 2.980 lượt học viên, cụ thể [1]:

Năm 2019, tổ chức được 43 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3 và đối tượng 4 với 1.182 học viên, trong đó đối tượng 3 gồm 20 lớp với 543 người; đối tượng 4 gồm 23 lớp với 639 người. Địa điểm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc tại 21 tỉnh, thành phố gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai; Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2020, tổ chức được 72 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3 và đối tượng 4 tại 26 tỉnh, thành phố với tổng số 1.798 học viên, trong đó đối tượng 3 là 24 lớp; đối tượng 4 là 48 lớp. Địa điểm tổ chức các lớp bồi dưỡng gồm 26 tỉnh: Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tuyên Quang, Bình Phước, Bình Định, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Kiên Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Kết quả trên cho thấy trong 2 năm 2019, 2020, Học viện Dân tộc đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, CBCCVC thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 của 11 tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang, Long An, Ninh Bình chưa được bồi dưỡng kiến thức dân tộc. Cùng với đó, việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 1 và nhóm đối tượng 2 và nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 ở các bộ, ngành cũng chưa được tổ chức. Như vậy có thể thấy, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 4 nhóm đối tượng thời gian qua chưa thực sự hợp lý.

3.1.3. Đánh giá chung về mô hình tổ chức bồi dưỡng tập trung mà Học viện Dân tộc đã thực hiện

- Ưu điểm: Học viên được giảng viên giải đáp các vấn đề chưa rõ ngay tại lớp; Học viên và giảng viên có thể trao đổi trực tiếp về bài học, xử lý tình huống trong công việc.

- Hạn chế: Số lượng học viên tham gia bị giới hạn, thường chỉ khoảng 40 -50 học viên; Học viên ở xa nơi tổ chức lớp, việc đi lại, ăn nghỉ gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí và thời gian đi lại; Số lượng giảng viên cơ hữu của Học viện Dân tộc còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, thời gian qua phải mời giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc; Học viện Dân tộc tổ chức lớp bồi dưỡng ở địa phương chi phí rất lớn với nhiều mục như: Tiền ăn, ở, xe đi lại, máy bay... cho giảng viên cơ hữu, ban tổ chức lớp, chi phí cho giảng viên thỉnh giảng, chi phí thuê hội trường, trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Với kết quả bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4 nhóm đối tượng đã đạt được trong 2 năm 2019 - 2020 theo mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc như hiện nay của Học viện Dân tộc chưa đáp ứng được yêu cầu của bồi dưỡng kiến thức dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT -XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

3.2. Đề xuất mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4 nhóm đối tượng

3.2.1. Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 1

Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung lồng ghép với các chương trình lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: Người học được bồi dưỡng kiến thức dân tộc lồng ghép với các chương trình lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo các hình thức do đơn vị tổ chức bồi dưỡng thực hiện (hình thức bồi dưỡng trực tiếp hoặc trực tuyến tập trung, hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến hoặc từ xa).

Học viện Dân tộc phối hợp với các cơ sở bồi dưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Hành chính quốc gia) thống nhất phân công địa bàn phụ trách tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các Học viện; Các cơ sở bồi dưỡng lập kế hoạch; chiêu sinh học viên; bố trí giảng viên giảng dạy; tổ chức bồi dưỡng; đánh giá kết quả bồi dưỡng của học viên; cấp chứng chỉ và quản lý các đối tượng đã hoàn thành bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

Về tài liệu bồi dưỡng: Học viện Dân tộc gửi tài liệu cho học viên qua email, hoặc qua các phần mềm; đưa tài liệu lên Cổng thông tin điện tử của Học viện, học viên có thể tra cứu tài liệu; Hoặc gửi tài liệu thông qua cơ sở bồi dưỡng.

Các cơ sở bồi dưỡng báo cáo kết quả bồi dưỡng gửi về Học viện Dân tộc để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc.

3.2.2. Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 2 thuộc các Bộ, ngành Trung ương

Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung lồng ghép với các chương trình lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước.

Các cơ sở bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 2 thuộc các Bộ, ngành chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác bồi dưỡng: lập kế hoạch; chiêu sinh học viên; bố trí giảng viên giảng dạy và các điều kiện khác phục vụ công tác bồi dưỡng.

Về tài liệu bồi dưỡng, Học viện Dân tộc gửi tài liệu cho học viên qua email, hoặc qua các phần mềm; đưa tài liệu lên Cổng thông tin điện tử của Học viện, học viên có thể tra cứu tài liệu; Hoặc gửi tài liệu thông qua cơ sở bồi dưỡng.

Các cơ sở bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng lồng ghép với các chương trình lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo các hình thức do đơn vị tổ chức bồi dưỡng lựa chọn (hình thức bồi dưỡng trực tiếp hoặc trực tuyến tập trung, hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến); Đánh giá kết quả bồi dưỡng của học viên; Cấp chứng chỉ và quản lý các đối tượng đã hoàn thành bồi dưỡng kiến thức dân tộc, gửi kết quả bồi dưỡng về Học viện Dân tộc để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc.

3.2.3. Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 2 ở địa phương

Mô hình tổ chức bồi dưỡng bán tập trung: Học viên học tập trung 3 ngày kết hợp tự nghiên cứu tài liệu.

Học viện Dân tộc gửi tài liệu cho học viên trước khi học tập trung 5 - 7 ngày thông qua các cơ sở bồi dưỡng để học viên tự nghiên cứu tài liệu, hoặc gửi tài liệu qua email, các phần mềm học tập.

Tổ chức bồi dưỡng tập trung 3 ngày: Các cơ sở bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc 3 ngày tập trung. Đối với Học viện Dân tộc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị khu vực I nên tổ chức bồi dưỡng trực tuyến; Đối với Học viện Chính trị khu vực II, III, IV và các phân viện thuộc Học viện Hành chính quốc gia nên tổ chức bồi dưỡng trực tiếp hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Cơ sở bồi dưỡng sẽ lựa chọn hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tiễn.

3.2.4. Mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4

Mô hình tổ chức bồi dưỡng tập trung: Học viên học tập trung 4 ngày (theo hình thức bồi dưỡng trực tuyến hoặc trực tiếp, hoặc kết hợp cả 2 hình thức) và 1 ngày đi nghiên cứu thực tế tại địa phương.

Học viện Dân tộc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị khu vực I tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, 4 thuộc các bộ, ngành.

Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị khu vực II, III, IV và các phân viện thuộc Học viện Hành chính quốc gia tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, 4 của các địa phương.

Các cơ sở bồi dưỡng  chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác bồi dưỡng: Lập kế hoạch; Chiêu sinh học viên; Bố trí giảng viên giảng dạy và các điều kiện khác phục vụ công tác bồi dưỡng.

Các cơ sở bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng, tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, ra đề và tổ chức cho học viên viết bài thu hoạch, chấm bài thu hoạch, đánh giá kết quả học tập học viên, cấp chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa học.

3.3.Một số giải pháp chủ yếu nâng cao kết quả thực hiện mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đối với 4 nhóm đối tượng

- Xây dựng và hoàn thiện chính sách bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC đối với 4 nhóm đối tượng.

- Xây dựng và hoàn thiện chương trình tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC đối với 4 nhóm đối tượng.

- Kiện toàn đội ngũ giảng viên giảng dạy kiến thức dân tộc đảm bảo số lượng, chất lượng.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC làm công tác dân tộc.

- Xây dựng cơ chế quản lý bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4 nhóm đối tượng đồng bộ, hiệu quả.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Học viện Dân tộc và các cơ quan đơn vị trong tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

- Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

4. Thảo luận

Để các mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC thuộc 4 nhóm đối tượng khả thi và hiệu quả, dựa vào nghiên cứu thực tế, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất sau:

4.1 Đối với Ủy ban Dân tộc

- Cần sớm ban hành văn bản pháp lý về hướng dẫn thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với CBCCVC giai đoạn 2018 - 2025” (theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.

- Phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản quy định kết quả bồi dưỡng kiến thức dân tộc là một trong các tiêu chí đánh giá CBCCVC làm công tác dân tộc ở các Bộ, ngành, địa phương hàng năm.

- Xây dựng cơ chế quản lý bồi dưỡng kiến thức dân tộc, phân định rõ chức năng của từng cơ quan, đơn vị.

4.2. Đối với Học viện Dân tộc         

- Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Học viện Dân tộc với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, với các bộ, ban, ngành, địa phương để tạo được sự nhất trí cao trong công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc;.

- Xây dựng cơ chế quản lý bồi dưỡng kiến thức dân tộc, phân định rõ chức năng của từng đơn vị trong Học viện Dân tộc.

- Cần sớm triển khai số hóa chương trình tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc để giảng viên các cơ sở bồi dưỡng kiến thức dân tộc, CBCCVC làm công tác dân tộc có thể truy cập, tìm kiếm tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập, làm tài liệu tham khảo.

5. Kết luận

Học viện Dân tộc là đơn vị mang sứ mệnh là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam về nghiên cứu chiến lược, chính sách dân tộc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc trong nước và quốc tế. Học viện được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ CBCCVC làm công tác dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên, Học viện Dân tộc cần tổ chức tốt việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ CBCCVC làm công tác dân tộc.

Việc xây dựng mô hình tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc và đề xuất giải pháp thực hiện mô hình trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2019). Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ban hành ngày 30/10/ 2019, Hà Nội.

2. Học viện Dân tộc (2021). Báo cáo số 55/BC-HVDT về Kết quả thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 và Kế hoạch năm 2021 thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 -2025”,ban hành ngày 3/5/2021, Hà Nội.

3.Quốc hội (2020). Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ban hành ngày 19/6/2020, Hà Nội.

4. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 771/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”, ban hành ngày 26/6/2018, Hà Nội.

 


[1] Báo cáo số 55/BC-HVDT ngày 3/5/2021 của Học viện Dân tộc về Kết quả thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 và Kế hoạch năm 2021 thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068