Hội thảo Đánh giá tổ chức thực hiện Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức

26/12/2019

     Sáng 26/12/2019, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc tổ chức Hội thảo Đánh giá tổ chức thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” năm 2019 (Theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ban, ngành; đại diện giảng viên, báo cáo viên; một số nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Dân tộc. PGS. TS. Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

     Theo dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”, năm 2019, Học viện Dân tộc đã tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, các bộ ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2025; triển khai tổ chức các hội thảo rà soát, đánh giá nhu cầu, xác định đối tượng, xây dựng tài liệu, chuẩn bị công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), đào tạo giảng viên, báo cáo viên…Kết quả, năm 2019 đã triển khai 21 đợt tập huấn cho 557 học viên là các giảng viên, báo cáo viên thuộc các bộ, ngành, các địa phương và các nhà khoa học; tổ chức 42 lớp (mỗi tỉnh 02 lớp, mỗi lớp 30 học viên) bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và đối tượng 4 tại các tỉnh, thành phố; triển khai công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo Quyết định số 771/QĐ-TTg…

PGS. TS. Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc phát biểu tại Hội thảo.

     Trên cơ sở những nội dung được trình bày, đại biểu dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham luận, những ý kiến thảo luận đánh giá cao những nỗ lực của Đảng ủy, Ban giám đốc HVDT đã tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc trong năm 2019. Tuy nhiên để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án trong những năm tiếp theo, các đại biểu đã đề xuất một số nội dung cần chỉnh sửa bổ sung như: các chuyên đề giảng dạy nên rút gọn lại;  cần nâng cao định mức kinh phí trong xây dựng chuyên đề, tài liệu; công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, đặc biệt là dậy tiếng DTTS và kỹ năng sư phạm; xác định nhu cầu thực tế của địa phương; yêu cầu của công tác kiểm tra cuối khóa, cấp chứng chỉ; phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại các địa phương…

     Tổng kết tại buổi Hội thảo PGS. TS. Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự. Học viện Dân tộc với vai trò là cơ quan đầu mối, điều phối các hoạt động đã triển khai thành công các nhiệm vụ được giao. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; khẳng định vai trò, vị thế của UBDT trong triển khai chính sách dân tộc. Các ý kiến tham luận và đề xuất đã có những phân tích, làm rõ hơn các nguyên nhân khách quan và chủ quan, các khó khăn, tồn tại cùng các kiến nghị hết sức cụ thể, thực tế để triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần triển khai thành công Kế hoạch triển khai Đề án 771 trong thời gian tới.

Phạm Hiếu

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068