Họp về giải pháp chuyển đổi số trong Học viện Dân tộc

26/03/2022

     Chiều 25/03/2022, tại trụ sở Học viện Dân tộc (khu đô thị Dream Town, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), GS.TS Trần Trung – Giám đốc Học viện đã chủ trì cuộc họp về giải pháp chuyển đổi số trong Học viện Dân tộc. Tham dự cuộc họp đại diện Công ty cổ phần Vietsoftpro cùng lãnh đạo và chuyên viên chuyên quản của các đơn vị trực thuộc Học viện.

     Mở đầu cuộc họp, GS.TS. Trần Trung khẳng định, chuyển đổi số là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành giáo dục đào tạo hiện nay. Đặc biệt với Học viện Dân tộc - đơn vị giáo dục đại học có đặc thù riêng về bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, dạy tiếng dân tộc thiểu số, chuyển đổi số thực sự là nhu cầu cấp thiết. Không chỉ góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, mà xây dựng học viện số còn là điều kiện cần để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Toàn cảnh buổi họp

     Đại diện Công ty cổ phần Víetsoftpro với cương vị đơn vị tư vấn đã đưa ra đề xuất chuyển đổi số trong Học viện Dân tộc dựa vào hiện trạng chuyển đổi số hiện tại của nhà trường. Trong đó có giải pháp chi tiết bao gồm: Giải pháp hạ tầng, nền tảng; Giải pháp quản trị nhà trường; Ứng dụng cho sinh viên, giảng viên; Giải pháp ký túc xá thông minh. Các giải pháp này được đề xuất dựa trên 7 chỉ số đối với ngành giáo dục & đào tạo: Chỉ số hạ tầng, nền tảng số và an toàn thông tin; Chỉ số phát triển nhân lực số; Chỉ số về nguồn lực; Chỉ số xây dựng thể chế; Chỉ số hoạt động quản trị số; Chỉ số hoạt động dạy – học số; Chỉ số hoạt động dịch vụ số học đường.      

     Các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận tập trung vào vấn đề chuyển đổi số ở 03 cấp độ. Thứ nhất, thiết kế Học viện số nhằm phục vụ việc xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Học viện với những dự án cụ thể. Thứ hai, thiết kế Học viện số nhằm phục vụ việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Học viện Dân tộc theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư nền tảng số. Thứ ba, ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của học viện hiện tại như: Hoạt động bồi dưỡng cán bộ (công nghệ dạy học trực tuyến, cấp chứng chỉ…); cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ; dữ liệu về dân tộc thiểu số…

     Kết luận tại cuộc họp, GS.TS Trần Trung khẳng định, từ đề xuất chuyển đổi số đã mở ra rất nhiều vấn đề trong nhiệm vụ số hóa tại Học viện Dân tộc. Trước tiên, cần cụ thể nhiệm vụ chuyển đổi số trong Học viện thành các dự án thành phần, trong đó cần thiết có ý tưởng: Quản trị Học viện Dân tộc theo mô hình thông minh; Xây dựng học liệu số trong bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ khoa học công nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng kho minh chứng điện tử trong hoạt động đảm bảo chất lượng; Tổ chức đào tạo và khảo thí trên nền tảng số. Giao Trung tâm Thông tin – Thư viện lập danh sách các dự án đề xuất, giao Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc tổng hợp đưa vào Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021 – 2030. Giao Văn phòng Học viện nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh tỷ trọng đầu tư nền tảng số trong Dự án xây dựng Học viện Dân tộc; Giao Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc tổng hợp các nhiệm vụ thuộc chương trình 219, chương trình 771 để tham mưu phương án số hóa công tác bồi dưỡng; Giao Trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ vùng dân tộc thiểu số (thuộc Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc) làm việc với đơn vị tư vấn lựa chọn 01 nền tảng số để thực hiện theo hướng xã hội hóa tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.    

Nguyệt Thu

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068