Nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp tỉnh "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030"

11/11/2019

     Sáng ngày 08/11/2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài: "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030". Đề tài do TS. Nguyễn Thị Bích Thu làm Chủ nhiệm, Học viện Dân tộc là cơ quan chủ trì. Tham dự buổi nghiệm thu có ThS. Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan quản lý và cơ quan chủ trì nhiệm vụ, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

     Qua 2 năm triển khai, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số còn gặp một số hạn chế, khó khăn như năng lực lãnh đạo, điều hành cơ quan của cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số còn lúng túng, kỹ năng phát triển bản thân chưa cao; người lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn ngại giao tiếp với cộng đồng, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế; nhận thức của học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số về đời sống, nghề nghiệp còn non nớt…Trên cơ sở những đánh giá này, đề tài đã xây dựng 3 mô hình phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cho các đối tượng là cán bộ, công chức dân tộc thiểu số; người lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Cụ thể: người cán bộ dân tộc thiểu số trong thời hội nhập ở huyện Di Linh; người nông dân dân tộc thiểu số trong nền kinh tế thị trường ở huyện Đơn Dương và Lạc Dương; học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số với hành trang vào cuộc sống tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. Kết quả của mô hình với từng đối tượng cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra: cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đã nắm được kỹ năng, kiến thức cần thiết để thực thi công vụ; người lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích nghi với kinh tế thị trường; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có ý thức chọn nghề phù hợp.

     Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao quá trình nghiên cứu nghiêm túc của Ban Chủ nhiệm đề tài. Đề tài được thực hiện công phu, đáp ứng được nội dung đặt hàng, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn cao, cung cấp cơ sở khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Lâm đồng hiện nay. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở định hướng chính sách phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới. Để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu của đề tài, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài cần bổ sung các tài liệu liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu như: số liệu cần nhất quán và cập nhật hơn; các kiến nghị, giải pháp cần xác định cụ thể, gắn với bối cảnh tình hình địa phương. Sau khi nghiệm thu, kết quả nghiên cứu của đề tài cần chuyển giao cho cơ quan chức năng có liên quan sử dụng.

     Đại diện Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả kiểm phiếu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá đề tài 9/9 phiếu đạt và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng để hoàn thiện nội dung theo Quy định./.  

Phạm Hiếu

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068