19/07/2022
Nguyễn Thị Diệpa
Hà Ánh Phượngb
a Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Email: ngoc.19792002@gmail.com
b Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Email: mievn.phuongha@vief.edu.vn
DOI: https://doi.org/10.54163/0866-773X/687
Di sản văn hóa của các dân tộc ít người là những giá trị vật chất và tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của dân tộc thiểu số, là bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa của các dân tộc ít người. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số nói chung và các dân tộc ít người nói riêng có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng. Khẳng định việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”, Đảng ta nhấn mạnh văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm giá trị văn hóa vốn có của dân tộc.
Từ khóa: Giải pháp; Bảo tồn văn hóa; Các dân tộc ít người; Dân tộc thiểu số; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, trong đó có các dân tộc ít người nói riêng ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua nhiều chương trình, đề án, chính sách đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa. Điều đó cho thấy, đời sống của đồng bào các DTTS từng bước được nâng lên rõ rệt, diện mạo vùng cao ngày càng đổi mới, phát triển, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cũng được ngành văn hóa, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Để các di sản văn hóa truyền thống thực sự được gìn giữ, bảo tồn, phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, rất cần một lộ trình dài hơi với nhiều giải pháp thiết thực. Đặc biệt, gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2299/QÐ-BVHTTDL, ngày 16/8/2021, ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS, trong đó có văn hóa các DTTS ít người sẽ được cụ thể hóa trong dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch dân tộc” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
2. Tổng quan nghiên cứu
Vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS ít người đã được nhiều tác giả, nhà khoa học nghiên cứu, trong đó phải kể đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội; Viện Dân tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội; Lê Ngọc Quyền (2000), Trang phục truyền thống của người Si La, Tạp chí Dân tộc học, số 2; Đặng Nghiêm Vạn (2002), Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam, trong: “Tính đa dạng văn hóa của Việt Nam - Những tiếp cận về sự bảo tồn”, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Minh Duy (2005), Bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số ít người, Tạp chí Dân tộc điện tử, ra ngày 19/03/2005; Trần Văn Ái, Hoàng Hoa Toàn, Nguyễn Cảnh Phương (2006), Văn hóa người Pu Péo, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội; Phan Văn Hùng (2007), Dân tộc Rơ-măm truyền thống và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội; Trịnh Quang Cảnh (2009), Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ, “Đánh giá hiệu quả của một số dự án bảo tồn và phát triển một số dân tộc rất ít người (Si La, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ-đu); Nguyễn Thị Ngân, Tô thị Thu Trang (2009), Tìm hiểu văn hóa người Giẻ-Triêng, Brâu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội; Hoàng Nam (2011), Tổng quan văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội; Lê Hải Đăng và cộng sự (2016), Dân tộc Pu Péo, in trong “Các dân tộc ở Việt Nam, tập 2: Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Ka đai”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; Bùi Thị Bích Lan (2021), Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội; Phương Hiền (2021), Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, Báo điện tử Quân đội nhân, ra ngày 20/06/2021… Các công trình nghiên cứu trên đã đề cập nhiều đến văn hóa của các dân tộc ít người, vấn đề bảo tồn và phát triển của một số DTTS ít người, các DTTS rất ít người… Từ những khoảng trống các công trình nghiên cứu trước chưa đề cập, bài viết này đề cập và phân tích sâu hơn một số vấn đề nhận diện giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS ít người ở nước ta, đồng thời bàn luận thêm một số giải pháp chủ yếu là tiền đề, cơ sở khoa học quan trọng góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các DTTS ít người ngày càng hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài viết này, tác giả sử dụng một số phương pháp cơ bản như: Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp; Phương pháp tổng hợp, phân tích các tài liệu có liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ít người trong bối cảnh hội nhập hiện nay nhằm làm rõ và đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS ít người ở Việt Nam hiệu quả và bền vững trong giai đoạn tới.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Một số nhận diện về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ít người ở nước ta
Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng cũng có sự tác động làm biến dạng, biến đổi giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Trong đó, tiếng nói, chữ viết, trang phục, không gian văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước sự mai một, mất dần bản sắc. Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống… Trước thực trạng này, để sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc cần xác định các nội dung văn hóa, văn học, văn nghệ truyền thống nhằm bảo tồn, giữ gìn, phục dựng. Từ đó lựa chọn ưu tiên trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc, cái gì làm trước, làm ngay, cái gì làm sau… Đồng thời, xác định hình thức, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong đời sống cộng đồng và đời sống xã hội.
Do có vai trò, vị thế quan trọng nên việc ra sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS là vấn đề cấp bách và thường xuyên đặt ra.
Tây Nguyên chứa đựng kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên hết sức phong phú, đa dạng. Di sản văn hóa này không chỉ tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam và là một bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại. Đây là địa bàn phân bố và bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam được tôn vinh là di sản thế giới.
Theo hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm 12 tộc người tại chỗ cư trú trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Tiếng nói của các tộc người này thuộc hai ngữ hệ lớn ở Đông Nam Á là Nam Á (Austroasian - gồm các tộc người đại diện nhóm Ba na, Xơ-Đăng, Hrê, Cơ-ho, Mnông, Xtiêng, Cơ-tu, Gié-Triêng, Brâu, Rơmăm và Nam Đảo (Austronesian - bao gồm Gia-rai, Ê-đê, Ra-glai, Chăm, Chu ru). Ngoài ra, văn hóa cồng chiêng còn lan tỏa đến một số tộc người sống ở các tỉnh lân cận của miền Trung - Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước.
Các tộc người thiểu số ở đây quan niệm rằng, cộng đồng của họ gồm hai nửa: nửa của con cháu đang sống ở trong các p’lei, bon, buôn ở phía Đông và nửa của tổ tiên đã chết nhưng vẫn bất tử trong các nhà mồ ở phía Tây. Họ sống trong một không gian ấy cùng với sự bảo trợ, che chở của các vị thần linh và âm thanh cồng chiêng chính là phương tiện giao tiếp, kết nối và thông đạt giữa con người với thế giới thần linh. Đối với họ mỗi cái cồng chiêng đều có một vị thần trú ngụ.
Tây Nguyên còn nổi tiếng có kho tàng văn học truyền miệng với nhiều thể loại phong phú, trong đó tiêu biểu nhất là kho tàng sử thi “sống” trong đời sống của các tộc người Tây Nguyên. Đây được coi là là vùng sử thi duy nhất ở Việt Nam và là vùng sử thi hiếm quý trên thế giới.
Thời gian qua, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước phục dựng các lễ hội cồng chiêng, cũng như các lễ hội truyền thống đặc sắc khác như: mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, mừng sức khỏe và cầu mưa… Đồng thời đã tiến hành bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến nhiều tư liệu, khảo cứu có giá trị và các hiện vật đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Các tỉnh trong khu vực cũng đã tiến hành tổng kiểm kê số lượng cồng chiêng và mở nhiều lớp truyền dạy loại hình âm nhạc độc đáo này cho đồng bào các DTTS tại chỗ.
Đặc biệt, sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005 và năm 2008 được tuyển chọn vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các ban ngành hữu quan, cơ quan quản lý văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những chủ trương xây dựng các đề án, đặt ra chương trình nghiên cứu tập trung, cụ thể gồm ba nhóm việc: Sưu tầm và nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy, Truyền dạy và quảng bá giá trị di sản này.
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên, thì nhìn chung - đời sống văn hóa của bà con các tộc người thiểu số tại đây cũng đã và đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần quan tâm, giải quyết. Về cơ bản, cùng với thay đổi môi trường sống - từ xã hội bộ tộc sang xã hội hiện đại, sự phân hóa giàu nghèo về kinh tế càng tác động dữ dội đến đời sống văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Theo đó, rừng bị tàn phá nhanh cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở đây. Bản sắc văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên đang dần bị mai một. Các giá trị văn hóa vật thể độc đáo, cũng mất dần: nhà cửa, trang phục hoặc đơn giản hóa hoặc mô phỏng theo miền xuôi.
4.2. Giải pháp nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ít người trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay
Bảo tồn gắn với phát triển bền vững nghĩa là cần đề cập vấn đề phát triển hướng tới con người, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, đó là phát triển năng lực sáng tạo của con người, cải thiện chất lượng sống của con người (cả về vật chất lẫn tinh thần), thiết lập và củng cố các thiết chế văn hóa - xã hội có lợi nhất cho con người, tạo sự tham gia bình đẳng cho tất cả các cá nhân trong xã hội. Đó là phương thức đúng đắn nhất để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bảo tồn giá trị văn hóa, di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là sự khẳng định vai trò và vị trí xứng đáng của nó trong đời sống xã hội hiện đại.
Nội hàm khái niệm giá trị văn hóa truyền thống chỉ ra rằng, chúng ta nhất thiết phải tận dụng, phát huy tính hữu dụng và khả năng liên kết cộng đồng, định hướng tư duy, hành động xã hội của giá trị phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao lưu quốc tế. Và do đó chúng ta cần duy trì nguyên tắc phát triển bền vững.
Phát triển bền vững được xác định như là khả năng phát triển kinh tế liên tục, lâu dài mà không gây hậu quả tới môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội. Ngược lại phát triển kinh tế không có chừng mực hoặc thái quá, thiên về tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, xói mòn đạo đức, lu mờ bản sắc văn hóa. Một khi đạo đức xã hội bị băng hoại và suy thoái sẽ tạo ra lực cản, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển. Đến một thời điểm nào đó, chợt nhận ra rằng bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị lu mờ thì khả năng ngăn chặn và phục hồi càng bị thu hẹp lại hoặc giả sử nếu có từng bước làm hồi sinh lại cũng sẽ tốn kém hoặc giả sử có từng bước làm hồi sinh lại cũng sẽ tốn kém vượt lực lượng vật chất quá lớn, trong khi tài sản văn hóa “vốn văn hóa” bị hao hụt, để lại khoảng trống tinh thần cho thế hệ mai sau.
Việc phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống chỉ đáp ứng nhu cầu của con người về mặt sinh học, tạo cho con người một thể chất tốt gen di truyền sinh học, nhưng để con người sống hài hòa với thiên nhiên và xã hội, có thể lao động sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng và nhân loại thì nhất thiết phải duy trì, nuôi dưỡng “gen di truyền văn hóa”. Và di sản văn hóa mà đại diện tiêu biểu nhất là các giá trị văn hóa truyền thống ẩn chứa, “vật chất hóa” hoặc kết tinh trong di sản văn hóa hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo nâng cao năng lực sáng tạo, sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của con người. Do đó, việc tạo lập sự hài hòa trong “cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển, đòi hỏi tính đồng bộ, nghĩa là phải đưa ra các cơ chế, chính sách, các điều kiện liên kết các giải pháp có khả năng tác động thúc đẩy lẫn nhau hướng đến mục tiêu chung như: (1) Bảo tồn di sản văn hóa phải tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh cho phát triển kinh tế chứ không nhân danh bảo tồn di sản văn hóa mà cản trở phát triển; (2) Phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với đời sống xã hội, coi việc phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của con người là mục tiêu chung cần phấn đấu; (3) Phát triển không được xâm hại tới di sản văn hóa và làm suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống, ngược lại còn phải tạo lập cơ sở vật chất cho sáng tạo văn hóa.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được những năng lực căn bản sau:
Một là, khả năng nhận diện và xác định các mặt giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của cộng đồng quốc gia dân tộc.
Hai là, khả năng bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống lên tầm cao mới, đồng thời sáng tạo các giá trị văn hóa phù hợp với nhu cầu thời đại, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Ba là, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bốn là, khả năng chỉ ra những mặt hạn chế của truyền thống với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Và một khi đã nhận ra hạn chế thì rất cần dũng cảm thay đổi để có thể thích ứng với xã hội hiện đại.
Để biến các khả năng nêu trên thành hiện thực, con người cần được giáo dục, học tập lối sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, biết yêu thương đồng loại, quý trọng bản sắc văn hóa dân tộc, biết cách tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại và đặc biệt có thái độ trân trọng, khoan dung, chấp nhận sự khác biệt văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cần nhận thức rõ giao lưu văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để hòa nhập với nhân loại, khẳng định rõ vị thế và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Về bản chất, giao lưu văn hóa là nguồn gốc, là điều kiện cần thiết kiến tạo tinh thần hòa hợp, hòa bình, khoan dung và đối thoại văn hóa bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, một khi các quốc gia đã thiết lập được sự đối thoại bình đẳng, cởi mở, đã có sự hiểu biết và cảm thông lẫn nhau, đặc biệt là thực lòng chấp nhận sự đa dạng, sự khác biệt về văn hóa của nhau thì chắc chắn có thể hạn chế, tiến đến ngăn chặn được những xích mích không đáng có, những va chạm xung đột không cần thiết nhưng có thể dẫn tới thảm họa cho cả nhân loại như: xung đột sắc tộc, tôn giáo, văn hóa…
Theo quan niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giao lưu văn hóa phải biết tiếp thu cái hay của người khác, bổ sung cho cái thiếu hụt của mình, tạo tiền đề cho phát triển đất nước. “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi văn hóa thật có tinh thần thuần Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.
Còn nhà văn hóa nổi tiếng người Senegal - GS. Leopold Sendar Senghor quan niệm rằng “về bản chất văn hóa, chúng ta đều là những người lái và mỗi người đều lái theo cách riêng của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta nếu không bị lai phối về dòng máu và chủng tộc thì cũng bị lai phối về văn hóa và trên thực tế, không thể có một nền văn hóa nào được coi là thuần chủng, là biệt lập hoàn toàn với các nền văn hóa khác”.
Trong giao lưu văn hóa cần giữ vững nguyên tắc, sự trao đổi và đối thoại văn hóa là bình đẳng, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ và chấp nhận, tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, tạo cơ sở để giải quyết xung đột và điều hòa lợi ích chung. Chúng ta không bao giờ chấp nhận sự áp đặt tiêu chuẩn, giá trị văn hóa từ bất kỳ quốc gia nào cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, cần tiếp nhận và chọn lọc cái hay của dân tộc khác, bổ sung cái mình không có hoặc thiếu hụt. Đồng thời, giao lưu, tiếp biến văn hóa còn phải nhìn nhận từ khía cạnh trao/cho và cống hiến cái riêng có của mình, cái cần thiết và có ích cho người nhận. Người ta gọi đó là giao lưu bằng bản sắc văn hóa dân tộc.
Lịch sử phát triển văn hóa của nhân loại cho thấy, sự vận động của giá trị và hệ giá trị có tính liên tục, chúng phát triển và biến đổi tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và lịch sử - xã hội của từng quốc gia. Sự vận động và biến đổi của giá trị và hệ giá trị được vận hành chủ yếu qua con đường sáng tạo, giao lưu và tiếp biến văn hóa. Do đó ta phải xem xét chúng trong mối quan hệ tương tác giữa các giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc thù của dân tộc với các giá trị văn hóa mang tính phổ quát toàn nhân loại.
Theo nhận xét của GS. Phan Ngọc, người Việt tiếp thu nhanh và ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, nhưng không đi đến tận cùng chân lý mà gạt bỏ những cấu trúc phức tạp, diệu vợi, khó hiểu nhằm giải quyết những vấn đề có tính tình huống do thực tế đặt ra. Khả năng đó chỉ hữu dụng trong thời kỳ chiến tranh giữ nước, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Song với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cần đổi mới, khắc phục mặt hạn chế nêu trên nhằm kiến tạo nên cách ứng xử, văn hóa mới - “văn hóa hòa bình”. Do đó, Việt Nam có xu hướng “dân gian hóa” các học thuyết, lý thuyết đến từ nước ngoài để chúng mang tính phổ cập dễ hiểu, dễ nhớ cho đại chúng là những người nông dân ở làng quê. Xu hướng “dân gian hóa” hoặc phương cách xử lý theo tình huống không còn phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, chúng ta phải tạo lập phương thức hoạt động mới, mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả trong giao lưu quốc tế cũng như sáng tạo văn hóa. Hoạt động thật sự chuyên nghiệp, có bài bản theo một chiến lược dài hơi được xác định, theo những quy hoạch tổng thể và kế hoạch hành động được xây dựng trên cơ sở gắn kết lý luận với nhu cầu thực tiễn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là tiền đề quan trọng để thiết lập sự hài hòa “cân bằng động” giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững.
Tôn trọng và phát huy vai trò của cộng đồng các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong công ước quốc tế bảo vệ đa dạng văn hóa năm 2003, UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và cho rằng “không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Đồng thời, UNESCO cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và những hiểu biết sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống trong việc thực hành và truyền dạy, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính chất quyết định trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Các nhà khoa học quan niệm, cộng đồng là một thực thể xã hội với tư cách là một cơ cấu tổ chức của các cá nhân tự nguyện cùng chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm chung, đồng thời lại ràng buộc, liên kết với nhau qua các đặc điểm chung về không gian sinh tồn và các điều kiện lịch sử cụ thể, được thiết lập thông qua tương tác và trao đổi giữa các thành viên trong suốt quá trình cộng sinh và phát triển. Mọi người cho rằng, môi trường sinh thái - nhân văn nơi cộng đồng cư trú lâu dài, lợi ích kinh tế cũng như sinh kế, truyền thống và mối quan tâm chung là những nhân tố ràng buộc và liên kết các thành viên cộng đồng một cách bền chặt, lâu dài.
Bảo tồn gắn với phát triển bền vững tức là phải đề cập vấn đề phát triển hướng tới con người, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, đó là phát triển năng lực sáng tạo của con người, cải thiện chất lượng sống của con người (cả về vật chất lẫn tinh thần), thiết lập và củng cố các thiết chế văn hóa - xã hội có lợi nhất cho con người, tạo sự tham gia bình đẳng cho tất cả các cá nhân trong xã hội. Đó là phương thức đúng đắn nhất để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và các DTTS ít người nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
5. Thảo luận
Trong vấn đề bảo vệ và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS nói chung, các DTTS ít người nói riêng, ngoài sự tự thân vận động của cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp phải có trách nhiệm tạo lập hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học hướng dẫn chuyên môn hoặc thực hiện các chương trình “giáo dục di sản”, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hiểu biết về pháp luật, giúp cho cộng đồng nhận diện sâu sắc hơn nữa về giá trị văn hóa mà họ đang nắm giữ. Đích hướng tới cần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tạo lập sự gắn kết lòng người, đồng thuận xã hội, đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đó là những tiền đề quan trọng nhất cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nói chung và các DTTS ít người nói riêng đối với sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
6. Kết luận
Xu hướng tất yếu trong thời gian tới là các quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù, bản sắc văn hóa dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hóa về văn hóa, đồng thời chọn lọc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Từ sự nỗ lực của bản thân mỗi dân tộc, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, từ sự giúp đỡ của các dân tộc anh em, sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế, nên các DTTS nói chung và các DTTS ít người ở Việt Nam nói riêng dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn tồn tại và đứng vững. Trải qua nhiều thế hệ, mặc dù có số dân ít so với các DTTS khác trong cả nước, nhưng họ đã có những đóng góp tích cực trong quá trình khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ta trong suốt hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống Mỹ và Pháp. Bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú là bởi sự hiện diện, góp mặt của văn hóa 54 dân tộc, trong đó có các dân tộc ít người. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp cần quan tâm, có trách nhiệm tạo lập hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ít người ở Việt Nam theo hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo
Ái, T. V., Toàn, H. H., & Phương, N. C. (2006). Văn hóa người Pu Péo. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Cảnh, T. Q. (2009). Đánh giá hiệu quả của một số dự án bảo tồn và phát triển một số dân tộc rất ít người (Si La, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ-đu). Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ.
Đăng, L. H., & Các cộng sự. (2016). Dân tộc Pu Péo. Trong Các dân tộc ở Việt Nam, tập 2: Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Ka đai. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Duy, N. M. (2005, 19/3). Bảo tồn và phát triển các DTTS ít người. Tạp chí Dân tộc điện tử.
Hiền, P. (2021, 20/6). Phát triển vùng đồng bào DTTS rất ít người. Báo điện tử Quân đội nhân dân.
Hùng, P. V. (2007). Dân tộc Rơ-măm truyền thống và phát triển. Hà Nội: Nxb. Lý luận Chính trị.
Lan, B. T. B. (2021). Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Nam, H. (2011). Tổng quan văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Ngân, N. T., & Trang, T. T. T. (2009). Tìm hiểu văn hóa người Giẻ-Triêng, Brâu. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Quyền, L. N. (2000). Trang phục truyền thống của người Si La. Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.47-52.
Vạn, Đ. N. (2002). Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Trong Tính đa dạng văn hóa của Việt Nam - Những tiếp cận về sự bảo tồn. Hà Nội: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia.
Viện Dân tộc học. (1978). Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Viện Dân tộc học. (1984). Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.