Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi bò thịt: Hiệu quả trông thấy của mô hình nhằm góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

15/07/2020

      Năng suất đàn bê sinh ra có khối lượng cơ thể lớn hơn, sinh trưởng nhanh hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... là những kết quả đạt được trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi bò thịt tại một số địa phương vùng đồng bào DTTS. Dự án do Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) chủ trì thực hiện

     Triển khai từ năm 2017, mục đích Dự án Ứng dụng các tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi ở một số tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.

     Cụ thể, Dự án đã chọn 240 bò cái địa phương làm bò nền và 4 bò đực (3/4 máu giống bò Brahman đỏ). Sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò đực Brahman đỏ thuần chủng và phối giống trực tiếp bằng bò đực Brahman đỏ. Trong thời gian thực hiện Dự án, số bê sinh ra được 180 con. Với kỹ thuật này, năng suất đàn bê sinh ra có khối lượng cơ thể lớn hơn, sinh trưởng nhanh hơn, năng suất sinh sản và chất lượng đàn bò cao hơn từ 15 - 20% so với bò địa phương.

Mô hình nuôi bò thịt vỗ béo giúp nhiều hộ dân từng bước thoát nghèo.

     Trong quá trình nuôi bò, các hộ gia đình được áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng, vỗ béo, thú y phòng bệnh, chế biến, sử dụng thức ăn thô... Đặc biệt, khi ứng dụng KHCN trong chăn nuôi nhốt vỗ béo giai đoạn giết thịt, không những tăng năng suất mà còn kiểm soát được an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

     Sau 3 năm triển khai, Dự án đã mang lại những kết quả rất khả quan. Điển hình, tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có 40 hộ tham gia Dự án, trong đó có 20 hộ nghèo đã được đánh giá thoát nghèo; 20 hộ cận nghèo sau khi tham gia Dự án có 16 hộ thành hộ trở thành hộ khá.

     Hiệu quả đáng phấn khởi là khi tham gia Dự án, các hộ chăn nuôi còn có thêm kiến thức về chế biến thức ăn bằng công nghệ ủ chua lên men. Công nghệ giúp thu hoạch cỏ đúng tuổi, tăng gấp 1,5 lần đợt thu hoạch trong năm. Chất lượng cỏ tăng trên 25% so với ăn cỏ tươi. Điển hình như gia đình anh Đặng Văn Thư, dân tộc Dao, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, được Dự án hỗ trợ nuôi 2 con bò cái và 1 con bò đực. Sau 3 năm, 2 con bò cái đã sinh được 2 con bê con. Phát triển được đàn bò lên 5 con với tổng giá trị cả trăm triệu đồng, gia đình anh Thư đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Với mô hình nuôi bò thịt theo hướng thâm canh đàn bò phát triển, sinh trưởng nhanh hơn

     Cùng với tăng năng suất đàn bò, một trong những thành công của Dự án chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh là giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ chăn nuôi. Các hộ đã thực hiện xây hố ủ phân 2 ngăn và ủ phân hữu cơ theo công nghệ Compost, sản phẩm phân hữu cơ sau ủ có màu đen, tơi xốp, không còn mùi hôi thối của phân tươi, phân được sử dụng ngay cho cây trồng.

     Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương, của người dân về ứng dụng các tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Minh Hồng

Tin liên quan