Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam

03/07/2020

     Vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) có điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp. Do đặc điểm này mà vùng DTTS, MN được xem là một đối tượng đặc thù cần có các mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển KT-XH phù hợp, trong đó có phát triển giáo dục.

     Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định các mục tiêu phù hợp cho vùng DTTS, MN, như: “ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù”; “xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời, đặc biệt đối với người DTTS, người nghèo, con em diện chính sách”; “tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành” đồng thời “chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học”; hội nhập nền giáo dục “trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc”.

Sau 10 năm thực hiện CLPTGD với nhiều cố gắng của ngành Giáo dục cũng như toàn thể hệ thống chính trị - xã hội, các mục tiêu CLPTGD vùng DTTS, MN đã thu được nhiều kết quả.

Cô và trò điểm trường Tâk Pổ, thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường mẫu giáo Phong Lan (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020

     Đẩy mạnh công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng DTTS, MN

     Phổ cập giáo dục (PCGD) là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. PCGD có vai trò đặc biệt quan trọng trong giải quyết một cách cơ bản những yếu kém, hạn chế về giáo dục đang tồn tại ở vùng DTTS, MN. Công tác PCGD vùng DTTS, MN được triển khai theo cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cũng đã thu được những kết quả to lớn.

     Công tác PCGD mầm non giai đoạn 2011-2020 tập trung vào đối tượng trẻ 5 tuổi. Việc huy động trẻ 3-5 tuổi đến lớp là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác PCGD vùng DTTS, MN. Mặc dù nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ huy động trẻ vùng DTTS, MN giai đoạn 2011-2019 chỉ đạt 56,2% (cả nước đạt 88,5%); tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ chỉ đạt 11,8% (cả nước đạt 25,8%).

     Nguyên nhân kết quả PCGD mầm non vùng DTTS, MN chưa cao là do: Tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn; thiếu CSVC trường lớp mầm non, nhất là nhà trẻ; thiếu các chính sách phù hợp trong tuyển dụng và hỗ trợ GV mầm non thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; đội ngũ GV thiếu ổn định, nhiều GV bỏ nghề vì hợp đồng ngắn hạn và lương thấp; địa phương chưa quan tâm đào tạo bồi dưỡng năng lực giáo viên theo yêu cầu thực tiễn vùng DTTS, MN; vẫn còn một số địa phương còn xã trắng về trường mần non; trẻ yếu tiếng Việt, GV không biết tiếng dân tộc gây cản trở việc huy động trẻ và chất lượng giáo dục.

     Công tác PCGD tiểu học giai đoạn 2011-2020 tập trung vào việc tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập (Mức độ 2, Mức độ 3). Công tác PCGD tiểu học vùng DTTS, MN tập trung vào việc duy kết quả huy động HS trong độ tuổi đi học tiểu học và HS hoàn thành chương trình cấp tiểu học; giải quyết chất lượng thực chất của giáo dục, không lấy phát triển số lượng làm chất lượng; đầu tư CSVC trường lớp đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

     Kết quả thực hiện PCGD tiểu học đến năm 2014 đã có 63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi Mức độ 1. Tỷ lệ huy động HS DTTS đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học năm 2011 là 92,15%, năm 2015 là 98,55%, đến năm 2019 là 98,13%. Tỷ lệ HS DTTS được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học năm 2011 là 83,41%, năm 2015 là 91,50%, đến năm 2019 là 96,66%.

     Tuy nhiên, kết quả PCGD tiểu học vùng DTTS, MN còn nhiều hạn chế:  việc huy động HS rất khó khăn, kết quả huy động HS chưa vững chắc; việc nâng chuẩn lên Mức độ 2, Mức độ 3 chậm; CSVC trường lớp thiếu.

     Công tác PCGD THCS giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc, nâng cao chuẩn phổ cập (Mức độ 2, Mức độ 3). Công tác PCGD THCS vùng DTTS, MN tập trung vào tiếp tục củng cố vững chắc và phát triển kết quả PCGD đã đạt được; đẩy nhanh hoàn thành PCGD Mức độ 2, Mức độ 3; nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác phân luồng HS; đầu tư CSVC trường lớp đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

     Kết quả PCGD THCS vùng DTTS, MN đã đạt được nhiều kết quả. Năm 2018 có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn PCGD THCS Mức độ 1. Tỷ lệ huy động HS vùng DTTS, MN đi học đúng độ tuổi cấp THCS là 87,32%. Hệ thống trường PTDTNT THCS được duy trì và mở rộng. Hệ thống trường PTDT bán trú cấp THCS tăng nhanh trong giai đoạn.

     Tuy nhiên, công tác PCGD THCS ở vùng DTTS, MN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục: Việc nâng chuẩn PCGD THCS lên Mức độ 2, Mức độ 3 của các địa phương chậm và khó khăn; tỷ lệ huy động HS đi học đúng độ tuổi và hoàn thành cấp THCS vẫn chưa thật vững chắc; tỷ lệ HS THCS bỏ học còn cao do tham gia lao động sớm và do nạn tảo hôn.

     Phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN

     Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN. Mạng lưới trường lớp các cấp được củng cố, mở rộng. Đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thiện hệ thống trường PTDTNT. Phát triển nhanh hệ thống trường PTDTBT đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Mạng lưới giáo dục thường xuyên phát triển rộng khắp trong toàn quốc đã mở rộng cơ hội học tập cho mọi người.

     Tuy nhiên kết quả về phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN vẫn còn nhiều hạn chế, như: Hệ thống mạng lưới trường lớp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Càng lên vùng núi cao, hệ thống trường lớp càng phân tán nhỏ lẻ, tỷ lệ kiên cố hóa càng thấp, điểm trường, lớp ghép vẫn tồn tại nhiều ở vùng DTTS, MN. CSVC vẫn còn nhiều khó khăn, phòng học xuống cấp vẫn còn nhiều, một số địa phương vẫn còn phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu, công trình vệ sinh thiếu và không đảm bảo, thiếu công trình nước sạch. Hệ thống trường PTDTBT còn nhiều thiếu thốn. Phần lớn hiện nay Các trường PTDTBT thiếu chỗ ở, bếp nấu ăn, thiếu nước sạch, thiếu công trình vệ sinh.

     Việc xây dựng đội ngũ giáo viên cũng đã thu được nhiều kết quả. Đội ngũ GV mầm non và GV phổ thông vùng DTTS, MN cơ bản đáp ứng nhiệm vụ giáo dục. Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao (98.07%). Tỷ lệ GV trẻ cao, có nhiệt huyết, tiếp cận nhanh với các phương pháp giáo dục mới.

     Hạn chế đội ngũ GV vùng DTTS, MN là cơ cấu không cân đối trong khi các tỉnh đều thiếu giáo viên mầm non, đặc biệt là GV nhà trẻ, thì GV tiểu học, GV THCS, GV THPT lại thừa; đội ngũ GV trẻ thiếu kinh nghiệm thực tế nên hạn chế trong vận động HS; GV ít hiểu biết về văn hóa, thiếu kỹ năng ngôn ngữ dân tộc nên hạn chế trọng thực hiện nhiệm vụ giáo dục; việc tuyển dụng và sử dụng GV còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tuyển GV theo hợp đồng ngắn hạn, lương GV không đủ sống, nhiều GV bỏ nghề để đi làm các nghề phổ thông, làm công nhân công ty.

     Đối với cơ sở vật chất, nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, MN. Theo báo cáo của các địa phương, tổng nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục vùng DTTS, MN giai đoạn 2011-2019 khoảng 462.791 tỷ đồng.

     Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần sự thiếu hụt CSVC. Vẫn còn nhiều địa phương thiếu trường lớp. Tỷ lệ kiên cố hóa còn thấp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa cao. Các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các nguồn lực đầu tư chủ yếu trong chờ từ ngân sách trung ương hỗ trợ, cùng với đó ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế.

     Củng cố và phát triển giáo dục chuyên biệt, đặc thù vùng DTTS, MN

Hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học được củng cố, phát triển đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các vùng này. Năm học 2018-2019, toàn quốc có tổng số 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh/thành phố với tổng số 109.245 học sinh nội trú (Tăng 22 trường, 28.413 HS so với năm học 2011-2012). Hiện toàn quốc có 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 28 tỉnh/thành phố (trong đó có 15% trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia) với quy mô 185.671 học sinh bán trú (tăng 970 trường PTDTBT, 172.441 HSBT so với năm học 2011-2012). Ngoài ra, còn có 2.273 trường phổ thông ở 29 tỉnh/thành phố với quy mô 161.241 học sinh bán trú.

     Toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học (Trường DBĐH dân tộc Trung ương Việt Trì, Trường DBĐH dân tộc Sầm Sơn, Trường DBĐH dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường DBĐH thành phố Hồ Chí Minh), 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ GDĐT có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc (Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc) và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học (Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh); với quy mô hơn 4.000 học sinh dự bị/năm.

     Dạy học tiếng dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Từ năm 2011 đến 2020, việc dạy TDT được thực hiện chính thức trong trường phổ thông với 06 TDT(Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer), triển khai thực hiện tại 22 tỉnh/ thành phố với quy mô  756 trường, 5.267 lớp, 174.562 học sinh được học TDT. Dạy học TDT đã góp phần quan trọng trong việc huy động HS đến trường, hỗ trợ nâng cao năng lực ngôn ngữ, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ DTTS.

     Giáo dục văn hóa dân tộc cũng được các địa phương quan tâm. Giáo dục VHDT chủ yếu được triển khai trong phạm vi chương trình địa phương. Ngoài ra, trong các hoạt động ngoài giờ chính khóa, nội dung VHDT cũng được triển khai dạy lồng ghép hay thực hiện dưới dạng tổ chức các hoạt động. Tuy nhiên giáo dục VHDT trong trường phổ thông vùng DTTS, MN còn nhiều hạn chế từ việc xây dựng chương trình, tài liệu đến triển khai thực hiện giáo dục đều chưa đạt chất lượng và yêu cầu. Các địa phương chưa thật sự coi trọng việc xây dựng điều kiện và chất lượng nội dung giáo dục VHDT.

     Nhìn chung, việc thực hiện CLPTGD vùng DTTS, MN giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Những kết quả này đã làm thay đổi chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN, nâng giáo dục vùng này lên một bước cao hơn. Tuy vậy những khó khăn hạn chế của giáo dục vùng DTTS, MN vẫn còn nhiều, chất lượng so với giáo dục vùng thuận lợi vẫn còn khoảng cách xa. Đây là bài toán được đặt ra cho ngành Giáo dục cũng như toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội để trong CLPTGD giai đoạn tới sẽ có những mục tiêu và giải pháp phù hợp nhằm đẩy giáo dục vùng DTTS, MN phát triển nhanh hơn.

Theo https://moet.gov.vn/

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068