Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn

02/07/2019

     Ngày 28/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển, các tổ chức Phi Chính phủ góp ý nội dung “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo
     Tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và các tổ chức Phi Chính phủ; đại diện các vụ, đơn vị thuộc UBDT.
     Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và vùng KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 được xây dựng dựa trên việc thực hiện Nghị quyết 74/NQ-QH14 ngày 20/11/2018 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, UBDT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án để Chính phủ trình Quốc hội trong quý III năm 2019. Đây là đề án rất quan trọng, làm căn cứ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi, vùng KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.
Theo dự thảo Đề án, vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH ĐBKK là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, KT-XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái; nhưng thực tế hiện nay lại là vùng có điều kiện KT-XH phát triển khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất... Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và KT-XH ĐBKK là rất cần thiết, qua đó xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Quang cảnh Hội thảo
     Mục tiêu của Đề án hướng tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn ĐBKK; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển... Định hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh trong vùng DTTS đạt 8-10%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm, giảm 30% số xã ĐBKK và 50% số thôn ĐBKK so với năm 2019; trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa...
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của vùng DTTS và miền núi, các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, Đề án đã tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn, chính xác, khoa học về thành tựu, hiện trạng, khó khăn của cộng đồng các DTTS trong giảm nghèo và phát triển bền vững; Đề án với mong muốn kết hợp, tích hợp được các chính sách ở nhiều mảng khác nhau và các chương trình khác nhau, nếu được thiết kế tốt sẽ góp phần giải quyết vướng mắc lớn trong giảm nghèo giai đoạn vừa qua, đó là sự chồng chéo về chính sách, sự thiếu nhất quán trong quy trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá và thanh quyết toán. Đề án cũng nêu ra những luận điểm quan trọng liên quan đến đầu tư, phát triển bền vững đi liền với xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng DTTS và miền núi so với vùng phát triển; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển KT-XH đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.
Các ý kiến cũng cho rằng, Đề án đã đưa ra bức tranh khá rõ về hiện trạng và các khó khăn của đồng bào DTTS, song cần nêu bật được các nguyên nhân cốt lõi của các hiện trạng, khó khăn này. Việc đánh giá hiện trạng cũng cần nêu bật được các tiềm năng, thế mạnh ở các địa bàn ĐBKK, nơi có đông đồng bào sinh sống. Trong đó có các yếu tố quan trọng, cần được nhấn mạnh hơn để làm cơ sở cho các giải pháp của Đề án, như: Thế mạnh về tổ chức cộng đồng; tiềm năng phát triển kinh tế địa phương; tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, kinh tế cửa khẩu... Việc đánh giá hiện trạng cũng cần nhấn mạnh hơn đến tính đa dạng, đặc thù và phân hóa rõ nét của từng địa bàn ở vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội thảo
     Thông tin về việc thiếu đất sản xuất, đất rừng ở vùng DTTS và miền núi được các đại biểu đề nghị bổ sung vào phần đánh giá hiện trạng của Đề án. Vì thiếu đất sản xuất, đất rừng là một trong những nguyên nhân cơ bản của nghèo đói trong các cộng đồng DTTS và miền núi (hiện có đến 87-98% các hộ gia đình DTTS sống dựa vào nông nghiệp; có hơn 54.000 hộ gia đình thiếu đất sản xuất và hơn 58.000 hộ thiếu đất ở). Bên cạnh đó, cần bổ sung các thông tin cụ thể về những tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro liên quan đến các vùng và nhóm DTTS.
Để có thể coi Đề án là một bước đi tiếp nối các chương trình giảm nghèo của giai đoạn 2010-2020, đặc biệt của Chương trình 135 các giai đoạn trước, các đại biểu đề nghị Đề án cần nhấn mạnh tới việc tiếp nối các nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt, các sáng kiến, điểm sáng của các chương trình giảm nghèo của các giai đoạn trước.
Một số ý kiến cho rằng, đây là Đề án mang tính tổng thể và toàn diện, liên quan đến rất nhiều mảng chính sách khác nhau, chính vì vậy nội dung Đề án bị dàn trải và thiếu các nhóm can thiệp ưu tiên, cốt lõi. Vì vậy, bên cạnh tính tổng thể, Đề án cần xác định có cả chính sách đặc thù, điều này cần được thể hiện rõ hơn trong từng chương trình, chính sách.
     Các nội dung thuộc Đề án liên quan đến tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, các vấn đề xã hội (tảo hôn, hôn nhân cận huyết), văn hóa dân tộc, vấn đề về giới, phụ nữ và trẻ em DTTS... cũng được các đại biểu tập trung thảo luận, đề cập đến các đề xuất, giải pháp cụ thể nhằm đóng góp, bổ sung cho Đề án.
Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu dự Hội thảo. Các ý kiến rất thiết thực, xác đáng, có nhiều sáng kiến, đề xuất mới, điều đó thể hiện trí tuệ, sự tâm huyết với đồng bào DTTS và miền núi. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng, các ý kiến không chỉ góp phần hoàn thiện Đề án tổng thể, mà sau khi Đề án được phê duyệt, những ý kiến tại Hội thảo này sẽ góp phần vào xây dựng hệ thống chính sách cụ thể, đóng góp vào quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án tiếp thu, bổ sung các ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Theo ubdt.gov.vn
ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068