Nghiên cứu các mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

25/06/2019

     Ngày 25/6/2019, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc (HVDT) tổ chức Hội thảo khoa học góp ý báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài Nghiên cứu các mô hình quản lý nhà nước(QLNN) về công tác dân tộc (CTDT) ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam Mã số CTDT.22.17/16-20 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Chủ nhiệm đề tài chủ trì.Tham dự Hội thảo có đồng chí TS. Bế Trường Thành, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc (UBDT); PGS.TS. Bế Trung Anh, Phó Giám đốc HVDT; các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia phản biện độc lập; đại diện cơ quan chủ quản và cơ quan chủ trì nhiệm vụ cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Toàn cảnh Hội thảo

      Để QLNN về CTDT, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng giải quyết vấn đề trên xây dựng mô hình phù hợp với thể chế cũng như điều kiện thực tế riêng để tạo ra sự ổn định và phát triển đất nước. Thực tiễn đặt ra đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần phải đổi mới mô hình QLNN về CTDT cho hiệu quả, phù hợp với tình hình mới. Những mô hình QLNN về CTDT trên ở một số quốc gia trên thế giới đã được đề tài nghiên cứu, phân tích sẽ mang lại nhiều bài học giá trị tham khảo để đề xuất giải pháp góp phần đổi mới mô hình QLNN về CTDT ở Việt Nam. Đề tài “Nghiên cứu các mô hình QLNN về CTDT ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam sẽ cung cấp luận cứ đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình QLNN về CTDT trong thời gian tới.

     Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày Đề dẫn Hội thảo và tóm tắt nội dung kết quả nghiên cứu. Theo đó, sau 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện, với mục tiêu hệ thống hoá mô hình QLNN về CTDT của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm đối với nước ta; tổng kết mô hình QLNN về CTDT ở nước ta từ khi đổi mới đến nay và những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện mô hình QLNN về CTDT trong thời gian tới, kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày trong 4 nội dung cụ thể sau: Cơ sở lý thuyết và khung phân tích; Mô hình QLNN về CTDT ở một số quốc gia trên thế giới; Mô hình QLNN về CTDT ở Việt Nam; Một số giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện mô hình QLNN về CTDT ở Việt Nam. Trong đó, đề tài đã đạt được một số kết quả nghiên cứu quan trọng sau: Đề tài đã đưa ra được quan niệm tổng thể về mô hình QLNN về CTDT để từ đó có được các góc độ quan sát khoa học, phân tích về đối tượng nghiên cứu; Đề tài làm rõ sự cần thiết nghiên cứu vấn đề mô hình QLNN về CTDT; Đề tài đã lựa chọn các điểm điển hình để triển khai nghiên cứu; khái quát được một số kinh nghiệm trong quá trình điều chỉnh mô hình QLNN trên thế giới trong thời gian gần đây.

          Nhằm thu thập thông tin, hệ thống hoá các mô hình QLNN về CTDT ở một số quốc gia trên thế giới; tổng kết, đánh giá mô hình CTDT ở trong nước, Đề tài tổ chức Hội thảo để tiếp thu ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện Báo cáo tổng hợp của đề tài.

PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo

          Các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Kết cấu, bố cục của báo cáo tổng hợp; Các mặt đạt được và hạn chế trong nội dung báo cáo; khung lý thuyết nghiên cứu, tổng quan các công trình, chuẩn hoá các khái niệm công cụ; Nhấn mạnh và phân tích kỹ đặc điểm về địa bàn cư trú của các dân tộc để hoạch định và tổ chức thực hiện CSDT, tác động của chính sách vùng biên cương, vùng dân tộc của các quốc gia; Sự cần thiết phải nghiên cứu về mô hình QLNN về CTDT ở các nước để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam; Cần làm rõ và xây dựng được các tiêu chí để xây dựng mô hình QLNN về CTDT trên thế giới và ở nước ta. Đồng thời, việc phân tích các mô hình được lựa chọn cần theo khung phân tích nhất quán để thấy được các yếu tố cấu thành mô hình QLNN về CTDT để thấy được quan điểm, đường lối quản lý của Nhà nước đó; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm; giới hạn nghiên cứu của Đề tài trong phạm vi đặt hàng của Chương trình CTDT; đối chiếu, thực chứng, cập nhật, chính xác các số liệu trong nội dung luận giải của Đề tài để qua đó hoàn thiện Báo cáo tổng hợp.

          Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Chủ nhiệm Đề tài ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu. Theo đó, để đề tài đáp ứng các yêu cầu theo Thuyết minh đặt hàng, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung của báo cáo tổng hợp và khẩn trương hoàn thiện các báo cáo khoa học, đảm bảo đúng thuyết minh phê duyệt và thời gian quy định. Đồng thời, Đề tài sẽ tổ chức thêm các buổi tọa đàm chuyên sâu, góp ý các báo cáo chuyên đề cũng như kết nối và huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học để đóng góp vào kết quả nghiên cứu của Đề tài.

          Hồng Hải

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068