Hội thảo tham vấn lấy ý kiến cho các đề cương giáo trình ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số năm 2022

14/09/2022

     Tiếp tục chuỗi hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa 19 đề cương giáo trình giảng dạy thuộc Chương trình đào tạo ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số năm 2022 của Học viện Dân tộc, sáng 14/9/2022, hội thảo lấy ý kiến góp ý cho 03 đề cương giáo trình do Khoa Cơ bản chủ trì đã diễn ra tại trụ sở Học viện (Khu đô thị Dream Town, đường 70, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực biên soạn giáo trình, tổ biên soạn và các giảng viên trong khoa phụ trách học phần.

Toàn cảnh hội thảo

     Dưới sự điều hành của TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, góp ý kiến cho kết cấu, nội dung, hình thức… của 03 đề cương giáo trình: Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số; Phân tích kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số; Giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Với đề cương học phần Giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số, các ý kiến góp ý tập trung nhiều vào kết cấu giáo trình: Bố trí lại số lượng chương, mục; Sắp xếp lại các chương mục cho phù hợp với đặc thù sinh viên và chương trình đào tạo; Thống nhất cách đánh số các đề mục; Chú ý cách chuyển tải nội dung kiến thức. Với đề cương giáo trình Phân tích kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, các chuyên gia góp ý: Xem xét lại tên giáo trình, tên các chương mục, nội hàm của các chương mục đã đặt tên; Nghiên cứu từ khóa tên học phần để xác định đúng phạm vi biên soạn; Điều chỉnh lượng kiến thức hàn lâm trong nội dung giáo trình; Bổ sung chương Nhập môn phân tích kiến thức kinh tế xã hội; Sắp xếp lại nội dung đề cương, bám vào từ khóa “Phân tích kinh tế xã hội”… Với đề cương giáo trình Giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số, các chuyên gia đều chung nhận định cần xem lại tên giáo trình, đồng thời bố trí, sắp xếp hợp lý các chương mục trong phần nội dung. Các ý kiến góp ý đều hướng tới mục tiêu đảm bảo tỷ lệ giữa hàm lượng tri thức hàn lâm với thực tiễn, giữa kiến thức với kỹ năng; nội dung đề cương đảm bảo tính hiện đại, khoa học, logic, cập nhật được những tri thức khoa học mới về kinh tế giáo dục.

     Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho 03 đề cương giáo trình do Khoa Cơ bản chủ trì, bao gồm: Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số; Phân tích kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số; Giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết cũng đề nghị các tổ biên soạn tăng cường họp nhóm để hoàn thiện các đề cương đúng tiến độ và thời gian kế hoạch. Sau khi hoàn thiện đề cương, các tổ biên soạn sẽ triển khai các bước tiếp theo trong quá trình biên soạn giáo trình ngành Kinh tế giáo dục phục vụ giảng dạy tại Học viện Dân tộc.

                                                                                                                                                                                                                                       Minh Quân

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068