Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc

20/07/2020

Đơn vị:

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc

Phó Giám đốc:

TS. Nguyễn Văn Dũng

Điện thoại:

024.37957206

Email:

trungtamboiduong@hvdt.edu.vn

Địa chỉ:

Khu đô thị Dream Town, đường 70, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

            Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc được thành lập theo Quyết định số 519/QĐ-UBDT ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc trên cơ sở phát triển từ Phòng Đào tạo của Trường Cán bộ Dân tộc (cũ).

I. Chức năng, nhiệm vụ

1. Chức năng

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc thực hiện chức năng tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ ngành, vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc trong hệ thống chính trị. Liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế về các chuyên ngành phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; thực hiện liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

2. Nhiệm vụ

- Trình Giám đốc Học viện Dân tộc phê duyệt và thực hiện kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, người có uy tín vùng dân tộc và miền núi.

- Tổ chức thực hiện các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, người có uy tín vùng dân tộc và miền núi.

- Tổ chức các khoá bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch (chuyên viên, chuyên viên chính); theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý (cán bộ lãnh đạo cấp phòng …) và các lớp về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

- Tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc các nước trong khu vực và trên thế giới theo Chương trình hợp tác của Chính phủ và thoả thuận giữa Uỷ ban Dân tộc Việt Nam với Chính phủ và các Bộ, ngành của các nước.

- Xây dựng chương trình, biên soạn, xuất bản giáo trình, tập bài giảng, học liệu và sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về dân tộc, công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số.

- Nghiên cứu phương pháp dạy, học, phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về dân tộc, công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số.

 - Nghiên cứu thực hiện các đề tài, dự án về các lĩnh vực có liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về dân tộc, công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

- Tư vấn, phản biện trong việc xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tư vấn, phản biện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc.

- Phối hợp, tham gia công tác đào tạo cử nhân, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, liên kết hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đào tạo cử nhân, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tham gia bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc với các cơ sở giáo dục khác.

- Liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề ở trong nước và quốc tế thực hiện đào tạo nghề cho người lao động vùng dân tộc và miền núi.

- Nghiên cứu tổng kết đánh giá hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, người có uy tín vùng dân tộc và miền núi.

- Đề xuất cấp các chứng chỉ, chứng nhận thuộc phạm vi đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của Nhà nước.

- Thông tin, tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi.

- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế theo phân cấp của Giám đốc Học viện. Thực hiện các chế độ, chính sách, nhận xét, đánh giá và theo dõi việc chấp hành nội quy và hiệu quả công tác đối với viên chức và người lao động của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc; quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc Học viện Dân tộc giao.

II. Cơ cấu tổ chức

Đội ngũ cán bộ gồm có 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc Trung tâm và 04 cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động. Đến nay Trung tâm có 01 tiến sĩ, 02 thạc sĩ, 01 cử nhân và 01 người đang học cao học.

*Tổ chức bộ máy bao gồm:

- Ban Giám đốc;

- Phòng và đơn vị trực thuộc:

+ Phòng Hành chính - Tổng hợp;

+ Phòng Quản lý bồi dưỡng cán bộ;

+ Phòng Nghiên cứu khoa học về công tác bồi dưỡng cán bộ;

+ Các phòng, đơn vị trực thuộc khác.

III. Chiến lược phát triển của Trung tâm

1. Sứ mạng

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế.

2. Tầm nhìn

Xây dựng Trung tâm thành một Trung tâm đạt chuẩn về chất lượng trong hoạt động bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc, có uy tín, ngang tầm với các Trung tâm bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của cả nước, từng bước tiếp cận, hoà nhập với nền giáo dục hiện đại.

3. Giá trị

Kỷ luật, trách nhiệm, đoàn kết và khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, viên chức là sức mạnh của Trung tâm.

4. Mục tiêu

- Trung tâm hướng đến tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị làm công tác dân tộc và người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh, vị trí việc làm góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học trong  xu thế hội nhập của đất nước.

- Hoàn thiện dần cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trung tâm phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của Học viện và Điều lệ Trường đại học, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Đa dạng hóa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển trên các lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc  đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng dân tộc và miền núi, hội nhập quốc tế; tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã bồi dưỡng được 32 lớp với khoảng gần 1000 lượt học viên tham gia. Trong số đó có nhiều người đã và đang giữ trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước nói chung, Uỷ ban Dân tộc và các Ban Dân tộc nói riêng./.

Tin liên quan