Giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

26/04/2024

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Đơn vị: Học viện Dân tộc

Loại hình: Sách chuyên khảo

ISBN: 978-604-956-704-9

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm: 2019

 

Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận cấu thành và giữ vai trò quan trọng của quá trình giáo dục toàn diện, có mối quan hệ chặc chẽ và hỗ trợ các mặt giáo dục đức, trí, thể, mỹ, tạo nên một chỉnh thể thống nhất và toàn vẹn của nhân cách học sinh. Đào tạo nguồn nhân lực cán bộ người dân tộc thiểu số luôn là đường lối chiến lược về chính sách dân tộc của Đảng ta nhằm mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc: “Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”. Do vậy, với nhiệm vụ chính trị của các trường phổ thông dân tộc nội trú là tạo nguồn đào tạo cán bộ cơ sở cho vùng dân tộc thiểu số thì vấn đề quán lý giáo dục hướng nghiệp cho học sinh càng cần phải nghiêm cứu đề xuất biện pháp hữu hiệu để thực hiện đúng quan điểm của Đảng ta về công tác dân tộc.

Trong những năm qua, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nên nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh học sinh và cả xã hội; góp phần cho sự dịch chuyển và những thay đổi tích cực về kết quả phân luồng học sinh trước và sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam chưa có hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp cho học sinh một cách định lượng mà chỉ xem xét vấn đề này một cách định tính; chỉ tiêu chất lượng đầu ra của các nhà trường trung học phổ thông dân tộc nội trú đều được dừng lại ở việc phấn đấu có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao và thi đỗ vào đại học, cao đẳng; vấn đề chọn nghề, chọn trường để học bậc học cao hơn của học sinh sau khi tốt nghiệp không được các nhà trường kiểm soát.

Bối cảnh hiện nay, với đặc điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo dục hướng nghiệp được xem là một mặt giáo dục, nhà trường thực hiện giáo dục hướng nghiệp lồng ghép trong các hoạt động giáo dục đức, trí, thể, mỹ, hoạt động trải nghiệm. Giáo dục đại học phát triển nhưng chưa được quy hoạch phù hợp với cơ cấu nền kinh tế và nhu cầu nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0). Không ít sinh viên đại học ra trường không có việc làm, phải tiếp tục học thêm nghề khác với trình độ trung cấp để đáp ứng nhu cầu lao động nghề hoặc lao động phổ thông; tình trạng thiếu nhân lực lao động lành nghề, thừa nhân lực lao động thủ công chiếm tỉ lệ rất cao.

Hiện nay, quản lý giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú nói chung và trường trung học phổ thông dân tộc nội trú vùng Tây Bắc nói riêng còn nhiều bất cập: Chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp; không có tổ chuyên môn chuyên trách về giáo dục hướng nghiệp; sự dàn trải lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các hoạt động giáo dục khác, sự thiếu quan tâm về đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp, dành chỗ cho các trường đại học tuyên truyền định hướng nghề nghiệp nhằm mục đích tuyển sinh ồ ạt ngay trong các nhà trường chỉ để đạt chỉ tiêu tuyển sinh cho trường đại học đó, chính là những vấn đề bất cập dẫn đến không quản lý được kết quả giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú.

Trong bối cảnh đó, tình trạng nhiều học sinh tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú sau khi hưởng chế độ chính sách học tập của nhà nước được cử tuyển đi học đại học bỏ học; tốt nghiệp đại học ra trường vẫn thất nghiệp và không làm đúng ngành nghề được đào tạo, chưa được sử dụng do yếu kém về năng lực thích ứng nghề nghiệp trong cả nước nói chung và ở một số địa phương vùng Tây Bắc nói riêng vẫn còn tồn tại.

Giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông là vấn đề đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên ở Việt Nam, lý luận về giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp trong nhiều năm vẫn chưa có nhiều sự thay đổi và phát triển theo xu thế phát triển của giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0. Nghiên cứu về quản lý giáo dục ở các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú cho một khu vực dân tộc thiểu số như vùng Tây Bắc trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa được khai thác một cách phù hợp, việc tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú là một trong những vấn đề khoa học rất có ý nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo, sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cho vùng Tây Bắc, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới được phát hành.

Cuốn sách này là tài liệu chuyên khảo được tuyển chọn từ các chuyên đề nghiên cứu của tác giả. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng số liệu thống kê của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau, từ trung ương đến địa phương nhằm cung cấp các thông tin đa chiều về giáo dục hướng nghiệp và quản lý giáo dục hướng nghiệp đến độc giả.

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068