Học viện Dân tộc Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Khai giảng năm học 2024-2025

20/11/2024

     Sáng ngày 20/11/2024, tại trụ sở, Học viện Dân tộc đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) và Khai giảng năm học 2024-2025. Tới dự buổi lễ có đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cùng đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc và toàn thể viên chức, nhà giáo cùng các em sinh viên của Học viện.

Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT tặng hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng năm học mới

     Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc ôn lại, cách đây 42 năm, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Theo đó, “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Kể từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn của toàn xã hội. Đây là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người làm công tác giáo dục, đồng thời khẳng định những đóng góp, cống hiến to lớn của ngành giáo dục đối với sự phát triển đất nước. Sự tôn vinh của xã hội cho thấy truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam và niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối các thầy cô giáo, đòi hỏi mỗi chúng ta phải không ngừng phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quý.

     GS.TS Trần Trung nhấn mạnh: Trước mắt chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cũng có muôn vàn thách thức. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với giáo dục, đối với nhà giáo. Nhưng từ một nền kinh tế khó khăn, cuộc sống của người thầy chưa cải thiện được nhiều, lao động của người thầy chưa được đánh giá một cách đúng mức nhất. Mặt trái của kinh tế thị trường ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chân giá trị của người thầy, tác động tiêu cực đến quan niệm xã hội về hình ảnh người thầy. Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi đổi mới công tác nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần thiết tập trung trí tuệ để tìm hướng đi đúng đắn cho Học viện và đóng góp cho nền giáo dục nước nhà cũng như sự nghiệp công tác dân tộc. Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập thể viên chức, người lao động HVDT chụp ảnh kỷ niệm với Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và các đại biểu

     Trong thời gian qua, kể từ khi Học viện Dân tộc ra đời trên cơ sở sáp nhập giữa hai đơn vị Viện Dân tộc và Trường Cán bộ dân tộc (theo Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 08/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc thành Học viện dân tộc). Trải qua, hơn 8 năm xây dựng và phát triển, Học viện Dân tộc đã đón nhận và đào tạo được khoá thứ 4 với trên 100 em sinh viên. Đây là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước, sự phát triển của đất nước nói chung và sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

     Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự tạo điều kiện của Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, Học viện đã có những dấu ấn quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác: hiện nay, đội ngũ Ban Giám đốc đã cơ bản được kiện toàn, tạo sự ổn định trong công tác tổ chức cán bộ; cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, đáp ứng niềm mong mỏi của giảng viên và các em học sinh về môi trường dạy học hiện đại; công tác tuyển sinh đạt chỉ tiêu, góp phần củng cố và tạo niềm tin về sứ mệnh lịch sử của Nhà trường trong công tác giáo dục dân tộc; chất lượng bồi dưỡng ngày càng đổi mới, nâng cao, theo đó yêu cầu tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được đáp ứng với yêu cầu đặt ra.

     Cùng ngày, Học viện Dân tộc cũng đã tổ chức Khai giảng năm học 2024-2025. Những năm qua, kết quả đào tạo của Học viện Dân tộc từng bước được đổi mới, tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại. Năm học 2022-2023 số học sinh đạt kết quả giỏi và xuất sắc chiếm 24,4 % cụ thể: Sinh viên K1 có 6 sinh viên và sinh viên K2 có 4 sinh viên. Năm học 2023-2024, Học viện có 73 sinh viên đến từ 22 dân tộc anh em ở 19 tỉnh thành trong cả nước. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo được Học viện quan tâm và xác định là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng đào tạo. Đồng thời, Học viện Dân tộc đã ký kết Chương trình phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để mở rộng đội ngũ chuyên gia trong công tác nghiên cứu, bồi dưỡng và đào tạo đại học…

Toàn cảnh buổi Lễ

     Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo của Học viện là 117 sinh viên, trong đó 55 nam, 62 nữ, 107 sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 91% trên tổng số sinh viên đang theo học, gồm: 16 em người Mông, 16 em người Thái, 03 em người Nùng, 08 em người Dao, 07 em người Mường, 08 em người Khmer, 02 em người Mạ, 10 em người Tày, 12 em người Gia-rai, 03 em người La Hủ, 02 em người La Ha, 01 em người Chứt, 02 em người Tà Ôi, 01 em người La Chí, 02 em người Rơ Măm, 01 em người Mảng, 01 em người Mnông, 01 em người Bố Y, 01 em người Hoa, 01 em người Xinh mun. 01 em người Khơ mú, 01 em người Lào, 03 em người Ba na, 04 em người Ê đê (Tổng có 10 em thuộc dân tộc rất ít người: Rơ măm, Mảng, Bố Y, Chứt, La Ha, La Hủ, Rơ măm, Mảng). Các sinh viên đến từ 20 tỉnh trong cả nước trải dài từ tỉnh Điện Biên đến mũi Cà Mau (các em đều ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn…). Kết quả đào tạo trong thời gian vừa qua từng bước được đổi mới, tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại. Đối với sinh viên khóa I có 06 sinh viên đạt kết quả giỏi; khóa II có 05 sinh viên đạt kết quả Giỏi; khóa III có 10 sinh viên đạt kết quả giỏi; khóa IV sinh viên đang theo học. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo được Học viện quan tâm và xác định là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng đào tạo. Đồng thời, Học viện Dân tộc đã ký kết Chương trình phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để mở rộng đội ngũ chuyên gia trong công tác nghiên cứu, bồi dưỡng và đào tạo (như Đại học Thái Nguyên, Học viện Chính trị công an nhân dân, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị khu vực 1, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Dân tộc học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam…). Ngoài việc thực hiện theo chương trình kế hoạch đào đào tạo, sinh viên còn tham gia các sự kiện, ngày hội, các hoạt động hướng trải nghiệm thực tế, tham gia tọa đàm khởi nghiệp sinh viên tại Học viện; đồng thời sinh viên được tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; hằng năm các em sinh viên được tham gia các hoạt động tình nguyện. Từ đó, mỗi sinh viên có thêm hiểu biết, niềm tin, càng có trách nhiệm hơn với cộng đồng, ra sức học tập và rèn luyện.

Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu ý kiến chỉ đạo

     Thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, phát biểu tại buổi lễ, đổng chí Y Thông Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của Học viện trong công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy. Đồng thời, chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động và các em sinh viên nhà trường bước vào năm học mới với ngập tràn niềm vui, hoàn thành hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu Học viện Dân tộc xây dựng một tập thể đoàn kết thống nhất; không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học; cập nhật và đổi mới phương pháp dạy học, nội dung chương trình đào tạo; xây dựng được đội ngũ giảng viên, môi trường giáo dục lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục, đào tạo. Trong đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn thể, chính quyền của Học viện... đặc biệt, cần tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chiến lược chính sách dân tộc, tham mưu cho Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; thu hút đội cán bộ có trình độ cao về công tác tại Học viện Dân tộc. Cần động viên, khuyến khích sinh viên học tập gắn với nghiên cứu khoa học; đặc biệt tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Học viện cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khẳng định vai trò, vị trí, sứ mệnh thực sự là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

     Cũng trong buổi lễ, nhà trường đã tặng quà khen thưởng cho các em sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

GS.TS. Trần Trung, Giám đốc HVDT tặng giấy khen các sinh viên thủ khoa đầu vào Khóa 4

NGƯT, PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch Hội đồng Học viện tặng giấy khen cho các sinh viên đạt xuất sắc của Khóa 1

PGS.TS. Lê Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Học viện tặng giấy khen cho các sinh viên đạt xuất sắc của Khóa 2

TS. Phạm Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Học viện tặng giấy khen cho các sinh viên đạt xuất sắc của Khóa 3

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) và khai giảng năm học 2024-2025.

Duy Dũng

 

 

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068