Hội thảo Tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc Mông, thực trạng và giải pháp

02/07/2019

     Chiều 28/6 tại Hà Nội, Học viện Dân tộc đã tổ chức Hội thảo Tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc Mông, thực trạng và giải pháp. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia thuộc Chương trình CTDT/16-20  “ Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững dân tộc Mông đến năm 2030”, do TS Hoàng Hữu Bình, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ dân tộc làm Chủ nhiệm đề tài. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Dân vận Trung ương, đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, cùng toàn thể các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài Học viện Dân tộc. 

Toàn cảnh hội thảo 

     Với mục tiêu của đề tài là làm rõ hiệu quả, tác động của chính sách phát triển kinh tế - xã hội ; nhận diện những vấn đề cơ bản trong phát triển bề vững  dân tộc Mông ở nước ta hiện nay; đề xuất quan điểm, giải pháp, hoàn thiện chính sách nhằm phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam đến năm 2030. Hội thảo đã nghiên cứu tập trung vào thực trạng tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng Dân tộc tộc Mông hiện nay. Trong những năm trở lại đây, sự gia tăng của một bộ phận đồng bào Mông theo đạo Tin lành đã dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và xã hội. Trong không ít gia đình, họ tộc, làng bản đã có sự xuất hiện của những nhóm người chủ trương duy tồn tôn giáo, tĩn ngưỡng truyền thống với những người anh em trở thành tín đồ của đạo Tin lành. Sở dĩ như vậy vì trong vũ trụ quan của người Mông truyền thống có nhiều nét tương đồng với vũ trụ quan Kitô giáo; ngoài ra, tôn giáo, tín ngưỡng Mông truyền thống đang suy yếu, thậm chí lâm vào khủng hoảng. Do đó Hội thảo hy vọng sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các vị chức sắc tôn giáo suy nghĩ, thảo luận để không những trình bày thực trạng, xu thế vận động mà còn đề xuất những giải pháp khoa học, giàu tính thực tiễn để đồng bào Mông truyền thống và cộng đồng Mông theo Công giáo và Tin Lành yên tâm, sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Ông Vương Duy Bảo, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch

 phát biểu tại Hội thảo

     Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hoàng Hữu Bình, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: “Đồng bào Mông là một dân tộc có nhiều nét đặc thù về lịch sử và văn hóa. Từ nhiều thế kỷ qua, đồng bào Mông đã sống định cư ở Việt Nam, nhiều nước Đông Nam Á và là một trong những dân tộc anh em, đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”. Do đó, Chủ nhiệm đề tài cho rằng, tuy đây chỉ là Hội thảo trong phạm vi của một Đề tài quốc gia thuộc Chương trình CTDT/16-20, nhưng những vấn đề mà Hội thảo đặt ra có ý nghĩa rộng lớn hơn, bởi lẽ những vấn đề của cộng đồng Mông trong nhiều trường hợp là những vấn đề quan tâm chung của đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

     Hội thảo đã lắng nghe các báo cáo về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Mông ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông; Vai trò tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của người Mông hiện nay và những biến đổi; Đôi nét về quá trình phát triển của đạo tin lành; Đánh giá quá trình phát triển đạo tin lành ở vùng dân tộc Mông; Sự phát triển đạo tin lành vùng tộc người Mông- một vài đánh giá. Các báo cáo đã giới thiệu một số nét chung về cộng đồng Mông trên thế giới và ở Việt Nam, trình bày tổng quan về cộng đồng Mông theo Tin Lành ở Việt Nam, giải thích lý do một bộ phận đồng bào Mông cải đạo sang Tin Lành, và đề xuất một số giải pháp đối với đồng bào Mông truyền thống và đồng bào Mông theo Tin Lành. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận của đại diện Ban Dân vận, một số đại diện có uy tín trong đồng bào Mông truyền thống, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện…

Phạm Hiếu

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068