Hiệu quả mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững tại huyện Sơn Dương

19/08/2019

     Ngày 06/8/2019 đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò thịt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, triển khai thực hiện tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tham gia Đoàn có Lãnh đạo của Vụ Khoa học và Công nghệ địa phương, Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế -kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (cơ quan chuyển giao công nghệ), đại  diện Ủy ban nhân huyện Sơn Dương và xã tham gia dự án

TS.Nguyễn Hồng Vỹ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc, Chủ nhiệm Dự án phát biểu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra tại huyện Sơn Dương.

     Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò thịt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc (triển khai tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc về chăn nuôi bò thịt thâm canh theo phương thức nuôi nhốt, đảm bảo an toàn sinh học, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng 4 mô hình:  mô hình nuôi bò sinh sản; mô hình nuôi bò thâm canh và vỗ béo trước khi giết thịt; mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn thô xanh; mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại hộ tham gia dự án (hỗ trợ con giống, cỏ, thức ăn tinh bổ sung, tinh bò Brahman và vắc xin phòng bệnh). Thời gian triển khai Dự án từ năm 2017 đến 2020.

     Kết quả, Dự án đã hỗ trợ 240 bò cái sinh sản (có độ tuổi trên 14 tháng) và 04 bò đực giống Brahman (có độ tuổi trên 18 tháng), hỗ trợ cỏ giống VA06, thuốc thú y, tinh bò Brahman, cám bổ sung cho 122 hộ tham gia dự án thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ. Dự án đã đào tạo được 14 kỹ thuật viên là cán bộ địa phương nắm vững các quy trình công nghệ về chăn nuôi bò sinh sản, thụ tinh nhân tạo, nuôi bò thâm canh và vỗ béo, trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn thô xanh từ cỏ, phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô), xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ, quy trình phòng và chữa bệnh cho bò. Các cán bộ kỹ thuật được học lý thuyết gắn với thực hành tại cơ sở chăn nuôi. Triển khai 03 lớp tập huấn cho hơn 300 hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thâm canh và vỗ béo, trồng cỏ, chế biến thức ăn thô xanh, xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Cán bộ kỹ thuật đến từng hộ hướng dẫn cách áp dụng các quy trình kỹ thuật trên.

Kiểm tra mô hình nuôi bò sinh sản tại Ninh Lai

     Tại buổi làm việc với huyện Sơn Dương, theo báo cáo của địa phương Dự án đã hỗ trợ  80 con bò cái giống và 02 bò đực giống Brahman, cỏ giống, thuốc thú y và tinh bò ngoại Brahman cho 42 hộ tham gia dự án. Đoàn đã đến kiểm tra trực tiếp tại các hộ tham gia mô hình. Qua kiểm tra thực tế Đoàn công tác đã đánh giá cao kết quả triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò thịt tại  xã Ninh Lai và Văn Phú huyện Sơn Dương. Dự án đã triến khai nghiêm túc 4 mô hình tại địa phương, đạt kết quả và theo đúng tiến độ, các hộ dân đã nhận đủ số lượng bò giống và các vật tư khác đúng dự toán đã được phê duyệt: Đối với mô hình nuôi bò sinh sản, tỷ lệ bò có chửa đạt trên 97%, số bò đã sinh sản đạt trên 70% ( bê con có độ tuổi >6 tháng, đạt tiêu chuẩn về khối lượng và chất lượng giống); các hộ đã triển khai thực hiện tốt mô hình trồng cỏ năng suất cao, chế biến thức ăn thô xanh và mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi, tại các hộ tham gia dự án; đối với mô hình nuôi bò tham canh và vỗ béo bò thịt, các hộ đã và đang triển khai.

     Dự án đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết được lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho hộ dân vùng nông thôn, miền núi. Mô hình triển khai có hiệu quả, phù hợp với trình độ của người dân, có sức lan tỏa rộng. Đã có nhiều hộ dân trong vùng dự án sau khi được tập huấn đã nhân rộng mô hình theo quy mô gia trại, không cần hỗ trợ của dự án như hộ gia đình anh Đỗ văn Hảo, Ngô Văn Ngọ... xã Ninh Lai đã tăng quy mô đàn từ 02 bò sinh sản lên 04 con bò sinh sản.

 

Kiểm tra chất lượng mô hình ủ cỏ cho bò tại Ninh Lai

     Năm 2019-2020, đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp với đơn vị chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò và địa phương, tiếp tục tiếp nhận và chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò và tấp huấn cho các hộ nông dân đặc biệt chú trọng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho bò. Duy trì các 3 mô hình đã triển khai xong là nuôi bò sinh sản , trồng cỏ, chế biến thức ăn thô xanh, xử lý chất thải rắn của bò; tiếp tục thực hiện mô hình nuôi bò thâm canh và vỗ béo bò thịt đạt chất lượng cao tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ./.

                                                                      Phạm Hiếu

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068